Đột nhập "lò" tuyển chồng Hàn: 6 "cô dâu" lành, 2 "chú rể" què

Kinh Tế Nông Thôn, Theo 08:56 18/09/2014

Các cô gái mười tám, đôi mươi, mới chân ướt chân ráo từ quê ra thành phố với ước mong lấy chồng ngoại để đổi đời. Thế nhưng, qua một cuộc "kén dâu" cò cưa, một đám cưới chớp nhoáng, họ bẽ bàng nhận ra, thực tế không như mong đợi.

6 "cô dâu" lành, 2 "chú rể" què

Sáng hôm sau, dù chưa chuẩn bị được hồ sơ nhưng Thắm vẫn gọi cho tôi, báo có 2 chú rể Hàn qua coi mắt, tôi được chú Tư ưu ái cho tham gia. Nếu như được chọn thì bảo người nhà lên dự đám cưới mang hồ sơ luôn và đừng quên ơn chú Tư và Thắm.

10 giờ 20 phút, tôi có mặt tại quán cà phê trên đường Âu Cơ (quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh). Lúc này đã có Thắm cùng 7 người Hàn Quốc, trong đó có một phụ nữ và một người phiên dịch. Thắm nhanh nhẹn đưa một xấp hình của 5 cô gái cho 6 người đàn ông coi trước. Họ chuyền tay nhau soi rất kỹ từng tấm rồi bình luận điều gì mà cười phá lên. Một người đàn ông Hàn Quốc giới thiệu là Hwang nói tiếng Việt bập bẹ lại hỏi tôi sao không có hình. Tôi bảo gấp quá nên chưa chuẩn bị kịp. Khi mọi người đang chuyền hình các cô gái cho nhau xem thì tiếng bước chân huỳnh huỵch từ cầu thang đi lên. 5 cô gái trong số 11 cô ở nhà chú Tư mà tôi đã gặp xuất hiện. Mỗi người mang theo một túi nylon nhỏ, trong đó đựng một vài tấm hình, CMND, hộ khẩu. Tôi được gọi lại nhập hội với 5 cô gái và ngồi vào cho người ta chụp ảnh. Sau đó 6 cô gái được chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm 3 người. Nhóm tôi được chú rể tên Kim coi mắt và có Thắm cùng 2 người đàn ông Hàn Quốc vừa thông dịch, vừa ghi chép vào cuốn sổ nhỏ.


Cô dâu Lê, chú rể Kim trong ngày cưới.

Theo giới thiệu thì Kim sinh năm 1971, làm trong một doanh nghiệp nhỏ ở Hàn Quốc. Bề ngoài trông Kim khá hiền lành và ít nói. Gương mặt Kim đầy vết rỗ to như hạt đậu xanh, còn một chân thì bị teo lại, đi cà nhắc. Tôi ngồi ở giữa 2 cô gái tên Nguyễn Thị Lê (người Kiên Giang), Hồng Thị Gái (người Tiền Giang). Chúng tôi lần lượt giới thiệu về mình, cả ba tranh nhau nói. Nhưng thấy mặt Gái sáng sủa nhất nên Thắm ưu tiên cho cô này. Gái cười bẽn lẽn rồi bảo cô 20 tuổi, là con út trong gia đình, chưa có người yêu. Gái rành về nữ công gia chánh và đặc biệt, nấu món canh chua rất ngon. Còn tôi cũng giới thiệu mình 29 tuổi, là con thứ trong gia đình, trước có đi học đại học nhưng vì ham chơi, mãi không ra trường được nên giờ bỏ rồi, chỉ muốn lấy chồng Hàn Quốc. Sau khi "Mr Hwang" dịch lại, mấy người trong nhóm cười ồ lên. Còn chú rể Kim thì dành cho tôi một ánh nhìn rất… trìu mến. Đến lượt Lê nhưng cô này mắc cỡ nên chỉ cười, hai má đỏ lựng mà không dám nói gì. Lúc này Thắm nói thay là Lê 18 tuổi, người Kiên Giang. Chú rể Kim hết nhìn tôi rồi lại nhìn Lê, hình như Kim đang phân vân giữa hai người. Thắm thấy vậy liền bảo Kim rằng, chọn Lê đi vì Lê trẻ hơn, nghe vậy Kim gật đầu. Lê sung sướng đến rưng rưng nước mắt. Ngay lập tức, "Mr. Hwang" bảo Lê đưa tay ra và anh ta bắt đầu sờ, nắn từ lòng bàn tay lên đến tận vai. Sau khi kiểm tra xong, Hwang vẫy tay kêu người phụ nữ Hàn Quốc đến và bảo dẫn Lê đi lên cầu thang tối, cởi bỏ y phục để bà ta khám tổng thể trong người.

Gái không được chọn nên hụt hẫng đứng phắt dậy, giật phăng tấm hình trong tay Hwang rồi hậm hực bước ra. Lúc này, bên nhóm kia hai cô gái không được chọn cũng vùng vằng, "đá thúng đụng nia" xách dép ra về. Người được chọn là cô gái cao ráo, trắng trẻo tên Nguyễn Thị Dung, quê ở Long Xuyên (An Giang). Dung sinh năm 1981, đã… kinh qua một đời chồng và hiện có con trai 7 tuổi. Chú rể của Dung sinh năm 1958 và theo lời người phụ nữ Hàn Quốc, xưng là em gái của chú rể thì vị này bị đủ thứ bệnh và đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật nên lục phủ ngũ tạng… nham nhở hết rồi. Ngoài ra, bàn tay phải của chú rể này bị cụt mất ngón tay cái. Người phụ nữ Hàn Quốc dẫn Dung đi khám người, khoảng 5 phút sau thì quay lại. Mọi người nhập lại thành một nhóm, nói chuyện rôm rả. Riêng Dung và chú rể thì tay trong tay, mặt rạng ngời hạnh phúc. Còn cặp đôi Kim và Lê thì có vẻ ngượng ngùng.

Nhờ thiện chí cùng khát khao được lấy chồng Hàn của tôi nên Hwang cảm động lắm và mời tôi cùng ăn tối với mọi người. Và trưa hôm đó, chú rể đưa cô dâu về khách sạn Hoàng Long (đường Hoàng Việt, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) để… động phòng và buổi chiều thì đi mua sắm, chuẩn bị cho ngày mai làm đám cưới.

Đám cưới chớp nhoáng

Trưa hôm sau, Sài Gòn mưa tầm tã. Đám cưới của Lê và Dung diễn ra lúc 13 giờ tại một nhà hàng tương đối lớn trên đường Hòa Bình (quận 11).

Cơn mưa buổi trưa như thác đổ khiến mọi con đường dẫn đến địa điểm cưới đều bị ngập nước. Tôi được mời đi dự đám cưới để xem trước cho có kinh nghiệm. Tôi có mặt tại nhà hàng đúng lúc cô dâu, chú rể đang làm thủ tục đón khách. Hai cặp tân nương, tân lang trong trang phục vest đen và đầm trắng, hai cô dâu ôm hai bó hoa cưới bằng nhựa dính đầy bụi. Họ đứng ngoài hành lang, ngay trước cửa phòng tổ chức tiệc cưới. Mưa lớn hắt vào nhà như tát nước vào mặt khiến lớp phấn, son trên mặt cô dâu chảy nhòe ra, lem luốc. Họ được bố trí đứng như thế cho đủ thủ tục chứ thực ra… chẳng có khách nào đến dự. Người nhà hai cô dâu khoảng 20 người đã vào trong phòng từ lâu. Lúc này, tôi thấy Thắm lăng xăng hết chạy ra rồi chạy vào.


Cô dâu Dung và chú rể.

Đúng 13 giờ 30 phút, đám cưới được bắt đầu. Sau khi M.C cất tiếng oang oang mời cô dâu, chú rể, cô dâu Dung rạng ngời hạnh phúc khoác tay chú rể bước vào. Còn chú rể thì khó nhọc nhích từng bước chân già nua để theo cho kịp cô dâu còn quá đỗi son trẻ. Trong lúc đó, gương mặt Lê buồn như đưa tang, cặp mắt vốn đã ngấn lệ nay chỉ chực chờ vỡ òa thành những giọt nước mắt. Lê bước đi nhưng mặt cúi gằm xuống, chú rể Kim thì khó nhọc lê chân, mỗi bước đi, đôi chân cà nhắc như viết một dấu chấm phẩy trên nền thảm đỏ ướt sũng nước. Phía dưới, ba mẹ của Lê đứng lơ ngơ. Ba mẹ Lê còn khá trẻ, cả hai da đen nhẻm và đều đi. Mẹ Lê mặc bộ đồ màu hồng cũ kỹ. Dù đang chứng kiến giây phút hạnh phúc và quan trọng nhất trong cuộc đời của con gái nhưng mặt bà thẫn thờ và liên tục thở dài. Còn ba Lê mặc áo sơ mi xanh lơ dài lượt thượt, quần tây màu đen cũ kỹ đến nhàu nát. Gia đình cô dâu Dung thì có ba và anh trai đến dự. Nếu so sánh bề ngoài thì chồng của Dung già hơn rất nhiều so với ba của cô.

Theo quan sát của tôi, đám cưới có 4 bàn, gồm gia đình của 2 cô dâu và những người trong đường dây mai mối mà tôi đã gặp trong buổi coi mắt. Ngoài ra còn có chú Tư, anh Hai, anh Ba và một số người lạ. Tuy nhiên, qua trao đổi với mẹ cô dâu Lê thì bà cho biết, chỉ có vợ chồng bà lên dự đám cưới Lê thôi. Đáng lẽ nhà bà được đi 10 người nhưng vì gia đình mang ơn Thắm đã đưa Lê lên Sài Gòn ở rồi còn kiếm chồng cho Lê nữa nên nhường cho gia đình Thắm đi 10 người.

"Mr. Park", người trong đường dây mai mối đứng ra làm chủ hôn cho hai cặp uyên ương. Cặp đôi Lê và Kim được tổ chức lễ cưới trước. Hai người bước lên sân khấu rất gượng gạo. Họ cũng được làm đầy đủ các thủ tục như mời người đại diện cho gia đình chú rể, cô dâu, nâng rượu, trao nhẫn, trao quà cưới, cắt bánh… Tất cả các công đoạn đó diễn ra trong vòng… 5 phút và M.C tuyên bố lễ cưới kết thúc. Cả hai được mời xuống sân khấu, ngồi chung với ba mẹ cô dâu để dùng tiệc. Con rể, bố mẹ vợ ngồi cùng bàn nhưng chẳng ai nói với nhau câu gì. Ngay cả như Lê và chồng, không biết những lúc chỉ có hai người thì thế nào, chứ trong buổi coi mắt, rồi dùng bữa tối và cả giây phút quan trọng này, cả hai cũng chẳng nói với nhau câu gì. Dù thức ăn đã ê hề giữa bàn nhưng cả Lê và ba mẹ cô đều cúi gằm xuống, không ai đụng đũa, còn mặt thì buồn rười rượi, cả hai mẹ con Lê mắt rưng rưng như chực khóc.

Đến lượt Dung thì có kinh nghiệm rồi nên nhanh gọn và suôn sẻ hơn. Dung chủ động làm tất cả các thủ tục M.C yêu cầu. Vì thế, lễ cưới của Dung chỉ diễn ra chưa đầy 5 phút.

Khoảng 14 giờ, tiệc tan, người nhà hai cô dâu khăn gói về quê. Riêng cô dâu, chú rể và những người trong đường dây mai mối thì đi hưởng… đêm trăng mật tại Vũng Tàu. Trưa hôm sau, họ về lại TP. Hồ Chí Minh và 22 giờ đêm chú rể ra sân bay về Hàn Quốc, còn cô dâu ở lại, chờ khoảng 5 tháng sau, chú rể làm xong thủ tục sẽ sang Việt Nam rước về bên kia sinh sống.

Sau đám cưới chớp nhoáng và hưởng hạnh phúc ngắn ngủi, cô dâu Lê và Dung được Thắm dẫn về sống tại chung cư T.P. Theo như lời Thắm thì họ phải sống tập trung một chỗ để học tiếng và các phong tục, tập quán của Hàn Quốc. Nhưng trên thực tế, họ bị quản thúc rất chặt chẽ. Một ngày chỉ cho ra ngoài chừng một tiếng đồng hồ vào các buổi tối nhưng phải có người giám sát. Chỉ có Thắm là người được ra ngoài ngày 3 lần để lo chuyện cơm nước. Những cô dâu không được tùy ý sử dụng điện thoại, khi có cuộc gọi đến, họ sẽ bị những người quản thúc nghe trước, nếu thấy cần thiết mới đưa cho cô dâu nghe.

Thắm 22 tuổi, chỉ cao khoảng 1,45 mét, nặng chừng 38kg nhưng khuôn mặt nhìn rất già dặn, nhanh nhẹn và ăn nói khá khéo léo. Vì thế, ngoài vai trò của một cô dâu đang bị quản thúc và làm “hòn vọng phu” thì Thắm còn kiêm luôn việc tìm mối cho "lò" của chú Tư. Sau đám cưới của hai cô dâu, Thắm gọi điện bảo tôi lên “nhập lò” nhà chú Tư để có cơ hội lấy chồng nhanh chóng. Tôi mừng rỡ báo rằng, mấy ngày qua, ba mẹ tìm cho tôi một người chồng rồi nên không cần phải lấy chồng Hàn nữa. Thắm có vẻ tiếc rẻ và bảo, khi nào… bỏ chồng thì nhớ gọi điện cho Thắm để cô ta kiếm cho người chồng Hàn Quốc đẹp trai như chồng cô.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày