Dịch MERS-Cov: Lo nguy cơ từ 3.000 người Hàn Quốc nhập cảnh

VietNamNet, Theo 20:53 04/06/2015

"Lượng khách du lịch từ Hàn Quốc (quốc gia đang có dịch MERS-Cov) tới Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM rất nhiều nên chúng ta hoàn toàn có nguy cơ bị căn bệnh nguy hiểm này xâm nhập", Thứ Trưởng Bộ Y tế - GS. Nguyễn Thanh Long nhận định.

Tốc độ lây từ người sang người rất nhanh

Chiều ngày 4/6, phái đoàn Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp báo khẩn tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM về công tác phòng, chống dịch MERS-Cov, một căn bệnh hô hấp cấp nguy hiểm ngang bệnh Sars.

Dù thời điểm này Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm MERS-Cov nhưng Thứ trưởng Long cảnh báo tình hình dịch bệnh đang ở mức độ hết sức phức tạp và nghiêm trọng.


Họp báo khẩn về phòng, chống bệnh MERS-Cov. Ảnh: Thanh Huyền.

“Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần, Hàn Quốc đã có tới 35 trường hợp nhiễm bệnh. Thậm chí xuất hiện trường hợp lây nhiễm thế hệ thứ 3, thứ 4. Tốc độ lây nhiễm của bệnh MERS-Cov tại Hàn Quốc còn nhanh hơn cả tại Trung Đông khiến các nhà khoa học bất ngờ. Điều đó cho thấy việc lây nhiễm giữa người với người của căn bệnh này tương đối dễ dàng”, Thứ trưởng Long nói.

Điểm đáng quan ngại hơn đối với công tác phòng, chống MERS-Cov so với Ebola trước đó, bệnh Ebola xuất phát từ Tây Phi, sự giao lưu của ta với các nước này tương đối ít. Nhưng với 9 nước Trung Đông, đặc biệt là Hàn Quốc (một quốc gia đang có dịch) thì hoàn toàn khác.


Kiểm tra quy trình tiếp nhận bệnh nhân MERS-Cov tại Chợ Rẫy. Ảnh: Thanh Huyền.

Theo thống kê cho thấy mỗi ngày có khoảng 1.000 người Hàn Quốc nhập cảnh ở sân bay Nội Bài và 2.000 người Hàn Quốc nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đó là còn chưa tính lượng người Việt Nam sang Hàn Quốc du lịch, làm việc, công tác trở về.


Bên trong phòng cách ly tại khu nhận bệnh. Ảnh: Thanh Huyền.

Hơn thế nữa, bệnh MERS-Cov có thời gian ủ bệnh rất lâu (14 ngày), dấu hiệu ban đầu giống như những bệnh cảm cúm thông thường khác. Do đó, ngành y tế khuyến cáo người dân, nếu về từ vùng dịch thì cần thực hiện nghiêm túc điền tờ khai y tế tại sân bay, tự giác cách ly tại gia, theo dõi sức khỏe, chỉ cần bị sốt là phải liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được cách ly ngay.

Theo ông Trần Đắc Phu - Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng hiện Bộ Y tế đã có phác đồ điều trị cho bệnh nhân bị MERS-Cov. Các kịch bản xử lý tình huống dịch đã dựng sẵn và kích hoạt.

“Chúng tôi chia công tác phòng, chống dịch thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: chưa có ca bệnh xâm nhập, giai đoạn 2: có ca bệnh xâm nhập, giai đoạn 3: bệnh lây lan ra cộng đồng. Dù Việt Nam đang ở giai đoạn 1 nhưng chúng tôi đã sẵn sàng cho giai đoạn 2. Đội phản ứng nhanh đã được tăng cường dựa trên lực lượng sẵn có từ đợt phòng chống Ebola” - ông Phu cho biết.

Quản lý các trường hợp quá cảnh thế nào?

Trả lời câu hỏi của báo chí lo ngại về hành khách từ vùng dịch quá cảnh tại Việt Nam, Thứ trưởng Long nói: “Có hai khả năng là họ quá cảnh nhưng vẫn ngồi trên máy bay và quá cảnh ngồi ở phòng cách ly trong sân bay. Nếu ở trên máy bay thì không có vấn đề lớn, nhưng nếu ngồi ở phòng cách ly trong sân bay, các hành khách xung quanh và nhân viên phục vụ là đối tượng có nguy cơ bị lây nhiễm. Điều này chúng tôi đã tính tới và phổ biến, tuyên truyền cách thức phòng, tránh cho mọi người. Bên cạnh đó, sân bay Việt Nam không phải là trung tâm trung chuyển lớn nên cũng không cần quá lo ngại. Các sân bay lớn trên thế giới cũng chưa có động thái yêu cầu tất cả hành khách phải đeo khẩu trang…”


Bộ Y tế kiểm tra khu cách ly tại khoa Nhiệt Đới Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Thanh Huyền.

Đại diện Bộ Y tế cho biết đây là dịch bệnh truyền nhiễm loại A nên xét nghiệm hoàn toàn miễn phí. Viện Pasteur, Viện Vệ sinh dịch tễ và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là những nơi có thể làm được xét nghiệm bệnh MERS-Cov.

Riêng bệnh viện Chợ Rẫy được chọn là nơi tiếp nhận, điều trị bệnh nhân MERS-Cov; ngoài ra còn có nhiệm vụ chỉ đạo về chuyên môn, chi viện thuốc men, hỗ trợ các đơn vị y tế tuyến dưới khi cần.

TS. Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy tỏ ra lo lắng bởi lượng bệnh nhân của đơn vị này đang ở mức quá tải (2.700 ca/ngày), nếu có ca bệnh MERS-Cov thì phòng tránh lây chéo là cả vấn đề.

Hiện bệnh viện Chợ Rẫy có 110 máy thở nhưng đã dùng hết công suất, hy vọng tới cuối tuần sau mới nhập thêm 30 máy nữa. Không những thế, bệnh viện còn chưa có phòng áp lực âm, chỉ có khu vực cách ly thông thường.

Trong buổi chiều cùng ngày, phái đoàn Bộ Y tế cũng đi kiểm tra thực tế công tác sẵn sàng ứng phó dịch MERS-Cov tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là nơi có phòng áp lực âm duy nhất tại TP.HCM, đồng thời là đơn vị xét nghiệm được bệnh MERS-Cov.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày