Người phụ nữ Hà Thành mở cửa đón hàng trăm sĩ tử đến ăn ở miễn phí

Trang Nguyên, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 04/07/2014

Trước mỗi mùa thi tuyển, căn nhà của cô Nguyễn Thị Bích (53 tuổi trú tại số nhà 57A Cửa Đông, Hà Nội) lại trở nên nhộn nhịp, đông vui. 5 năm qua, gia đình cô đã cho hàng trăm sĩ tử ăn ở miễn phí tại căn nhà khang trang, rộng rãi và đầy đủ tiện nghi.

Thấy sĩ tử nghèo đứng ra cứu giúp

Cách đây 5 năm, khi phong trào cho sĩ tử ăn ở miễn phí mỗi khi kỳ thi ĐH, CĐ còn chưa được nhân rộng như bây giờ thì gia đình cô Nguyễn Thị Bích (53 tuổi, trú tại số nhà 57A Cửa Đông, Hà Nội) đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi mở cửa đón sĩ tử, phụ huynh đến ăn ở.

Bao nhiêu mùa tuyển sinh qua đi, căn nhà của gia đình cô từng in dấu nhiều kỷ niệm với hàng trăm sĩ tử tìm đến. Với cô, những ký ức mùa thi như chợt ùa về mỗi khi nhớ lại: “Khi đó con gái đầu của tôi đang là sinh viên Học viện Ngoại giao và thấy nhiều em học sinh lặn lội từ quê lên Hà Nội đi thi quá vất vả, khó khăn. Đặc biệt có nhiều gia đình phải vay mượn khắp nơi để có 1-2 triệu đồng khăn gói lên dự thi. Do tiền chẳng có nhiều nên các sĩ tử phải chấp nhận thuê những khu nhà trọ tồi tàn, ẩm thấp, cách xa khu vực thi và thiếu thốn đủ thứ. Con gái đã trao đổi lại với tôi và 2 vợ chồng nhanh chóng quyết định nhường toàn bộ tầng 4 cho các sĩ tử”.

Gia đình cô đã liên hệ với Thành đoàn Hà Nội cũng như các nhóm tình nguyện viên để mời sĩ tử về nhà mình ở.

“Năm 2009 là năm đầu tiên chúng tôi thực hiện cho sĩ tử ăn ở tại gia đình nhưng đã tiếp đón khoảng 70 cháu cho cả 2 đợt thi” - cô Bích vui vẻ nói.


Cô Bích dọn dẹp phòng cho các sĩ tử.


Căn phòng này có thể đủ cho khoảng 40 sĩ tử ở.


Để thuận tiện cho các sĩ tử tá túc tại gia đình mình, cô Bích đã mua sắm thêm chăn chiếu, mua thêm giường cùng toàn bộ quạt, điều hòa, tủ lạnh cùng bếp đun nấu cũng như bát đũa.

Chỉ vào khu vực nấu nướng, cô Bích cho hay: “Đây là số bát đũa mà tôi đã sắm để đón các sĩ tử cũng như người nhà thuận tiện trong việc đun nấu”.




Khu vực đun nấu và bát đũa chuẩn bị cho sĩ tử.


Từ năm 2009 đến nay đã trải qua 4 kỳ thi ĐH, CĐ và chuẩn bị bước vào kỳ thi thứ 5 nhưng cô Bích và gia đình đều mang nhiều kỷ niệm, cảm xúc khác nhau. Mỗi mùa thi đến khiến cô tất bật hơn, vất vả hơn nhưng cô luôn xem việc được tiếp sức cho các sĩ tử là niềm vui lớn của cuộc đời.

“Hạnh phúc nhất là nhận được chia sẻ của cộng đồng”

Các sĩ tử mà gia đình cô Bích tiếp nhận chủ yếu thuộc các tỉnh như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Lạng Sơn… Ở đó, cuộc sống người dân còn vô vàn khó khăn. Thậm chí có trường hợp cô biết hai bố con khăn gói lên Hà Nội đi thi mà trong túi có chưa đầy 1 triệu đồng. Số tiền này không đủ chi tiêu trong 3 ngày ở Thủ đô. Vì hiểu được hoàn cảnh của họ như vậy nên cô Bích càng đồng cảm, tận tình giúp đỡ.

Không chỉ tạo điều kiện cho sĩ tử có nơi sinh hoạt trong mùa thi, cô Bích còn có hành động ý nghĩa khác là đưa đón sĩ tử rất chu đáo nếu các cháu có nhu cầu. “Vì gia đình tôi ở quận Hoàn Kiếm, xung quanh có ít trường ĐH nên sẽ có chút bất tiện cho sĩ tử bởi đường sá không mấy thuận tiện. Thế nhưng, nếu các sĩ tử có nhu cầu, tôi sẽ bố trí cả xe ôm hoặc người đưa đến tận điểm thi đúng giờ”.


Em Nguyễn Thị Diệu Hằng - sĩ tử thi vào Học viện Ngoại Giao được gia đình cô Bích bố trí ăn, ngủ cũng như tạo mọi điều kiện để yên tâm bước vào kỳ thi năm nay.


5 năm nay, với cô Bích, điều hạnh phúc nhất là nhận được nhiều sự sẻ chia của người dân khắp cả nước. Hiện tại, mỗi ngày cô nhận được hàng chục cuộc điện thoại chia sẻ về việc làm vô cùng ý nghĩa đối với các sĩ tử khó khăn.

“Nhiều người tận trong TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng, Nghệ An, Quảng Ninh… gọi điện hỏi thăm và chia sẻ về việc làm của tôi, điều này khiến cả gia đình chúng tôi thấy ấm lòng vô cùng”, cô Bích chia sẻ.

Nhưng điều khiến cô Bích thấy hạnh phúc hơn cả đó là việc có nhiều thí sinh đã đỗ vào các trường ĐH, CĐ như ý muốn, sau khi lên nhập học các em lại tìm tới gia đình cô bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc.

Cô Bích nhớ có lần, ấn tượng nhất là trường hợp một thí sinh đã từng tặng cô một bức tranh. Khi cô hỏi về ý nghĩa của bức tranh thì em học sinh này vội ôm cô khóc và xin phép một lần gọi cô bằng mẹ…


Căn nhà 57A Cửa Đông gắn liền với công tác thiện nguyện suốt 5 năm qua.

Trước khi chia tay chúng tôi, cô vội vàng nhắn gửi: “Hi vọng thông qua bài viết, các sĩ tử cũng như phụ huynh biết đến và nếu cảm thấy khó khăn về chỗ ở thì đừng ngần ngại gọi điện cho tôi hoặc cứ tìm đến số nhà 57A Cửa Đông, tôi sẵn sàng đón tiếp bất cứ lúc nào”.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày