Khi quý cô mang chuyện hôn nhân buồn để "thở đi than lại" trên Facebook

Thùy Dung, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 03/03/2015

Rồi cũng sẽ đến ngày người ta trở nên hồ nghi về những câu chuyện "tôi khổ lắm", "cuộc sống hôn nhân của tôi là những ngày bất hạnh" của các quý cô, khi mà nó đã trở thành lời thở than định kì dăm bữa nửa tháng.

Thật cảm ơn cuộc đời khi chúng ta đang may mắn sống trong một xã hội hiện đại, phát triển, văn minh. Khi chân tay con người dần bớt việc đi nhờ có máy móc thì cũng đồng thời đầu óc, thậm chí là tâm tư, tình cảm của họ cũng dần lệ thuộc và gắn chặt vào máy móc luôn.

Giữa cái địa cầu mà cứ 10 giây lại bắt gặp một trạng thái cô đơn, thất vọng, buồn bã của những người trẻ, và cả những người tự cho mình trẻ, thì facebook hẳn đã là một sự phát minh có tính chất cách mạng. Nó như vị cứu tinh cho những tâm hồn bế tắc, tức ách cuộc sống nhưng không còn dám tin vào “người trần mắt thịt” để sẻ chia…

Thế nên bây giờ, mới có chuyện những thói quen ngày xưa đã bị facebook úp ngược. Người ta bày tỏ với bàn phím và màn hình thì dễ, nhưng ngồi xuống để sẻ chia, để “3 mặt 1 lời” thì xem như quá khó. Người ta tỏ tường lòng mình cho người lạ mặt trên mạng thì dễ lắm, những tưởng dẫn dắt người ta vào câu chuyện của mình để tranh thủ sự thương cảm qua những cái like an ủi, những comment đồng tình, nhưng không…

Cư dân mạng có thể cảm thông nhưng không thương người dễ dãi, vì một ngày họ đã bị “tra tấn” bởi quá nhiều thứ bi đát, khổ hạnh (đến nhòa nhạt) trên news feed rồi!

Từ những chuyện riêng tư dăm bữa nửa tháng lại thở than trên Facebook

Người dùng Facebook chẳng còn lạ gì với những cặp vợ chồng hễ giận nhau là lại đưa chuyện nhà lên mạng ra rả "Tôi khổ lắm", "Tôi bất hạnh lắm", "Chồng tôi lừa dối, cắm sừng, nhà chồng quay lưng, chẳng thèm thương xót...". Thói quen của con người bấy lâu nay vẫn thế, cái buồn, cái khổ vốn dễ đi vào lòng người hơn là những cái hạnh phúc, cái hân hoan. Mà cái khổ của phụ nữ từ xưa đến giờ, thì chưa cần biết chị đúng hay sai, cứ khổ vì “chọn nhầm” đức lang quân thôi là cả thiên hạ đã sẵn sàng đứng sau hậu thuẫn. Sẽ có người buồn cho họ, thương cho họ, chửi hộ họ, ủi an họ, khuyên răn họ, thậm chí là khóc cho họ…

Ừ, thì cũng đúng là khổ thật, hoàn cảnh đáng phải khóc thật. Người thì khóc vì từ bỏ cuộc sống và công danh ở nước ngoài để Việt Nam lấy một anh chồng kém tuổi, ghi dấu trong bảng vàng scandal, nhưng sau khi cưới vẫn ngựa quen đường cũ, "cắm cho vợ vài ba chục cái sừng". Người thì than vì chồng quá bạc bẽo, toàn để vợ làm kinh tế, đến khi đã "không yêu còn nói lời cay đắng", lại để vợ 1 mình nuôi 2 con nhỏ,... Người kêu khổ vì quá yêu. Người kêu khổ vì quá tin. Những lời từ tận tâm can trải dài lên Facebook, ai đọc được cũng xót thương. Sẵn sàng lôi các đấng lang quân ra để... mắng hộ.



Đến việc khóc, cười bất nhất trước sau

Nhưng có những người, hôm nay họ lên mạng kể lể nỗi khổ của mình, buộc tội chồng thì vài hôm sau lại đăng ảnh tình tứ, ôm ấp, thể hiện mình đang hạnh phúc. Rồi qua vài hôm nữa, câu chuyện gia đình đổ vỡ lại tiếp tục được trình bày công khai, mà qua mỗi lần, mức độ khổ đau lại tăng thêm vài bậc. Cứ thế, người ta cũng chẳng thể biết là rốt cuộc họ có bi đát như những thứ chị nói trước đó nữa hay không?

Cư dân mạng có thể đồng cảm, có thể cảm thông. Biết bao nhiêu người đứng về phía họ - liễu yếu đào tơ chưa biết vịn vào đâu, thì họ, hình như đang muốn vin vào đó để tiếp tục khổ sở, khóc lóc, giãi bày cuộc sống gia đình nhẽ ra nên đóng cửa bảo nhau, mà không bảo nổi nhau thì phơi bày trên mạng xã hội cũng chả ai có thêm lợi lộc.

Họ được gì mỗi lần khóc trên Facebook, nếu không phải là đôi dòng cảm thán, ai oán, thấu hiểu của những người không quen. “Vui thì cười, buồn thì khóc” một cách hồn nhiên giữa chốn thị phi, nay cười, mai lại khóc, rồi lại cười, rồi lại khóc – có ai kiên nhẫn để thương họ mãi, hay người ta chỉ nghĩ họ “ăn mày thiên hạ”, lợi dụng lòng thương của mọi người để tiếp tục “vạch áo cho người xem lưng”?


Nhu cầu chia sẻ của mỗi người chẳng ai dám cấm cũng chẳng ai dám can, chẳng ai “kiểm soát và kiềm chế xúc cảm của ai” kể cả là người thường hay những người được dư luận quan tâm và chú ý. Nhưng càng là những người tiếng nói có sức làm ảnh hưởng, thậm chí là chấn động một lượng không nhỏ những người quan tâm, theo dõi, thì có chăng trước lúc quyết định công khai một cái gì đó, người ta cũng nên “nghĩ thật kĩ”, để trái tim phía dưới cái đầu?

Rồi cũng sẽ đến ngày người ta chán ngấy về mấy câu chuyện "tôi khổ lắm", "cuộc sống hôn nhân của tôi là những ngày bất hạnh" - khi cứ vài ngày nó lại xuất hiện, họ vừa kịp để lại ít dòng comment cảm thông, thì hôm sau quay lại đã thấy quý cô ấy hớn hở up ảnh như mình là người hạnh phúc nhất. Thế mà chưa hết, vài bữa nữa, lại là status thở than dài tới cả gang tay.

Ai cũng đang bận lo toan cho chính cuộc sống của mình và cũng không ai rảnh rỗi để xòe tay, lau nước mắt (qua màn hình) cho họ hết lần này tới lần khác nữa. Người ta cũng đã trở nên hồ nghi rồi, liệu có phải quý cô ấy tuyệt vọng và cần sẻ chia đến thế, hay chỉ đơn giản là cường điệu hoá cuộc sống của mình lên để lấy ít nước mắt thiên hạ. Người ta quá nhiều việc phải làm, và rất nhiều câu chuyện đau lòng khác phải nghe.

Và những “chú bé chăn cừu” của thời facebook lên ngôi

Ai còn nhớ câu chuyện ngụ ngôn “chú bé chăn cừu” chắc sẽ ít nhiều liên tưởng đến vài vấn đề kể trên. Cậu bé bảo rằng có chó sói xuất hiện, nhưng đến khi tất cả mọi người trong làng đều vội chạy ra xem để tìm cách đuổi sói đi thì hóa ra là cậu ta dựng chuyện! Sau vài lần thì chó sói về thật, nhưng mọi người đã quá nhàm với lời kêu cứu lừa đảo kia, và chẳng ai thèm chạy ra giúp đỡ nữa. Đàn cừu bị thịt mất, đáng đời chú bé kia chưa?

Không một ai dám nói những gì chị chia sẻ là bịa đặt và thêu dệt nên, nhưng câu chuyện chỉ có giá trị khi nói một lần và tiếng vang còn mãi! Người khôn nói ít và im lặng đúng lúc, còn kẻ dại, chỉ biết rêu rao và xào đi nấu lại. Người khôn biết chắc chắn những gì họ sắp nói, còn kẻ dại thì không thể lường trước được những thứ mà “cái miệng” mình sắp gây họa ra…

Người nghe đã thông minh và không còn dễ bị thao túng nữa. Như dân làng kia, cũng sẽ có ngày ngồi yên và chẳng có lấy một sự thương xót. Còn những người mang chuyện nhà ra trình làng, chắc sẽ không “được một trận cười khoái trá khi mọi người tức giận”, nhưng cảnh “đàn cừu bị thịt mất”, kể cả sự cảm thông tưởng là dễ dãi ngày trước cũng bị tước hết, có thể sẽ không xa nữa đâu…
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày