Khi bố mẹ chọn vỉa hè làm chiếu ngủ, ống cống thành nơi tránh nóng...

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 06:00 03/07/2015

Giấc ngủ đêm không tròn vì thấp thỏm lo đến sáng chở con đi cho kịp, vì thế trong khoảng thời gian chờ con thi, nhiều ông bố bà mẹ đã chọn vỉa hè, bậc thềm làm chiếu nghỉ ngơi chợp mắt. Có người lại trốn vào ống cống, cây ATM để tránh cái nắng hơn 40 độ.

Những ngày qua, hàng loạt câu chuyện cảm động về tấm lòng phụ huynh vượt 50km mang giấy tờ thi cho conđưa con đi thi, bị ngã từ lầu cao xuống đất hay người cha 20 năm đánh giày nuôi con ăn học khiến nhiều người không khỏi xúc động. Không khi nào, "tấm lòng cha mẹ" lại được nhắc đến nhiều như dịp này bởi hành trình vượt qua thác vũ môn không chỉ là một thử thách lớn đối với các sĩ tử mà còn là dịp thể hiện sức chịu đựng bền bỉ của các bậc phụ huynh. Thậm chí, những nỗi vất vả, nhọc nhằn của bậc làm cha, làm mẹ còn lớn hơn rất nhiều so với các sĩ tử, những người vì ước mong "vinh quy bái tổ", đang trực tiếp "giam" mình trong phòng thi để làm bài giữa cái nắng thiêu đốt trên 40 độ C.

Trắng đêm lo chuyện "cá chép hóa rồng"

Trong những ngày này, trên khắp các cung đường, tại tất cả các điểm thi, người ta lại dễ dàng bắt gặp cảnh tượng các bậc phụ huynh, đầu đã hai thứ tóc vẫn tất tả ngóng đợi con mình bên ngoài phòng thi. 

Tại điểm thi Học viện Báo chí & Tuyên truyền (cụm thi Học viện Kỹ thuật Quân sự), từ 6h sáng ngày 2/7, phía sau song sắt cổng trường, rất nhiều phụ huynh đã lặng lẽ đứng đợi con mình với gương mặt mệt mỏi, đầy lo âu. Đến địa điểm thi từ 5h45, anh Lê Trọng Hải, quê ở Thanh Hóa cho biết: "Tôi từ quê lên, không quen đường xá nên sợ đi lạc hoặc tắc đường nên phải bật dậy, sửa soạn đưa con đi thi từ sáng sớm".

Dù con đã lớn nhưng anh Hải vẫn không yên tâm và lo lắng trăm bề. "Nó là con gái ở quê, 12 năm chỉ biết có ăn học. Bây giờ đi thi cũng là lần đầu xa nhà. Tôi lo lắm, lo cho nó thi tốt là một chuyện nhưng còn biết bao cái lo khác nữa". Không biết có phải vì mang theo quá nhiều nỗi bận tâm hay không mà anh Hải cứ đứng ngồi không yên trước cổng trường, đợi con đi vào phòng thi rồi mới yên tâm ghé vào quán nước ven đường nghỉ chân.

Phụ huynh mỗi người một suy nghĩ, một tâm tư khác nhau nhưng có lẽ, tất cả đều hướng về các sĩ tử trong phòng thi - (Ảnh: Thành Nam).

Tuy không căng thẳng, lo lắng ôn luyện nhưng các ông bố, bà mẹ và người thân của các thí sinh dường như lại có những áp lực lớn lao mà người ngoài khó hình dung nổi. Họ âm thầm, lặng lẽ theo dõi từng bước đi, chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ cho con em mình chu đáo và cảm động.

“Mấy ngày đưa con lên thành phố thi ĐH, tôi luôn thấp thỏm lo cho cháu, có đêm không ngủ được. Nhà tôi nghèo, vất vả lắm cả gia đình mới nuôi được mình cháu ăn học tử tế. Bao nhiêu hy vọng, tôi gửi hết cả vào nó, chỉ mong cháu thi đỗ ĐH rồi sau này có công ăn, việc làm ổn định, không phải vất vả như tôi và ông xã” - chị Lương Thu Huyền, một phụ huynh khác chia sẻ.

Cầm sẵn hộp cơm trên tay, chị Nguyễn Thu Hoài (quê Nghệ An) tâm sự: "Nắng nóng kinh hoàng quá. Sáng ra tôi đưa con đi thi rồi quay về đi chợ, nấu cơm xong thì đón con. Tất bật cả ngày nhưng đêm đến vẫn không sao ngủ nổi vì lo xem mai nấu gì cho con ăn ngon miệng, rồi thì phải làm những gì để giúp nó đỡ mệt, nhất là khi thời tiết lại đang nắng nóng như hun người thế này".

Có người tranh thủ chợp mắt một chút cho lại sức - (Ảnh: Thành Nam).

Cố gắng chợp mắt giữa cái nắng gay gắt

Khi tiếng trống đã điểm, lúc các thí sinh bắt đầu yên vị làm bài thì bên ngoài, hàng nghìn phụ huynh vẫn lo lắng, ngóng đợi con giữa cái nắng "rang người". Vạ vật giữa cái nắng khủng khiếp, nhiều phụ huynh cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Họ tất tả tìm chỗ trốn nắng và khi đã tìm được, không ít người tranh thủ ngủ những giấc vội vàng. "Đêm tôi không ngủ nổi vì lo cho con nhiều quá, trong khi trời thì nắng điên đảo thành ra tôi cũng mệt lử. Tranh thủ tìm được bóng râm nào dễ chịu là hai mắt tôi cứ nhíu lại chỉ muốn ngủ thật sâu, nhưng rồi lại nghĩ đến con, lại tỉnh táo như thường (cười)" - chị Hoàng Thị Thùy (quê Bắc Giang) chia sẻ.

Để trốn chạy cái nắng gay gắt hơn 40 độ C ở Hà Nội, rất nhiều bậc phụ huynh chọn cách chui vào cây ATM - (Ảnh: Định Nguyễn).

Trong khi đó, một số phụ huynh còn "bá đạo" hơn khi chọn cách chui vào ống cống - (Ảnh: Nguyễn Văn Tùng).

Chị Nguyễn Thị Trang, phụ huynh một thí sinh đến từ huyện Nông Cống (quê Thanh Hóa) chia sẻ: “Năm ngoái, con tôi thi Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng thiếu nửa điểm. Năm nay bố mẹ và con đều áp lực hơn nhiều, sự thất bại từ lần trước cũng khiến tôi và cháu lo lắng đến mất ăn mất ngủ”.

Thức trắng đêm vì câu chuyện cá chép có hóa thành rồng hay không nên trong lúc đợi con, chị Trang cũng mệt mỏi, nép mình vào một góc trên vỉa hè có bóng cây để tranh thủ chợp mắt một lúc. Không chỉ có chị, rất nhiều bậc phụ huynh khác cũng vạ vật khắp hành lang trường thi, điểm chờ xe buýt... chỉ để nhắm mắt lại vài giây. Giấc ngủ của họ cứ chập chờn, phần vì nắng nóng, phần vì quá lo lắng, áp lực.

"Lo gì đâu, tôi mệt nên ngủ đấy thôi, con tôi giỏi lắm, nó thế nào cũng thi tốt (cười)" - anh Nguyễn Văn Long (Tây Hồ - Hà Nội) tâm sự. Câu nói của anh có vẻ hồ hởi lắm nhưng rồi chỉ trong thoáng chốc, đôi mắt anh lại đăm đăm nhìn về phía cổng trường thi. Người cha ấy, dẫu đã mệt lử, đã nhiều lần gục mặt xuống xe máy ngủ gật, đã mê man nói mơ nhưng khi tỉnh táo lại vẫn rất tươi vui, mạnh mẽ. "Nó thế nào cũng đỗ, tôi tin chắc là như thế nên có lo gì đâu, kiểu gì cũng kinh qua thôi" - anh Long cười lớn nói.

Vì quá mệt mỏi, lo lắng, nhiều phụ huynh cả đêm mất ngủ. Giờ nghỉ trưa, tranh thủ ăn uống qua loa, họ chợp mắt ngoài hành lang các trường thi - (Ảnh: Định Nguyễn).

Thậm chí, điểm chờ xe buýt cũng trở thành giường ngủ - (Ảnh: Thanh Tùng)

Nhiều người chọn nơi có bóng râm để trải chiếu ngủ nhưng nằm mãi vẫn không thể chợp mắt vì quá nhiều nỗi lo ập đến - (Ảnh: Thành Nam).


Gốc cây, hành lang trường thi trở thành nơi nghỉ trưa của nhiều phụ huynh và sĩ tử - (Ảnh: Thế Dương)

Dù đã lâu không sờ đến sách vở nhưng trong lúc chờ đợi con, họ vẫn tranh thủ xem đáp án các môn thi trước đó. Để tránh nóng, những tài liệu này nhanh chóng được các bậc phụ huynh dùng làm vật che nắng - (Ảnh: Tứ Quý).
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày