Năm 2014 có nhuận tháng Chín như lịch đăng hay không?

Báo Quảng Ngãi, Theo 23:35 29/09/2014

Hơn nửa tháng nay, dư luận truyền tai nhau VTV đưa tin đính chính lịch in nhầm, năm 2014 không có nhuận hai tháng Chín như lịch đã đăng, khiến nhiều người băn khoăn. Thật ra đây chỉ là tin đồn thổi.

Hoang mang vì tin đồn

Anh Nguyễn Văn Đích ở thôn Thọ Lộc Bắc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) cho hay: Tình hình là mình sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 10 âm lịch, nhưng mấy ngày qua đi đâu cũng nghe người dân bàn tán xôn xao việc thời sự VTV đưa tin bỏ nhuận hai tháng 9. Mình không được trực tiếp nghe nên băn khoăn không biết hỏi ai. Cưới xin là chuyện hệ trọng, chênh lệch cả tháng trời không phải chuyện đùa.

Cũng hoang mang không biết thực hư thế nào, anh Nguyễn Toàn, ở thôn Đồng Viên, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) vừa xuống giống 500 chậu hoa tết vừa phập phồng. Anh Toàn cho biết, mọi năm mình xuống giống từ cuối tháng 7 âm lịch đến cuối tháng Chạp là 5 tháng là hoa trổ đúng dịp Tết. Còn năm nay theo lịch nhuận hai tháng Chín nên đợi tới cuối tháng 8 bà con mới xuống giống.

“Nếu bỏ thì thông báo từ lâu chứ lúc này mới thông báo bà con xuống giống cả rồi đến tháng Giêng năm sau hoa mới trổ chúng tôi biết bán cho ai?”- anh Toàn lo lắng.


Tin bỏ nhuận hai tháng Chín của năm 2014 chỉ là tin đồn nhảm.


Đi đến đâu, cũng nghe dư luận bàn tán xôn xao về sự việc này. Lướt một vòng trên các diễn đàn trên mạng xã hội, rất nhiều thành viên đặt câu hỏi, nhưng không có cơ quan chức năng nào cho câu trả lời chính thống, khiến nhiều người hết sức lo lắng, đặc biệt là những gia đình có việc hệ trọng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ngãi khẳng định, đến thời điểm này, Sở chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của cấp trên đính chính lịch bỏ nhuận hai tháng Chín như đã in. Đó chỉ là “tin vịt”.

Năm nhuận dương lịch

Theo lịch đã in, năm 2014 là năm nhuận âm lịch hai tháng Chín. Việc tính năm nhuận trong dương lịch và âm lịch khác nhau. Dương lịch hiện tại mà chúng ta đang dùng là lịch của người La Mã cổ đại.

Lúc đó, người La Mã không hề biết là Trái Đất quay xung quanh Mặt trời và năm của họ chỉ có 304 ngày (được chia thành 10 tháng chứ không phải 12 tháng).

Khi nhận ra lịch của họ có thiếu sót (thiếu tận 60 ngày), hoàng đế Pompilius đã thêm hai tháng có tên là January và February.

Cho tới lúc này, lịch của Pompilius đã tương đối chính xác (có 365 ngày) và chỉ thiếu mất 1/4 ngày một năm. Cho tới khi Julius Caesar lên nắm quyền thì lịch đã bị lệch mất 80 ngày so với mặt trời (lệch mùa) và nếu không có sự sửa đổi ngay lập tức thì lịch sẽ còn lệch hơn nữa trong tương lai.

Do vậy, nhà bác học có tên là Sosigenes ở Ai Cập đã xác định lại chính xác phần thiếu của lịch hiện tại (1/4 ngày cho mỗi năm) và đồng thời xếp lại thứ tự tháng.


Việc tính toán năm nhuận trong âm lịch khác với dương lịch, tuân theo thời gian mặt trăng.


Nhà bác học này cũng là người đặt ra quy định tháng hai có 28 ngày và cứ 4 năm một lần thì tháng 2 sẽ lại có 29 ngày để bù cho 1/4 ngày bị dư ra của một năm.

Ngày nhuận này được đặt vào năm chia hết cho 4. Sau này, lịch này lại được sửa đổi thêm một lần nữa khi quy định rằng vào các năm chia hết cho 100 (đương nhiên chia hết cho 100 sẽ chia hết cho 4) nhưng không chia hết cho 400 thì không phải năm nhuận.

Muốn biết năm nào của Dương lịch là năm nhuận thì ta chỉ cần lấy số biểu của năm đó đem chia cho 4 mà vừa đủ thì năm đó là năm Dương lịch có nhuận tháng 2 thêm 1 ngày thành 29 ngày. Chẳng hạn: Năm 2012 là năm nhuận dương lịch vì 2012 chia vừa đủ cho 4.

Với những năm tròn Thế kỷ (tức số biểu của năm đó có 2 con số không ở cuối) thì ta phải lấy 2 con số đầu của số biểu để chia cho 4. Nếu chia vừa đủ là năm đó có nhuận.

Năm nhuận âm lịch

Năm nhuận trong âm lịch quy tắc khác với dương lịch. Âm lịch tính thời gian theo mặt trăng. Một tháng mặt trăng trung bình có 29,5 ngày. Một năm âm lịch có 354 ngày, ngắn hơn năm dương lịch 11 ngày. Cứ 3 năm lại ngắn hơn 33 ngày (hơn 1 tháng).

Để âm lịch vừa chỉ được tuần trăng, vừa không sai lệch nhiều với thời tiết 4 mùa, cứ 3 năm âm lịch người ta phải cho thêm một tháng nhuận để năm âm lịch và dương lịch không sai nhau nhiều.

Tuy nhiên, năm âm lịch vẫn chậm hơn so với năm dương lịch. Người ta khắc phục tình trạng trên bằng cách cứ 19 năm lại có một lần cách 2 năm thêm một tháng nhuận.

Trong 19 năm dương lịch có 228 tháng dương lịch, tương ứng với 235 tháng âm lịch, thừa 7 tháng so với năm dương lịch, gọi là 7 tháng nhuận. Bảy tháng trước đó được quy ước vào các năm thứ 3, 6, 9 hoặc 8, 11, 14, 17, 19 của chu kỳ 19 năm.

Với năm âm lịch, muốn tính năm nhuận lấy năm dương lịch tương ứng chia cho 19, nếu số dư là một trong các số: 0, 3, 6, 9 hoặc 11, 14, 17 thì năm âm lịch đó có tháng nhuận.

Còn năm đó nhuận vào tháng nào được các nhà lịch pháp phải công phu, kinh nghiệm tính mới chính xác và lập thành bảng để tuân theo dựa vào nhiều yếu tố khác. Một năm có thể nhuận cả dương lịch lẫn âm lịch.

Ví dụ: Năm 2014 chia cho 19 được chẵn 106 nên năm này là năm nhuận âm lịch vào tháng Chín, năm 2017 nhuận hai tháng 6, năm 2020 nhuận hai tháng Tư...

Năm nhuận chỉ là một thủ pháp của các nhà làm lịch nhằm làm cho năm âm lịch và dương lịch không sai lệch nhau nhiều, không có hàm ý gì về thời tiết, khí hậu. 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày