Hà Nội giữ nguyên tên gọi chính thức cầu Nhật Tân

, Theo Trí Thức Trẻ 15:27 26/12/2014

Trong cuộc họp sáng 26/12, bên cạnh việc thông tin ngày 4/1/2015 sẽ khánh thành và đi vào sử dụng 4 dự án lớn, thứ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải cho biết, sẽ giữ nguyên tên gọi cầu “Nhật Tân”.

Sáng ngày 26/12, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4/1/2015 sẽ tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng các dự án: Nhà khách VIP A, Nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu, Đường nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân (đường mang tên Đại Tướng Võ Nguyên Giáp).

Hà Nội giữ nguyên tên gọi chính thức cầu Nhật Tân 1
Cầu Nhật Tân lung linh về đêm.

Đề cập đến tên cầu Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, tại buổi làm việc giữa Nhật Bản và Việt Nam bàn về tên cầu, phía nước bạn mong muốn được đặt tên cầu là “Hữu nghị Việt - Nhật”.

“Trước nguyện vọng này, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 11 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV diễn ra vào đầu tháng 12 vừa qua, đa số đại biểu cho rằng, đây là cầu có ý nghĩa lịch sử nên quyết định giữ nguyên tên cầu là Nhật Tân”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thông tin.

Hà Nội giữ nguyên tên gọi chính thức cầu Nhật Tân 2
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết: "Đây là cầu có ý nghĩa lịch sử nên quyết định giữ nguyên tên cầu là Nhật Tân".

Theo Thứ trưởng Trường: “Tuy nhiên, để ghi lại mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, trên bảng ghi tên cầu, ngoài tên “Nhật Tân”, còn có thêm dòng chữ “Hữu nghị Việt – Nhật” bên dưới. Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đã đúc bảng tên cầu bằng đồng và gắn ở hai đầu”.

Về công tác phân luồng giao thông cầu Nhật Tân, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay, theo thiết kế cầu Nhật Tân phục vụ cả xe máy lẫn ô tô. Trên cầu có làn dành riêng cho xe máy (6 làn ô tô, 2 xe máy). Khi qua cầu, xe máy đi vào đường gom, không đi vào đường chính. Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất với Hà Nội về việc, không cho xe tải đi trên cầu Nhật Tân, mà chỉ phục vụ xe buýt, xe khách, xe con. Cầu Nhật Tân khi đi vào sử dụng sẽ kết nối với đường Lạc Long Quân, Âu Cơ và Khu đô thị Ciputra.

Hà Nội giữ nguyên tên gọi chính thức cầu Nhật Tân 3
Toàn cảnh buổi họp báo sáng 26/12.

Về độ an toàn cầu Nhật Tân, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định, cầu được thiết kế dây văng do Nhật Bản và Đức làm tư vấn thiết kế. Đối với cầu dây văng, công việc hết sức quan trọng là thổi gió (thử rung lắc khi gặp gió lớn). Công việc này đã được thử nghiệm và nghiên cứu kỹ càng.

Hà Nội giữ nguyên tên gọi chính thức cầu Nhật Tân 4
Nhà ga T2 sẽ khánh thành ngày 4/1/2015.

Hà Nội giữ nguyên tên gọi chính thức cầu Nhật Tân 5
Con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp dự kiến sẽ được khánh thành vào 4/1/2015.

Cầu Nhật Tân là một trong số ít cây cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới, ngoài công nghệ thi công cầu dây văng nhiều nhịp, thì phần cầu chính còn áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến lần đầu được áp dụng ở Việt Nam như công nghệ hộp neo bằng thép trên trụ tháp, hệ thống quan trắc theo dõi với nhiều thiết bị hiện đại như lực căng cáp văng, đo ứng suất cốt thép, dầm thép...

Hiện, xét điều kiện giao thông và lưu lượng thực tế, Bộ GTVT đã cho phép Ban quản lý dự án 85 thực hiện đầu tư xây dựng Hạng mục cầu vượt để tăng cường năng lực giao thông tại nút giao Phú Thượng. 

Theo đó, Ban quản lý dự án 85 đã hoàn thiện các thủ tục liên quan đến phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán, nguồn vốn... để triển khai thi công trong thời gian sớm nhất.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày