Cụ ông 97 tuổi bán bánh dạo mưu sinh ở Sài Gòn

Tứ Quý, Theo Mask Online 10:48 07/10/2014

Những ngày qua, trên các trang mạng xã hội, nhiều người chia sẻ câu chuyện lay động lòng người về cụ ông 97 tuổi ngày ngày lang thang khắp các con phố Sài Gòn bán bánh mưu sinh.

Bán bánh nuôi con bị câm điếc khiến nhiều người cảm động
 
Mới đây, một người dùng mạng có nick name A.N đã chia sẻ trên mạng xã hội hình ảnh cụ ông hàng ngày vẫn dậy sớm ra đường cùng hai chiếc giỏ đầy bánh, cụ vừa đi vừa cố cất tiếng rao dù giọng khàn đặc yếu ớt, mong bán được bánh để có tiền phụ nuôi con gái út bị bệnh. Nhìn cụ trong bộ quần áo cũ mèm, chân xỏ đôi dép đã mòn mang theo hai giỏ bánh một cách nặng nề, không ít người tỏ ra thương cảm.

Trên facebook của mình, A.N viết: "Ngày nào cũng vậy, bất kể nắng hay mưa, cứ 4 giờ sáng, ông cụ thức dậy lên đường với 2 giỏ bánh nặng trĩu... Cụ vừa đi vừa cố gân cổ cất tiếng rao khàn đặc: “Bánh tét, bánh ú đây”. Đi được vài chục mét, cụ dừng lại đặt hai giỏ bánh xuống đất thở dốc, một tay quệt mồ hôi lấm tấm trên trán.


Những dòng chia sẻ về câu chuyện cụ ông bán bánh ú.

Cụ sống với 2 người con gái, 1 người bị câm điếc bẩm sinh, 1 người thì sức khỏe yếu . Mỗi ngày bán bánh, ông cụ lời được vài chục ngàn đồng, chỉ vừa đủ mua gạo, mắm sống đắp đổi qua ngày. Nếu trước đây căn bệnh đau nhức chưa hành hạ nhiều, ông xách đầy cả 2 giỏ, còn bây giờ chỉ xách nổi 80 cái bánh ú. Ngoài hai giỏ xách, ông lão còn phải mang theo chiếc ghế nhựa để mỗi khi "bết" hạ ghế ngồi thở. Còn những lúc bán ế, khi thành phố đã lên đèn nhưng cụ vẫn đi, đi cho đến lúc cảm thấy không thể đi nữa thì mang bánh ế về nhà ăn trừ cơm.....

Buổi tối cụ hay ngồi ở đường Cây Trâm , gần UBND P.8, quận Gò Vấp. Ai có đi ngang qua đây, nếu rảnh rỗi nhớ nán lại mua giúp ông cụ để có được bữa về sớm nghỉ ngơi nhé. Bạn nào đọc được tin này nhớ share để nhiều người cùng biết ủng hộ cụ nha. Thương cụ quá mọi người ạ ".

Câu chuyện đáng thương này nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người với nhiều lượt like, chia sẻ và nhiều người mong muốn được gặp cụ để giúp đỡ.

Cả cuộc đời chăm lo cho người con bất hạnh

Lần theo địa chỉ trên, chúng tôi tìm được cụ ông đang được nhiều người quan tâm. Đó là cụ Nguyễn Văn Chúng (97 tuổi), hiện đang sống trong căn Nhà tình nghĩa do chính quyền địa phường xây tặng tại số 24/2B đường 21 (thuộc tổ 38, khu phố 5, phường 8, Q.Gò Vấp, TP.HCM). Trước đây, cụ cùng hai người con gái là bà Nguyễn Thị Thanh (48 tuổi, con đầu) và bà Nguyễn Thị Thu (46 tuổi, con út, bị câm điếc bẩm sinh) cư trú trong căn phòng thuộc địa bàn quận 1. Sau khi khu vực này bị giải tỏa, cụ cùng hai con chuyển về Q. Gò Vấp sinh sống. 

Cụ Chúng cho biết: "Hồi ở quận 1, tôi cũng đi làm quần quật suốt ngày. Tôi làm đủ thứ nghề trước khi chuyển hẳn sang bán bánh ú và bánh tét như: rửa chén, chạy xe ôm, xe ba gác, bán vé số... Tội nghiệp nhất là đứa con gái út, từ lúc mới sinh đã bị dị tật nên tôi càng phải cố gắng lao động nhiều hơn để nuôi cả nhà và chữa bệnh cho con".


Cả cuộc đời cụ chỉ lo nghĩ đến các con của mình.

Trước kia, cụ Chúng sống ở miền Bắc, từng có một gia đình hạnh phúc. Nhưng thời bom đạn loạn lạc, vợ con cụ không may đã mất. Đau đớn, tuyệt vọng, cụ quyết định Nam tiến để quên đi quá khứ.

30 tuổi, cụ gặp người con gái gốc Sài Gòn và nên duyên vợ chồng. Lần lượt hai đứa con gái chào đời khiến cụ cũng dần vơi đi nỗi đau năm xưa. Tuy nhiên, bất hạnh lại đến với cụ khi người con gái út không may bị câm điếc, còn người vợ cũng mất sớm. "Buồn lắm, giờ mỗi lần nghĩ về nó là tôi chỉ muốn khóc. Vì thế tôi mong có nhiều sức khỏe để có thể chăm sóc, bù đắp phần nào nỗi bất hạnh của con" - cụ Chúng nói.

Thương con, cụ Chúng ngày ngày mưu sinh bằng nghề buôn bán bánh ú và bánh tét dạo để nuôi con. Người con gái lớn đi làm công việc rửa chén bát và phụ giúp việc nhà cho người ta để kiếm đồng lương ít ỏi vài trăm nghìn/tháng phụ cha trang trải cho cuộc sống và nuôi người em bị bệnh.

Thấy cụ vất vả mưu sinh nhưng vẫn không đủ lo cho cuộc sống, UBND phường 8 đã sửa lại căn nhà giúp cha con cụ không bị dột khi mưa về và hàng tháng trợ cấp 600.000 đồng, giúp đỡ cụ phần nào.


Cụ vẫn thường hay cười để quên đi những tháng ngày vất vả.

Trước đây, lúc mới đi bán bánh, hàng ngày, cụ thường dậy rất sớm từ 4h sáng. Sau một thời gian, cụ biết, mọi người thường ít chọn bánh ú và bánh tét làm bữa sáng nên chuyển sang bán muộn hơn. Sau khi ăn cơm xong, khoảng 10h, cụ lại xách giỏ bánh đi bán. Buổi trưa, cụ không dám ăn cơm, chỉ uống nước để tiết kiệm tiền. 

Mỗi ngày, tiền lãi bán bánh cao nhất được khoảng 100.000 đồng, bình thường thì chỉ vài chục nghìn đồng/ngày. Theo kinh nghiệm bao năm bán bánh, cụ cho rằng: "Trời mưa ít người ra đường nhưng tôi lại thích đi dưới mưa để bán bánh vì lúc đó sẽ có nhiều người mua hơn, còn trời nắng thường ế lắm. Có hôm ban ngày bán không hết, tôi vẫn đi bán đêm, đến 10h đêm mới về, mệt lắm nhưng vẫn vui".


Cụ Chúng bên giỏ bánh của mình. Ngoài hai giỏ bánh, cụ còn đem theo ghế nhựa để đi bán thêm.

Bà Thanh - con gái đầu của cụ cho biết, dù nghèo khó nhưng cụ Chúng rất thương người: "Thỉnh thoảng đi trên đường, thấy những đứa trẻ bán vé số, trẻ đánh giày đói bụng không có tiền ăn cơm, cụ lại lấy bánh cho mấy đứa trẻ đó. Cha tôi luôn tâm niệm rằng, việc giúp đỡ người khác cũng giống như chia sẻ những khó khăn với nhau trong cuộc sống, là điều nên làm. Thỉnh thoảng những đứa trẻ lại tìm đến nhà hỏi thăm. Phận làm con chúng tôi cũng thấy ấm lòng từ việc làm nghĩa tình của cha".

Thương cha và em, bà Thanh quyết định ở vậy để cha con cùng chăm sóc cho nhau và lo cho cha khi cụ đau ốm không đi bán bánh được nữa.


Những chiếc bánh này giúp cụ và hai người con vượt qua khó khăn trong cuộc sống.


Cụ Chúng và hai người con gái, bà Thanh (ngồi giữa) và bà Thu (ngồi bên phải). Đây là một lần hiếm hoi cả 3 cha con cụ đều sum họp, còn thường ngày chỉ có mình bà Thu ở nhà.

Giờ đây càng về già, sức khỏe của cụ yếu hơn. Mỗi ngày cụ chỉ xách được khoảng 70-80 cái bánh. Cứ thế, cụ rong ruổi khắp các con đường ở quận Gò Vấp rao bán. Cụ cho biết: "Đi nhiều và có lúc phải đi xa mới bán hết bánh chứ bán một chỗ hoài cũng ít người mua".


Sau bữa cơm, cụ Chúng lại tiếp tục hành trình mưu sinh.

Đến giờ, cụ chỉ mong sức khỏe tốt, không bị đau ốm để lo cho con, đặc biệt là cô con út. "Tôi vui khi đến cái tuổi này vẫn còn đủ sức để bước trên đôi chân của mình, kiếm tiền tự lo cho cuộc sống và lo cho các con" - cụ cười chia sẻ rồi vội vã bước đi, lại tất bật trên con đường mưu sinh đầy khó nhọc.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày