Ngắm nhìn Sài Gòn thân thương 20 năm qua những bức ảnh đầy cảm xúc

Quỳnh Trân, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 28/03/2015

Bộ ảnh "Chào Sài Gòn!" với 40 bức ảnh trắng đen được tác giả Nguyễn Thanh Tùng chụp từ 20 năm trở lại đây. Bộ ảnh là cái nhìn đầy tình cảm, yêu thương về một thành phố trẻ năng động, cởi mở và bao dung với tất cả mọi người.

Triển lãm với chủ đề "Chào Sài Gòn" của nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tùng diễn ra tại Lâu đài TajmaSago, số 6 Phan Văn Chương, phường Tân Phú, Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP. HCM) bắt đầu từ 26/3 đến 29/3 đang thu hút khá nhiều người đến thưởng lãm.

Nhiếp ảnh gia Thanh Tùng có 15 năm kinh nghiệm về nhiếp ảnh chuyên nghiệp với hơn 10 năm làm phóng viên ảnh cho nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Anh hiện là CEO và đồng sáng lập trang web vnphoto.net, một trang web về nhiếp ảnh, bên cạnh công ty riêng về lĩnh vực hình ảnh.

"Chào Sài Gòn!" là chuỗi câu chuyện bằng hình ảnh được xây dựng xuyên suốt trong một dự án hình ảnh dài hơi của tác giả Thanh Tùng. Triển lãm ra đời và giới thiệu cùng công chúng vào dịp cả nước kỉ niệm 40 năm ngày giải phóng Sài Gòn như một lời cảm ơn với mảnh đất này, nơi đã nuôi dưỡng ước mơ và cho tác giả nhiều cơ hội để sống với những đam mê tuổi trẻ.


Triển lãm diễn ra tại Lâu đài TajmaSago, Quận 7, thu hút khá nhiều người đến thưởng lãm.

Bộ ảnh dẫn dắt người xem từ khung cảnh chợ, bến xe Sài Thành đông đúc nhộn nhịp những năm đầu thập niên 90, những công trình kiến trúc và cảnh sinh hoạt đời thường của người dân trải dài trong nhiều năm cùng với sự phát triển chung của đất nước. 40 bức ảnh, là chuỗi dài ghi nhận sự đổi thay của Sài Gòn qua từng ngày. Trong từng bức ảnh, dù là chủ đề nào, tác giả cũng bắt gặp những khoảnh khắc chân thật, tươi trẻ của cảnh vật và con người Sài Gòn.

Nói về tên của bộ ảnh này, nhiếp ảnh gia Thanh Tùng cho biết: ""Chào Sài Gòn!" không phải là tiếng chào xã giao của những người gặp nhau trong thoáng chốc. "Chào Sài Gòn!" là tiếng chào của một cư dân sống ở Sài Gòn đủ để hiểu và cảm nhận vùng đất này chân thật sâu lắng. Đó là tiếng chào thân quen với nhau như người thân, người bạn. Xem ảnh, người thưởng lãm sẽ nhìn thấy một tính cách Nam Bộ rõ ràng trong từng khoảnh khắc: chân thành, mộc mạc, không hình thức khoa trương mà chất chứa một nội lực mạnh mẽ, một cách sống tích cực. Tôi chọn thể loại ảnh trắng đen cũng với ý tưởng thể hiện chân thật nhưng sống động Sài Gòn như nó vốn có. Bộ ảnh này được tôi chọn lọc từ quá trình 20 năm cầm máy, tôi chọn in từng tấm trên chất liệu canvas, một loại vải dùng cho tranh sơn dầu nên giữ được sắc độ trung thực cho từng bức ảnh".

Một số tác phẩm tiêu biểu trong bộ ảnh "Chào Sài Gòn!" của Nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tùng:


Ảnh chụp năm 1995 bằng film 135mm trắng đen với hình ảnh anh tài xế ngồi đọc sách thư giãn sau giờ làm việc. Xe lam giờ còn rất ít trên đường phố Sài Gòn.


Ảnh chụp năm 1999 bằng film màu 135mm, cách đây 16 năm tại bến xe Chợ Lớn khi các chuyến xe đò chở khách và gia súc từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn.


Ảnh chụp lúc 10h sáng ngày 8/10/2002. Ngôi chợ được xây dựng từ năm 1874, chuyên bán rau củ quả và hải sản đã được chính quyền dỡ bỏ từ năm 2003. Ngôi chợ này là kí ức không thể quên đối với người dân Sài Gòn.


Eden, Thương xá Tax là nơi gắn bó nhiều kỷ niệm với mọi tầng lớp người Sài Gòn. Với kiến trúc kiểu Pháp cổ kính trang trọng, khu vực này góp phần làm nên danh hiệu “Hòn Ngọc Viễn Đông” trong mắt người nước ngoài. Ảnh chụp ngày 27/3/2003.


Văn hóa giao thông, đèn tín hiệu đã có ở Sài Gòn từ rất lâu. Điều này cũng đồng thời hình thành ý thức tham gia giao thông tích cực của cư dân Sài Gòn trong nhiều thập kỉ qua.



Đường Đồng Khởi (trước đây là đường Catinat) sầm uất nhất của Sài Gòn xưa giờ đã thay đổi với nhiều công trình mới, đẹp, hiện đại. Ảnh chụp tháng 10/2004.


Xích lô là phương tiện vận chuyển thô sơ đặc trưng của Việt Nam. Khách du lịch các nước khi sang Việt Nam đều thích thú được một lần ngồi xích lô dạo chơi trên đường phố Sài Gòn. Ảnh được chụp trên đường Lê Lợi, vào tháng 4/2005.



Ảnh chụp kênh Nhiêu Lộc tại đoạn đầu trung tâm quận 1 ngày 21/4/2005 trong giai đoạn đầu của công trình cải tạo con kênh này. Hình ảnh cây xanh, các con tàu neo đậu thể hiện sự hồi sinh nhanh chóng của dòng kênh này.


Ảnh chụp cách đây 9 năm, ngày 5/9/2006 trong ngày lễ khai giảng ở trường phổ thông trung học cổ của TP. HCM, trường PTTH Lê Hồng Phong (xưa là Petrus Ký). Trường được thành lập năm 1927 và là một trong 3 trường trung học đầu tiên được thành lập tại Sài Gòn. Vẻ tươi vui, rạng rỡ của các em học sinh trong tà áo dài hứa hẹn một năm học nhiều thành quả. Các em cũng là đại diện cho một thế hệ trẻ tài giỏi, năng động, sáng tạo của thành phố.


Cặp diễn viên nổi tiếng thế giới Prad Pitt và Angelina Jolie đã bất ngờ có mặt tại TP. HCM sáng 23/11/2006. Đây là chuyến đi xúc tiến cho việc xin con nuôi Pax Thiên.


Ảnh chụp ngày 19/12/2007. Sài Gòn là nơi tập trung người dân từ khắp các vùng miền trên cả nước về sinh sống, làm việc. Chính vì thế mà vấn đề giao thông ở đô thị này vô cùng phức tạp. Hình ảnh kẹt xe, các loại phương tiên chen chúc luồn lách trên đường trở thành quen thuộc như nhịp sống vốn có của thành phố này. Người nước ngoài đến Sài Gòn cũng đã nhanh chóng thích nghi với các hình thức giao thông khi chọn mảnh đất này làm nơi làm việc.


Hình ảnh được chụp tại bùng binh công trường Dân Chủ sáng 7/4/2008. Là thành phố lớn và quan trọng của cả nước, Sài Gòn là nơi đông dân cư, với nhịp sống cực kì sôi động. Hình ảnh buổi sáng ở Sài Gòn với dòng người hối hả, tất bật vào cuộc mưu sinh đã trở nên quen thuộc. Khoảnh khắc ba cha con cùng nhau đi học, đi làm vừa quen thuộc, thân thương, vừa cho thấy một Sài Gòn năng động và hối hả.


Người Sài Gòn thường có thói quen chọn cho mình một chỗ ngồi để uống ly café và thư giãn, suy ngẫm về sự đổi thay của Sài Gòn. Ảnh chụp vào ngày 27/7/2009, tại góc nhìn của một trong những công trình kiến trúc có ý nghĩa lịch sử đó là khách sạn Caravelle.


Ảnh chụp ngày 21/3/2011 khi ban nhạc nổi tiếng thế giới Backstreet Boys ghé thăm chợ Bến Thành. Các thành viên thích thú với văn hóa chợ của người Việt Nam.


Sài Gòn được bao bọc bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt. Chính vì thế mà cuộc sống trên bến dưới thuyền đã trở nên quen thuộc. Đặc biệt trong những ngày cận tết, những hoạt động buôn bán tấp nập của cư dân làm cho những chiếc ghe này trở nên sống động, lung linh hơn. Ảnh chụp vào một buổi tối ngày 18/1/2012 tại khu vực bến Bình Đông, quận 8.


Cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn chiếm số lượng đáng kể. Họ sống tập trung chủ yếu ở các quận 5,6,11 và kiếm sống bằng nhiều ngành nghề khác nhau. Nghề làm kéo là một trong những nghề đặc trưng tại khu vực Chợ Lớn. Ảnh chụp ngày 5/2/2012 tại phố Triệu Quang Phục, quận 5.


Bùng binh Quách Thị Trang - Chợ Bến Thành là hình ảnh nhiều kỉ niệm của người dân Sài Gòn. Ảnh được chụp ngày 26/10/2014, trước khi tượng Trần Nguyên Hãn và tượng Quách Thị Trang được dời đi để phục vụ cho việc xây dựng hệ thống tàu điện ngầm.


Hầm Thủ Thiêm, bước khởi đầu cho sự phát triển vượt bậc về cơ sở hạ tầng cho TP. HCM, nối hai bờ sông Sài Gòn, là cầu nối cho sự phát triển của một trung tâm hành chính mới của thành phố những năm tới. Ảnh chụp ngày 11/3/2015.