"Nếu kiện sách Huyền Chip, chắc phải kiện thêm nhiều cuốn khác"

Elessar, Theo Trí Thức Trẻ 13:55 28/09/2013

Cá nhân tôi, một độc giả năm nay mới tròn 22, câu chuyện của Huyền Chip chẳng quá xa xôi hay vĩ mô, nó là những trải nghiệm mà bất cứ một người trẻ nào cũng học được điều gì đó...

Ngày hôm trước, tôi có đọc được một bài viết khá dài nói về câu chuyện của Huyền Chip. Có thể nói rằng, trong rất nhiều bài viết về Huyền, đây là bài viết khiến tôi ấn tượng nhất. Một bài viết dài, giọng văn trào phúng với liên tưởng thú vị về Huyền Chip và câu chuyện chuồn chuồn cắn rốn, cũng như mang đầy những chiêm nghiệm mà một người 40 tuổi đã từng trải mới có và hiểu được. 

Thế rồi, ngày hôm qua, là chuyện một độc giả mang một bản kiến nghị dài 21 trang gửi tới Cục xuất bản để đòi dừng phát hành cuốn sách của Huyền Chip. Lùm xùm xung quanh cuốn sách có vẻ không còn là chuyện trên mạng, giữa các anh hùng bàn phím nữa rồi...

Cá nhân tôi, một độc giả năm nay mới tròn 22, câu chuyện của Huyền Chip chẳng quá xa xôi hay vĩ mô. Tôi nhìn nó theo lăng kính của một người trẻ - sẽ còn nhiều lần vấp váp trong đời và lăng kính của một đứa con gái cũng mê mẩn chuyện đi du lịch, đọc những cuốn sách về các hành trình khám phá, nhưng - ít can đảm hơn Huyền nhiều. 

Huyền Chip - Khi cô ấy đối mặt với dư luận...

Người viết từng biết đến Huyền Chip khi cô đang trên đường phiêu du của mình, cách đây khoảng 2-3 năm gì đó. Khi đó, đọc những dòng viết của Huyền Chip, tôi đã không khỏi ngưỡng mộ cô gái bé nhỏ, trạc tuổi mình mà đã có bản lĩnh để bôn ba khắp chốn, làm được như Huyền là điều tôi ao ước từ lâu, nhưng thú thực là tôi chẳng đủ can đảm đến thế. 

Thế rồi Huyền quay về, thành quả của những chuyến đi là 2 cuốn sách. Cuốn sách thứ nhất: Châu Á là nhà cũng gây được khá nhiều tiếng vang và cả những tranh cãi. Nhưng chẳng là gì cho tới khi Huyền xuất bản cuốn sách thứ hai: Đừng chết ở châu Phi. Chẳng khó để cộng đồng những người mê phượt nói riêng và cộng đồng mạng nói chung tìm ra những kẽ hở vô lý trong cuốn sách này. Nhưng tôi cũng không muốn nói lại những điều mà mọi người đang cố tranh cãi. Chúng ta hãy cứ nói về tính đúng - sai của Huyền xuyên suốt quá trình bảo vệ bản thân và đứa con tinh thần trước những nghi vấn và tranh cãi của người đọc.


"Nếu kiện sách Huyền Chip, chắc phải kiện thêm nhiều cuốn khác" 1

Đầu tiên là về cái đúng. Huyền đúng khi muốn chia sẻ lại câu chuyện của mình với những người có chung niềm đam mê du lịch. Chẳng cần biết câu chuyện của Huyền khôi hài đến đâu trong mắt những cư dân phượt, nhưng câu chuyện về một cô bé yêu du lịch, muốn kể lại những trải nghiệm tuyệt vời của mình trên khắp những nẻo đường từng bước tới là một động cơ hoàn toàn trong sáng. 

Tuy vậy, đây là cái đúng duy nhất của Huyền trong câu chuyện dài của chúng ta, vì ngay sau đó, Huyền liên tiếp vấp phải những sai lầm "chí tử" khiến niềm tin của người hâm mộ dành cho cô ấy cũng lung lay dữ dội. 

Tiếp đó là cách Huyền ứng xử trước những ý kiến tiêu cực về mình. Một cô gái trẻ, đã từng lăn lộn ở những miền đất xa xôi, đi làm từ khi còn rất trẻ như Huyền - Không hiểu sao, lại có cách ứng xử còn thua cả những cô bé hot girl mới nổi. Trên báo mạng, Huyền gọi trang web khơi nguồn những nghi vấn về cuốn sách của cô là nơi thị phi, rồi thì "Đó là trang web gì mà quạ đậu nhiều thế?". Điều này thể hiện sự mất bình tĩnh, thái độ nôn nóng muốn phủ đầu "đối thủ" của Huyền. Chưa kể, trong buổi họp báo, Huyền đã tạo nên không ít ác cảm cho truyền thông về phía mình, từ những người vốn đứng phía trung lập cho tới những người ủng hộ Huyền đều đã có chút gì đó không hài lòng về cách cô vụng về xử lý những thắc mắc. 

"Nếu kiện sách Huyền Chip, chắc phải kiện thêm nhiều cuốn khác" 2

Mổ xẻ những lời Huyền Chip nói, cách cô thể hiện trước buổi họp báo, chúng ta dễ thấy một sự vẫy vùng trong vô vọng để bảo vệ ý kiến của mình. Cô loanh quanh không trả lời được ý chính, những cử chỉ và giọng nói có gì đó rất cố chấp. Chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng, có thể thấy cái cố chấp của Huyền là cái cố chấp của một người đang nói thật. Đúng, Huyền Chip không nói dối về chuyến đi của mình, cô đã đi, đã trải nghiệm. Chỉ có điều là khi mang chuyến đi về nhà và chế biến nó thành cuốn sách, Huyền đã gia giảm thêm không biết bao nhiêu gia vị cho món ăn tinh thần của mình. Để rồi khi thực khách nếm thử và yêu cầu một công thức chuẩn, cô chẳng thể nhớ nổi, chẳng thế giải thích vì sao mình lại nấu ra được một món ăn như thế này. 

Có lẽ mọi chuyện đã chẳng rùm beng đến thế nếu Huyền có một động thái chứng minh rõ ràng, kiên quyết hơn. Nếu như, ngay từ đầu, Huyền nói rõ chuyến đi của mình khởi điểm với 700$ rồi vừa đi vừa làm kiếm tiền thì bây giờ, cô đã chẳng phải "há miệng mắc quai" khi được đặt câu hỏi:"Làm sao mà chỉ với 700$ lại đi được 25 nước? Ăn, ngủ, nghỉ, xin visa thế nào với 700$?"

Giá như Huyền bớt chút oai khi cố nhấn mạnh mình bị gãy ống đồng, để rồi sơ sẩy lại viết mình đi chơi sau đó 3 tuần. Giá như Huyền bớt chút nôn nóng muốn đánh bóng bản thân thì có lẽ câu chuyện đã trung thực, gần gũi và nhận được nhiều thiện cảm hơn. Hoặc giả, nếu Huyền có bịa thật, hãy cứ nói là đoạn này tôi đã bịa, đoạn kia tôi nói vống lên đấy. Chẳng ai bắt lỗi nhà văn vì sự tưởng tượng bởi lẽ vốn dĩ công việc của nhà văn đã là sáng tạo rồi. 

Chuyện sách của Huyền bị kiện

Hôm qua, có một anh tuyên bố đã đi kiến nghị dừng phát hành sách Huyền Chip với lý do cuốn sách của cô tràn ngập những hành vi bất hợp pháp, khiến giới trẻ "mê muội", truyền cảm hứng cho việc đi du lịch bụi, lang thang tốn tiền mà không lo cho đất nước. Việc anh làm, trước tiên, không chỉ dừng ở việc kiện Huyền Chip nữa mà anh còn mở đường cho một thời kỳ mới, thời kỳ mà những anh hùng bàn phím đập bàn phím để bước ra ngoài đời thực, cầm luân lý và đạo đức trên tay để "giúp ích" cho cuộc sống quanh mình. 

"Nếu kiện sách Huyền Chip, chắc phải kiện thêm nhiều cuốn khác" 3

Tuy vậy, tôi nghĩ là đã đánh thì phải đánh to. Huyền Chip mới là khởi đầu thôi! Có lẽ anh này cần phải tìm thêm một vài ví dụ nữa để triệt tận gốc luôn mấy cái việc đi du lịch bụi ba lăng nhăng này. Cái lũ thừa tiền mua sắm, sống xa hoa mà không để quyên góp cho người nghèo với cái lũ có tiền, có thời gian đi du lịch mà không chăm lo học hành, xây dựng đất nước, thật đáng phải lên án! 

Có thể kể ra đây vài ví dụ điển hình cho sự "thừa hơi" của thế hệ này. Năm nay, chúng ta đón nhận cuốn "John đi tìm Hùng", nói về câu chuyện của chàng Việt kiều Trần Hùng John đi bộ khắp Việt Nam mà trong túi thậm chí còn chẳng có tiền. Xét về mức độ nguy hiểm, hẳn nó nguy hiểm hơn Huyền Chip vì đi bộ không có tiền hẳn sẽ đối mặt với nhiều mối nguy hơn là cầm 700$ rồi đi du lịch. Và cái sức lực cộng với thời gian đi du lịch đấy làm được bao nhiêu việc! Xây được bao nhiêu ngôi nhà, kéo được bao nhiêu gánh nước. Đi bộ từ Bắc vào Nam mà làm gì? 

"Nếu kiện sách Huyền Chip, chắc phải kiện thêm nhiều cuốn khác" 4
Trần Hùng John, Việt kiều - có hại tới giới trẻ vì đi bộ từ Bắc vào Nam?

Vài năm trước, chúng ta có cuốn Ăn, cầu nguyện, yêu của Elizabeth Gilbert, cuốn sách đó phải chăng là một mối nguy với cuộc sống gia đình vì trong sách, tác giả kể lại câu chuyện mình đã ly dị chồng và dồn hết tài sản còn lại để… đi du lịch một năm nhằm tìm lại bản ngã, khổ thân anh chồng, chẳng làm gì cũng bị đá! 

"Nếu kiện sách Huyền Chip, chắc phải kiện thêm nhiều cuốn khác" 5
Không hiểu sao 
Julia Robert lại nhận lời đóng bộ phim chuyển thể từ tác phẩm khuyên phụ nữ bỏ chồng và đi du lịch?

Hay câu chuyện của Christopher McCandless - còn được biết tới với cái tên Alexander Supertramp - Người từng vứt bỏ hết tiền bạc, cuộc sống riêng đủ đầy chỉ để một thân một mình lang thang khắp nước Mỹ và cuối cùng bỏ mạng ở Alaska, câu chuyện của anh từng được dựng thành sách, thành phim và là nguồn cảm hứng bất tận cho những bạn trẻ đang muốn thoát khỏi cuộc sống tẻ nhạt, mệt mỏi thường ngày, nhưng mà như thế thì nguy hiểm quá. Học hành đầy đủ thì không chịu, bố mẹ nhà cửa đàng hoàng không ở, lại đi lang thang cầu bơ cầu bất xong chết vì lý do lãng nhách! Thoát thế này thì có mà... thoát xác, ai cũng học theo thì hỏng! 

"Nếu kiện sách Huyền Chip, chắc phải kiện thêm nhiều cuốn khác" 6
Chris McCandless, kẻ siêu-lang-thang.

Nói vậy thôi để các bạn thấy, cái lý do đưa ra để cố gán cho việc đi đây đi đó của anh ấy khó lòng mà thuyết phục giới trẻ bây giờ. 

Bản thân du lịch là trong sáng, nó là bản năng ưa khám phá, tìm tòi của con người, được di truyền từ tổ tiên chúng ta. Nếu thời đồ đá, con người chỉ mãi chui rúc trong hang, liệu chúng ta có cơ hội được nhìn thấy cả thế giới rộng lớn như bây giờ? Chúng ta không thể áp đặt lên sự khám phá, niềm đam mê du lịch những quy củ, những luật lệ đạo đức cứng nhắc do một ai đó tự vẽ ra để thu mình trong một vòng tròn an toàn, hoặc tệ hơn, chỉ để làm vỏ bọc cho những tư tưởng cá nhân, muốn dìm một ai đấy, một cái gì đấy xuống vực. 

