Chuyện nhường chỗ trên xe buýt: Đã nhường sao còn tính toán thiệt hơn?

Quỳnh Trân (TH), Theo Trí Thức Trẻ 10:24 07/03/2015

"Nếu các bạn trách vì sao người lớn không cảm ơn, không vui vẻ khi được nhường chỗ thì các bạn phải tự nhìn lại thái độ của mình. Đợi phụ xe nhắc rồi mới đứng lên với vẻ mệt mỏi khó chịu, thì hỏi mấy cô bác sao dám cười với bạn".

Sau loạt bài về chuyện nhường chỗ trên xe buýt được đăng tải như "Hình ảnh cô gái xinh đẹp không nhường ghế xe bus cho em bé 2 tuổi bị lên án", "Đừng cứ thấy thanh niên không nhường ghế là phán xét họ ngay!"..., rất nhiều ý kiến của bạn đọc được gửi về qua phần bình luận, email... của chúng tôi. Mỗi người một quan điểm, một câu chuyện ở những hoàn cảnh khác nhau với nhiều cách ứng xử khác nhau. 

Chúng tôi xin trích đăng những ý kiến do độc giả gửi về để mọi người có cái nhìn khách quan ở nhiều khía cạnh hơn trong văn hóa ứng xử công cộng, cụ thể là việc nhường chỗ trên một chuyến xe buýt.

Đã nhường chỗ thì đừng so đo tính toán thiệt hơn

Một số độc giả cho rằng, chuyện nhường ghế cho các đối tượng ưu tiên nên được thực hiện một cách chân thành, tự nguyện, xuất phát từ tâm mỗi người chứ không phải vì có ai nhắc nhở hoặc sợ bị chê trách thì mới làm.

Bạn Lan Anh, SV ĐH Nông Lâm TP. HCM cho biết: "Nhiều người thật lạ, khi họ đứng lên nhường chiếc ghế của mình cho người khác, họ lại ngó nghiêng xung quanh và tự hỏi tại sao mình phải nhường trong khi có những thanh niên trạc tuổi mình vẫn được ngồi. Rồi họ cảm thấy bất công, khó chịu, từ đó nảy sinh tâm lý không muốn nhường nữa vì "người ta sao, mình vậy". Bạn không cần phải quan tâm đến điều đó, bạn chỉ cần biết khi giúp đỡ người khác, bản thân mình cảm thấy hạnh phúc, là đủ".


Sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng trên xe buýt tuyến số 86. Ảnh: SGGP

Đồng tình với ý kiến này, một độc giả nữ cũng chia sẻ: "Tại sao chúng ta phải đợi người lớn hơn cám ơn với mình, cười với mình, không khó chịu với mình thì mới nhường chỗ? Trừ các bạn thanh niên bị say xe dễ ói, còn lại, việc xách đồ mệt, đồ nhiều, đường xa, không phải là vấn đề với những người trẻ chúng ta. Nếu bạn không chịu được thì làm sao mà người già trẻ em chịu được? Mình là con gái, trước kia đi học kiến trúc, đồ nghề, ống tranh mô hình tùm lum mà ai mình gọi là cô là chú thì mình đều nhường. Nếu các bạn trách vì sao người lớn không cảm ơn, không vui vẻ khi được nhường chỗ thì các bạn phải tự nhìn lại thái độ của mình. Đợi phụ xe nhắc rồi mới đứng lên với vẻ mệt mỏi khó chịu, thì hỏi mấy cô bác sao dám cười với bạn. Bao nhiêu lần mình nhường chỗ là bấy nhiêu lần người ta nếu không cám ơn thì cũng gật đầu. Bởi vì chỉ cần thấy người già, phụ nữ, người tàn tật, mình đứng dậy nhường ghế ngay mà không cần nhắc nhở, các bạn cũng thử như thế đi, nhẹ nhàng nói với họ "Cô/bác ngồi ở ghế này nè", 100%  họ sẽ đáp lại bạn với một thái độ thân thiện".

Một độc giả có nick ambers... thì bức xúc: "Thanh niên không có nhiệm vụ nhường ghế, không ai bắt ép nhưng họ vẫn làm vì đó là lòng trắc ẩn, là nhân tính làm người. Còn thanh niên yếu như sên, ói tới ói lui chóng mặt thì đừng có đi xe buýt, ráng mà tập xe máy đi, khỏi phải nhường ai, cũng không sợ ai đánh giá. Có cái ghế mà cũng phải viện đủ lý do không nhường thì ráng mà chịu đi. Chả lẽ thanh niên còn yếu hơn cả người già trẻ nhỏ hay sao mà ôm khư khư cái ghế, trơ mắt nhìn mấy cụ già run rẩy đứng. Đừng có cái tư tưởng trên xe bao nhiêu người sao không nhường mà là mình. Thấy thương thì làm, không làm thì đừng viện cớ gì nữa"
.

Bạn Salt Nguyen vui vẻ kể lại: "Hôm đó mình phải đi xe buýt từ trạm cuối đến Bến xe miền Tây luôn. Ra khỏi Quận Gò Vấp thì
có một người phụ nữ chừng 50 tuổi lên xe. Mình đứng dậy nhường, cô cảm ơn rối rít, nói bị đau khớp nên đứng lâu cô đau lắm. Mình cũng chỉ dạ dạ. Mình vừa đứng thì có anh trai ngồi sau lại nhường ghế cho mình. Đừng quá tính toán hôm đó mình bị gì, phải đứng bao lâu. Cứ giúp người khác sẽ có người khác giúp mình. Mà dù không ai giúp mình mình cũng thấy vui".

Vai trò của người phụ xe trên xe buýt

Độc giả Rin_chan kể câu chuyện của mình rằng,
khi đi chuyến xe 94 từ Củ Chi đến Chợ Lớn, Rin đang ngủ thì bị bắt dậy nhường chỗ cho một người khác. "Mình là con gái và ngồi ở phía trong nhé, bên ngoài là một anh thanh niên đang bấm điện thoại mà cô phụ xe không kêu đứng lên. Vì cả xe nhìn mình, mình thấy kỳ quá nên cũng đứng dậy, lọ mọ vai đeo cái balo laoptop hơn 2 kg, tay xách đồ mệt muốn xỉu, mà ông bác mình nhường tuổi đâu có cao, chỉ khoảng 40. Một lát sau có một cụ già lên xe, cô phụ xe cũng gọi một bạn nữ khác nhường chỗ (chắc cô phụ xe sợ mấy anh thanh niên "hổ báo"). Cụ già kia liền bảo "Không cần, cụ đứng được, đi xe buýt tuyến dài ai cũng mệt như ai, cũng trả tiền như ai, không cần phải nhường". Nói vậy để cho thấy rằng, lẽ ra người phụ xe phải tinh tế và biết cách sắp xếp hơn chứ".


Phụ xe là người biết được điểm đến của từng hành khách nên sẽ biết cách sắp xếp chỗ ngồi hợp lí, phụ xe cũng nên nắm tình hình sức khỏe của hành khách để biết người nào nên được ưu tiên ngồi ghế mà khoan bàn đến vấn đề tuổi tác. Ảnh: Tuổi Trẻ.

"Hôm kia đang đứng trên xe buýt, mình thấy một anh bị thương một tay, theo lý thì anh này vẫn bám khi đứng được nhưng anh phụ xe nhất quyết không cho anh này đứng, xem như anh này tạm cho vào “người khuyết tật”. Lúc đó mình rất mệt, nôn nao, khó chịu, hoa hết cả mắt rồi nhưng vẫn cố đứng và bám vào. Sau đó thì anh mà tạm cho vào mục “người khuyết tật đó” nhường ghế cho mình. Lúc sau anh phụ xe hỏi thì anh này bảo là “Cô ấy bị say xe hay sao ấy, trông mệt mỏi lắm, em cũng sắp xuống rồi, cho cô ấy ngồi cho đỡ mệt”, và cả chuyến đó anh phụ xe cho mình ngồi. Mình kể câu chuyện này vì mình muốn nói rằng trên cùng một chuyến xe, có những người trẻ và những người già nhưng không phải lúc nào người trẻ cũng khỏe", độc giả Mai Phương chia sẻ.

