"Máu đối với những bệnh nhân chúng tôi như cơm ăn, nước uống vậy"

, Theo Trí Thức Trẻ 00:07 26/06/2015

“Máu đối với những bệnh nhân chúng tôi như cơm ăn, nước uống hằng ngày vậy, nếu không có máu thì chúng tôi cũng không thể giữ được tính mạng của mình”, đó là một trong những chia sẻ tận đáy lòng của một trong nhiều bệnh nhân mắc chứng bệnh tan máu bẩm sinh khi các bệnh viện đang thiếu trầm trọng nhóm máu A và O.

Đến Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (Cầu Giấy, Hà Nội) những ngày này, chúng tôi mới hiểu được việc các bệnh nhân ở đây đang từng ngày phải chống chọi bệnh tật và cần được tiếp máu đến mức nào. Mấy ngày gần đây, kể từ khi nghe tin các bệnh viện thiếu trầm trọng nhóm máu A và O, tâm lý ai cũng tỏ ra lo lắng. 

Hằng ngày, ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương có rất nhiều bệnh nhân cần máu.

Dù mới 4 tuổi, nhưng Bùi Anh Khoa (4 tuổi, quê huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) mắc chứng bệnh tan máu bẩm sinh và được điều trị tại Trung tâm Thalassemia đã có thâm niên nằm viện tương đương với tuổi của mình.

Chia sẻ với chúng tôi, người thân bé Khoa cho biết, từ khi mới 4 tháng tuổi, em đã phải lấy viện làm nhà và đều đặn mỗi tháng 1 lần phải lên Hà Nội để chữa trị và truyền máu nửa tháng. 

Em Anh Khoa bị chứng tan máu bẩm sinh nên tháng nào em cũng phải truyền máu. Bị thiếu máu khiến bé Anh Khoa luôn mệt mỏi, cơ thể suy yếu.

“Cháu mang nhóm máu O và mỗi lần lên viện phải truyền 250 – 300ml máu. Mắc chứng bệnh này cả đời không bao giờ khỏi được, sức khỏe của cháu suy yếu nên hay mắc các chứng bệnh khác. Phải lên truyền máu thì cháu mới khỏe lại được nếu không sẽ luôn mệt mỏi, không chịu ăn uống gì”, người thân bé Khoa tâm sự.

Hơn 30 năm nằm viện, anh Bùi Trọng Bảo (32 tuổi, xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi, Hòa Bình) xem bệnh viện như ngôi nhà thứ 2 của mình. Suốt những năm qua, anh Bảo không thể nhớ nổi mình đã được truyền bao nhiêu máu vào cơ thể. 

Anh Bảo bày tỏ mong muốn được cộng đồng chung tay giúp sức cho những người thiếu máu như anh.

Anh Bảo chỉ biết rằng, cứ 2 tháng một lần anh phải nằm viện điều trị ít nhất 10 ngày và phải truyền 5 đơn vị máu. Bị chứng tan máu bẩm sinh khiến cơ thể anh Bảo như đứa trẻ, thiếu máu khiến anh không thể làm được việc nặng, mọi công việc gia đình đều tự tay vợ anh gánh vác.

“Nghe tin các bệnh viện đang thiếu nhóm máu A và O trầm trọng, tôi và rất nhiều bệnh nhân khác cùng nhóm máu này không khỏi lo lắng. Máu đối với những bệnh nhân chúng tôi như cơm ăn, nước uống hằng ngày vậy, nếu không có máu thì chúng tôi cũng không thể giữ được tính mạng của mình”, anh Bảo chia sẻ.

Qua đây anh Bảo cũng bày tỏ mong muốn: “Chúng tôi cần lắm những tấm lòng thiện nguyện trong xã hội, hãy chia sẻ giọt máu của mình vì sự sống của những người mắc bệnh máu như chúng tôi, để chúng tôi tiếp tục nuôi hi vọng được sống như một người bình thường trong xã hội”.

Nguyễn Hữu Tiệp đang được truyền máu và bày tỏ mong muốn khỏi chứng bệnh "khát máu".

Cũng giống nhiều bệnh nhân khác, cứ một thời gian, khi sức khỏe suy yếu, thiếu máu Nguyễn Hữu Tiệp (17 tuổi, quê huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) lại phải nhập viện điều trị.

Sức khỏe yếu, gây suy nhược nên Tiệp không được như các bạn cùng trang lứa. “Em mong muốn chứng bệnh của mình có thể chữa được, không phải truyền máu để được sống như mọi người, để thoải mái đi học”, Tiệp cho hay.

Thông tin từ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, từ đầu tháng 6 đến nay, bệnh viện luôn trong tình trạng báo động thiếu máu điều trị. Đỉnh điểm vào cuối tuần qua, ngày 19 – 21/6, theo báo cáo của Khoa Lưu trữ - Phân phối máu, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, tổng lượng máu dự trữ còn khoảng 5.000 đơn vị máu chỉ còn đủ dùng trong khoảng 1 tuần, trong đó nhóm máu A chỉ còn 230 đơn vị dưới ngưỡng an toàn hơn 7 lần. 

Trong ảnh là cháu Hoàng Đức Việt, 4 tuổi, quê ở huyện Văn Chấn, Yên Bái, mỗi tháng cháu phải xuống Hà Nội chữa trị và truyền máu 10 ngày.

Số lượng máu này sẽ chỉ đủ đáp ứng nhu cầu 1 ngày. Lượng máu nhóm O hiện còn bằng 80% mức an toàn và cũng đang có xu hướng giảm mạnh. Nhóm O là một nhóm máu truyền thay thế cho tất cả các nhóm máu khác. Do vậy khi lượng máu nhóm A không đủ đáp ứng nhu cầu, thì cũng không có đủ nhóm máu O để truyền thay thế cho bệnh nhân. Dự báo tình trạng thiếu máu nhóm A, nhóm máu O còn kéo dài tới khi có hỗ trợ từ Hành trình Đỏ 2015 (được bắt đầu được tổ chức ngày 5/7 tới).

Theo Thạc sĩ Phạm Tuấn Dương – Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Phụ trách Trung tâm Truyền máu Hà Nội cho biết, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương là “Ngân hàng máu” lớn nhất khu vực miền Bắc, hiện đang tiếp nhận máu tại 12 tỉnh, thành phố và 29 quận, huyện tại Hà Nội, bao gồm hơn 120 bệnh viện tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc. Trong dịp này, việc thiếu người hiến máu nên đáp ứng máu điều trị vô cùng khó khăn. 


Với lượng máu nhóm A chỉ trên 2%, việc cấp phát hay cung cấp máu đang ở “mức cầm chừng”, chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu. Điều đó gây khó khăn lớn trong công tác điều trị cấp cứu, bệnh nhân sẽ phải chờ máu dài ngày. Đó cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng “thiếu chồng thiếu”. 

“Hiện nay Tình trạng khan hiếm máu đang diễn ra tương đối phổ biến, mặc dù nhu cầu máu của bệnh nhân không tăng nhiều so với trung bình các tháng trước đó. Tình trạng thiếu máu do một số nguyên nhân chính đó là thiếu nguồn người hiến máu trong dịp hè; một số bệnh viện có tham gia tổ chức tiếp nhận máu cũng rơi vào tình trạng thiếu người hiến máu và trở lại lấy máu từ nguồn của Viện… Bên cạnh đó, các lịch tiếp nhận máu tại cộng đồng trong thời điểm nắng nóng cũng bị giảm hụt mạnh về số lượng”, Bác sĩ CKII Phạm Tuấn Dương cho hay.

Theo bác sĩ Dương, để đảm bảo nhu cầu, mỗi ngày Viện cần cung cấp khoảng 150 đơn vị nhóm máu A và từ 230 – 250 đơn vị máu nhóm O, trung bình mỗi tuần cần tiếp nhận được trên 5.000 đơn vị máu các nhóm. 

Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cũng cho biết, lượng máu tiếp nhận được trong 2 tuần đầu tháng 6 giảm hụt khoảng 40%, trong khi đó, nhu cầu của bệnh nhân không giảm. 

Theo số liệu thống kê, ngày 19/6, có 14 đơn vị gửi dự trù máu nhóm A cho điều trị (mới chỉ chiếm trên 10% số lượng bệnh viện được cung cấp máu), lượng máu yêu cầu cung cấp chiếm tỷ lệ gấp đôi lượng máu hiện có tại “ngân hàng máu”, có những đơn vị nhu cầu cao như: Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện E, nhưng cũng chỉ được đáp ứng khoảng 15% lượng máu dự trù. 

“Tình trạng thiếu người hiến máu đang gây khó khăn nghiêm trọng cho công tác điều trị, người bệnh đang chờ máu từng ngày, điển hình là bệnh nhân nhóm máu A và nhóm máu O. Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tha thiết kêu gọi sự vào cuộc của các đơn vị, các tập thể, tổ chức, các cá nhân cùng chung tay chia sẻ khó khăn này”, bác sĩ Dương chia sẻ. 

Được biết, trong vài ngày vừa qua, khi có thông tin về tình trạng thiếu máu khẩn cấp, đặc biệt là 2 nhóm máu A và O, lượng người đến viện Huyết học và truyền máu Trung Ương đã cao hơn nhiều lần so với ngày thường. Như trong ngày 24/6, mặc dù do ảnh hưởng của bão số 1, trời mưa to, nhưng vẫn có 140 người đến hiến máu. Ngày 25/6, hết buổi sáng, số lượng người đã là 140 người. (so với ngày thường chỉ là 20 - 30 người).

Hành trình Đỏ - phao cứu sinh cho tình trạng thiếu máu vào dịp hè

Trước tình trạng khan hiếm máu vào mùa hè, cách đây 3 năm (năm 2013) Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện và Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các tỉnh/thành phố tổ chức hành trình vận động và hiến máu xuyên Việt mang tên "Hành trình Đỏ”. 

Năm 2015, Hành trình Đỏ lần thứ III sẽ xuất quân vào ngày 3/7 với hai đoàn hành trình: Đoàn miền Nam và đoàn miền Bắc, dừng chân và tổ chức hiến máu tại 22 tỉnh/ thành trong cả nước, tiếp tục thực hiện sứ mệnh "Kết nối dòng máu Việt”. Trong đó đoàn phía Nam sẽ dừng chân tại 13 tỉnh/thành phố; đoàn phía Bắc sẽ dừng chân tại 9 tỉnh/thành phố. Hành trình Đỏ 2015 phấn đấu đạt tối thiểu 17.000 đơn vị máu nhằm cấp cứu và điều trị cho người bệnh trong dịp hè này.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày