Mỏi mắt đi tìm cây thanh mai trên đất Sa Pa

Thành Nam, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 03/06/2015

Theo một số tiểu thương bán quả thanh mai, loại quả đang là mặt hàng "hot" trong những ngày nắng nóng này có nguồn gốc từ Sa Pa (Lào Cai). Nhưng điều kỳ lạ là khi đặt chân đến đất Sa Pa, hầu như chẳng ai biết hình thù cây này trông ra sao.

Trong những ngày nắng nóng này, quả thanh mai được nhiều người dân chọn mua với mục đích giải nhiệt. Trên nhiều con phố Hà Nội, loại quả này được bán tràn ngập. Tuy nhiên, nguồn gốc của quả thanh mai vẫn là một ẩn số với người dân Thủ đô. 

Loạn xuất xứ quả thanh mai ở Sa Pa 

Chúng tôi tìm lên Sa Pa - nơi mà nhiều tiểu thương nói rằng, ở đó có cây thanh mai, quả thanh mai họ đang bán đều lấy nguồn từ đó. Đến thị trấn Sa Pa, trên gần 100m đường Thạch Sơn (Sa Pa, Lào Cai) có tới hàng chục quầy hàng bán hoa quả: mận, đào, lê… và thanh mai (dâu rừng). Xuất xứ tất cả các loại hoa quả trên đều được các tiểu thương ở đây nói là hàng Việt. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, phần thùng đựng hoa quả ở đây có chữ Trung Quốc. 

Tại các quầy bán hoa quả ở thị trấn Sa Pa, quả thanh mai là sản phẩm không thể thiếu trong nhiều ngày qua. 

Hỏi về xuất xứ quả thanh mai, các tiểu thương đều khẳng định là ở huyện Sa Pa. Nhưng, thanh mai ở mỗi quầy hàng lại đến từ một vùng, một xã của huyện Sa Pa. Một tiểu thương tên Mến bán hoa quả trên đường Thạch Sơn cho biết: “Tôi thấy người dưới Hà Nội lên gọi quả này là thanh mai. Lúc đầu bán chỉ biết là quả dâu rừng do người dân ở xã Tả Van đem lên bán cho”. 

Những quả thanh mai nhìn rất tươi ngon nhưng không rõ nguồn gốc được bày bán khá nhiều. 

Ngồi ngay cạnh chị Mến, một tiểu thương khác lại gán cho thanh mai một nguồn gốc mới. “Quả thanh mai được nhà mình mang từ xã Nậm Can (Sa Pa) xuống bán. Cây thanh mai không to, nhiều quả, mọc dại trong rừng” – tiểu thương này khẳng định quả thanh mai ở Sa Pa chứ không phải Trung Quốc. 

Cũng theo tìm hiểu, tại các quầy hàng bán hoa quả trên đường Thạch Sơn, các tiểu thương đều ậm ờ khi nói về xuất xứ của quả thanh mai. Hàng chục địa điểm khác nhau như Bản Khoang, Tả Van, Ô Quy Hồ, Thanh Phú, Bản Hồ… được các tiểu thương nhắc đến khi được hỏi về nguồn gốc quả thanh mai.

Khách mua quả thanh mai đa phần là khách du lịch tới Sa Pa. 

Tiếp tục ghi nhận tại chợ mới Sa Pa, quả thanh mai cũng được bày la liệt tại khu bán hoa quả ở hành lang chợ. Các tiểu thương nhiệt tình mời chào khách du lịch: “Quả thanh mai ăn rất tốt, có thể ngâm rượu, ngâm đường để uống”. Khi chúng tôi gượng hỏi: “Đây có phải quả từ bên Trung Quốc chuyển sang không?” thì họ đều nói là không và khẳng định ở Sa Pa. Tuy nhiên, khi hỏi kỹ hơn ở xã nào của Sa Pa thì tiểu thương chỉ nói: “Mình mua của người khác mang đến chứ không đến trực tiếp mua tận gốc của người dân.” 

Nhiều tiểu thương không biết quả thanh mai lấy từ đâu ở Sa Pa. 

Chúng tôi tiếp tục đi đến một quầy bán hoa quả lẻ trên đường Cầu Mây (thị trấn Sa Pa), chị Vượng - một người bán quả thanh mai cho biết, loại quả này có rất nhiều tên, mọc hoang ở đèo Ô Quy Hồ, thời điểm này (2/6 – PV) đang là thời điểm cuối mùa. “Chỉ có người Mông mới có quả này thôi” – chị Vượng nói. 

Theo khảo sát của chúng tôi, giá một kg quả thanh mai được bày bán ở thị trấn Sa Pa dao động từ 40 – 60 nghìn đồng. “Quả thanh mai thời gian này cũng bán chậm hơn so với 2 tuần trước bởi xuất hiện thông tin có giòi” – chị P. một tiểu thương bán hoa quả ở chợ Sa Pa cho biết.  

Không chỉ các tiểu thương mơ hồ về xuất xứ của quả thanh mai, nhiều người lái xe ôm, bán hàng nước cũng không biết chính xác quả thanh mai là quả gì. Ông Trần Anh Thái, sống trên đường Ngũ Chỉ Sơn (Thị trấn Sa Pa) cho biết, ông sống ở Sa Pa từ nhỏ nhưng năm nay, lần đầu tiên ông mới được nhìn thấy loại quả này. 

Mỏi mắt tìm thanh mai trên đất Sa Pa

Để xác minh các địa điểm mà tiểu thương bán thanh mai ở Sa Pa nói, chúng tôi tìm đến thung lũng Mường Hoa gồm các xã Tả Van, Hầu Thào, Sử Pán… cách thị trấn Sa Pa hơn 10km về phía Tây. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên sau khi hỏi hàng loạt người dân địa phương ở đây về quả thanh mai, họ đều ngỡ ngàng và không hề biết về loại quả này. Bà Lý Thị Mẩy (75 tuổi, xã Sử Pán) cho biết: “Tôi đi rừng nhiều nhưng không biết quả thanh mai như thế nào. Ở xã Sử Pán chắc chắn không có quả này”.  

Trong buổi sáng ngày 2/6, trao đổi với chúng tôi ông Phan Mạnh Hoàng, chủ tịch UBND xã Tả Van (Sa Pa, Lào Cai) tỏ ra bất ngờ khi có thông tin xã mình có cây thanh mai, ông cho biết: “Trên địa bàn xã không có loại cây nào là cây thanh mai hay cây dâu rừng cả. Cá nhân tôi chưa biết quả của nó như thế nào. Xã chưa có kế hoạch liên quan gì tới việc trồng cây thanh mai”. 

Từ vị Chủ tịch UBND xã cho tới người dân ở xã Tả Van đều bất ngờ trước thông tin địa phương mình có quả thanh mai. 

Cùng chung suy nghĩ với vị chủ tịch xã Tả Van, nhiều người dân ở đây cũng đều không biết về loại cây này. Đặc biệt, tại các cửa hàng tạp hóa, bán hoa quả trong xã không xuất hiện quả thanh mai. 

Tiếp tục truy tìm nguồn gốc của cây thanh mai, chúng tôi xuôi về các xã Thanh Phú, Nậm Can là những xã có rừng già. Tuy nhiên kết quả nhận được khi đến các xã này vẫn là sự “mờ ảo” về cây thanh mai. Chị Duyên (quê Phú Thọ), một tiểu thương bán hoa quả ở chợ xã Thanh Phú cho biết, chị đã từng ăn quả thanh mai ở thành phố Lào Cai nhưng hơn 10 năm bán hàng ở xã Thanh Phú này chị chưa bao giờ thấy dân ở đây hỏi, hay bán loại quả này. “Ở đây làm gì có quả thanh mai chứ, tất cả đều mang từ Trung Quốc sang” – chị Duyên khẳng định. 

Theo ghi nhận và tìm hiểu của chúng tôi, nhiều già làng trong xã Nậm Can, Thanh Phú đều không biết về loại quả này. Có nhiều người dân khi nhìn ảnh quả thanh mai chúng tôi cung cấp, tỏ ra nghi ngờ nó có sống ở trong rừng sâu. 

Tại thị trấn Sa Pa, chúng tôi cũng đã có hỏi nhiều người dân tộc Dao, H'Mông về quả thanh mai, nhưng tất cả đều nói không biết về quả này. Hỏi về quả dâu rừng thì họ lại miêu tả không giống như quả thanh mai đang “hot” gần đây. 

Liên quan đến xuất xứ quả thanh mai, trao đổi với Báo An ninh Thủ đô, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở NN&PTNT Lào Cai khẳng định, trên địa bàn Lào Cai không trồng loại cây thanh mai hay còn gọi là dâu rừng. “Thanh mai từ Lào Cai về toàn bộ nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các thương lái cũng không nhập qua chính ngạch mà toàn bộ là do bà con cư dân biên giới vận chuyển qua đường biên mậu. Thương lái sẽ thu gom, tập kết lại và đưa về xuôi”. 

Người dân Sa Pa không mặn mà với thanh mai 

Chị Nguyễn Thị Thái, 45 tuổi, một chủ nhà nghỉ ở thị trấn Sa Pa chia sẻ: “Trong thời gian giữa tháng 5 vừa qua, tôi thấy khách ở Hà Nội nghỉ ở nhà tôi ai cũng hỏi về quả thanh mai. Người thì hỏi quả thanh mai ở đâu trên đất Sa Pa, người hỏi ăn có ngon không… nhưng tôi lại không biết về quả này thế nào.”

Không cần phải suy nghĩ nhiều, chị Nguyễn Thị Nguyệt, một chủ quán ăn ở thị trấn Sa Pa nói: “Quả thanh mai cũng là của Trung Quốc chứ Sa Pa làm gì có, tôi ở đây từ nhỏ tôi biết."

Trong khi thị trường Hà Nội đang “sốt” với quả thanh mai thì tại tại vùng đất được cho là xuất xứ của loại quả này, không một ai mặn mà hay quan tâm đến loại quả này. Ông Nguyễn Văn Tuân, Chi Cục trưởng Chi Cục kiểm dịch thực vật vùng Lào Cai cho biết, quả thanh mai được Trung Quốc trồng theo kiểu hàng hóa, nên có nhiều để xuất khẩu. Còn trên địa bàn tỉnh Lào Cai, chỉ có một số ít mọc trong rừng, người dân cũng không trồng. “Quả thanh mai được nhập khẩu từ Trung Quốc đưa về Lào Cai qua đường tiểu ngạch. Nhưng số lượng nhập cũng không nhiều vì tiêu thụ chủ yếu ở mấy tỉnh dưới xuôi như Hà Nội, Hải Phòng… Còn trên địa bàn tỉnh Lào Cai thì gần như người dân không có nhu cầu sử dụng”, ông Nguyễn Văn Tuân cho hay. 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày