Hành trình chết chóc của chó nhập khẩu vào Việt Nam

Trang Đỗ (Theo Guardian), Theo Trí Thức Trẻ 20:14 01/10/2013

Để sang được Việt Nam, nhiều con chó tội nghiệp phải chui rúc trong những chiếc lồng sắt chật hẹp. Mỗi chiếc lồng thường chứa từ 12 tới 15 con, 6 tới 8 lồng trên một xe, với tổng trị giá vào khoảng 109 triệu đồng.

Hàng năm, hàng trăm nghìn con chó bị bắt ở Thái Lan rồi vận chuyển về Việt Nam, "đáp" lại ở những cửa hàng từ vỉa hè, bình dân cho tới sang trọng. 

Trong nước, cung không đủ cầu, bởi vậy, nhiều người dân Việt Nam tìm đến những nguồn hàng từ nước ngoài.

Nguyễn Tiến Tùng là ông chủ của một lò sát sinh tại Hà Nội. Thoạt nhìn, nhiều người có thể nhận thấy đây là 1 người đàn ông "khỏe mạnh và máu lạnh". Những chiếc áo mà người đàn ông này mặc thường nhàu nát, xộc xệch và bốc mùi.

Với điếu thuốc phì phèo, người đàn ông 42 tuổi bắt đầu kiểm tra lò giết mổ thịt chó của mình, vốn chỉ là cái hiên nhà bằng bê tông ngay cạnh tuyến đường đông đúc chuyên kinh doanh các sản phẩm công nghiệp. Với chiếc gậy bằng kim loại trên tay, Nguyễn mở cửa, vuốt ve rồi bất ngờ đánh mạnh vào đầu con chó đáng thương cho đến chết. 

Hành trình chết chóc của chó nhập khẩu vào Việt Nam 1
Những con vật đáng thương trong chiếc lồng chật chội.

Tại những con phố ở quận Cầu Giấy, khu vực gần với nhà ông Nguyễn là hàng loạt các cửa hàng đông đúc chuyên phục vụ duy nhất 1 món: Đó là thịt chó. Thực đơn có phần đa dạng hơn khi từ 1 loại thịt này, các cửa hàng có thể chế biến ra các món ăn khác nhau...

Vừa cắn miếng thịt chó với lá húng quế, một thực khách 29 tuổi cho biết "Tôi biết rằng việc yêu chó và nuôi chó ở nhà, rồi lại đi ăn thịt chó ở cửa hàng như này khá kỳ quặc. Tuy nhiên, tôi không quan tâm, bởi tôi đang ăn chó của người khác. Đặc biệt khi thịt chó rất tốt cho sức khỏe."

Không ai biết từ khi nào mà người Việt Nam đã bắt đầu ăn thịt chó, thế nhưng, nhiều người cho rằng thói quen này được xuất phát từ khu vực phía Bắc Việt Nam. Việc bắt giết và ăn thịt chó đã bắt đầu từ lâu và hiện ngày càng phát triển. Các nhà hoạt động cho hay tại Việt Nam phải có tới 5 triệu con chó bị giết thịt hàng năm. 

Thịt chó được ưa chuộng trong các cuộc nhậu nhẹt, những buổi đoàn viên của gia đình hay những dịp đặc biệt khác nhau. Nhiều người cho hay thịt chó giúp đàn ông tăng cường sinh lực, tăng nhiệt cơ thể. Nó cũng giúp người dân có thể đổi món khi họ đã chán ngấy những loại thịt gà, thịt lợn... 

Nhiều người thậm chí còn tin rằng, con vật bị hành hạ càng nhiều trước khi chết thì thịt của nó càng ngon. Chính quan điểm này đã phần nào giải thích được hành động giết chó nhẫn tâm tại Việt Nam với những cú đánh chí mạng vào đầu, hoặc chọc tiết hay thiêu sống. 

John Dalley, người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận, nhằm ngăn chặn việc kinh doanh thịt chó ở Đông Nam Á, mang tên "Quỹ Soi Dog" có trụ sở ở Thái Lan, cho biết "Tôi từng ghi lại cảnh những con chó bị ép ăn rất nhiều đồ trước khi chết, có thể là gan ngỗng chẳng hạn. Họ còn tìm cách nhét một cái ống vào dạ dày của những con chó, rồi bơm gạo sống cùng nước vào đó để tăng trọng lượng của chúng lên để bán cho được tiền."

Là một tay buôn lành nghề, Nguyễn lại chọn cách đơn giản hơn để kiếm lời, đó là "đặt một hòn đá vào miệng chúng trước khi mở cửa lồng và đập chết nó".

Nhu cầu ăn thịt chó ngày càng tăng khiến những người kinh doanh buộc phải tìm nguồn cung cấp ở các làng quê. Lợi nhuận cao khiến nhiều người có hành vi trộm chó bán lấy tiền. Tình trạng diễn ra tràn lan đến mức nhiều tên trộm còn bị đánh tới chết, trước sự giận dữ và dồn nén của người dân. 

Khi nguồn cung trong nước không đảm bảo, thì người ta lại phải tìm tới thị trường nước ngoài. Bởi vậy, một đường dây kinh doanh chó xuyên quốc gia được thành lập, với khoảng 300.000 con được "vượt biên" mỗi năm, từ Thái Lan, qua Lào, tới Việt Nam, trong tình trạng đói khát, bệnh tật.        

Đây là ngành công nghiệp đen được quản lý bởi 1 tổ chức mafia xuyên quốc gia, cùng sự "chống lưng" của các tham quan mê tiền, nên việc kinh doanh thịt chó ở Đông Nam Á gần như không gặp bất cứ rào cản nào. 

Ông Roger Lohanan, một thành viên của Hiệp đội Bảo vệ Động vật Thái Lan, có trụ sở ở Bangkok cho hay "Ban đầu đó chỉ là hoạt động buôn bán thông thường với quy mô nhỏ. Thế nhưng, giờ đây, ngành kinh doanh này đã trở thành chủ lực và có thể đem lại lợi nhuận từ 300 đến 500%, bởi vậy, ai cũng muốn hưởng lợi."

Hành trình chết chóc của chó nhập khẩu vào Việt Nam 2
Một cửa hàng thịt chó ở Việt Nam. Ảnh:  Luke Duggleby.

Tha Rae là một thị trấn nhỏ ở vùng Sakon Nakhon, Thái Lan nhưng lại được nhiều người biết đến với lịch sử buôn bán chó suốt 150 năm qua. Cho đến hiện tại, có tới 5.000 người dân (chiếm 1/3 dân số trong thị trấn) sống chủ yếu dựa vào việc bắt và buôn bán chó. 

Việc vận chuyển chó mà không có giấy phép tiêm chủng, cũng như việc buôn lậu chó sang Lào mà không có tài liệu thuế và hải quan bị coi là phạm pháp ở Thái Lan. 

Ở Tha Rae, các quầy hàng thịt chó được bày bán ngay trên vỉa hè. Mỗi kilogram thịt chó có giá từ 200.000 đồng. 

Bất chấp luật chống buôn lậu, một lượng lớn chó vẫn bị chuyển ra ngoài biên giới Thái Lan mỗi năm, bởi sự bàng quan của các quan chức.

Các nhà hoạt động cho biết, các tên trộm chó thà nộp phạt rồi tái phạm còn hơn là bỏ nghề bởi lợi nhuận mà ngành kinh doanh này đem lại quả thực rất cao. Họ không hề hoạt động đơn lẻ, mà được giật dây bởi cả một tập đoàn mafia. 
 
Đường tới Việt Nam

Để sang được Việt Nam, những con vật tội nghiệp phải ngồi chui rúc trong những chiếc lồng sắt, vượt hàng nghìn km từ Thái Lan, qua sông Mê Kông sang Lào, rồi từ Lào đi dọc Quốc lộ 8 sang thành phố Vinh, Nghệ An. Mỗi chiếc lồng thường chứa từ 12 tới 15 con, 6 tới 8 lồng trên một xe, với tổng trị giá vào khoảng 3.200 bảng Anh (khoảng 109 triệu đồng).

Thông thường, những cuộc vận chuyển này luôn diễn ra vào ban đêm. Những kẻ buôn lậu thường nghỉ chân ở Lak Sao, thành phố cuối cùng ở Lào trước khi chạm tới biên giới Việt Nam. 

Tại Hà Nội, thịt chó xuất hiện ở khắp mọi nơi. Nhiều khu phố còn gồm các cửa hàng chuyên bán thịt chó. Dọc phố Tam Trinh, hàng chục quầy hàng thịt chó xuất hiện san sát trên các vỉa hè. 

Bên trong các quầy hàng, rất nhiều thanh niên luôn tay chặt thịt bằng những chiếc dao sắc, rồi nhanh chóng tẩm ướp và bán hàng. 

Tại cửa hàng của bà Hoa Mo, một phụ nữ 63 tuổi đã bán thịt chó hàng chục năm nay, một thanh niên tay cầm túi chân chó kể "Vợ tôi mới sinh con nhưng cô ấy ít sữa quá. Có bài thuốc cổ truyền nói rằng chân chó có thể giúp phụ nữ có thêm sữa."
 
Mỗi quầy hàng này thường tiêu thụ được 100 con chó mỗi ngày. Tuy nhiên, họ không mấy quan tâm đến nguồn gốc của những con vật này.

Không giống phương Tây, người Việt nuôi chó vừa để giữ nhà, vừa để lấy thịt. Để thay đổi thói quen này, các nhà hoạt động bảo vệ động vật đã chọn cách nhấn mạnh tác hại của thịt chó đối với con người như con vật này có thể mang theo vi rút tả, sán hoặc bệnh dại.

Ngoài ra, Hà Nội cũng từng đăng cai hội nghị quốc tế đầu tiên về việc kinh doanh thịt chó hồi tháng 8 vừa qua. Tại đây, giới lập pháp và các nhà hoạt động 4 nước Đông Nam Á là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam đã đồng thuận về một kế hoạch 5 điểm, trong đó cấm vận chuyển chó vì mục đích thương mại qua biên giới trong 5 năm, nhằm nghiên cứu mối liên hệ giữa việc vận chuyển chó xuyên quốc gia và sự lan truyền bệnh dại.

Tuy nhiên, thỏa thuận này có vẻ không giúp ích nhiều cho việc đẩy lùi hoạt động buôn bán và sát hại chó bởi giới buôn lậu đã tìm ra biện pháp thay thế, bằng việc giết thịt chó ngay tại Thái Lan rồi vận chuyển chúng trong tình trạng là xác động vật.