Và nếu bạn vẫn chưa hài lòng, hẳn các bạn vẫn nhớ cuốn Nhật ký xe máy của Che Guevara, khi ông còn là một cậu trai trẻ, một ngày bỗng ngưng học đại học Y, ngồi lên chiếc xe máy cũ mèm cùng người bạn thân và ngao du khắp Nam Mỹ. Trong chuyến đi này, Che cũng từng ăn cắp rượu ở một bữa tiệc rồi chôn ở gần bờ sông, nếu mà Che còn sống, chưa biết chừng anh kia cũng lặn lội sang Cuba để tìm Che mà... kiện lắm chứ. Kết cục thì sao? Ăn cắp rượu không làm Che biến thành một kẻ "chợ búa". Chuyến đi và những trải nghiệm đã mở ra trước mắt Che cuộc sống lầm than của người dân Nam Mỹ, khắc sâu trong Che khao khát muốn được giải phóng những con người vô sản khỏi kiếp nô lệ đọa đày và cũng từ chuyến đi này, ông đã trở thành một huyền thoại, một nhà cách mạng lỗi lạc. "Người viết những dòng nhật ký này đã không còn là con người của ngày xưa nữa khi đặt chân trở lại mảnh đất Argentina" - Ông viết. 

"Nếu kiện sách Huyền Chip, chắc phải kiện thêm nhiều cuốn khác" 7
Che và người bạn thân Alberto Granado trong chuyến hành trình dọc Nam Mỹ trên chiếc xe La Poderosa - được tái hiện trên màn ảnh rộng. 

Vậy nên, suy cho cùng, tất cả những cuốn sách nhật ký hành trình này chẳng có gì là cổ súy cho một điều gì xấu xa cả. Nó giúp bạn tưởng tượng về một thế giới rộng lớn hơn, có cảm hứng để thay đổi bản thân, con người của chính mình. Đúng như lời Che từng nói: "Và nếu có ai bảo rằng chúng tôi rất lãng mạn, rằng chúng tôi là những kẻ liều lĩnh, rằng chúng tôi chỉ nghĩ đến những điều không thể làm được, thì chúng tôi sẽ chỉ mỉm cười im lặng. Nhưng hành động và suy nghĩ trong chúng tôi sẽ lên tiếng: Vâng! Đúng vậy! Có gì là sai nào?" 

Bài học cho tất cả chúng ta

Trên mạng có một ý kiến nói rằng sau mỗi cuộc chiến trên mạng về bà Tưng, Angela Phương Trinh hay gần đây nhất là Huyền Chip, anh ấy cảm thấy rất thú vị khi vào cuối ngày, đó không chỉ là câu chuyện của những cái tên kia nữa mà là sự va chạm của những luồng tư tưởng, của những ý kiến cá nhân. Quả thật, sau mỗi cuộc chiến như vậy, chúng ta có thể ngồi và nhìn những gì đọng lại. Suy cho cùng, cộng đồng mạng đã có được chiến thắng tinh thần khi khiến Huyền Chip "á khẩu". Huyền thì bán được sách, dù cho danh tiếng bị tổn hại ít nhiều. Còn chúng ta, những người ở giữa, nhận được nhiều bài học, kinh nghiệm không chỉ về du lịch bụi mà còn về cách đưa những ý kiến của mình vào văn học, cách ứng xử với truyền thông và trước những đối thủ của mình.  

Có lẽ lần sau, Huyền lại đi du lịch và lại viết sách. Cũng có lẽ lần sau, cộng đồng mạng sẽ không còn tranh cãi ào ào về một tình tiết nào đó trong chuyến đi của Huyền nữa. Và có lẽ lần sau, sẽ là tôi hay bạn đi và viết về những câu chuyện của mình. Sau mỗi trận chiến, cuộc sống vẫn diễn ra như nó đã từng, chỉ có chúng ta là thay đổi để tốt hơn mà thôi.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày