Làng chữa… vô sinh

Thái Linh, Theo Trí Thức Trẻ 08:01 07/04/2013

“Thằng em muốn tìm bà mụ hả? Trông cái mặt là tụi anh biết. Rồi, đúng chỗ rồi đấy. Lên anh chở vào tận nhà!”...

Mảnh giấy ghi địa chỉ nhàu nát chỉ vỏn vẹn có tên “bà lang” cùng với “sơ đồ” nguệch ngoạc có cái đình, cây đa… mà anh bạn đồng nghiệp vẽ cho, trở nên vô giá trị. 

“Dọn” lại vẻ mặt cho giống với anh chàng đi tìm “của” đã mất, tôi lên xe ôm để tay cua-rơ phố huyện rinh đến tận nhà. Con đường đi tìm “nửa cái đời xuân” cũng lắm gian nan, tréo nghoe, chứ không dễ dàng như người ta nói: đi chữa vô sinh!

“Vượt cạn”

Vòng vèo một đoạn, qua chợ Bầu, qua quãng đường liên xã, tôi đến được làng “chữa bệnh vô sinh” An Thái - một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Hà Nam. Theo lời mách bảo của những người đi trước, những người "khó về đường con cái" chỉ nhau lũ lượt tìm về làng của các bà lang. Danh tiếng được vận động một cách ngấm ngầm đầy bí ẩn, nhưng nó cũng tạo nên một niềm hy vọng, dù mong manh, cho những ai đã hết kiên nhẫn chờ đợi đứa con cầu tự từ những ngày đội lễ lên chùa!

Con ngõ nhỏ nhẩn nha lượn quanh các ao hồ, lượn qua những chiếc cổng nhà có gắn biển: “chữa bệnh vô sinh gia truyền”. Ở đây, làng đã kịp lên phố, đã có số gắn ngay phía cổng, nên cái sự tìm nhà cũng tránh được nhầm lẫn. 

Trong gian nhà gỗ cổ mà theo lời ông C. - chồng bà lang X. nức tiếng về “mát tay, hay thuốc” và có uy tín nhất trong số các bà lang tại An Thái, ngôi nhà ấy đã ngót ba trăm tuổi, tôi được ông tỷ mẩn dẫn giải về những nỗi niềm. 

“Trong cái “tứ đức” của người đàn ông theo quan niệm cũ, việc để “mất giống” là tội bất hiếu bị “đánh” nặng nhất. Nhưng, đấy là về mặt dư luận, còn thực tế thì người vợ phải chịu mọi điều tiếng, chịu sự chì chiết từ phía gia đình chồng, phía chồng. Cho nên, nhiều lúc không phải lỗi của mình, song nó vẫn được đổ tội cho người đàn bà. Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, những mâu thuẫn cứ thế phát sinh. Đấy là “tai nạn” của một gia đình thời xã hội trước. Còn thời nay, có bệnh thì chữa. Song, cái thói quen “vạch áo” cho người “khám bệnh” tại các bệnh viện, chỗ đông người vẫn còn là sự e ngại của những ai chẳng may mắc phải cái bệnh quái ác này!”. 

Tôi đưa ra một câu chuyện tự tạo, rằng cô vợ của tôi, dù đã ba năm cùng ăn chung mâm, ngủ chung giường mà vẫn chẳng có… dấu hiệu gì. Ông chủ nhà dè dặt không dám đưa ra lời kết luận. 

Ông bảo: phải “người thật việc thật”, bà lang sẽ khám bệnh rồi mới có thể chẩn đoán, rồi mới kê đơn cắt thuốc. Trong cái nghiệp này, ông giữ vai trò làm “phụ tá”, nghĩa là chỉ bốc thuốc theo đơn cho bệnh nhân. Khâu quan trọng do bà lang đảm nhiệm. Có lẽ, đặc thù của việc chữa trị chỉ có thể dành cho những người đồng giới, chứ không chỉ do yếu tố truyền thống từ gia truyền để lại. Việc “tư vấn khách hàng” được ông chủ hoàn thành xuất sắc. Tôi chỉ biết lắng nghe và hứa hẹn “sẽ quay trở lại” vào một thời điểm thích hợp. Để tăng thêm sự quyết tâm của tôi, bà lang ngồi ngoài hiên nhà với mấy cô gái có chung hoàn cảnh đến đây điều trị được một thời gian, thỉnh thoảng lại tiếp thêm những lời an ủi đầy cảm thông!

Chữa bệnh bằng… niềm tin!

Mải móng quay đầu xe ra khỏi ngôi nhà gỗ 5 gian bề thế, hiện thân cho một cuộc sống phong lưu của vợ chồng bà lang được tự giới thiệu là “gia truyền xịn” nhất làng, tôi đâm liều xe sang một ngõ khác. 

Làng chữa… vô sinh 1

Con ngõ hẹp, đi vừa hai cái xe máy và dài chừng trăm mét, có tới 5 - 6 biển hiệu “chữa vô sinh gia truyền” trưng bề thế. Vẫn cảnh tượng cũ: mấy người đàn bà con gái xõa tóc ngồi bên hè, nhổ tóc sâu cho nhau giết thời gian. “Toàn là bệnh nhân của tôi cả đấy. Các chị ấy lên đây cả tháng trời, cơm đùm cơm gói, nhưng mà tiện cho việc điều trị. Cũng may, nhà cửa rộng rãi, mát mẻ mà cũng chẳng đắt đỏ như Thủ đô. Anh cứ dẫn chị nhà lên đây. Gớm khổ, cái này chữa cần phải kiên trì, mà phải thành tâm nữa, thì nó mới ứng…”. 

Tôi hỏi qua về thuốc “đặc trị”, “ông lang” (theo tôi để ý, ông chồng nào cũng đảm trách nhiệm vụ… ngoại giao thay vợ!!!) nói theo “bài” đã chuẩn bị sẵn: “bệnh nào thuốc nấy, nói ra vô cùng lắm. Thú thật với anh, nhà này mấy đời làm thuốc. Bà nhà tôi, trước khi trở thành lang, cũng mấy chục năm làm “thợ học việc”. Nguyên tắc của nghề, cái này chỉ truyền cho phụ nữ, mà chỉ truyền cho con dâu để giữ nghề, chứ con gái làng không được biết, vì khi lấy chồng sẽ mang nghề đi mất…”. 

Làng chữa… vô sinh 2

Ngừng một lát lấy hơi, ông tiếp: “Đây là cuốn sổ ghi tên những người đã ăn nằm nhà tôi điều trị. Anh không tin, cứ theo địa chỉ này mà về tìm hiểu, chắc chắn rồi hãy mang vợ lên đây! Mà nói thật, ở làng này, không có “chứng” nào là không chữa được cả. Nặng thì dùng thuốc, trong công ngoài kích, nhẹ thì chỉ cần bà nhà tôi “chỉnh” cho một cái, nhạy lắm…”. Bẽn lẽn tìm hiểu giá cả, công xá, ông phẩy tay dứt khoát: “Cái nghề này, quan trọng là cái tâm. Tâm của thầy thuốc và cái tâm của người bệnh. Ai tôi không biết, chứ nhà này không có giá cả nào cả. Tùy tâm, chữa khỏi bệnh, anh chị muốn giã ơn bao nhiêu thì giã. Năm nào nhà tôi chả đón mấy cháu lên chúc tết, toàn con cái của các anh chị ấy, sau khi điều trị ở đây mới đơm hoa kết trái cả đấy, vui lắm…”.

Làng chữa… vô sinh 3

Làng An Thái nằm vỏn vẻn ngay đầu thị trấn, nó nhỏ bé và hẹp lòng, vậy mà cũng có tới vài chục nhà trưng biển “chữa bệnh gia truyền”. Tạt vào quán nước ven đường, chị chủ quán “vô tâm” mau mắn: treo thì treo như thế, chứ thực ra, làng này chỉ có vài gia đình là có giấy phép hành nghề thôi. Mà anh thấy, may hơn khôn, có người may mắn sinh được đứa con, thế là tăng uy tín. Chắc anh cũng được xem ảnh của những “gia đình hạnh phúc chứ”? Con gà tức nhau tiếng gáy, thấy nhà này chữa bệnh lắm tiền, nhà khác cũng đua nhau treo biển. Nói anh không tin, chứ cánh xe ôm dẫn khách, cũng được “hoa hồng” cả đấy!”.

Cho đến nay, sự phát triển của y học cũng mới chỉ dừng lại ở việc sinh con trong ống nghiệm để khắc phục những gia đình bị “sự cố” chứ cũng chưa dám “lớn tiếng” khẳng định “trị” được nó hoàn toàn. 

Những bài thuốc mà làng An Thái sử dụng là những bài thuốc dân gian, chữa mẹo và hoàn toàn sử dụng kinh nghiệm để chẩn trị bệnh, không hề có sự “can thiệp” của những “phụ tùng” hiện đại. Cho nên, có ai dám khẳng định, 100% những người đến đây theo “chỉ dẫn” liệu có được “lành lặn” trở về khi tiền đã mất!?

Chẳng nói trước được điều gì, nhưng con đường “đi tìm nửa cái đời xuân” cũng đầy gian truân và… ma trận.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày