Mạo hiểm nuôi rắn độc trong nhà, thu "lãi khủng" mùa tết Ất Mùi

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 20/01/2015

Sau mùa phối giống, chỉ tính riêng tiền bán trứng, các hộ nuôi rắn cũng đủ hòa vốn. Gần tết, giá rắn thương phẩm lên cao, họ lại thu về cả trăm triệu tiền lãi.

Xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) từ hơn chục năm nay trở thành một trong những làng nghề nuôi rắn hổ mang bành nổi tiếng nhất phía Bắc. Theo những người cao tuổi tại thôn Xóm Làng, xã Bạch Lưu, nghề nuôi rắn bắt đầu từ khoảng những năm 1995, do một số người dân mày mò lên Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) học hỏi kỹ thuật rồi về quê, xây dựng trang trại riêng. Thấy việc nuôi rắn cho thu nhập cao, nhiều hộ dân ở Bạch Lưu đổ xô nuôi rắn. Sau hơn 10 năm theo nghề, đến nay, cả xã có khoảng 70 – 80 hộ nuôi rắn, chiếm hơn 60% dân cư.

Anh Hà Quốc Ký, chủ một hộ nuôi rắn ở Bạch Lưu, cho biết: "Các gia đình ở đây giàu lên, xây được nhà cửa, tậu được xe máy xịn... hầu hết đều nhờ có con rắn. Ở đây, nhà nào nuôi ít cũng khoảng 200 – 300 con. Những nhà nuôi nhiều cỡ khoảng 600 – 700 con".

Mạo hiểm nuôi rắn độc trong nhà, thu "lãi khủng" mùa tết Ất Mùi 1
Anh Ký vui vẻ bắt lên khoe một con rắn hổ mang bành nặng hơn 3kg.

Rắn hổ mang bành chủ yếu xuất buôn sang Trung Quốc. Theo anh Ký, 4 năm trước, giá rắn lên cao, có thời điểm đạt mức gần 1,3 triệu/kg rắn thịt. "Lúc đó, nhà nào nuôi nhiều trúng đẫm lắm, họ thu 2-3 tỷ/năm. Nuôi rắn trở thành nghề siêu lợi nhuận" – Anh Ký chia sẻ. Nhờ nuôi rắn, gia đình anh Ký có vốn để tậu đất, xây nhà, mua sắm vật dụng. Không riêng gia đình anh, nhiều hộ khác trong xã cũng giàu lên nhờ nuôi rắn.

Tuy nhiên, 1- 2 năm gần đây, giá rắn thịt có phần sụt giảm, thay vào đó, trứng rắn lại trở thành mặt hàng được giá. Chị Hương, chủ một trang trại nuôi gần 500 con rắn hổ mang bành cho biết: "Khoảng 2 – 3 năm nay, thương lái đẩy mạnh mua trứng rắn với giá rất cao, từ 70.000 đến 80.000 đồng/quả".

Năm nay, gia đình chị Hương xuất đi gần 2.000 quả trứng, thu về hơn 150 triệu đồng. Theo chị Hương, số tiền này vừa đủ tiền mua rắn giống. Đến tết, nếu giá rắn lên cao, sau khi xuất chuồng, trừ đi các chi phí chăn nuôi, gia đình chị thu lãi khoảng hơn 200 triệu đồng.

Chị Hương nói: "Sau khi bán đủ trứng, dù giá rắn có tăng hay giảm thì người dân ở đây cũng không thể lỗ được. Kiểu gì cũng lãi vì chỉ tính riêng tiền trứng đã đủ hòa vốn rồi".

Mạo hiểm nuôi rắn độc trong nhà, thu "lãi khủng" mùa tết Ất Mùi 2
Để nuôi rắn, hầu hết các gia đình đều xây chuồng kích thước 0.5x1m, có phên gỗ và chốt khóa chắc chắn, mỗi chuồng như vậy nhốt một con rắn. 

Theo anh Ký, các năm trước, dịp cận tết, giá rắn lên cao chóng mặt, cứ cách một ngày, giá cả lại chênh nhau vài bậc, càng gần tết càng cao. "Tầm này năm ngoái, giá rắn thịt loại 1 (trên 1,6kg) là 800.000 đồng/kg nhưng năm nay chỉ đạt 550.000 đồng/kg". 

Mạo hiểm nuôi rắn độc trong nhà, thu "lãi khủng" mùa tết Ất Mùi 3
Một con hổ mang bành nặng gần 4kg khoanh tròn trong chuồng ngủ đông.

Mạo hiểm nuôi rắn độc trong nhà, thu "lãi khủng" mùa tết Ất Mùi 4
Đống xác rắn và chồng đĩa chuyên dùng để cho rắn ăn. Mấy năm trước, rắn đắt hàng, thương lái thường thu mua xác rắn với giá 2 triệu/kg

Chia sẻ về nghề nuôi rắn, anh Ký cho biết, nuôi rắn tuy cho thu nhập cao nhưng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Dù thạo nghề nhưng mỗi năm ở xã Bạch Lưu vẫn có mấy chục lượt người bị rắn cắn. 

Anh Ký kể, vợ anh là chị Lương Thị Quế cũng từng nhiều lần bị rắn phun độc vào mắt. Bản thân anh, trong một lần cho rắn ốm ăn trứng gà cũng bị nó mổ vào ngón tay cái. Vết cắn rất sâu, anh bị hoại tử ngón tay, phải mất mấy tháng mới lành lại. 

Nhắc đến chuyện bị rắn cắn, vợ anh Ký vẫn chưa hết hốt hoảng vì chuyện một người em họ bị hoại tử cả một bàn tay. Chị Quế kể: "Con bé vừa đưa đĩa cóc vào chuồng rắn thì một con hổ mang bành nặng 2kg phi lên, đớp trúng bàn tay. Nó ngất xỉu tại chỗ, hôn mê mấy tiếng liền tưởng không qua khỏi. May là chữa kịp, tuy không mất mạng nhưng bàn tay thì hoại tử từ mấy tháng nay, đến giờ vẫn chưa lành".

Mạo hiểm nuôi rắn độc trong nhà, thu "lãi khủng" mùa tết Ất Mùi 5
Chị Quế chia sẻ: "Ở Bạch Lưu, những người trực tiếp chăm sóc rắn không phải là đàn ông mà chính là những người phụ nữ với đức tính lam lũ và cẩn trọng".

"Cũng may trong vùng có ông thầy lang Nguyễn Văn Bình trị rắn cắn rất giỏi nên chưa có ai chết vì rắn. Tuy vậy, nghề này không ai nói hay được, chỉ sơ ý một chút là mất mạng như chơi" – Anh Ký nói.

Rắn Hổ mang bành sở hữu nọc độc có khả năng gây chết người cao, chỉ đứng sau loài hổ chúa. Nọc độc của nó phun vào mắt có thể gây mù lòa. Vào mùa đẻ trứng và phối giống, từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, rắn rất hung dữ. Chăn nuôi rắn vào giai đoạn này được xem là lúc vất vả nhất trong năm. Ngoài ra, khi chọn rắn giống, người nuôi cũng phải dùng tay thật để tuyển lựa, những con rắn nhỏ vài lạng nhưng có khả năng giết chết người.

Theo người dân ở đây, kỹ thuật nuôi rắn rất đơn giản. Thức ăn của chúng chủ yếu là cóc. Cóc sau khi mua về rồi xếp vào đĩa, dùng kéo sắt dài kẹp rồi thả đĩa xuống. Cứ 5 ngày cho rắn ăn và 10 ngày dọn chuồng một lần. Mỗi vụ nuôi rắn thịt chỉ kéo dài 5 đến 6 tháng (thường từ tháng 5 – 11). Từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau, rắn ngủ đông và không cần ăn uống gì. Lúc này, các gia đình chỉ đợi giá rắn lên cao là xuất chuồng. 

Mạo hiểm nuôi rắn độc trong nhà, thu "lãi khủng" mùa tết Ất Mùi 6
Vào mùa đông, rắn trở nên rất hiền lành, ít vận động. Nhưng giai đoạn này chúng thường tích nọc nên độc tính nguy hiểm hơn gấp 2 lần mùa sinh trường.

Anh Thuận, chủ một hộ nuôi rắn khác chia sẻ: "Rắn tuy ít bị bệnh nhưng thỉnh thoảng chúng cũng mắc phải các bệnh viêm phổi và bệnh tiêu hóa. Lúc đó, người nuôi lại phải bắt từng con ra tiêm thuốc và truyền thức ăn cho chúng mau khỏe".

Anh Thuận tâm sự: "Biết là nguy hiểm nhưng chẳng nuôi gì lãi bằng nuôi rắn, không vất vả thì làm sao bỗng chốc cầm cả trăm triệu trong tay được".

Ngoài gia đình chị Hương, anh Ký, nhiều hộ khác như nhà anh Trần Ngọc Minh, Nguyễn Văn Kỷ còn nuôi đến cả gần nghìn con rắn độc trong nhà. Anh Kỷ, chủ sở hữu của 700 con rắn độc, chia sẻ: "Rắn này nhanh lớn lắm, nuôi vài tháng thôi mà chúng có thể đạt trọng lượng đến 4kg. Với giá bán 550.000 đồng/kg như hiện nay, tính ra, một con rắn bán cũng được hơn 2 triệu đồng. Vì thế, mỗi năm chỉ bán rắn thịt thôi, gia đình tôi cũng gọi tích trữ được ít tiền gửi ngân hàng cho con cái về sau".

Mạo hiểm nuôi rắn độc trong nhà, thu "lãi khủng" mùa tết Ất Mùi 7

Tuy nhiên, theo anh Kỷ, rắn càng nuôi lâu trong nhà càng hung dữ, hay tấn công người. Vì thế, đến tết là người dân ở đây bán hết toàn bộ số rắn mình có, ít khi tích lại đến năm sau.

Đánh cược sinh mạng với bao phen nguy cấp đến tính mạng, nhưng chưa một hộ nuôi rắn nào ở Bạch Lưu có ý định bỏ nghề. Với họ, chừng nào giá rắn còn lên cao, nghề nuôi rắn còn là con đường thoát nghèo thì chừng đó, họ vẫn không thể từ bỏ ước mơ làm giàu, dù biết ước mơ ấy có phần nguy hiểm.