Hà Nội: Phát hiện chip "lạ" dưới đáy bát dùng ăn cơm

Trí Thức Trẻ, Theo 16:22 31/03/2016

Sự việc vừa được gia đình anh Lê Ngọc Lan (40 tuổi, trú huyện Đông Anh – Hà Nội) phát hiện khi chiếc bát bị vỡ.

Theo phản ánh của anh Lê Ngọc Lan, khoảng 10h ngày 30/3, anh mang một số chiếc bát đĩa đi rửa. Trong lúc rửa, một chiếc bát bỗng bị vỡ phần đáy, để lộ ra trong đó nhiều chíp "lạ", mạch điện tử khiến anh rất hoang mang.

Nhận được thông tin phản ánh trên, PV đã tới tìm hiểu về chiếc bát kỳ lạ này.

Theo quan sát, đây là một chiếc bát sứ trắng với vẻ bề ngoài rất bình thường, không có bất cứ họa tiết gì đặc biệt.

Chiếc bát này không ghi nhà sản xuất hay đơn vị phân phối sản phẩm để có thể tìm hiểu. Điều đặc biệt nằm ở dưới đáy bát, phần lộ ra một hệ vi mạch điện tử và có mùi hắc.

Hà Nội: Phát hiện chip lạ dưới đáy bát dùng ăn cơm - Ảnh 1.

 Chiếc bát có vẻ bề ngoài hoàn toàn bình thường nhưng khi vỡ thì phát hiện có vi mạch điện tử ở trong.

Về nguồn gốc chiếc bát lạ này, anh Lan cho biết, đây là một trong những chiếc bát có giá rất bình dân do vợ anh mua từ hai năm trước. Vì thời gian lâu nên gia đình anh cũng không nhớ mua tại địa chỉ nào.

Hà Nội: Phát hiện chip lạ dưới đáy bát dùng ăn cơm - Ảnh 2.

 Trong số hàng chục chiếc bát của gia đình, anh Lan phát hiện duy nhất một chiếc cũ có chíp "lạ"

Anh Lan cho biết thêm, trước đây, gia đình anh còn một số chiếc bát dạng như này, tuy nhiên thời điểm hiện tại chỉ còn một chiếc duy nhất. Điều khiến anh hoang mang là những chiếc bát mua cùng thời điểm dù bị vỡ nhưng không xuất hiện vi mạch điện tử như chiếc bát này.

Một số người dân khu vực thi cho rằng, đây là một dụng cụ được gắn vào đáy chén, dùng để gian lận khi chơi xóc đĩa.

“Vì không có chuyên môn nên tôi không bình luận hay nói gì thêm khi phát hiện sự kì lạ trong chiếc bát ăn cơm nhà mình. Chỉ đơn giản vì lo sợ loại bát này có thể đe dọa đến sức khỏe người sử dụng nên anh mới muốn cảnh báo đến các cơ quan chức năng, hi vọng họ có thể giúp anh giải đáp thắc mắc này” – anh Lan nói.

Hiện chiếc bát lạ đã được gửi tới cơ quan chức năng địa phương nhờ tìm hiểu nguồn gốc và mục đích của những vi mạch điện tử.