"Giấc mơ Phượng Hoàng" của người thợ lắp ráp xe đạp tặng học sinh nghèo ở Sài Gòn

Tứ Quý, Theo Trí Thức Trẻ 09:26 18/07/2015

Dù cuộc sống hiện tại còn khó khăn nhưng khi nhớ lại ước mơ về chiếc xe đạp Phượng Hoàng từ ấu thơ, anh Thái cố gắng xoay xở để lắp ráp những chiếc xe tặng các học sinh nghèo phải cuốc bộ hàng cây số đến trường học.

Tìm đến tiệm sửa xe của anh Lê Văn Thái (38 tuổi, phường 11, quận Tân Bình, TP. HCM), không khí làm việc vẫn luôn tất bật vì anh phải tranh thủ hoàn thành sớm công việc cho khách để còn kịp lắp ráp xe đạp tặng các cháu học sinh nghèo sắp bước vào năm học mới. 

Đang cân bánh xe máy cho khách, nghe chúng tôi nhắc về câu chuyện tử tế của anh được nhiều người biết đến, anh Thái cười hiền: "Chuyện ấy có đáng là bao và ai cũng có thể làm được. Sống là để cho đi chứ đừng có ý nghĩ sẽ nhận lại, như vậy cuộc đời này sẽ đẹp lắm".

Anh Thái tranh thủ sửa xe máy sớm cho khách để kịp lắp ráp xe đạp tặng học sinh nghèo.

Nhắc về quãng thời gian tuổi thơ cơ cực cùng với gia đình, anh Thái kể: "Thuở nhỏ, ước mơ lớn nhất của tôi là có được chiếc xe đạp chạy cho... oai và quan trọng hơn để đỡ mỏi chân. Tôi "thèm muốn" xe đạp đến nỗi trong giấc mơ mỗi tối cũng đều thấy nó biến thành con Phượng Hoàng tung đôi cánh đưa đi khắp mọi nơi. Biết tôi thích nhưng vì kinh tế eo hẹp, cha mẹ tôi lúc đó không hứa mà chỉ nói: "Con nhớ chăm sóc đàn vịt cho tốt, vì đó là tài sản xem như là lớn nhất với gia đình mình đó". Nghe cha mẹ nói vậy tôi cũng mừng thầm, khi vịt đông dần lên sẽ bán mua xe đạp cho mình nên tôi cưng và chăm sóc đàn vịt rất kĩ. Những tưởng chỉ một thời gian nữa sẽ có Phượng Hoàng, nào ngờ một trận dịch càn quét khiến vịt chết sạch, bao ước mơ cũng theo đó mà chôn vùi".

Anh Thái tặng xe đạp cho các em học sinh tiểu học trên địa bàn quận Tân Bình.

Khi đàn vịt chết, anh Thái sợ đến nỗi không dám về nhà. Thế rồi, anh rời bỏ quê hương nghèo, từ Quảng Nam vào Sài Gòn tìm cách làm ăn, gây dựng lại cơ nghiệp. "Lúc đó chưa hiểu hết được nỗi buồn khôn nguôi của cha mẹ, nên quyết tâm ra đi, sau này nghĩ lại thấy có lỗi lắm. Bên cạnh đó, cũng thấy hụt hẫng vì giấc mơ Phượng Hoàng còn quá xa vời. Vừa thương cha mẹ và vừa nghĩ về ước mơ chưa có được xe đạp mà khóc hoài thôi", anh Thái tâm sự. 

Những lúc chưa có khách, anh Thái lại tranh thủ lắp ráp xe đạp để kịp giao 10 chiếc trong năm học tới đây.

Sau khi rời làng quê nghèo vào nơi đất khách quê người kiếm kế sinh nhai, anh Thái vẫn luôn ước mơ có được chiếc xe đạp để đi lại cho đôi chân không còn bỏng rát. Ban đầu, khi vào Sài Gòn, anh làm rất nhiều nghề từ bưng bê quán ăn, giữ xe... rồi cái duyên đưa đẩy anh đến với nghề sửa xe máy. Cũng chính cơ duyên này giúp cho anh thực hiện được ước mơ và quan trọng hơn giúp được những hoàn cảnh nghèo từ nghề này. 

Anh Thái nhớ lại: "Khi học nghề sửa xe máy, tôi phải cuốc bộ cả đi lẫn về khoảng 10km. Trong khoảng 1 năm học nghề, tôi "thèm muốn" chiếc xe đạp đến phải nhịn ăn 1 bữa trong ngày. "Thắt lưng buộc bụng" cuối cùng cũng mua được con Phượng Hoàng. Có được xe đạp Phượng Hoàng tôi cưng như trứng, ngày nào cũng lau chùi sáng bóng".

Hàng loạt giấy khen được chính quyền địa phương trao tặng vì chuyện tử tế của anh.

Khi ra nghề sửa xe máy được một thời gian dài, đến năm 2005, trong một ngày trời mưa nên vắng khách, anh tranh thủ sửa lại chiếc xe đạp cho con, bất ngờ nhìn ra ngoài đường thấy một cậu bé phải đi bộ dưới mưa mà xót xa. Từ đó anh tự nhủ trong lòng, phải tìm cách để giúp các cháu học sinh đến trường đỡ cực nhọc hơn. 

Ngay hôm đó, anh Thái đi tới các tiệm mua phế liệu để mua "mót" những bộ phận xe đạp về tân trang lại cho chắc chắn, tặng các cháu học sinh nghèo. "Sau khoảng gần 1 tháng lắp ráp lại chiếc xe đạp đầu tiên, tôi đem tặng cháu học sinh đó và tôi đã khóc khi biết có quá nhiều các cháu khao khát xe đạp như mình trước đây", anh Thái chia sẻ.

Chị Tơ (vợ anh Thái) vừa bán nước vừa chăm sóc con.

Anh Thái nhớ lại kỉ niệm những lần đem xe đạp đến tận trường tặng học sinh: "Có lần con trai đi học về bảo tôi, trong lớp có bạn luôn đi học trễ vì nhà nghèo không có xe để đi học, phải đi bộ. Thế là tôi âm thầm lắp ráp nhanh trong nhiều đêm. Đến ngày đó, tôi đến xin nhà trường để được vào trao tặng chiếc xe đạp cho người bạn của con mình và tất cả mọi người ai cũng bất ngờ. Lúc đó, người tôi dính đầy dầu nhớt, quần áo bẩn hết cả, nhưng nhìn giọt nước mắt hạnh phúc của cháu đó, tôi cũng nghẹn ngào".

Sự chia sẻ đối với hoàn cảnh nghèo khó, đặc biệt là các em học sinh của anh Thái ngày càng được nhân rộng. Ban đầu anh chỉ thực hiện công việc ý nghĩa này có một mình, sau này được gia đình và nhiều người biết đến, cùng chung tay với anh. Đến nay đã có khoảng gần 100 chiếc xe đạp được tặng cho các em học sinh nghèo ở những trường học gần khu anh ở.

Từ giấc mơ chiếc xe đạp Phượng Hoàng, anh Thái thấu hiểu khao khát của trẻ em nghèo được sở hữu 1 chiếc xe đạp.

Cả gia đình anh Thái có 6 thành viên sống chật vật trong căn nhà trọ vừa là nơi sửa xe máy trong khoảng 10 năm qua, ấy vậy anh vẫn dành ít tiền mua phụ tùng về lắp ráp thành xe đạp tặng học sinh nghèo ở các trường học. Năm 2000, anh Thái và chị Phan Thị Tơ (38 tuổi, vợ anh) lấy nhau và sinh được 4 đứa con (3 trai và 1 gái).

Chia sẻ về việc làm ý nghĩa của chồng, chị Tơ tự hào: "Từ khi biết được việc làm tốt của chồng, tôi vui lắm, hiện tại tôi cũng phụ buôn bán nước gần tiệm để chăm sóc con cái. Làm việc tốt cũng là để các con noi gương theo, sau này lớn lên giúp đỡ nhiều người hơn nữa. Tiền mình làm ra bao nhiêu cho đủ, thôi thì giúp đời để lòng tốt được lan tỏa, cuộc sống mọi người sẽ được vui vẻ và hạnh phúc hơn. Hy vọng chồng tôi có nhiều sức khỏe để ngày càng làm ra nhiều Phượng Hoàng chắp cánh ước mơ đến trường của các cháu nhỏ".

Chia sẻ với chúng tôi về việc làm tử tế của người thợ sửa xe, bà Võ Thị Phương Thảo - Bí thư Đảng ủy phường 11 (nơi gia đình anh Thái sinh sống) cho biết: “Gia đình anh Thái đều là lao động phổ thông, sống ở đây cũng đã lâu và làm nhiều việc tốt nên mọi người rất quý. Thu nhập từ việc sửa xe máy của anh Thái cũng thấp, nhất là khi nuôi vợ và 4 đứa con, nhưng anh vẫn tích góp được tiền để mua phụ tùng lắp ráp xe đạp là một việc làm rất đáng trân trọng. Chúng tôi cũng vận động người dân nếu có phụ tùng xe đạp nào không dùng đến thì đem đến anh Thái để lắp ráp, một việc nhỏ nhưng có sức lan tỏa lớn”.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày