Dịch vụ ăn theo hốt bạc nhờ "biển" người đi tắm ở sông Đà

Thu Hường, Doãn Tuấn, Theo Trí Thức Trẻ 12:28 04/07/2015

Nhờ "cơn sốt" đi tắm "hạ hỏa" ở sông Đà của nhiều người dân trong những ngày gần đây, các dịch vụ ăn theo như trông xe, kinh doanh áo phao, nước uống, đồ ăn cũng vào mùa... hốt bạc.

Do thời tiết nắng nóng kéo dài nên nhiều ngày nay, rất đông người dân TP. Hòa Bình rủ nhau ra sông Đà "dầm mình" trong dòng nước mát lạnh. Từ 17h trở đi, tại các bãi tắm Tân Thịnh, Phương Lâm, Thịnh Ninh, lượng người đổ về để vui chơi, tắm mát mỗi lúc một đông. Đặc biệt, vào những ngày cuối tuần, số lượng người đổ về khu vực bờ kè sông Đà (đoạn chân cầu Hòa Bình) ước tính lên đến cả nghìn người. 

Nhận thấy nhu cầu tắm sông của người dân tăng cao đột biến, nhiều tiểu thương kinh doanh quần áo tại chợ Phương Lâm và các tuyến phố gần cầu Hòa Bình đã nhanh chóng mở thêm dịch vụ buôn bán áo phao. Thông thường, giá các loại áo phao dao động từ 60.000 đến 80.000 đồng/chiếc tùy kích thước.

Chị Mến, chủ một sạp kinh doanh áo phao ở chợ Phương Lâm, cho biết: "Bình thường hè mọi năm áo phao cũng bán không chạy lắm nhưng năm nay thì tiêu thụ rất tốt, gần như ngày nào quán chị cũng có khoảng vài chục lượt khách đến hỏi mua".

"Cơn sốt" đi tắm ở lòng sông Đà lên cao khiến dịch vụ kinh doanh áo phao nở rộ. Chị Mến cho biết, trước kia, cả khu chợ Phương Lâm chỉ có khoảng 1-2 hộ kinh doanh áo phao thì bây giờ, con số này đã lên tới gần chục hộ. Bên cạnh đó, sức mua tăng nhanh khiến các tiểu thương cũng mạnh tay buôn bán với số lượng lớn.

"Trong nhà giờ còn khoảng 500 chiếc ao phao nữa, ki ốt ở chợ nhìn nhỏ vậy chứ áo phao chị nhiều lắm, loại nào cũng có hết mà chất lượng đảm bảo, nước lớn tới đâu cũng không lo chết đuối" - chị Mến mời mọc khách hàng.





Thời gian gần đây, dịch vụ kinh doanh áo phao tại TP. Hòa Bình bất ngờ đông khách, đem lại thu nhập khá cho nhiều tiểu thương.

Trong khi đó, anh Nguyễn Trọng Cát (một tiểu thương kinh doanh áo phao trên đường Đồng Tiến) cho biết: "Mấy ngày nay, nhu cầu mua áo phao của người dân tăng cao đột biến, nhất là các loại áo phao dành cho trẻ em. Ngày đông khách, tôi bán được khoảng 50-60 chiếc, doanh thu cũng được gần 5 triệu/ngày".

Không thẳng thắn chia sẻ về lời lãi kinh doanh nhưng anh Cát khẳng định: "Năm nay nhà nào bán áo gần chỗ bờ kè sông Đà thì mới gọi là vớ đẫm. Riêng đối với gia đình tôi ở cách bãi tắm cả cây số cũng thấy tiền lãi do bán áo phao tăng cao đột biến so với các năm trước huống chi là họ kinh doanh ở chỗ đắc địa (cười)".

Không chỉ các chủ hộ kinh doanh áo phao mới thu lãi "khủng" mà các hộ dân quanh đó cũng dựng biển trông xe, thu 5.000 đến 10.000 đồng/lượt. Anh Hồng, một người trông xe gần bãi tắm Phương Lâm cho biết: "Bãi tắm bên Tân Thịnh đông hơn vì bên ấy có bờ kè rộng, người dân tự do để xe mà không có ai quản lý, thu phí, chứ bên này, anh em chúng tôi phải căng dây ra lòng đường để trông xe nên cũng khá vất vả".

Bãi để xe bên phía bãi tắm Phương Lâm tràn ra cả lòng đường.


Các khu để xe bên bãi tắm Tân Thịnh không còn chỗ trống.

Dù thu vé rẻ nhưng nhờ đông khách, mỗi ngày anh Hồng cũng kiếm được khoảng 300.000 đến 400.0000 đồng. Theo anh, đây là mức thu nhập khá cao so với thu nhập trung bình của người dân lao động quanh TP. Hòa Bình

Nắm bắt tâm lý người dân thường cảm giác đói bụng, mệt mỏi sau khi bơi lội giữa lòng sông, nhiều tiểu thương cũng tranh thủ chớp thời cơ, mở các quán di động bán đồ ăn vặt, nước uống phục vụ người dân đi bơi.

Chị Thu, chủ một quán mực nướng bên bãi tắm Phương Lâm tâm sự: "Mình ở ngay gần đây nên tranh thủ bán ít đồ ăn kiếm thêm tiền tiêu vặt". Các loại mực nướng ở quán chị Thu khá đa dạng, một đĩa râu mực nướng than hoa có giá dao động từ 60.000 đến 80.000 đồng. Riêng mực nướng nguyên con, giá từ 250.000 đến 300.000 đồng/con.

Tuy khá đắt song nhiều thực khách vẫn tỏ ra rất hài lòng. "Đi tắm sông rồi ăn mực nướng cứ thấy như đúng là mình đang ở biển vậy" - anh Công, một thực khách của chị Thu chia sẻ.




Nhiều dịch vụ quán nước, đồ ăn vặt mọc lên cạnh các bãi tắm dọc hai bên bờ sông Đà.

Ngoài chị Thu, rất nhiều tiểu thương khác cũng mở dịch vụ bán các món ăn vặt như nem chua rán, bánh mỳ, xúc xích... Theo anh Thanh, một tiểu thương bán bánh mỳ kẹp gần bãi tắm Tân Thịnh, khoảng một tuần nay, anh bắt đầu đắt khách nhờ dòng người đi bơi ở sông Đà. "Trước tôi toàn bán dạo quanh các trường học nhưng giờ đang độ nghỉ hè nên cũng thưa khách. Bây giờ chuyển qua đây cũng gọi là kiếm ăn được hơn trước một chút"  - anh Thanh nói.

Trong khi đó, một số tiểu thương khác lại cho biết, kinh doanh đồ ăn phục vụ khách đi bơi khá vất vả và thu nhập không cao do người dân chỉ tranh thủ đi tắm một lúc vào sáng sớm hoặc chiều muộn rồi lại trở về với gia đình nên không có nhu cầu ăn uống. "Nhìn đông người đi bơi thấy hào nhoáng và tưởng dễ kiếm lãi chứ không ăn thua gì đâu! May có quán bia bọt, đồ nhắm thì còn đông chứ hàng ăn vặt, trà đá vỉa hè như tôi thì không lại được. Hơn nữa, người dân đi bơi từ rất sớm, khoảng 4-5h sáng và chiều tối 8-9h mới về nên đi bán hàng theo chân họ cũng khá thất thường, vất vả" - bà Nguyễn Thị Quỳnh, một tiểu thương kinh doanh đồ ăn vặt bên bãi tắm Thịnh Ninh tâm sự.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày