Đám cưới có 1-0-2 của người lính quân y ở nhà tang lễ 125 Phùng Hưng

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 21:48 12/03/2016

Cách bày tỏ tình cảm, đến với nhau đối với mỗi người, mỗi thời đại có thể khác nhau nhưng chuyện đột ngột mời người yêu tham dự đám cưới sau nhiều ngày xa cách tại ngay nhà tang lễ nổi tiếng ở Hà Nội thì có lẽ là màn cầu hôn "độc" mà chỉ có người lính quân y Nguyễn Kim Chi mới nghĩ ra được.

Chuyện tình đẹp như mộng của anh lính quân y và thiếu nữ Cao Bằng 15 tuổi

Nam thanh niên trong câu chuyện ấy giờ đây đã là một cụ ông 86 tuổi. Năm tháng và những bận rộn cuộc sống đã làm cho ký ức của ông phải mờ đi nhiều "nếp gấp". Thế nhưng, chỉ cần nhắc đến chuyện tình đẹp thuở thanh xuân hay những kỉ niệm liên quan đến chuyện đi bộ đội thì ông nhớ rất giỏi.

Đám cưới có 1-0-2 của người lính quân y ở nhà tang lễ 125 Phùng Hưng - Ảnh 1.

 Ông Nguyễn Kim Chi - một thanh niên yêu nước đi nhập ngũ năm mới 17 tuổi.

Đám cưới có 1-0-2 của người lính quân y ở nhà tang lễ 125 Phùng Hưng - Ảnh 2.

 Ông Chi chụp ảnh cùng đồng đội.

Ông Chi kể rằng, từ nhỏ ông đã mồ côi cha mẹ. Cuộc sống vốn gặp nhiều khó khăn nhưng tình yêu nước luôn cháy rực. Năm 17 tuổi, ông đi đầu quân và trở thành người lính quân y, chuyên chăm sóc các tù binh và làm việc ở vị trí địch vận.

Năm 1953, ông Chi công tác tại Ban Quân y Tổng cục Chính trị. Đây cũng là lúc ông gặp gỡ và đem lòng yêu cô gái Bế Thị Kim Oanh, lúc đó mới chỉ 15 tuổi nhưng đã là hoa khôi của vùng đất Cao Bằng.

Đám cưới có 1-0-2 của người lính quân y ở nhà tang lễ 125 Phùng Hưng - Ảnh 3.

 Bà Oanh - người từng được mệnh danh là "hoa khôi" ở vùng đất Cao Bằng.

Đám cưới có 1-0-2 của người lính quân y ở nhà tang lễ 125 Phùng Hưng - Ảnh 4.

 Hình ảnh bà Oanh khi còn trẻ.

Cả hai đều là tình đầu của nhau. Những cảm xúc yêu đương thuở ban đầu đã khiến cả hai phải ngại ngùng biết nhường nào. "Thời đó sinh hoạt nghiêm lắm". Có lẽ cũng vì cái nghiêm ấy mà người lính trẻ phải đau đáu giữ kín mối tình đơn phương suốt gần 1 năm trời.

"8 tháng sau ngày biết nhau, tôi mới viết lá thư đầu tiên cho bà ấy rồi nhờ người em trai làm liên lạc giúp". Bức thư ấy thấm đẫm tình yêu thương mãnh liệt nhưng cũng hết sức ngô nghê mà có lẽ nếu là bây giờ, chắc không phải cô gái nào cũng dám liều mình ưng thuận.

Đám cưới có 1-0-2 của người lính quân y ở nhà tang lễ 125 Phùng Hưng - Ảnh 5.

 Ông Chi vui vẻ nhắc lại kỉ niệm về nụ hôn đầu giữa hai người.

Đám cưới có 1-0-2 của người lính quân y ở nhà tang lễ 125 Phùng Hưng - Ảnh 6.

 Thiệp mời đám cưới hay chính là lời cầu hôn đặc biệt mà ông Chi gửi bà Oanh.

"Tính đến nay anh đã biết Oanh được 8 tháng và hân hạnh được quen Oanh. Từ đó hình ảnh và bóng dáng Oanh luôn in sâu trong tâm trí của anh. Oanh à, chúng ta còn trẻ lắm. Vì thế, chúng ta cứ yêu nhau, cứ học tập cho tốt. Khi nào đủ trưởng thành, chúng ta sẽ xin phép bố mẹ, đơn vị làm đám cưới? Mong Oanh trả lời anh!" - nguyên văn bức thư đầu tay mà ông Chi gửi đến bà Oanh.

Bức thư giản dị là thế nhưng cũng đủ khiến "bông hoa" của núi rừng Cao Bằng xiêu lòng. 6 tháng sau ngày bức thư đầu tiên được chuyển đi, hai người hẹn gặp nhau lần đầu. "Lúc đó tôi nói bây giờ chúng mình yêu nhau rồi, anh cho em hôn lần đầu tiên được không. Thế là bà ý nói mình không biết hôn (cười)", ông Chi ngại ngùng nhắc lại kỉ niệm lúc mới yêu mà đến giờ, ông vẫn còn nhớ như in.

"Tôi nhớ khi đó chúng tôi ngồi trên mỏm đá trong rừng. Khi tôi nói thế, ông ấy kéo tay tôi để hôn rồi nhẹ nhàng trao tôi nụ hôn đầu" - theo bà Oanh, đó cũng là dấu mốc đầu tiên, đánh dấu chuyện tình đẹp giữa hai người.

Đám cưới bất ngờ ở nhà tang lễ

Sau 3 năm công tác và hoàn thành nhiệm vụ tại Cao Bằng, năm 1957, ông Chi phải theo đơn vị về Hà Nội. Hai người chẳng có gì làm tin, chỉ có lời hứa hẹn của anh lính quân y về ngày trở lại.

"Lúc đó, tôi chỉ có một con gà mái và ổ trứng 18 quả. Ngày lên đường gấp gáp, tôi mang tất cả gửi cho bà ấy", ông Chi nhớ lại. Thế mà sau này, 18 quả trứng ấy đều nở trọn vẹn. Tất cả, có lẽ như đều là điềm báo về cái kết có hậu cho một cặp tình nhân.

Đám cưới có 1-0-2 của người lính quân y ở nhà tang lễ 125 Phùng Hưng - Ảnh 7.

 60 năm qua, 2 người vẫn hạnh phúc bên nhau từng ngày.

Đám cưới có 1-0-2 của người lính quân y ở nhà tang lễ 125 Phùng Hưng - Ảnh 8.

 Ông Chi và bà Oanh luôn san sẻ với nhau mọi điều trong cuộc sống.

"Nhưng trong suốt thời gian ấy tôi như bị ốm vì nhớ nhung. Cứ nhìn thấy gà là nhớ đến chủ của nó", bà Oanh xúc động kể.

Nhưng những nhớ thương ấy, bà Oanh cũng không phải chịu đựng quá lâu. Một thời gian sau khi ổn định công tác, một ngày giữa tháng 4/1957, bà Oanh bất ngờ nhận được một tấm thiệp mời đặc biệt.

"Đó là một tấm thiệp cưới nhưng không mời tôi làm khách mà là đến làm cô dâu", bà Oanh kể. Trên đó ghi rất rõ ràng rằng: "Kính mời chị Kim Oanh tới dự lễ cưới cho thêm phần vui vẻ và… làm cô dâu". Song, có một điều lạ hơn là hồi đó, chính bà Oanh cũng chưa hiểu hết, ấy là địa chỉ tổ chức hôn lễ lại nằm ở... 125 Phùng Hưng (Hà Nội).

Đám cưới có 1-0-2 của người lính quân y ở nhà tang lễ 125 Phùng Hưng - Ảnh 9.

 Hạnh phúc đáng ngưỡng mộ nhất có lẽ là khi đã về cuối đời, chúng ta vẫn luôn có một người đồng hành chung lối.

"Lúc ấy tôi có biết gì đâu, chỉ thấy hơi lạ là tại sao ông này lại cưới người ta ở nhà tang lễ". Thế nhưng tình yêu cuối cùng lại chiến thắng tất cả. Bất chấp mọi khuôn phép, người con gái xinh đẹp đất Cao Bằng ấy đã ưng lòng, tự mình đi về Hà Nội làm đám cưới với người yêu.

Theo lời ông Chi, dù trong thiệp mời ghi rõ 7h30-8h sẽ khai mạc nhưng 8h rồi, ông vẫn không thấy bóng dáng cô dâu đâu. "Tôi biết là bà ấy lên Hà Nội rồi nên chỉ đoán là chắc bị lạc đường. Song dù sao, lúc đó vẫn rất sốt ruột", ông Chi nói.

Để rồi, khi gặp nhau là bao nhiêu cảm xúc vỡ òa. Đám cưới của họ diễn ra trong sự chúc phúc của bạn bè, người thân. Hơn cả niềm vui tình yêu đôi lứa, cuộc hội ngộ ấy còn là minh chứng cao nhất cho việc giữ lời hứa và trân trọng, thấu hiểu nhau.

Đám cưới có 1-0-2 của người lính quân y ở nhà tang lễ 125 Phùng Hưng - Ảnh 10.

 Và cả hai người, đều yêu nhau như thuở ban đầu.

"Tôi nhớ lúc ấy bà đã tặng tôi một món quà đặc biệt. Đó là giữa đám cưới đứng lên hát bài "Bộ đội về làng" dành riêng cho tôi. Lúc ấy, chuyện cô dâu đứng lên hát là hiếm lắm", ông Chi hạnh phúc kể.

Nói về lý do tổ chức đám cưới ở địa chỉ đặc biệt như thế, đến giờ, chính ông Chi cũng không nhớ nổi tại sao. Chỉ biết, sau lễ cưới có "1-0-2" ấy, đến giờ, vợ chồng ông đã có 60 năm hạnh phúc bên nhau. Hai người chia sẻ với nhau mọi điều trong cuộc sống và chưa xa nhau, dù chỉ một ngày. Tình yêu, có những lúc khiến cả hai tưởng chỉ là những bồng bột tuổi trẻ, hóa ra, đã kéo dài trọn vẹn đến cuối đời.

Đám cưới có 1-0-2 của người lính quân y ở nhà tang lễ 125 Phùng Hưng - Ảnh 11.

Đám cưới có 1-0-2 của người lính quân y ở nhà tang lễ 125 Phùng Hưng - Ảnh 12.

 Khoảnh khắc xúc động khi ông Chi và vợ đoàn tụ với bạn bè, người thân sau nhiều năm xa cách.

Nhiều năm qua, sau ngày về hưu, ông Chi vẫn tiếp tục làm công việc khám chữa bệnh miễn phí cứu người và bà Oanh vẫn bấy nhiêu năm ở cạnh bên, san sẻ, yêu thương, chăm sóc ông. Tình yêu, thứ người ta tưởng chỉ mạnh mẽ khi còn trẻ, hóa ra vẫn có thể luôn rực cháy khi tuổi tác đã qua độ thanh xuân. Mấy chục năm qua, cặp vợ chồng ấy vẫn luôn yêu thương nhau bằng trái tim của tuổi 20. Điều mà chỉ cần nói qua cũng đủ khiến biết bao người trẻ phải ngưỡng mộ biết nhường nào.

Cuộc sống tuy hạnh phúc là vậy nhưng cả hai người đều thiếu vắng những người bạn bè đồng trang lứa bên cạnh. Những kí ức hào hùng về cuộc chiến và tình nghĩa với đồng nghiệp, đồng chí nay đã ít nhiều phai nhạt. Hiểu được những điều ấy, chương trình Điều ước thứ 7 đã có mặt, đem đến cho họ cuộc hội ngộ bất ngờ với những người bạn, người thân sau nhiều năm xa cách. Chương trình cũng tái hiện lại không gian Hà Nội những năm 50 của thế kỉ trước, tổ chức lại đám cưới đặc biệt của người lính quân y và cô gái trẻ Cao Bằng ngày xưa.

Clip về đám cưới đặc biệt ở nhà tang lễ được phát sóng trong chương trình Điều ước thứ 7.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày