Những con phố bán quần bò nổi tiếng ở Hà Nội bây giờ ra sao?

Thu Hường, Ảnh: Doãn Tuấn, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 10/10/2015

"Trong hơn chục năm buôn bán ở đây, tôi nhớ mình đã cùng các bạn trẻ đồng hành qua bao nhiêu mẫu quần, áo, từ quần ống loe, xẻ tà, quần vá, rách, xước cho đến ống côn, rồi ống suông...", chị Lan Anh, chủ một cửa hàng quần bò đã từng rất đông khách ở phố Trần Nhân Tông chia sẻ.

Lùi lại quá khứ với hình ảnh những con phố chỉ bán toàn đồ bò

Khoảng 5 năm về trước, cứ mỗi khi muốn mua quần, áo bò, người Hà Nội lại rủ nhau lên phố Trần Nhân Tông, Thợ Nhuộm và một vài cửa hiệu trên đường Nguyễn Du lần tìm. Hà Nội ngày ấy dường như rất nhỏ. Quán xá, chợ búa bán đồ bò tuy có nhiều nhưng mật độ có thưa hơn và chất lượng, mẫu mã, giá cả không thể so bằng những con phố nêu trên. Muốn mua thứ hàng hóa ấy, người ta thường an tâm hơn khi tìm đến khu vực trung tâm thành phố.

3-a8786-c8508


anh1-a8786
Trước đây, mỗi khi muốn mua quần, áo bò, người dân Thủ đô lại nô nức rủ nhau lên khu phố Trần Nhân Tông, Thợ Nhuộm và một số cửa hàng trên đường Nguyễn Du.

Theo chị Lan Anh (chủ một hiệu đồ Jeans trên phố Trần Nhân Tông), con phố này trước kia chỉ toàn kinh doanh đồ bò nhưng quán nào, quán nấy đều tấp nập người ra, kẻ vào. "Ngày xưa các cửa hiệu ở đây chuyên về đồ Jeans, ngoài ra không bán kèm thêm bất cứ loại chất liệu gì khác như kaki hay vải... Các cửa hiệu mọc lên san sát nhau và dù chỉ bán cùng một loại hàng hóa nhưng nhịp sống và buôn bán rất tấp nập".

Chị Lan Anh cho biết, phố Trần Nhân Tông nổi tiếng với việc buôn bán quần bò từ những năm 1993-1994. Khoảng 5-7 năm về trước, trung bình mỗi ngày cửa hàng chị bán được 30-40 chiếc quần bò/ngày. Các mẫu quần, áo bò mới được cập nhật liên tục, đáp ứng đủ loại thị hiếu của khách hàng.

BPHO1537-99a9f
Phố Trần Nhân Tông một thời nổi danh với nghề kinh doanh đồ Jeans nay dường như đã "lột xác" khi các cửa hàng áo, quần khác mọc lên.

BPHO1385-d972f
Nhiều cửa hàng đồ Jeans nay được thay thế bằng các tiệm vàng.

BPHO1391-d972f
Cửa hàng quần áo một thời đắt khách của gia đình bà Lan bây giờ đã thành hiệu trà đá vỉa hè.

BPHO1531-99a9f

BPHO1530-94a41
Phố Thợ Nhuộm (đoạn giao cắt với phố Hai Bà Trưng) như được lột xác. Các cửa hàng đồ Jeans được thay thế bằng nhiều cửa hiệu kinh doanh các mặt hàng phong phú hơn xưa.

BPHO1529-99a9f
Cửa hàng đồ Jeans của chị Thủy đã dọn ra vỉa hè chuẩn bị thanh lý sau gần 20 năm kinh doanh.

"Quần, áo bò nhìn chung phục vụ lứa tuổi thanh niên là chính. Trong hơn chục năm buôn bán ở đây, tôi nhớ mình đã cùng các bạn trẻ đồng hành qua bao nhiêu mẫu quần, áo, từ quần ống loe, xẻ tà, quần vá, rách, xước cho đến ống côn, rồi ống suông...", chị Lan Anh nói.

Bà Nguyễn Thị Lan (từng kinh doanh quần áo bò trên phố Trần Nhân Tông) cho biết, khoảng năm 1990, khu phố này chỉ lác đác vài hàng bán quần bò. Tuy nhiên, nhiều người nhận thấy, đây là "đất vàng" của đồ Jeans nên đã ồ ạt kéo đến mở cửa hiệu. "Ngoài những người là dân trên phố còn có nhiều tiểu thương tỉnh lẻ lên thuê mặt bằng, nhập đủ loại quần, áo bò về bán. Giá cả vì thế cũng cạnh tranh, mẫu mã đa dạng nên khách rất thích tìm đến đây vì nói gì chứ quần bò trên phố Trần Nhân Tông vẫn là đi đầu xu hướng, chất lượng".

BPHO1532-99a9f
    Phố Thợ Nhuộm hoàn toàn thay đổi, còn rất ít dấu vết để người ta nhận ra, đoạn đường này xưa kia từng nhộn nhịp vì quần, áo bò.

BPHO1398-d972f
Trong khi đó, phố Trần Nhân Tông vẫn còn lác đác vài hộ gia đình bám trụ với nghề cũ. Tuy nhiên, thay vì chuyên bán đồ Jeans, các cửa hàng này cũng cài thêm một số loại chất liệu khác.

Trong khi đó, phố Thợ Nhuộm (đoạn giao cắt với phố Hai Bà Trưng) xưa kia cũng nổi tiếng với các hiệu đồ Jeans nằm san sát nhau nay đã thay bằng những cửa hiệu kinh doanh các loại hàng hóa khác. Nhớ lại kỉ niệm cũ, chị Thủy (một người đang tiến hành thanh lý cửa hàng đồ bò trên phố Thợ Nhuộm) chia sẻ: "Con phố này khoảng 15 năm về trước rất thịnh hành buôn bán đồ bò, tuy nhiên từ khoảng 5 năm trở lại đây thì bắt đầu lụi dần".

Theo chị Thủy, trước kia, việc buôn bán thuận lợi nên chị thuê hẳn một cửa hàng rộng rãi với giá 10 triệu/tháng. "Mùa bán chạy quần, áo bò nhất là từ mùa thu trở về cuối năm. Trước kia ngày đắt khách, có khi mình bán ra những khoảng 60 chiếc nhưng bây giờ thì không bao giờ được như vậy nữa", chị Thủy tâm sự.

Ông Văn Hạnh (một người dân sống trên phố Nguyễn Du) cho biết, con phố này khoảng 3-4 năm về trước mọc lên một số hiệu đồ Jeans khá hút khách. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn một cửa hiệu còn trụ vững. Những hộ gia đình khác thuê mặt bằng ở đó đều đã chuyển đi nơi khác. Các cửa hiệu mới mọc lên và bộ mặt con phố vì thế cũng như có sự thay đổi lớn.

Cuộc lột xác xóa bỏ hình hài cũ

Trái ngược với hình ảnh quá khứ, những con phố chuyên đồ Jeans giờ đây như vừa tiến hành cuộc "lột xác" và khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới. Phố Trần Nhân Tông mọc lên hàng loạt cửa hàng kinh doanh vàng, các quầy bán quần áo thể thao và đồ ăn, cafe... Các cửa hàng bán đồ Jeans trước kia trên phố Thợ Nhuộm chuyển sang bán các loại quần áo thời trang đa dạng hơn hay các mẫu đồ đã qua tay sử dụng... 

Trong tất cả các phố nức danh nhờ đồ Jeans, chỉ còn Trần Nhân Tông và Nguyễn Du còn lác đác có người bám trụ với nghề cũ. Riêng phố Thợ Nhuộm thì gần như mọi thứ đã chìm vào một kí ức "vang bóng" xa xôi.

Chị Lan Anh cho biết, lý do của sự tàn lụi này là bởi ngày càng có nhiều thương hiệu đồ Jeans nổi lên và các cửa hàng bày bán chất liệu này mọc lên ở khắp mọi nơi. "Ngày xưa muốn mua quần, áo bò đẹp là phải lên tận Thợ Nhuộm, Trần Nhân Tông nhưng bây giờ thì khách hàng có quá nhiều lựa chọn. Đồ Jeans lại khá dễ mua, dễ mặc. Người mặc loại quần áo này thường có phong cách trẻ, bụi bặm, dễ tính nên đi mua đâu cũng được quần áo, không nhất nhất là phải chen nhau lên khu Trung tâm đông đúc, chật hẹp".

BPHO1380-d972f
Các cửa hàng quần áo trên phố Trần Nhân Tông chuyển sang bán đồ thể thao, trang phục mặc ở nhà thay vì đồ Jeans.

BPHO1395-d972f
Một số cửa hàng còn trụ lại vẫn khá đông khách, tiêu biểu như cửa hàng Trường Sơn, Oanh Oanh, hiệu số 39 Trần Nhân Tông của nhà chị Lan Anh.

Trong khi đó, anh Sơn (chủ một hiệu đồ Jeans còn sót lại trên phố Trần Nhân Tông), lý do khiến các cửa hàng đồ bò phải đóng cửa là vì giá thuê mặt bằng quá cao. Theo anh Sơn, đối với diện tích một gian hàng rộng chừng 15-20m2 như cửa hàng anh, chi phí bỏ ra thuê hàng tháng có thể lên tới 20 triệu đồng. "Trong khi đó, trước kia cũng vẫn mặt bằng như thế chỉ tốn 5 triệu tiền thuê mặt bằng thì bây giờ đã tăng gấp 4 lần. Nhà tôi còn giữ được nghề là vì đất của nhà, không mất công đi thuê mặt bằng chứ nếu không cũng bỏ lâu rồi".

Anh Sơn cho biết, kinh doanh quần, áo bò không lãi cao như các loại chất liệu khác. "Mỗi chiếc quần bò lãi được khoảng 30.000 đến 50.000 đồng. Một ngày trung bình tôi bán được khoảng 10-15 chiếc quần bò, thu về khoảng 800-900.000 đồng tiền lãi. Con số này là chưa trừ đi chi phí tiền thuê nhân công, đèn đóm. Nếu phải cõng thêm tiền thuê mặt bằng nữa thì không trụ được là điều dễ hiểu".

C360_2015-10-07-16-01-08-327-8e63f
Nhiều cửa hàng không chịu nổi phí thuê mặt bằng ngoài mặt phố đã phải lui vào kinh doanh trong ngõ.

"Ngày xưa, lúc kinh doanh phát đạt, đông khách, mỗi ngày bán cả mấy chục chiếc thì chuyện cả phố bán quần bò nhưng ai nấy đều sống khỏe là đương nhiên. Bây giờ thì khác rồi, nhà nào không có đất, có nhà trên phố đều phải rút lui hết cả".

Cảm thấy không thể trụ lại với nghề, chị Thủy mới đây đã dọn toàn cửa hàng ra bán vỉa hè và thanh lý toàn bộ đống quần, áo bò với giá rẻ. "Tôi kinh doanh quần bò trên phố Thợ Nhuộm cũng được gần 20 năm rồi mà cũng đành bỏ, giá thuê mặt bằng bây giờ cao quá mà khách lại thưa vô cùng. Vào chính vụ, ngày nào ăn may lắm mới bán được gần 20 chiếc, như vậy thật sự là không ăn thua".

Riêng với chị Nguyễn Thị Hoa thì không hề vấn vương gì nghề buôn bán đồ bò. Chị cho biết, trước kia chị cũng từng kinh doanh đồ jeans một thời gian nhưng vì cảm thấy việc buôn bán không thuận lợi nên đã nhanh chóng chuyển sang thuê cửa hàng khác để bán đồ secondhand. "Trước đây mình có bán quần, áo bò một thời gian nhưng không lâu sau đã chuyển sang bán đồ cũ. Chuyện những con phố sầm uất nhờ thứ đồ Jeans đó đã là quá vãng của khoảng 4-5 năm về trước rồi".

Tuy nhiên, trái ngược với cảnh buôn bán ảm đạm này, một số cửa hiệu đồ Jeans trên phố Trần Nhân Tông hiện nay vẫn rất đông khách. Tiêu biểu như cửa hàng Oanh Oanh (có cơ sở trên phố Nguyễn Du, Trần Nhân Tông) hay cửa hàng Trường Sơn (Trần Nhân Tông). Nhân viên ở cửa hàng Oanh Oanh cho biết: "Không biết các cửa hàng khác buôn bán ra sao nhưng bên mình thì vẫn đông khách đều đều, trước nay vẫn vậy".
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày