Những cảnh đời thiếu vắng hơi ấm của một gia đình trọn vẹn

Phạm An - Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 28/06/2015

Một người già tuổi đã gần đất xa trời đang phải sống cuộc đời cô quạnh không người tựa nương, những em nhỏ đứa mồ côi, đứa phải sống xa bố mẹ vì cảnh nghèo khó... Đâu đó xung quanh vẫn có những mảnh đời thiếu vắng hơi ấm gia đình trọn vẹn...


"Tôi có 7 người con nhưng 5 đứa bị... dịch tả chết hết rồi. Không lâu sau đó chồng tôi cũng theo tụi nó "đi về nơi xa lắm" luôn. Sợ dịch bệnh lan rộng ở quê, nên tôi bồng 2 đứa còn lại lên thành phố mưu sinh. Vậy mà giờ tụi nó cũng bệnh nặng rồi bỏ tôi mà đi. Còn có mình tôi làm bạn với chó mèo, với chiếc radio cũ, ngày ngày nghe cải lương, nghe mãi rồi bị lãng tai, giờ nghe tiếng được tiếng mất, đâm ra giận... chính mình luôn. May mà trời cũng thương, tuy tôi không con không nhà nhưng mọi người xung quanh thương tôi lắm, họ mua giúp tôi mớ rau, tặng tôi tiền thừa. Lúc bệnh, lúc đau họ cho viên thuốc cũng ấm lòng. Tôi nhớ nhà, muốn về thăm mộ các con tôi lắm. Nhưng tôi không còn cơ hội về thăm nữa” - Bà Nguyễn Thị Tám (SN 1930, quê Mỹ Tho), hiện ở tại mái hiên ven đường 19 Nguyễn Huy Tự, P. Đa Kao, Q.1, TP. HCM, tâm sự - (Ảnh: Kim Điền).


- Sao giờ này mà em còn ngồi mái hiên một mình? 

(Lấy giấy ra viết): Em bị câm và điếc, chị viết ra giấy, hoặc làm ký hiệu, em mới hiểu được!

- À... (bắt đầu viết viết) - Em đang làm gì ở đây?

- Em đang đợi ông em về...

- Ông em làm nghề gì?

- Ông chạy xe ôm, ông chạy từ sáng sớm, nhưng có hôm đến 1h sáng mới về.

- Ba mẹ em đâu

- Ba mẹ em ly dị rồi. Em chỉ còn ông nội thôi!

- Em có buồn không?

- Cũng có mà... quen rồi, những lúc buồn, em lại ngồi... chờ ông về với em.
Cô bé Dương Sở Quân, 12 tuổi, từng ngày trôi qua trong cô đơn nơi căn nhà nhỏ dưới chân cầu Calmete, Quận 1, TP. HCM. Nói chuyện với em qua những dòng chữ viết vội, chốc chốc em ra ký hiệu những đầu ngón tay chạm vào nhau, rồi giơ 4 ngón tay, nghĩa là em muốn có một ngôi nhà với đầy đủ ông nội, ba, mẹ và em. Em ước ông nội đi làm về sớm hơn để chơi với em, ước có quần áo mới, được hát như mọi người, được nghe âm thanh xung quanh, và được nghe tiếng của mẹ, được nói với mẹ là em yêu mẹ rất nhiều - (Ảnh: Phạm An).


- Mấy đêm nay mưa bão, nhiều hôm nằm co rúm trong nhà một mình, thấy dột chỗ nào thì mang xô đi hứng chỗ đấy. Chỉ mong mưa gió không lớn, không bị lật mái tôn, nếu không chẳng biết chỗ nào mà trú! Nhìn căn nhà nhỏ xíu vậy đó, mà có mấy con chuột cống to lắm, người ta cho tui đồ ăn, chưa ăn được bao nhiêu thì chuột đã tha đi mất. Ở nhà bây giờ vừa chiến đấu với bệnh tật, vừa lo chống mối, vừa lo diệt côn trùng và cả chuột. Nhiều khi ước có tiếng trẻ con trong nhà cho vơi đi cô đơn, chứ nghe tiếng chuột, riết rồi cũng... chán!"

- Bà đã sống 1 mình như thế này lâu chưa?

- Từ khi mẹ tui mất vì bị suy tim, tui ở một mình trong căn nhà xập xệ này được 8 năm rồi.

- Trông bà mệt quá, bà bị bệnh gì thế ạ?

- Bệnh gì mà cả chục bệnh, mỗi lần đi khám là... lòi ra một bệnh, toàn bệnh của người già thôi cô ạ!

Vừa trò chuyện, bà vừa đưa tay ôm đầu vì thỉnh thoảng lại chóng mặt, xây xẩm. Bà là Nguyễn Thị Năm, 72 tuổi, hiện đang một mình chống chọi với bệnh tật trong căn nhà được một người láng giềng tốt bụng cho ở tạm - (Ảnh: Quỳnh Trân).


Hai bà cháu quê ở Nam Định, bố mẹ cậu bé vào Sài Gòn kiếm sống đã lâu, giờ chỉ có hai người, một già một trẻ nương tựa vào nhau sống qua ngày. Nghỉ hè em được bà đón lên Hà Nội chơi. Họ sống tại một ngôi nhà dựng tạm đằng sau những khu biệt thự sang trọng ven Hồ Tây -  nơi bà tá túc trong những ngày đi làm ở Hà Nội. Niềm vui mùa hè của cậu bé chỉ đơn giản là được bà tắm cho bằng những gáo nước mát - (Ảnh: Doãn Tuấn).


4 anh em mồ côi sống lang thang quanh đường Quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng 7 km hướng về Bạc Liêu, thuộc địa bàn ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, chùa Sra Lôn. Hằng ngày, các
 em kiếm sống bằng nghề bán vé số, giúp việc vặt cho các cô chú tại chợ ngay trong ngôi chùa. Người dân xung quanh ai cũng thương cho gia cảnh của bốn anh em. Mong ước lớn nhất của 4 anh em là có một mái ấm gia đình, có được sự chăm sóc của cả ba và mẹ nhưng điều đó mãi chỉ còn trong những giấc mơ - (Ảnh: Doãn Tuấn).
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày