Lao động Việt Nam tại Lybia về nước trong nỗi lo chồng chất

Lệ Quân - Huy Hoàng, Theo Trí Thức Trẻ 19:13 10/08/2014

Phải về nước chỉ sau một thời gian ngắn sang Lybia, nhiều lao động Việt Nam thể hiện rõ nỗi lo nợ nần chồng chất.

Vừa mừng vừa lo

Chị vũ Thị Trang ở xã Minh Đức (Tứ Kỳ, Hải Dương) cùng con trai đến đón chồng là anh Trần Văn Hùng cho biết, anh Hùng sang Lybia làm việc từ năm 2011 đến nay được khoảng 3 năm, phải về nước do nước này đang xảy ra chiến sự. Trong suốt thời gian làm việc ở nơi xứ người, anh Hùng thường xuyên điện thoại về hỏi thăm gia đình, vợ con. 

"Từ khi nghe thông tin công ty cử cán bộ đón lao động ở Lybia về, tôi cảm thấy yên tâm hơn. Trước đó, thông tin từ thời sự đưa chiến sự xảy ra, tôi và gia đình thường xuyên gọi điện sang hỏi thăm anh nhưng giờ giấc khác nhau nên ít được gặp. Hôm nay đón chồng về an toàn, tôi mừng lắm" - chị Trang chia sẻ.



Người thân của các lao động trở về từ Lybia vô cùng vui mừng.

Về tới sân bay Nội Bài, nhiều lao động Việt Nam tỏ ra vui mừng khi gặp người thân. Anh Nguyễn Như Trong (quê ở Nam Sách, Hải Dương) cho biết: "Được về đúng ngày rằm tháng 7 tôi rất vui. Ở bên Lybia, ngày nào đi làm tôi cũng nghe thấy tiếng súng, đạn. Thậm chí, đêm về ăn cơm, nghỉ ngơi cũng không được thoải mái.

Tuy nhiên, một số lao động ở các tỉnh xa như Hà Tĩnh, Nghệ An thẫn thờ ngay sau khi rời khỏi sảnh sân bay, không chỉ vì mệt mà còn vì nỗi lo vỡ nợ sau chuyến đi xuất khẩu lao động dang dở. Anh Trần Sơn Tình (quê ở huyện Kỳ Anh – tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, anh vừa mới sang Lybia làm việc được 6 tháng thì có lệnh triệu tập về nước do tình hình chiến sự tại Lybia leo thang.

“Khi chiến sự xảy ra, tôi cùng hàng trăm lao động khác đều rất lo lắng. Đối với chúng tôi, con người quan trọng hơn tiền bạc, nên chúng tôi lo nếu chiến tranh xảy ra thì sẽ không an toàn để có thể trở về quê hương, mà nếu như vậy thì ở quê sẽ không có ai làm trụ cột để chăm lo cho cả gia đình” – anh Tình chia sẻ.

Vui mừng vì về được đến quê nhà, nhưng anh Tình không giấu nổi vẻ buồn bã, lo lắng. Anh chia sẻ: “Về được nước cũng là một điều rất vui. Thế nhưng chúng tôi chưa biết cuộc sống sắp tới sẽ ra sao khi mất đi nguồn thu nhập chính. Trước khi đi, gia đình tôi đã phải cắm cả sổ đỏ để cho tôi đi, nay đi làm được 6 tháng vừa đủ tiền vốn thì lại phải về nước, coi như 6 tháng vừa rồi tôi đi làm không công”.

Sẽ hỗ trợ cho lao động Việt Nam trở về từ Lybia

Ông Jung Buyng Hun, Trưởng văn phòng đại diện Huyndai Engineering tại Việt Nam, cho biết: "Công ty đã phối hợp với Vietnam Airlines và Bộ Lao động thương binh và xã hội để nhanh chóng đưa 682 lao động tại Libya về Việt Nam an toàn.



Vui mừng vì an toàn về nước nhưng nhiều lao động không giấu được những nỗi lo.



Trong chuyến chuyên cơ ngày 10/8 sẽ đưa 184 lao động đầu tiên về nước, và ngày 11/8, chúng tôi tiếp tục đưa 245 lao động và 12/8 sẽ đưa 239 lao động về nước an toàn. 

Phía công ty chúng tôi sẽ hỗ trợ tất cả chi phí đưa lao động về nước, trong đó có thuê chuyên cơ riêng với chi phí lên đến hơn một triệu USD. Đồng thời sẽ trả lương cho công nhân đến ngày làm việc cuối cùng".



Nhiều lao động Việt Nam hạnh phúc khi được gặp lại người thân.

Ngoài hỗ trợ chi phí đưa lao động về nước, vị đại diện Huyndai ở Hà Nội còn cho hay sẽ ưu tiên xem xét sử dụng lao động Việt Nam tại các dự án khác của Công ty.

Ông Nguyễn Việt Hải, giám đốc công ty Vinamex là đơn vị trực tiếp cung ứng lao động Việt Nam sang Libya làm việc, cho biết, sau khi về đến sân bay, toàn bộ lao động sẽ được công ty hỗ trợ ô tô đưa ra bến xe để về quê. Số lao động tại đây đa phần là lao động có tay nghề, chỉ từ 40 - 50 lao động trình độ phổ thông. Có khoảng 10 lao động là cán bộ, quản lý tại các xưởng.

Đại diện của  Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, những lao động Việt Nam phải về nước trong dịp này, Quỹ hỗ trợ việc làm sẽ có những chính sách hỗ trợ kịp thời. Việc hỗ trợ căn cứ vào thời gian lao động, phí môi giới. Hiện đã có những quy định hỗ trợ rất cụ thể trong trường hợp rủi ro cho những lao động từ nước ngoài về nước do khủng hoảng ở nước sở tại. Theo đó, mức hỗ trợ cao nhất là 5 triệu đồng, tuy nhiên, tùy vào những hoàn cảnh cụ thể, Bộ sẽ trình Thủ tướng cho phép mức hỗ trợ cao hơn.