Người kiến nghị dừng phát hành sách của Huyền Chip: "Tôi muốn lật tẩy sự dối trá"

N.A, Theo Trí Thức Trẻ 10:35 27/09/2013

"Huyền Chip đã thể hiện một thái độ hết sức vô lễ, thiếu văn hóa và quan trọng hơn cả là thách thức dư luận. Tôi muốn làm việc này để cho Huyền hiểu được mà trưởng thành hơn", anh Trần Ngọc Thịnh cho biết.

Thời gian gần đây, dư luận đang ồn ào với nghi án cuốn nhật ký kể lại chuyến đi vòng quanh thế giới qua 25 nước của Huyền Chip có sự mập mờ về sự thật.

Ngày 26/9, độc giả Trần Ngọc Thịnh - một chuyên gia tư vấn độc lập cho các dự án phát triển tại Việt Nam - đã gửi kiến nghị tới Cục Xuất bản về việc xem xét tạm đình chỉ phát hành để thẩm định lại nội dung và tư tưởng của cuốn sách hai tập mang tên “Xách ba lô lên và đi” của Huyền Chip.

Chúng tôi đã liên lạc với anh Trần Ngọc Thịnh để tìm hiểu rõ hơn về lý do gửi đơn kiến nghị cũng như quan điểm cá nhân của anh về sự việc liên quan đến nữ tác giả Huyền Chip.

Người kiến nghị dừng phát hành sách của Huyền Chip: "Tôi muốn lật tẩy sự dối trá" 1
Anh Trần Ngọc Thịnh.


Thời gian gần đây, câu chuyện về chuyến đi 25 nước của Huyền Chip đã ít nhiều nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng, người đồng tình, người phản đối. Trong khi nhiều người chỉ lựa chọn cách "tọa sơn quan hổ đấu" thì anh lại ra mặt, công khai đưa ra quan điểm mà theo anh là để "lật tẩy sự dối trá" của Huyền Chip. Vì sao vậy?

Vì tôi cho rằng trong đấu tranh để giành lấy công lý và sự thật, không có gì phải sợ hãi, không có gì phải ẩn danh. Tranh luận công khai là biểu hiện của một xã hội văn minh. Đây cũng là một yếu tố đảm bảo văn hóa tranh luận mà tôi đã nói tới trong bài viết của tôi về văn hóa tranh luận của người Việt thông qua sự kiện sách của Huyền Chip. Trong tranh luận, nếu bạn không chính danh, rất dễ bị quy chụp là "anh hùng bàn phím". Việc tôi làm tôi không thấy có gì sai trái mà phải ẩn danh cả.

Anh đã chính thức gửi đơn lên Cục Xuất bản, kiến nghị "tạm đình chỉ phát hành cuốn sách này để thẩm định lại, nhằm đưa ra quyết định xử lý nghiêm minh". Hành động này cùng với một số bài viết trước đây của mình khiến nhiều người tự hỏi không biết anh có hằn học hay thù oán cá nhân gì với cô gái 23 tuổi này không?


Tôi đã trả lời nghi vấn này trên Facebook Page của mình. Tôi xin nói lại là tôi mới biết bạn Huyền Chip từ sau buổi họp báo hôm 19/9/2013 ở Hà Nội nên không có gì là ân oán quá khứ để mà trả thù. Tôi và nhiều độc giả đã rất bao dung khi cho em cơ hội giải thích và trình bày tại 2 buổi họp báo, nhưng bạn Huyền Chip đã thể hiện một thái độ hết sức vô lễ, thiếu văn hóa và quan trọng hơn cả là thách thức dư luận. Việc bạn ấy cố tình thách thức dư luận là điều khiến tôi cảm thấy bất bình nhất. Tôi muốn làm việc này để cho Huyền hiểu được mà trưởng thành hơn.

"Đi 25 nước với 700 đô trong tay", Huyền Chip đã trở thành một hình tượng của giới trẻ về việc dám nghĩ, dám làm. Anh công khai phản ứng như vậy có sợ người hâm mộ của cô ấy ném đá?

Tôi nghĩ có 2 cụm từ khi nói về Huyền Chip làm những người hâm mộ bạn ấy bị mê muội.

Cụm từ thứ nhất là "truyền cảm hứng". Mọi người cứ thấy truyền cảm hứng là cổ vũ, nhưng sao không hỏi là truyền cảm hứng cái gì? Tôi không phản đối việc đi du lịch khám phá, nhưng hãy nhìn lại đất nước mình. Đất nước còn nghèo, mà chỉ lo hưởng thụ, với đi du lịch, các bạn trẻ không lo học hành, chi lo ăn chơi thì làm sao đất nước khá lên. ​​Nhìn sang các nước giàu có, họ học tập và làm việc chăm chỉ để rồi lúc đó mới đi du lịch, hưởng thụ khám phá thế giới. Đất nước họ giàu có, Tây ba lô với khoản trợ cấp thất nghiệp còn thừa tiền để sống thoải mái ở Việt Nam, còn chúng ta thì sao, chưa lo làm giàu đã lo hưởng thụ. Tôi thấy Huyền Chip đi du lịch khi không có tiền, phải sang đó làm việc chui lủi, rồi phạm pháp chỉ để thỏa mãn cái sự tò mò, thích trải nghiệm của tuổi trẻ thì việc "truyền cảm hứng" đó cần phải soi xét lại.

Cụm từ thứ hai là "dám nghĩ, dám làm". Giống như cụm từ trên mọi người cứ thấy ai "dám nghĩ, dám làm" là thần tượng. Không thấy ai trong số đó tự hỏi dám nghĩ cái gì? dám làm cái gì?  Huyền Chip thừa nhận vượt biên trái phép, rồi cư trú bất hợp pháp ở Malawi, rồi làm việc với visa du lịch không có working permit như thế, toàn là việc phạm pháp nghiêm trọng như thế. Từ khi nào một thanh niên phạm pháp trở thành hình mẫu thanh niên vì dám nghĩ dám làm? Dám nghĩ, dám làm thì nó cũng phải là nghĩ cái gì và làm cái gì chứ? Nếu Huyền Chip dám nghĩ chuyện có ích, dám làm việc có ích cho xã hội thì đáng khen. Đây là dám nghĩ tới việc trốn vé, làm giả giấy tờ, vượt biên để tiết kiệm tiền, để trải nghiệm và dám làm nó bất chấp hậu quả nghiêm trọng thế nào thì có gì để độc giả ngưỡng mộ.
 
Trong một số bài viết của mình, anh muốn Huyền Chip nhận mình đã không thành thật trong một số đoạn của cuốn sách. Nhưng nhiều người cho rằng, nếu yêu cầu sách phải đúng thực tế 100% là quá cực đoan. Anh nghĩ sao về điều này?

Không, nếu tác giả ghi ngay từ đầu đây là cuốn tiểu thuyết hay có yếu tố hư cấu thì không ai đòi hỏi phải thật. Nhưng tác giả mô tả nó là nhật ký hành trình thì tính chân thực phải đặt lên hàng đầu. Trong sách có nhiều tình tiết rất phi lý. Ví dụ, Huyền Chip bị xe máy chạy 100km/h (làm sao bạn ấy chắc tốc độ xe máy chạy thế) đâm vào gãy ống đồng mà 3 tuần sau có thể chạy nhảy, leo núi thì sự thật là 0% chứ không được nổi 1%. Hoặc là không có trình độ, mới tốt nghiệp cấp 3, sử dụng visa du lịch ngắn ngày, không có kinh nghiệm làm việc, không biết tiếng bản địa mà có thể xin được việc 150USD/tuần ở một nước châu Phi nghèo hơn Việt Nam rất nhiều, với tỷ lệ thất nghiệp đang lên tới 50% thì khó mà tin được. ​​

Người kiến nghị dừng phát hành sách của Huyền Chip: "Tôi muốn lật tẩy sự dối trá" 2

Mạng xã hội đã mang lại cho con người rất nhiều lợi ích, nhưng đi kèm với lợi ích cũng có không ít tác hại. Nhiều người nghĩ rằng anh đang dùng sức ảnh hưởng của mạng xã hội và kinh nghiệm của mình để chèn ép một cô gái trẻ. Anh nghĩ sao?

Tôi không chèn ép ai cả, cái tôi làm là để tìm sự thật không chỉ riêng tôi mà rất nhiều độc giả mong đợi. Nếu Huyền Chip không ngoan cố, không thách thức thì sẽ chẳng có việc này. Đây là việc vạn bất đắc dĩ. Và cũng xin nói lại cho rõ, đây là một kiến nghị để mời cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ vì tranh luận không thể kết thúc khi Huyền Chip liên tục từ chối. Đây không phải là kiện tụng mà có thể coi là chèn ép. Còn về mạng xã hội, tôi muốn dùng mạng xã hội để có thể truyền đạt thông điệp của mình với mọi người. Quyền lựa chọn là của các bạn, tôi chỉ cảnh báo và đưa ra các lựa chọn mà thôi.​​

Vậy còn những ý kiến cho rằng tìm cách kiến nghị để đánh bóng tên tuổi?

Đây là một nhận xét có tính quy chụp, phán xét mà tôi cho rằng nếu họ không đưa ra dẫn chứng gì cụ thể thì tôi không có việc gì phải đi thanh minh với những người này.

Có thể nhận thấy anh là một trong những người đã theo dõi sự việc này ngay từ đầu, mỗi cuộc họp báo hay ý kiến của Huyền Chip đều được anh lưu lại, đồng thời đưa ra quan điểm cá nhân. Nhưng có vẻ như chính sự quan tâm đó của anh đã khiến nhiều người cho rằng anh hẹp hòi, chấp nhặt, thậm chí "đã làm được bằng cô gái đó chưa mà công kích cô ta". Anh nghĩ sao về những lời nhận xét này?

Đây là những lỗi ngụy biện hết sức phổ biến mà những ai ​​bênh vực huyền Chip thường xuyên vào Facebook Page của tôi để tham gia tranh luận. Thứ nhất, nếu coi Huyền Chip là một đầu bếp, thì cuốn sách của cô ta là một món ăn. Độc giả là thực khách sẽ là người nói xem món ăn đó ngon hay dở. Do vậy, để nhận xét một món ăn, chả lẽ thực khách phải trở thành đầu bếp?

Như đã nói ở trên, tôi chỉ bắt đầu biết và quan tâm tới Huyền Chip từ vụ họp báo, trước cái status không chủ ngữ và đầy tính hăm dọa, tôi đã đi dự họp báo xem tác giả công bố sự thật như thế nào. Và từ đó tôi mới theo dõi vụ này đến giờ, trước đó tôi không quan tâm tới Huyền Chip và sách của bạn ấy. Còn việc cho rằng đi tìm sự thật, đi tìm chân lý, đưa ra những bằng chứng cụ thể, xác thực là hẹp hòi, là ích kỷ thì đó là một sự ngụy biện theo kiểu công kích cá nhân nhằm bao che cho sự đuối lý.

Một số ý kiến cho rằng, không chỉ công kích Huyền Chip, anh còn có những lời quá thẳng thắn và có phần hơi quá khi nhận xét về 2 vị khách mời trong buổi họp báo tại Hà Nội của Huyền Chip và nhận được những phản ứng không hay từ cộng đồng mạng. Anh có thể giải thích việc này không?

Tôi đã đọc lại những gì mình viết và tôi thấy không có gì gọi là quá quắt. Hai vị khách mời đáng kính trọng đã làm nhiều người thất vọng tràn trề sau buổi họp báo, với tư cách là người bình luận, tôi đã thẳng thắn phê phán quan điểm của 2 người này bằng lập luận chắc chắn. Dẫu sao thì không thể tránh khỏi cảm xúc cá nhân xen lẫn vào câu chữ. ​​

Anh sẽ còn theo vụ Huyền Chip đến bao giờ? Nếu Cục xuất bản không đình chỉ việc phát hành cuốn sách, anh sẽ làm gì tiếp theo?


Nhà báo Minh Trí bên báo Công an Nhân dân là nhà báo đầu tiên đặt ra nghi vấn về cuốn sách này. Tôi hy vọng tôi là người cuối cùng phải làm việc đó. Tôi tin là với những bằng chứng và lý lẽ đã trình bày trong thư kiến nghị, Cục xuất bản sẽ đứng về phía tôi và đông đảo độc giả chờ mong sự thật. ​​

Anh khẳng định rằng anh "theo đến cùng" vụ Huyền Chip không vì bất cứ mục đích cá nhân nào?

Mục đích là để tìm lại sự thật. Tôi muốn xem tình hình diễn biến thế nào, ngay bây giờ không thể nói trước được điều gì.

Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này!


"Văn hóa Việt Nam có câu "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”, vì thế chúng tôi đã khoan dung và mở rộng vòng tay đón nhận em trở lại và trông mong em giải đáp thắc mắc của chúng tôi một cách có trách nhiệm trong các buổi họp báo của mình mà em hứa là sẽ giải đáp mọi thắc mắc. Nhưng những gì chúng ta nhận được là sự xúc phạm bởi thái độ hỗn hào, xấc xược và đầy thách thức của em. Nếu em thừa nhận sai, có hư cấu thì có phải vui vẻ hơn không. Còn nếu em đúng, thì ai nghi vấn sẽ xin lỗi em thôi. Nhưng em đã chọn quay đầu lại với dư luận. Những tưởng rằng quay đầu lại là bờ, nhưng ai ngờ lại là biển cả (kèm theo bão cấp 17).

Sống trong một xã hội văn minh, hiện đại, một thế giới phẳng nơi mọi nơi trên thế giới đều đã từng có người đặt chân đến, hoặc được biết đến. Nơi thông tin phổ biến khắp mọi nơi thì sự giả dối, bịa đặt sẽ bị phát hiện không sớm thì muộn. Chắc bố mẹ em có dậy em câu này “Cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra”, em không thể che giấu mãi được em ạ. Vì thế hãy sống chân thực với chính mình, với dư luận đang soi xét mình. Hãy làm những việc cần làm trước khi nó quá muộn".

(Một đoạn trong bài viết của anh Trần Ngọc Thịnh về Huyền Chip và cuốn sách mới xuất bản).


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày