Hà mã, tê giác, hổ bạch, sư tử… châu Phi nhởn nhơ ở xứ Nghệ

Thái Linh, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 17/03/2013

“Khu vườn” rộng hàng trăm ha nằm giữa vùng đồi núi miền Tây xứ Nghệ trở nên nổi tiếng khắp cả nước bởi sự hiện diện của những loài thú quý hiếm có tên trong sách Đỏ. Càng khó tin hơn khi chúng có “hộ tịch” từ… châu Phi.

Với hơn 100ha đất rừng, một đại gia xứ Nghệ đã đầu tư, cải tạo thành một “khu vườn” sinh thái có tên: Khu du lịch sinh thái Trại Bò. Cái tên “Trại bò” ấy đã khiến không ít người nhầm tưởng, bởi họ sẽ ngay lập tức suy luận ra đó là một trang trại nuôi… bò quy mô lớn. 

Hà mã, tê giác, hổ bạch, sư tử… châu Phi nhởn nhơ ở xứ Nghệ 1

Thế nhưng, những gì mà người ta được chứng kiến, đó là những loài động vật quý hiếm có tên trong sách Đỏ, và chúng đều có nguồn gốc từ châu Phi. 

Từ quốc lộ 1A rẽ vào đường đi Diễn Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương, Quế Phong… - những địa danh của miền Tây xứ Nghệ nổi tiếng với gió Lào khô rát, nắng cháy như nung tưởng như một mẩu thuốc lá rơi xuống ngang đường cũng dễ dàng tạo thành một đám cháy nếu như bắt phải một đống bùi nhùi… Rất ít người biết rằng, ở đây hội tụ một khu vườn gồm những động vật quý hiếm mà có lẽ, không phải trung tâm bảo tồn, vườn thú, công viên… nào của Việt Nam cũng có. 

Hà mã, tê giác, hổ bạch, sư tử… châu Phi nhởn nhơ ở xứ Nghệ 2

Một con đường trải xi-măng dài hàng chục Km chạy bền bỉ qua những đồi keo, tai tượng, bạch đàn chừng dăm năm tuổi, qua những khu hồ ao đang được quy hoạch làm nguồn nước tưới tiêu, sản xuất hay tích trữ, điều hòa sinh thái… Hai bên đường, thảng hoặc hiếm hoi lắm mới xuất hiện một nóc nhà. Điểm cuối của con đường dẫn tới một địa danh có cái tên rất đỗi… bình dân, bình dân đến mức không ai muốn tưởng tượng xem, bên trong nó là cái gì - địa danh: Trại Bò.

Cái tên Trại Bò xuất phát từ lịch sử ban đầu: trước kia, người ta dựng một trại nuôi bò tập trung ở đây từ thời hợp tác xã những năm 1960.

Hà mã, tê giác, hổ bạch, sư tử… châu Phi nhởn nhơ ở xứ Nghệ 3

Đi qua chiếc cổng kiên cố, con đường xẻ đôi hai chiếc hồ hai bên dẫn vào khu toàn màu xanh mướt mát. Trong màu xanh của những khu vườn trồng nhãn, cây lâu năm…, bất chợt hiện lên những khu chuồng sắt kiên cố… Đâu đó đưa lại tiếng ngựa hý, tiếng hổ gầm, tiếng gà lôi, gà rừng… choang choác như cãi nhau…   
Chúng tôi không tin vào những gì mà mình nhìn thấy trước mắt: một chiếc lồng sắt to có mái che quây kín khoảng đất rộng vài trăm m2, bên trong vẫn có những khóm bạch đàn nhiều năm tuổi. Một con hổ vàng đang ung dung đi lại trong chuồng. Thấy có người, con hổ lừng lững đi sát ra mé chuồng, bình thản đưa đôi mắt của vị chúa tể rừng xanh ra quan sát. Một con hổ khác từ đâu cũng xuất hiện, chúng gầm gừ với nhau một điều gì đó, rồi lại tiếp tục bình thản nhởn nhơ trong chuồng.

Hà mã, tê giác, hổ bạch, sư tử… châu Phi nhởn nhơ ở xứ Nghệ 4

Liền kề với chuồng nuôi nhốt hai con hổ vàng là chuồng nuôi nhốt hai con hổ bạch, cũng lừng lững, khổng lồ như thế. Hổ bạch tự nhiên trên thế giới chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, thế nhưng, trong số rất hiếm hoi còn sống sót đó, có hai cá thể hổ bạch đang ngự trị ở góc rừng miền Tây xứ Nghệ của Việt Nam. 

Chúng tôi chuyển hết từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác: tiếp tục sang một khu chuồng khác cách chuồng hổ chừng hai, ba trăm mét, một chú gấu ngựa nằm ngả ngốn trên bờ tường bê-tông được dựng bên trong một khu đất khá rộng. Xung quanh con gấu ngựa này, có rất nhiều đồng loại của nó cũng tương tự: con nằm ngủ, con đang chơi đùa, một vài con gấu khác lùi lũi đi vào ô cửa mở sẵn…

Hà mã, tê giác, hổ bạch, sư tử… châu Phi nhởn nhơ ở xứ Nghệ 5

Một chiếc lồng nuôi nhốt khoảng chục con thỏ trắng được dựng ở gần khu nhà kho. Vài con chó nhà nô nhau chạy huỳnh huỵch. Thấy người lạ, chúng chẳng buồn sủa. Dường như, lũ chó này hàng ngày đã phải đón tiếp rất nhiều khách lạ đặt chân trong “khu vườn kỳ dị” này nên chúng đã quên đi bản năng canh giữ?!

Một lũ cá sấu lười nhác nằm trên mặt sân bê-tông, đưa đôi mắt bé tý tẹo bằng hạt xoài nhìn không thèm chớp mắt. Bên cạnh, những tảng thịt lợn vẫn còn vương vãi, trở thành bữa tiệc thịnh soạn cho đám ruồi vo ve tự do thưởng thức.

Hà mã, tê giác, hổ bạch, sư tử… châu Phi nhởn nhơ ở xứ Nghệ 6

Hai con hà mã nằm trong vũng nước cạnh hòn non bộ dựng trong không gian chuồng phì phò thở. Thấy có đồ ăn, chúng bỏ đám nước, rũ người rồi chậm chạp lần ra góc chuồng có đặt máng thức ăn. Bộ da vốn đã trơn láng, có thêm nước phản chiếu dưới ánh mặt trời càng khiến hai con hà mã này thêm kỳ dị…

Hà mã, tê giác, hổ bạch, sư tử… châu Phi nhởn nhơ ở xứ Nghệ 7

Chưa hết, chuồng nhốt sư tử. Hai con hươu cao cổ lừng lững như hai cái chòi canh. Một đàn linh dương sừng xoắn con đứng con ngồi; đà điểu cao lêu đêu ngóc chiếc cổ dài và chiếc đầu dường như không bao giờ cân đối so với thân mình; bộ lông đuôi của chúng cũn cỡn ngắn làm lộ ra tảng thịt đỏ au phần dưới lưng… Đàn ngựa bạch hai mắt hồng, mõm hồng… tuyệt đối thuần chủng…

Hà mã, tê giác, hổ bạch, sư tử… châu Phi nhởn nhơ ở xứ Nghệ 8

Một đôi voi được chăn thả trên tít đỉnh ngọn đồi. Xung quanh khu vực quàn hai con vật khổng lồ này là khu đất trống với những đống… phân voi khổng lồ, chi chít…

Hà mã, tê giác, hổ bạch, sư tử… châu Phi nhởn nhơ ở xứ Nghệ 9

Một khu vực xa nhất tính từ vị trí cổng vào của trại bò là khu vực nuôi nhốt hai con tê giác châu Phi khổng lồ. Thỉnh thoảng ngẫu hứng, hai con vật nặng nề ấy đuổi nhau huỳnh huỵch trên khu đất rộng… Trên chiếc mõm dài của chúng, hai chiếc sừng to và nhọn hoắt chĩa thẳng. Bất cứ ai chiêm ngưỡng cặp sừng này cũng đều nghĩ về một cảm giác mạnh, rằng không biết “tê giác húc” sẽ như thế nào!?

Rất nhiều bảng hiệu, biển cấm… treo khắp nơi trong khu trại bò: “thú hung dữ cấm lại gần” hay “chú ý điện cao thế”, “không đứng gần thú dữ”…

Hầu hết, những loài thú mà chúng tôi vừa kể tên, là những loài thuần chủng được đưa về từ… châu Phi. Hành trình, đường đi của những con thú ấy, có lẽ là một câu chuyện dài và rất dài, cũng như không nói đến câu chuyện phải đổ bao nhiêu tiền bạc để có một vườn “dị thú” đang tồn tại “bằng xương bằng thịt” ở miền Tây xứ Nghệ.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày