Hà Nội: Người phụ nữ suốt 8 năm nay tắm cho bệnh nhân AIDS

Danh Ngọc, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 24/09/2013

"Khi mới bắt đầu công việc, nhiều thanh niên mắc AIDS chửi mắng tôi vì họ nghĩ mình bị ghẻ lạnh, ghê sợ. Nhưng khi nghe tôi ân cần chia sẻ, họ trào nước mắt mà ôm lấy tôi khóc", bà Bùi Thị Đông chia sẻ.

Người dân ở chợ Nhật Tân (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) đã quen thuộc với người phụ nữ mà họ vẫn gọi với cái tên "Đông ết", "Đông ma túy" hay "Đông siđa". Đó là cái tên thân quen mà mọi người hay gọi bà Bùi Thị Đông, người phụ nữ tốt bụng từ 8 năm nay (năm 2005) chuyên làm công tác tuyên truyền, giúp đỡ những bệnh nhân không may bị nhiễm HIV/AIDS và gia đình của họ. Không những thế, bà còn là người tình nguyện làm công việc mà xưa nay nhiều người vẫn sợ hãi, đó là tắm rửa, khâm liệm cho những người mắc căn bệnh thế kỷ.

48 bệnh nhân HIV/AIDS đã được bà chăm sóc, tắm rửa và khâm liệm trong suốt 8 năm qua. 

Người phụ nữ giàu nghị lực và lòng nhân hậu

Chúng tôi gặp bà Đông vào một buổi chiều nắng oi ả. Bà Đông tranh thủ thời gian chợ còn vắng người ra ngồi uống nước phía ngoài cổng. Thoạt tiên, chúng tôi có phần hơi e dè bởi cái cách bà mở đầu câu chuyện: “Chú hỏi gì thì hỏi đi, nhanh không là tôi phải đi làm”. Có lẽ ai không quen sẽ nghĩ rằng bà là người nóng nảy, khó gần. Nhưng vì trước khi đến, đã ít nhiều nghe kể về bà nên chúng tôi tin rằng, ẩn sau những lời nói và gương mặt có phần hơi khó gần kia là một tâm hồn chan chứa yêu thương, sự chân thành và lòng bao dung.

Hà Nội: Người phụ nữ suốt 8 năm nay tắm cho bệnh nhân AIDS 1
Bà Đông chia sẻ về công việc của mình.

Sinh ra ở quê lúa Thái Bình, đến tuổi trưởng thành, bà Đông ra Hà Nội sinh sống và lập gia đình. Kinh tế dần khấm khá, bà Đông luôn nghĩ rằng mình sẽ có cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc bên người chồng và ba cậu con trai. Nhưng rồi, đau khổ cứ lần lượt ập đến với gia đình bà. Cậu con trai cả sớm dính vào nghiện ngập rồi mắc căn bệnh AIDS. Dù bà đã nỗ lực tìm mọi cách đưa con đi cai nghiện nhưng vẫn không thành. Những năm cuối, thấy con luôn khát khao mái ấm gia đình và muốn cưới một phụ nữ nghiện, nhiễm HIV ở cùng khu, bà Đông cũng ngậm ngùi đồng ý. 

Một năm sau ngày cưới, con dâu bà phát bệnh, cơ thể lở loét, bốc mùi hôi tanh và bị mọi người xa lánh. Thương các con, bà Đông không ngần ngại lau rửa chu đáo cho tới khi cô con dâu nhắm mắt. Không lâu sau cái chết của con dâu, con trai bà cũng qua đời. Giống như với cô con dâu, bà cũng nấu nước lá thơm tắm rửa, khâm liệm cho con trai mình.

Những tưởng cuộc đời bà đau đớn thế đã là quá đủ, nhưng không ai ngờ, cậu con trai thứ hai cũng nghiện ngập rồi nhiễm bệnh xã hội. Hiện tại, anh đang sống trong một trại cai nghiện ở Hà Nội. Đứa con thứ ba của bà cũng sớm bỏ học từ năm lớp 11, suốt ngày ăn chơi, không giúp gì được cho bố mẹ. Gia đình rối ren là vậy nhưng chỉ có một mình bà Đông gánh vác mọi sự. Người chồng chán cảnh gia đình đã bỏ đi bồ bịch hơn 6 năm nay. Thời gian đầu, người đàn ông ấy còn thường xuyên đánh đập bà, đòi bán đất để có tiền cho bồ.

Hướng cái nhìn ra phía xa, mắt ầng ậc nước, bà Đông nghẹn ngào nói: “Đã có thời gian tôi phải đi bán máu nuôi con. Sức cùng lực kiệt, gia đình tan nát, có lúc tôi đã định kết liễu đời mình bằng một liều thuốc sâu…”.

Công việc tình nguyện đặc biệt

Khi được hỏi về công việc tình nguyện của mình, bà Đông cho hay, năm 2005, Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS về phường phổ biến kiến thức, bà được đi tập huấn và trở thành tình nguyện viên. Bà đến từng hộ gia đình phổ biến kiến thức về HIV, phát bao cao su, bơm kim tiêm miễn phí cho các đối tượng nghiện ma túy. Không chỉ tuyên truyền, bà còn tình nguyện đưa người có HIV đi khám. Hiện tại, dự án trên đã kết thúc nhưng bà vẫn tiếp tục công việc đến bên bệnh nhân AIDS trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời họ. Bà còn chia sẻ và động viên các gia đình có bệnh nhân để họ tạo ra một cuộc sống bình đẳng, giúp những người mắc bệnh có những giây phút êm đẹp cuối đời.

Hà Nội: Người phụ nữ suốt 8 năm nay tắm cho bệnh nhân AIDS 2
Từ ngày làm tình nguyện viên đến nay, bà Đông cảm thấy hạnh phúc và cuộc sống ý nghĩa nhiều hơn.

Nhớ lại những ngày đầu đi làm công việc này, bà Đông kể: "Thời gian đầu nhiều nhà ghét tôi lắm. Tôi đến tuyên truyền thì họ bảo là tôi đến lôi kéo họ. Vì tôi cũng có con mắc bệnh thế kỷ nên đến tìm người có cùng cảnh ngộ, để khỏi bị xã hội chê cười… Nhưng họ càng chửi, tôi càng đến. Dần dần sau đó, nhiều gia đình cũng hiểu chuyện và gần gũi hơn với con cháu mình”.

Những lần đến chăm sóc, tắm rửa cho các bệnh nhân trước khi họ trút hơi thở cuối cùng đều để lại trong bà nhiều xúc cảm. Nhìn cảnh những người bệnh héo hon trong cơn đau, thân hình gầy còm ốm yếu, lở loét, bà lại vô cùng thương cảm. Bà nhẹ nhàng ân cần nói: “Không sao đâu con ạ. Nó cũng chỉ như cái mụn loét ra. Để bà chăm sóc cho con…”.

Nhiều thanh niên mới đầu còn chửi mắng bà vì họ nghĩ mình bị ghẻ lạnh, ghê sợ. Nhưng khi nghe bà Đông ân cần chia sẻ, họ trào nước mắt mà ôm lấy bà: "Con ước gì mình không vướng vào nghiện ngập, bệnh tật, không phải ra đi quá sớm để có thể sống có ích, để được đi làm tình nguyện viên giúp ích cho cộng đồng như cô…”.

Hà Nội: Người phụ nữ suốt 8 năm nay tắm cho bệnh nhân AIDS 3
Quán nước đơn sơ của bà Đông ở góc chợ Nhật Tân.

Sau mỗi lần bà đến giúp đỡ, đa phần các gia đình đều cảm ơn và gửi tiền bà. Nhưng bà Đông chỉ nhận lời cảm ơn, còn tuyệt đối không nhận tiền của ai cả. Bà Đông tâm sự: "Tôi chỉ muốn là ơn giời cho tôi sức khỏe. Mong các cháu mà tôi đã giúp đỡ phù hộ cho tôi khỏe mạnh để tôi có thể làm công việc vệ sinh ở chợ, kiếm tiền duy trì cuộc sống và sau đó có cơ hội tuyên truyền, giúp đỡ cho cộng đồng, cho những người không may mắn bị nhiễm HIV/AIDS".

Hiện tại, bà Đông đang làm công việc trông coi nhà vệ sinh và bán nước ở cuối chợ Nhật Tân. Thu nhập được 3 triệu đồng/một tháng nhưng bà phải lo toan cho mọi chi phí trong cuộc sống gia đình và nuôi cậu con trai đã 20 tuổi nhưng không nghề nghiệp. Dù vậy, bà vẫn nguyện làm công tác tuyên truyền kiến thức phòng chống HIV/AIDS, tắm rửa, khâm liệm cho những người mắc bệnh cho đến hết cuộc đời.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày