Nắng nóng lịch sử, các tỉnh Tây Nguyên công bố thiên tai

Dũng Chí, Theo Trí Thức Trẻ 15:24 05/04/2016

Các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và mới đây nhất là Đắk Lắk vừa chính thức công bố thiên tai do hạn hán ở cấp độ 1. Đây được xem là trận hạn hán lịch sử ở Tây Nguyên, thiệt hại do hạn cũng lập thêm nhiều kỷ lục mới.

Trước tình hình hạn hán gây thiệt hại nghiêm trọng về nông nghiệp và ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân, UBND các tỉnh ở Tây Nguyên đang tập trung chống hạn. Đặc biệt, ưu tiên hàng đầu là cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, tiếp đến là nước phục vụ cho chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, bảo vệ diện tích cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao.


Nắng nóng lịch sử, các tỉnh Tây Nguyên công bố thiên tai - Ảnh 1.

 Thiệt hại do hạn hán gây ra đối với các tỉnh Tây Nguyên là rất lớn.

Theo số liệu mới nhất, đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 21.000 ha cây trồng bị hạn. Thiệt hại do hạn hán gây ra ước tính khoảng 486 tỷ đồng. Theo dự kiến của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh sẽ có khoảng 80.000 ha cây trồng bị hạn, khoảng 25.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Gia Lai, hiện có hơn 7.000 hộ thuộc địa bàn các huyện Chư Pưh, Chư Sê, Krông Pa, Ia Pa, Kbang, Đắk Pơ, Kông Chro, Chư Prông…. thiếu nước sinh hoạt. Toàn tỉnh có 14.695 hộ với 64.289 khẩu bị thiếu đói do hạn hán gây ra trong vụ Đông Xuân 2015-2016, trong đó các hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 11.894 hộ với 61.186 khẩu.

Nắng nóng lịch sử, các tỉnh Tây Nguyên công bố thiên tai - Ảnh 2.

 Những con đập thủy lợi lớn ở Gia Lai đã khô cạn.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Kon Tum, tính đến ngày 31/3/2016, trên địa bàn đã xảy ra khô hạn, thiếu nước tại một số khu vực với diện tích hơn 2.106 ha gồm: 1.226,38 ha lúa, 857,03 ha cây công nghiệp, và 22,75 ha rau màu các loại. Ước giá trị thiệt hại do hạn hán gây nên đối với sản xuất nông nghiệp tại thời điểm khoảng 90 tỷ đồng. Dự báo  đến cuối vụ Đông xuân năm 2016 trên địa bàn tỉnh số diện tích có thể bị khô hạn, thiếu nước với diện tích 6.930 ha.

Nắng nóng lịch sử, các tỉnh Tây Nguyên công bố thiên tai - Ảnh 3.

 Người dân Kon Tum cố gắng mót nước tại những dòng suối đã trơ đáy.

Còn tính chung các tỉnh Tây Nguyên hạn hán đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Hiện toàn vùng đã có trên 50.000 ha cây trồng bị hạn hán, gần 30.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày