Nhiều cái tên siêu dài có nguy cơ bị... "xóa sổ"!

Hồng Minh, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 14/05/2015

Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) với nội dung "Họ, tên, đệm một người không được quá 25 chữ cái?" rất có thể sẽ khiến nhiều người gặp khó khăn, bởi trên thực tế ở Việt Nam đã ghi nhận không ít những cái tên với độ dài kỉ lục.

Ngày 12/5 vừa qua, nhiều ý kiến góp ý về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã đề xuất: "Tên và chữ đệm của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam, không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái".

Quyết định này dù chưa được áp dụng nhưng đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Trên thực tế, thực tiễn thi hành pháp luật ở Việt Nam thời gian qua cho thấy, việc đặt họ, tên và chữ đệm có nhiều trường hợp không phù hợp với "tập quán, thuần phong mỹ tục" của Việt Nam như quá dài, không thuần Việt.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, nếu như quyết định này được áp dụng rất có thể những cái tên dài loằng ngoằng ở Việt Nam vốn tồn tại trước đó sẽ có khả năng bị "xóa sổ".

Những cái tên đệ nhất dài và siêu kì quặc

Rất nhiều những cái tên dài lên tới hàng chục chữ cái đã được ghi nhận ở Việt Nam. Có thể kể tới trường hợp của cô gái ở Thái Nguyên với một cái tên đầy đủ có tới... 7 âm tiết: Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Với cái tên này, chị Dương đã lập “kỷ lục” là người có tên dài nhất tỉnh Thái Nguyên.

Một gia đình khác ngụ xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TP. HCM cũng khiến nhiều người sốc với cái tên dài loằng ngoằng thuộc loại "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam. Theo đó, tên cả 3 chị em đều có 8 chữ trở lên và dài 35 chữ cái: Người chị cả có tên là Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhàn, người chị hai tên Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Linh Phượng và cậu em út có cái tên dài hơn nữa là Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân.

Giấy phép lái xe của Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân quá dài và phải viết tắt rất nhiều mới có thể đủ diện tích để điền vào giấy đăng kí.

Trong một vở tấu hài, nghệ sĩ Hồng Nga đã xưng tên dài 17 chữ, có đến 59 chữ cái: "Công Tần Tôn Nữ Trang Mỹ Lệ Ngọc Huyền Huỳnh Hoa Lá Liễu Bạch Mộng Hồng Nga". Nếu đó là tên thật thì đây mới chính là tên kỷ lục dài nhất Việt Nam!!!

Bên cạnh những cái tên quá dài, do thói quen và quan niệm đặt tên xấu cho dễ nuôi, rất nhiều người đã đặt cho con những cái tên không thuần Việt như: Đinh Sâu Rum, Cao Ki A... Không ít các trường hợp khác do quá hâm mộ thần tượng còn đặt tên con theo tên các cầu thủ bóng đá hoặc thần tượng trong phim Hàn. Cháu Rô Nan Đô (sinh năm 2012, trú tại xã Lại Thượng, Thạch Thất, Hà Nội) là người được coi có tên độc đáo, lạ nhất nhì ở thành phố Hà Nội.

Nhắc đến việc đặt tên cho con, anh Chính (bố của cháu Rô Nan Đô) cho hay, toàn bộ tên của các con đều do anh suy nghĩ và đặt từ trước khi sinh các cháu. Trong đó có nguyên do là anh Chính rất hâm mộ bóng đá và các cầu thủ. Trong số đó, cầu thủ Ronaldo được anh hâm mộ hơn cả.

Ngoài ra, những tên như Đỗ Phi ĐenCacstrô, Lò Vi Sóng, Hồ Hận Tình Đời, Đồng Văn Tính... là những tên gọi độc - lạ và không thuần Việt.


Hàng loạt những cái tên độc và không thuần Việt.

Hai con gái của vợ chồng trẻ Pơloong Huân (xã A Tiêng, huyện Tây Giang, Quảng Nam) là Pơloong Thị San Ốc và em gái Pơloong Thị Sun U là hai trong hàng trăm đứa trẻ nơi miền biên ải này mang tên nhân vật trong phim Hàn Quốc.


Hai chị em Pơloong Thị San Ốc và Pơloong Thị Sun U được đặt tên theo phim Hàn Quốc những năm trước.

Trường hợp khác, cả hai anh em cùng một nhà tên Huỳnh Two School Boy (sinh năm 1986), Huỳnh Tree School Boy (sinh năm 1989). Một số tên xen lẫn tiếng nước ngoài với một vài âm tự như Nguyễn Thị Sinco, Đặng Văn Col... đều là những cái tên có chứa một vài tiếng nước ngoài được chính cha mẹ đặt.

Nguy cơ bị biến mất

Ngày 28/10/2014, trong phiên thảo luận về dự thảo Luật hộ tịch kỳ họp Quốc hội thứ 8, khóa 13, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nhung cho rằng, dự luật không quy định nguyên tắc đặt tên cho con sẽ làm khó khăn cho cán bộ hộ tịch ở địa phương khi cha mẹ đặt tên cho con không thuần Việt. Do vậy, đại biểu Nhung cho rằng nên có quy định về việc đặt tên cho con hoặc có Luật đặt tên để tránh được những vấn đề trên. Đề xuất của bà Nhung ngay lập tức nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận.

Trong phiên dự thảo luật góp ý Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 12/5, một trong số các vấn đề được tách riêng tại báo cáo để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội là quyền đối với họ, tên và chữ đệm. Tại đây, vấn đề này tiếp tục được nhắc lại và đưa ra những đề xuất ở mức độ chi tiết, rõ ràng hơn. 

Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung nội dung: “Tên và chữ đệm của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam, không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái”, Chính phủ phản ánh kết quả lấy ý kiến.


Quy định họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái đang gây ra nhiều lo ngại về những phiền phức khi thực thi

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, nên khống chế không quá 25 chữ cái. 25 chữ cái thì họ, tên, đệm cũng đến 5 chữ, là rất dài rồi. Nếu thực tế có người họ, tên dài đến ba, bốn chục chữ cái, rất khó khi làm hồ sơ và khó cho nhiều giao dịch.

Tuy nhiên, điều này ít nhiều khiến những người có tên vô cùng dài và loằng ngoằng ở Việt Nam tỏ ra lo lắng. Điều khiến nhiều người lo ngại là nếu như quy định này được thực thi, rất có thể những cái tên này sẽ không được dùng nữa. Việc sử dụng "họ và tên" đã trở thành thông dụng, nay thay đổi, bổ sung sẽ dẫn tới việc phải thay đổi các loại giấy tờ, văn bản hành chính, rất dễ xảy ra nhiều vướng mắc trong khi các thủ tục hành chính còn cồng kềnh. 

Thực tế cho thấy, không bàn đến chuyện tên xấu hay đẹp, nhưng trong xã hội vẫn đang tồn tại khá nhiều cái tên mà khi nghe qua, nhiều người không khỏi bật cười vì nó quá "dị" và gây khó khăn cho các cơ quan chức năng, cán bộ quản lý hộ tịch cũng như chính những người sở hữu tên đó.