Người Sài Gòn đồng loạt hưởng ứng "không cho tiền người ăn xin"

Quỳnh Trân, Theo Trí Thức Trẻ 17:17 23/12/2014

Chủ trương của TP.HCM: “không cho tiền người xin ăn” đã được người Sài Gòn hưởng ứng nhiệt liệt. Nhiều người bày tỏ sự hy vọng đường phố TP.HCM sẽ trở nên văn minh hơn, những người khó khăn thực sự cũng sẽ được giúp đỡ tốt hơn khi thực hiện chủ trương này.

"Người ăn xin và chuyện cái cần hay con cá"

Như đã đưa tin, kể từ ngày 28/12, TP.HCM sẽ bắt đầu đưa những người ăn xin, người sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định vào các cơ sở xã hội. Khi phát hiện người xin ăn, người dân có thể thông báo tới các số trên cho cơ quan chức năng, sẽ có chế độ hỗ trợ cho người báo tin.

UBND TP cũng đề nghị các tổ chức tôn giáo trên địa bàn TP (Thành hội Phật giáo, Tổng Tòa giám mục TP... ) phổ biến chủ trương đến giáo dân, phật tử, người có đạo đồng thuận với chủ trương của TP: “không cho tiền người xin ăn”.

Rất nhiều người ủng hộ chính sách này, người dân thành phố đều cho rằng nếu cứ cho tiền người ăn xin sẽ làm họ nảy sinh tâm lý lười lao động, các tổ chức chăn dắt ăn xin được lợi, người già, trẻ nhỏ bị bóc lột nhiều hơn. Mọi người đều hy vọng thành phố sẽ làm mạnh tay để tình trạng chăn dắt, giả mạo ăn xin không còn xuất hiện trên đường phố Sài Gòn nữa.

Người Sài Gòn đồng loạt hưởng ứng "không cho tiền người ăn xin" 1
Nhiều người chia sẻ thông tin và hy vọng thành phố sẽ không còn người ăn xin nữa.

Bên cạnh một số quan điểm cho rằng, đưa tiền ăn xin là một cách để... làm phước, giúp được họ đồng nào hay đồng nấy, thì đa phần các ý kiến đều cho rằng "đưa tiền ăn xin là gián tiếp làm hại chính bản thân họ", cái mà người nghèo cần ở đây là một cái cần chứ không phải là cho họ con cá. 

Vì bên cạnh những người nghèo khổ thực sự, không còn sức lao động thì hầu hết những người ăn xin trên địa bàn thành phố đều thuộc một đường dây chăn dắt có tổ chức, một số thanh niên còn giả tàn tật, lê lết trên đường xin ăn, nhưng tối về lại tụ tập hút chích, ăn chơi bằng chính số tiền mà những người dân Sài Gòn vì rủ lòng thương đã cho họ.

Người Sài Gòn đồng loạt hưởng ứng "không cho tiền người ăn xin" 2
Một fanpage lập ra sau tình trạng trẻ em bị bắt đi ăn xin hè phố gây phẫn nộ dư luận.

"Không cho tiền ăn xin, các tổ chức chăn dắt sẽ hết hoạt động, người lười biếng phải tự thân vận động, người nghèo khó thực sự được đưa vào trung tâm bảo trợ để có cuộc sống tốt hơn. Một chính sách tuyệt vời", độc giả bình luận, "Nếu các nhà hảo tâm có lòng tốt và muốn giúp người, hãy tạo việc làm cho họ chứ đừng cho tiền họ, họ phải có một cái cần câu để kiếm sống bằng sức lao động của chính mình, chứ không phải một con cá chỉ để ăn cho qua ngày".

Một bạn sinh viên cho biết: "Mình thà bỏ ra 500 nghìn đến 1 triệu đồng để đi từ thiện trực tiếp, còn hơn là cho ăn xin 2 nghìn đồng. Mình ủng hộ quyết định này, hy vọng cả nước sẽ áp dụng chính sách này và làm trong sạch những con đường ở nước ta, tạo dựng hình ảnh Việt Nam tươi đẹp trong con mắt người du lịch".

Người Sài Gòn đồng loạt hưởng ứng "không cho tiền người ăn xin" 3
Rất nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương này của thành phố.

Mong chủ trương sẽ được nhân rộng khắp cả nước


Cách làm của TP.HCM này cũng chính là chủ trương đã thực hiện vô cùng thành công tại Đà Nẵng từ 10 năm trước. Với người lang thang xin ăn vãng lai, thành phố Đà Nẵng lập một đường dây nóng. Khi phát hiện trường hợp nào, người dân sẽ thông báo với cơ quan có trách nhiệm. Cơ quan này sẽ đưa người ăn xin về các trung tâm dạy nghề, phối hợp với địa phương trả họ về quê quán. Trường hợp người già cả neo đơn thì gửi vào các trung tâm nuôi dưỡng.

Người Sài Gòn đồng loạt hưởng ứng "không cho tiền người ăn xin" 4
Rất nhiều người ăn xin ẵm theo các đứa bé làm động lòng thương từ người dân và được cho tiền.

Trên facebook, nhiều người dân sinh sống ở các tỉnh thành phía Bắc cũng như người dân trên cả nước đều mong chờ chính sách này được áp dụng tại địa phương mình để cả nước sẽ không còn tình trạng ăn xin đường phố nữa. 

Bạn V.L.V bày tỏ mong muốn: "Nếu Đà nẵng và TP.HCM làm được, mong những tỉnh - thành trong cả nước làm theo, để xóa nạn ăn xin khỏi đất nước này. Không có ai trên thế giới chấp nhận ăn xin là một nghề cho những kẻ lười lao động, lợi dụng vào lòng tốt của con người".

Một bạn có nick Phat Lee cho biết: "Hãy làm như Đà Nẵng: thành phố sạch-đẹp-không ăn xin. Đưa họ vào mấy trung tâm bảo trợ, ai hảo tâm thì đóng góp vào đó là thiết thực nhất. Chứ ăn xin ngoài đường vừa xấu hình ảnh đất nước và cực khổ cho họ. Ngồi nắng ngồi mưa rồi bệnh tật. Nói chung, mình hoan hô chính sách này của nhà nước".

Bạn K. chia sẻ trên một diễn đàn: "Hiện nay không chỉ riêng TP.HCM mà ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương người ăn xin nằm la lết dưới đường, trẻ em đứng ở các chốt đèn rất là nguy hiểm, những nhà sư giả thì đứng các siêu thị cũng rất nhiều. Tất cả họ lười lao động, họ là những người trai tráng thua cả những người già bưng, gánh hàng đi bán dạo. Chúng ta thì thường cảm thấy tội nghiệp và nghĩ có vài ngàn không đáng gì. Nhưng điều đó sẽ tiếp tay cho những người lười lao động. Các cơ quan chức năng phải làm triệt để về ăn xin và các nhà sư giả. Mỗi phường, quận nào nếu có người ăn xin thì người đứng đầu phường đó sẽ phải có trách nhiệm làm triệt để vấn nạn này".

Đồng quan điểm nên nhân rộng chính sách này ở các tình thành trên cả nước, bạn G.B cho rằng: "Mình rất mong TP.HCM sẽ làm triệt để việc này như cách Đà Nẵng đã làm thành công trước đó. Tuy nhiên khi người ăn xin không thể hoạt động trên địa bàn thành phố, rất có thể họ lại dạt sang các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... Vậy nên các địa phương, tỉnh, thành khác cũng cần áp dụng chủ trương này".

Từ ngày 28/12, khi phát hiện người ăn xin, người dân có thể báo tin vào đường dây nóng tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Phòng Bảo trợ xã hội), số điện thoại: 38.292491 (giờ hành chính) hoặc 0903.959929; Trung tâm Hỗ trợ xã hội, số điện thoại: 35.533258 (24/24h).