Người Việt tại Singapore nói gì về việc khách Việt bị từ chối nhập cảnh?

Khánh Linh, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 28/07/2015

Bạn Khánh Linh cho rằng, quy định về nhập cảnh của Singapore hoàn toàn xuất phát từ nghiệp vụ và được áp dụng với bất kì nước nào, không riêng gì Việt Nam. Do đó, việc kết luận họ chỉ "cấm nhập cảnh" với khách Việt Nam mà không áp dụng với người Malaysia, Trung Quốc... là không có cơ sở.

Ngày 22/7 vừa qua, Cục Hàng không cho biết thời gian gần đây, theo báo cáo của các hãng hàng không có chuyến bay từ Việt Nam đến Singapore, Singapore từ chối một số công dân Việt Nam nhập cảnh ngay tại Sân bay Quốc tế Changi. Theo đó dù có đầy đủ giấy tờ tùy thân theo quy định nhưng thời gian gần đây nhiều hành khách có quốc tịch Việt Nam khi bay sang Singapore bị nhà chức trách nước này từ chối nhập cảnh, trong đó chủ yếu là hành khách nữ.

Khi bị từ chối nhập cảnh, không còn cách nào khác hành khách buộc phải quay trở lại Việt Nam trên chuyến bay của hãng vừa vận chuyển sang Singapore. Thực trạng này đã gây ra rất nhiều khó khăn cũng như phát sinh hàng chục tỷ đồng cho các hãng hàng không Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, bạn Khánh Linh (SN 1991) - một người Việt Nam hiện đang sinh sống và làm việc tại Singapore đã chia sẻ quan điểm của mình. Khánh Linh cho rằng, quy định về nhập cảnh của Singapore hoàn toàn xuất phát từ nghiệp vụ và được áp dụng với bất kì nước nào, không riêng gì Việt Nam. Do đó, việc kết luận họ chỉ "cấm nhập cảnh" với các khách Việt Nam mà không có cách xử lí tương tự với khách đến từ Malaysia, Trung Quốc là hoàn toàn không có cơ sở.

"Dạo gần đây mình có đọc được một số bài viết về việc người Việt Nam sang Singapore du lịch bị "đuổi" về. Là một người đã tốt nghiệp cao học ở Singapore và hiện nay đang đi làm ở cơ quan Nhà nước của họ, mình có quan sát và có biết được một số điều mà không phải ai cũng biết, nhất là về hệ thống hành pháp của Singapore.

Đối với các nước cùng khu vực Đông Nam Á, những người mang hộ chiếu thuộc các nước này sẽ không cần phải xin Visa khi sang đất nước họ, và thời hạn ở tối đa là khoảng 1 tháng (hay còn gọi là Social visit pass). Nếu muốn ở lại lâu hơn, bạn cần phải xin gia hạn và họ sẽ cấp cho bạn tối đa là 89 ngày ở lại Singapore. Từ trước tới nay, Singapore vẫn luôn nổi tiếng là khu du lịch hấp dẫn, với chặng bay từ Việt Nam khá ngắn, hợp lý vì vậy Singapore luôn luôn là điểm đến du lịch rất hấp dẫn cho các du khách Việt Nam. 

Một số người bay tới nơi có nói là bị Hải quan chặn lại đuổi về, thật ra không hẳn là họ “đuổi” về mà họ đã kiểm tra rất kỹ lý lịch ví dụ như: Đã sang đây lần nào chưa, mỗi lần sang bao nhiêu lâu, một năm sang bao nhiêu lần; có bao nhiêu tiền mặt trong người, có nói được tiếng Anh không, cư trú ở đâu, có vé máy bay khứ hồi không v.v… Nếu như tiền mặt không có đủ 300 đô, không nói được tiếng Anh, thuê trọ ở những chỗ “nhạy cảm” như Geylang, không có vé máy bay khứ hồi, họ sẽ không đuổi về ngay mà sẽ cho vào phòng để hỏi. Nếu không thấy có gì quá nghi ngờ, họ sẽ bắt bạn lăn vân tay và sau đó cho nhập cảnh bình thường. 

anh1-f9fec
Nhiều du khách Việt (chủ yếu là nữ) thời gian qua đã bị từ chối nhập cảnh Singapore

Ngược lại, họ sẽ sắp xếp cho bạn về nước. Tất cả những điều này đều dựa vào nghiệp vụ. Và không chỉ có người Việt Nam, bất cứ người nào dù là Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Myanmar… nếu có cùng “đặc điểm” như trên sẽ được họ để mắt hơn những người còn lại, chẳng qua vì chúng ta không ở đó quan sát họ làm việc từ sáng tới tối, nên việc kết luận họ chỉ đuổi người Việt Nam mà không đuổi người Malaysia, Trung Quốc… là hoàn toàn không có cơ sở. Việc làm này tuy cứng nhắc nhưng là một nguyên tắc rất tốt để quản lý việc du lịch tại đây, và thường tỉ lệ “nhầm” cũng rất thấp. Về việc nhiều người nói là đuổi về không có lý do, thật ra họ đã có ghi hết các lý do và liệt kê các mục vào hồ sơ và dữ liệu riêng của họ. Những lý do đó nếu quá nhạy cảm và không có lợi cho việc ngoại giao, họ sẽ không tiết lộ.

Mình có đọc một số ý kiến khác nói rằng, người nhà họ đang làm ở Singapore, không hiểu sao bị đuổi về đột ngột, hoặc “Tôi đang là sinh viên nhưng hải quan không cho vào” là đều không chính xác hoặc người kể câu chuyện đó có chi tiết không minh bạch. 

Thứ nhất, để làm việc ở Singapore, bạn phải có một trong những giấy tờ sau: Employment Pass (dành cho người với mức lương trên 3300 đô Sing), EntrePass (dành cho người khởi nghiệp và đầu tư tại Singapore), Personalised Employment Pass - mục này được liệt vào Professional (được coi là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó). Sau đó sẽ đến mục thứ hai là “Skilled and semi-skilled workers”, thường dành cho những người lao động phổ thông hoặc có kỹ năng nhưng chưa chuyên nghiệp được tới mức Professional như S Pass, Work Permit v.v… 

Cuối cùng là Student Pass cho những sinh viên đang học ở đây và các giấy tờ dành cho người thân (Dependant’s Pass hay Long term visit pass). Tất cả những giấy tờ này, xin nhấn mạnh là tất cả; đều có thời hạn đàng hoàng ghi trên đó. Nếu chưa quá thời hạn đó, Chính phủ sẽ không được phép đuổi bạn, càng không có công ty hay trường học nào dám đuổi bạn cả, trừ phi bạn vi phạm pháp luật. 

anh2-f9fec
Bạn Khánh Linh hiện đang sinh sống và làm việc tại Singapore (Ảnh: NVCC)

Còn nếu quá thời hạn đó, nếu công ty đó thấy bạn làm việc tốt họ sẽ giữ lại và gia hạn hợp đồng cũng như gia hạn giấy tờ để bạn có thể hợp pháp ở lại Singapore; nếu bạn không phù hợp, họ sẽ thông báo với bạn để bạn chuẩn bị trước và có thể về nước bình thường. Cho nên chuyện “Đuổi về đột ngột không có lý do” là hoàn toàn không có căn cứ. Với Sinh viên, thời hạn giấy tờ sẽ được quy định bằng tối đa thời hạn bạn được phép theo học tại trường đó (ví dụ 2 năm rưỡi hay 5-6 năm tùy mức học và tùy ngành học). Quan trọng hơn cả, khi bạn đã nắm giữ một trong những giấy tờ (Pass) này, bạn không cần phải qua Hải quan nữa mà bạn chỉ cần qua bốt tự động để tự quét dấu vân tay là được.

Về nhân sự, những người làm cảnh sát hay Hải quan tại Singapore đều phải tốt nghiệp Đại học trở lên và biết nói ít nhất 2 ngôn ngữ. Nhiều người trong số họ tốt nghiệp các trường công danh tiếng như NUS, NTU hay SMU. Trước khi đảm nhận công việc này, họ đều được đào tạo rất kỹ, và bản thân họ cũng hiểu được rất rõ những rủi ro trong ngoại giao khi ra lệnh trục xuất ai đó về nước. 

Do đó mình nghĩ, họ không dại hay quyết định bừa bãi việc ai ở hay ai về. Singapore nổi tiếng là một đất nước có kỷ cương và phép tắc, mọi thứ họ làm đều dựa trên Luật pháp. Đó cũng là lý do khiến cho Singapore tuy là một đất nước nhỏ bé không tài nguyên, lại trở thành một trong những đất nước văn minh, phát triển và có phần trăm GDP hàng đầu thế giới".
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày