Người Hà Nội khổ sở vì hương hoa sữa nồng nặc trên nhiều tuyến phố

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 21/11/2015

Không chỉ cảm thấy khó chịu, nhiều người còn cho biết, hương hoa sữa quá nồng nặc chính là tác nhân khiến họ mắc phải các chứng bệnh như chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn...

Hoa sữa, từ lâu đã được xem là một trong những biểu tượng của mùa thu Hà Nội. Mỗi khi đi xa, nhớ về những câu hát "mùa hoa sữa về, thơm từng cơn gió" hay "hoa sữa, vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm, có lẽ nào anh lại quên em"... thực sự khiến người ta cảm thấy thương nhớ cồn cào mảnh đất kinh kỳ. Những hình ảnh mang tính ước lệ như mùa cốm thu về xanh ngắt trời hay hương hoa sữa thơm nồng khỏa lấp những đêm thu, trăng lạnh mờ sương... chỉ nghĩ đến thôi, cũng đã thấy thật đẹp biết bao!

Thế nhưng sự thật không hoàn toàn đẹp như những lời văn thơ ấy. Mùa hoa sữa về, có đôi khi chỉ khiến người dân Thủ đô thấy phiền lòng vì sắc hoa không thực sự lãng mạn và mùi hương của chúng lại quá nồng nặc, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người già, trẻ nhỏ.

IMG_2426-64f81
Hoa sữa nở thành chùm tròn xoe, tỏa hương bay ngào ngạt...

IMG_2400-64f81
... từ lâu đã trở thành một hình ảnh đẹp mang tính ước lệ về mùa thu Hà Nội

Đau đầu vì mùi hương hoa sữa quá nồng

Nhiều năm nay, tại Thủ đô mọc lên rất nhiều con đường hoa sữa chứ không chỉ là "phố Quang Trung, đường Nguyễn Du, những đêm hoa sữa thơm nồng" nữa. Như Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Duy Tân, Quán Thánh, Lê Quang Đạo, Lê Đức Thọ, Lò Đúc... Các cây hoa sữa đều khá cao, tán xòe rộng. Dọc các cung đường này lại trồng rất nhiều hoa sữa, theo quan sát của PV, cứ cách vài mét lại có một cây hoa trổ bông và gần như, trước cửa nhà nào cũng vướng phải cây hoặc cành hoa sữa. 

IMG_2411-64f81

IMG_2314-64f81
Những cây hoa sữa có tán khá rộng, thân cao, trùm kín trên mái nhà nhiều hộ dân.

Mùa hoa của nó bắt đầu từ cuối tháng 9 - đầu tháng 10 và kéo dài cho đến khoảng đầu tháng 12 dương lịch. Theo nhiều người dân, càng về cuối vụ, hương hoa sữa càng đậm hơn. Loại hương này nếu chỉ ngửi thoang thoảng thì khá dễ chịu và có vẻ giống với mùi thơm của hoa Dạ lý hương. Tuy nhiên, nếu ngửi lâu với nồng độ đậm đặc sẽ gây ra cảm giác đau đầu, khó chịu.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, một người bán hoa quả rong trên phố Nguyễn Chí Thanh, tâm sự: "Con phố này dày đặc cây hoa sữa, cứ đến độ cuối thu - đầu đông thì mùi hoa sữa nồng nặc. Buổi trưa tôi phải tránh nắng ở gốc cây, ngửi nhiều quá mùi hoa sữa nhiều lúc cảm thấy khá mệt".

IMG_2440-64f81

IMG_2481-64f81
Trên phố Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, hoa sữa được trồng với mật độ quá dày, chỉ cách vài mét lại có một cây hoa tán rộng xum xuê.

Chị Thanh (nhà ở phố Trần Duy Hưng) chia sẻ: "Mùi hoa sữa làm bố mẹ tôi thấy choáng, đau đầu nên mỗi tối, tôi đều phải đóng chặt tất cả cửa sổ vì vào ban đêm, loài hoa này cũng tỏa hương mạnh mẽ hơn".

Nhiều người dân cho biết, hoa sữa còn có nhiều tác hại khác. Hoa và quả của cây có nhiều lông, có thể phát tán trong không khí, dễ gây dị ứng, viêm xoang và các bệnh về đường hô hấp. "Loài hoa này có tính tự phát tán quả và hạt nên sau khi quả chín, chúng sẽ tự bung vỏ và hạt bay theo gió đến các khoảnh đất khác. Quả của chúng khi khô đi và bay lẫn trong gió sẽ trở thành các hạt bụi nhỏ, bám vào cả quần áo, đầu tóc và gây bệnh nữa", ông Nguyễn Văn Triệu (lái xe ôm trên phố Lê Đức Thọ) nói.

Hương hoa sữa ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe?

Để tìm hiểu thực hư tác hại của hương hoa sữa, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Lương y Vũ Quốc Trung (thành viên hội Đông y Việt Nam). Theo ông Trung, bản thân hoa sữa không phải là loại cây thích hợp trồng trong môi trường đô thị. Loài hoa này có chứa một số độc tố, tuy nhiên, các chất này chưa đến ngưỡng gây hại cho sức khỏe con người. Tác hại lớn nhất của nó chính là mùi hương nồng nặc.

"Hương hoa sữa có nồng độ mạnh dễ gây cho nhiều người cảm giác nhức đầu, choáng váng, chóng mặt, buồn nôn, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, nhất là người già, trẻ nhỏ và những ai dị ứng với mùi hoa này", ông Trung nói.

IMG_2496-64f81
Càng về cuối mùa, hoa sữa càng nở dày và tỏa hương khó chịu. Dù cây đã chỉ còn trơ vài cuống lá nhưng khắp thân hình nó được bao phủ bởi một lớp hoa trắng muốt.

IMG_2309-64f81

IMG_2393-64f81
Khi tàn bông, những cánh hoa sữa mỏng manh rơi vãi, bám đầy hè phố.

Theo ông Trung, hoa sữa nếu có trồng thì không nên trồng nhiều. "Loài hoa này nếu trồng chỉ nên lưa thưa thôi. Nếu trồng dày, hương hoa sẽ rất mạnh, nồng nặc vì mỗi cây thường kết khá nhiều hoa và mùa hoa cũng tương đối dài ngày".

Bên cạnh đó, ông Trung cũng cho biết, hoa và quả của loài cây này thường có tính tự phát tán. Chúng lại có lớp lông mỏng bao phủ nên khi khô đi, thường lẫn vào không khí, trở thành chất bụi gây hại đến đường hô hấp hoặc có thể làm nổi mẩn, gây dị ứng ngứa ngoài da. 

"Cây hoa sữa có hơn 40 loài, đặc điểm chung là cây khá cao, vỏ dày, chảy nhựa như sữa nên gọi là hoa sữa. Những con phố càng nhỏ, không gian chật chội mà lại trồng nhiều cây này thì cảm giác rất bí bách, khó chịu vì hương hoa sữa rất nồng nặc, càng hít nhiều sẽ càng thấy mệt", ông Trung bày tỏ quan điểm.

Những ngày qua, lực lượng công nhân Công ty công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn (Bình Định) ra quân trên khắp các tuyến đường để chặt, tỉa cành hoa sữa đang nở rộ nhằm giảm thiểu mùi hương của loài hoa này.

Ông Đỗ Đình Phương - Giám đốc Công ty công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn cho biết, trước đây, khắp thành phố Quy Nhơn có khoảng 4.000 cây hoa sữa, chủ yếu do người dân trồng tự phát. Tuy nhiên, đến mùa cây ra hoa, hương quá nồng khiến người dân phản ứng. Trong những năm qua, công ty đã chặt và di dời hơn 3.000 cây ra khỏi nội thành.

Tương tự, trước đó, tại TP.Trà Vinh cũng từng xảy ra việc người dân có đơn gửi chính quyền địa phương vì “mùi hoa sữa đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe”. Quá bức xúc với mùi hoa này, mỗi kỳ họp HĐND các cấp, cử tri đều lên tiếng phản ánh.

Trước bức xúc của người dân, UBND tỉnh Trà Vinh đã có chủ trương cho đốn bỏ các cây hoa sữa trồng dọc nhiều tuyến đường và thay thế bằng loại cây khác.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày