"Người Thanh Hóa thì sao, hãy yêu thương người khác thay vì ghét bỏ"

Hoa Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 17:53 14/08/2013

Mọi người cứ hùa nhau nói rằng “không chơi với người Thanh Hóa”, điều đó đồng nghĩa với việc chính chúng ta đã cướp đi cái quyền được sống hòa thuận và yêu thương đồng bào mình của họ.

Chúng tôi nhận được bài viết với nhiều quan điểm, góc nhìn mới mẻ về chủ đề "Thực trạng phân biệt, kì thị vùng miền" của bạn đọc Hoa Nguyễn (địa chỉ email nt.hoa…@gmail.com). Sau đây là bài viết này.

===//===

Khi đọc bài viết “Tôi bị ghét vô lí chỉ vì là người Thanh Hóa...”, thực ra tôi cũng không hề hài lòng về cách sống của nhân vật trong câu chuyện. Công bằng mà nói, cách sống này khá ki bo và tính toán nếu đúng như cậu ta là người viết ra bài viết đó. Rồi có ai đó nghĩ rằng đây không phải bài viết của chính nhân vật trong câu chuyện mà có thể ai đó cố tình chơi xấu anh ta. Nhưng dù là ai viết, chúng ta cũng không nên phán xét và cay nghiệt vì mỗi người đều có một cách sống, miễn sao không làm hại đến ai và cũng không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn.
 
Nhưng khi đọc bài viết "Tôi không có cảm tình với những người Thanh Hóa đã từng tiếp xúc...", tôi tự hỏi độc giả viết bài này không biết quê ở đâu? Nếu bạn là người quê Nam Định thì bạn sẽ nghĩ gì nếu mọi người tránh xa bạn vì họ nghĩ rằng dân Nam Định là “dân 2 ngón”. Nếu bạn là người Nghệ An, bạn có thấy thoải mái khi mọi người luôn miệng nói rằng bạn là “dân cá gỗ”. Và nếu bạn là người Hải Phòng, bạn sẽ ra sao nếu một ngày nào đó bạn ra mắt gia đình vợ hoặc chồng, mọi người đều phản đối vì nghĩ dân Hải Phòng vốn dĩ mang tiếng ăn chơi?

Người ta thường áp đặt tính cách cho người dân của mỗi vùng miền, và cứ thế truyền tai nhau, rồi áp đặt luôn cho mình những định kiến không nên có. Chắc hẳn, bạn đã rất không hài lòng vì hai cậu bạn cùng công ty. Nhưng nếu tôi cũng sống áp đặt và suy nghĩ như bạn, tôi sẽ nghĩ rằng có khi nào bạn ghen ghét vì họ giỏi giang và có nhiều ưu điểm hơn bạn.

Trong cuộc đời này, bạn có dám chắc mình đã là một quân tử chưa, sống làm hài lòng tất cả mọi người chưa mà mang chính dân tộc mình, mang người dân các vùng miền khác ra đánh giá?

Bạn hay bất kỳ ai khác có quyền đưa ra đánh giá và nhận xét cá nhân của mình về những con người cụ thể bạn biết, nhưng nếu đánh đồng và vơ đũa cả nắm thì mình nghĩ bạn cũng nên xem xét bản thân mình đã làm được gì cho cuộc đời mà lớn tiếng lên án họ.

Trong cuộc đời này, ở đâu cũng thế cả thôi, tốt xấu lẫn lộn, nếu bạn và xã hội cứ cố tình tẩy chay người Thanh Hóa nói chung chỉ vì thấy một vài người khiến bạn không hài lòng, thì tôi nghĩ bạn nên xem xét lại suy nghĩ của mình xem có phải bạn đang sống định kiến, ích kỷ và áp đặt quá không.

"Người Thanh Hóa thì sao, hãy yêu thương người khác thay vì ghét bỏ" 1
"Dù với vùng miền nào cũng vậy, thay vì kỳ thị và hùa nhau ghét bỏ họ, hãy mở lòng và đối xử với họ như những người khác".


Hầu hết những người miền Trung vốn dĩ thiệt thòi vì họ luôn là vùng chịu nhiều thiên tai nhất. Họ vốn dĩ đã phải rất nỗ lực  vươn lên để thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Vậy mà bạn đã vô tình mang đến thiên tai khác để dìm họ xuống, bài viết của bạn chỉ mang tính chất cảm xúc riêng bạn, nhưng nó không khác gì lời kêu gọi tẩy chay người Thanh Hóa. Bạn chỉ nghĩ và đánh giá theo khía cạnh tiêu cực, còn bao công lao cống hiến của người Thanh hóa cho dân tộc, cho đất nước bạn không ghi nhận chăng?

Mỗi chúng ta đều có thể chọn nơi chết đi nhưng nơi sinh ra, quê hương và bố mẹ thì không có quyền được chọn. Mọi người cứ hùa nhau nói rằng “không chơi với người Thanh Hóa”, điều đó đồng nghĩa với việc chính chúng ta đã cướp đi cái quyền được sống hòa thuận và yêu thương đồng bào mình của họ.

Người nước ngoài khi đi du lịch ở Việt Nam, họ thường không mấy hài lòng về cách sống của người Việt vì một số thành phần buôn bán và dịch vụ chặt chém, lợi dụng họ để kiếm tiền. Bạn cũng là người Việt, nếu bạn là công dân tốt sinh sống ở nước ngoài nhưng phải đón nhận những cái nhìn không thiện cảm của người dân sở tại vì những nguyên nhân không phải do bạn thì bạn có thấy thoải mái không, có thấy ấm ức và khó chịu không?

Nói đơn giản thôi, cùng một dân tộc nhưng với người miền Nam, họ gọi người Bắc là “dân Bắc Kỳ”. Họ luôn cho rằng người miền Nam sống đơn giản nên mọi thứ đều thoáng và dễ chịu, còn người miền Bắc thì sống phức tạp nên nhiều khi trở thành lối sống giả. Mỗi lần làm ăn với người Bắc, họ đều cho rằng người Bắc sống giả tạo, khôn lỏi nên luôn đề phòng. Nếu bạn làm việc với họ, bản thân bạn có thấy dễ chịu khi người khác nhìn mình và nghĩ mình là kẻ khôn lỏi và vụ lợi?

Suy cho cùng, bạn hay tôi, và tất cả mọi công dân của dân tộc ta nên hòa thuận, đùm bọc và giúp đỡ nhau. Ai cũng có khuyết điểm của bản thân mình, thay vì bạn chê trách họ thì bạn có thể góp ý và giúp họ có nhìn nhận tốt hơn về cuộc sống, cho họ cơ hội để hoàn thiện mình. Sống trên cuộc đời này, thay vì hận thù, ghét bỏ thì nên yêu thương nhau để góp phần xây dựng đất nước thì hơn bạn ạ. Bạn có ghét bỏ họ thì cũng chỉ làm bạn thấy bực tức và đôi khi đánh mất cơ hội có thêm một người bạn tốt mà thôi. Và sau này, nếu bạn có bị đuổi khỏi công ty đang làm hiện tại, tình cờ bạn xin vào công ty mà sếp tổng là người Thanh Hóa, liệu bạn có vì ghét người Thanh Hóa mà bỏ đi một cơ hội nuôi sống bản thân không?

Mình hy vọng, bạn thay vì ghét bỏ họ thì hãy cố mở lòng mình ra bạn nhé. Mình đã từng đọc một câu chuyện, mình ko nhớ rõ lắm, nhưng mình kể nôm na lại thế này: “Ở một quán kem nọ có nhiều trẻ lang thang bán báo và vé số thường rất hay lui tới. Mỗi lần chúng đến ăn kem đều được ông chủ cửa hàng đón tiếp rất vui vẻ. Nhân viên phục vu quán lấy làm lạ vì cách cư xử của ông mới hỏi ông chủ rằng: Không hiểu tại sao với lũ trẻ lang thang ông lại phục vụ nhiệt tình và vui vẻ còn hơn với khách bình thường? Ông ta nói rằng, dù chúng là trẻ lang thang nhưng chúng lao động bằng chính sức của mình, biết vượt qua số phận để sống một cuộc sống bình thường. Chúng không được giáo dục và quan tâm nhưng chúng là những đứa biết suy nghĩ. Nếu cậu đối xử tốt với chúng thì dù có hỗn láo cỡ nào, chúng cũng không quậy phá cậu. Và ngược lại, nếu cậu kỳ thị chúng thì càng khiến cho chúng tìm mọi cách để quấy phá. Sự quấy phá đó đôi khi không phải vì bản chất mà bởi xã hội khiến chúng như thế”.

Vì thế, dù với vùng miền nào cũng vậy, thay vì kỳ thị và hùa nhau ghét bỏ họ, hãy mở lòng và đối xử với họ như những người khác. Đừng cô lập họ chỉ vì bạn thấy điểm gì đó không được hài lòng, bởi vì bạn làm như thế là bạn đã không nghe theo 5 điều Bác Hồ dạy rồi. Còn nếu bạn quên thì mình nhắc lại một trong những điều cơ bản bác dạy là “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào”. Dù Nam hay Bắc, dù miền núi hay nông thôn, dù giàu hay nghèo thì họ đều là đồng bào của bạn. Đừng biến họ thành Chí Phèo thời phong kiến để rồi tự hỏi “Ai cho tôi lương thiện”?

Bạn đọc có thể gửi bài viết chia sẻ, nêu ý kiến, quan điểm của mình về bài viết trên nói riêng và về vấn đề phân biệt, kì thị vùng miền nói chung về địa chỉ email Xahoi@kenh14.vn hoặc comment trong phần bình luận phía dưới mỗi bài viết trên Kenh14.

Chúng tôi rất mong nhận được sự tham gia nhiệt tình của các bạn độc giả đối với vấn đề xã hội đáng quan tâm này!