Độc giả Kim Mai thì kể câu chuyện "ức muốn khóc" của mình trên chuyến xe, khi người phụ xe kiên quyết bắt bạn phải nhường chỗ cho một người phụ nữ khoảng 50 tuổi chỉ cầm theo một chiếc nón lá. "Trong khi đó, mình lại mang vác rất nhiều thứ lỉnh khỉnh, để xếp được hết các thứ lên người cũng không phải dễ. Mình tuy rất mệt nhưng vì phép lịch sự cũng vội vàng đeo xách lại đồ đạc để đứng lên. Người phụ nữ kia chưa đợi mình đứng cho vững đã chen vào ghế ngồi, đúng lúc đó xe thắng nhanh và mình mất đà loạng choạng đụng phải người ấy. Mình nghĩ chỉ đụng nhẹ thôi nên cũng không để ý, vậy mà vài phút sau bác gái ấy khều mình và nhăn nhó nói: "Cô đụng trúng tôi đây nè". Thực sự lúc đó mình rất ức chế, mình nhường ghế cho ai mà đụng? Bao nhiêu mệt mỏi chỉ muốn lăn đùng ra khóc thôi. Dù cho như vậy thì mình vẫn phải nhường sao?"

Những câu chuyện khiến người trẻ... không còn muốn nhường chỗ

Bạn Như Thủy ở Hà Nội kể về trường hợp của người bạn mình rằng: "Hôm ấy, nó bị đau chân nên không thể đứng lâu. Nó ngồi trên xe, đang ngủ thì một anh thanh niên khều: "Em đứng dậy đi, để ghế cho vợ anh ngồi", lúc đó bạn mình mới thấy là có người phụ nữ đang ẵm một đứa bé. Vì đau chân cũng không đứng lâu được nên bạn mình ngồi sát vào, chừa nửa ghế cho chị vợ ngồi nhưng anh chồng nhất quyết không chịu, một mực bảo bạn mình phải nhường hẳn ghế. Vì tức giận thái độ của anh chồng và cách nói chuyện thiếu lịch sự nên bạn mình không nhường ghế. Anh chồng bèn làm ầm lên. Thiết nghĩ, việc nhường ghế hay không vẫn do nhiều yếu tố. Đôi lúc có những lý do cá nhân mà người ngồi không tiện nói ra".

Độc giả có nick Xu Yêu Luhan thì cho biết vì là khách đi từ đầu trạm đến cuối trạm, quãng đường rất dài nên bạn ít khi nhường chỗ cho ai được. Hơn nữa, độc giả này cho rằng, nhiều phụ nữ trung niên bắt nhường chỗ nhưng không bao giờ nói cảm ơn. "Hôm trước mình cũng ngồi xe, thấy một người đàn ông mù nên đành ngậm ngùi nhường chỗ cho ông dù còn lâu mình mới đến trạm. Vậy mà khi ông ta xuống xe buýt thì mở mắt và gọi được điện thoại nữa. Phải gọi là sốc toàn tập luôn! Từ đó mình cũng không còn muốn nhường ghế cho ai nữa".


Đôi lúc có những lý do cá nhân khiến người trẻ không thể nhường ghế. Ảnh: Tuổi Trẻ

Một du học sinh ở Nhật tên Mixclo cho biết, ở Nhật, nếu một hành khách không bị khuyết tật hoặc gặp khó khăn gì thì bất kể là phụ nữ hay trẻ em, người trẻ hay người già đều không được người khác nhường ghế cho. "Khi lần đầu tiên mình sang Nhật, có ngỏ ý nhường ghế cho một cụ già phải chống gậy, trông cụ có vẻ khó khăn khi đứng trên tàu điện ngầm, nhưng bất ngờ thay, khi mình ngỏ ý mời cụ ngồi thì cụ bà đó liền khoát tay từ chối, cười vui vẻ và mời mình trở lại chỗ ngồi. Về sau, khi ở đây lâu, mình mới dần nhận ra rằng, ở Nhật, ai cũng bình đẳng như nhau, và phụ nữ, nhất là các cụ bà rất "không vừa lòng" với kiểu nhường ghế trên tàu điện như mình đã làm vì họ cho rằng tay chân họ còn đủ cả, họ vẫn có ích cho xã hội, nên họ không thích kiểu "biệt đãi" như với những người khuyết tật như thế. Đừng đánh giá vấn đề ở một phía, hãy nhìn từ nhiều góc độ. Không phải tình huống nào cũng giống nhau 100% mà "đòi" áp dụng một cách xử lý "rập khuôn, giáo điều" như vậy được".

Cuối cùng, có thể thấy rằng, văn hóa ứng xử nơi công cộng rất được các bạn trẻ quan tâm, nhiều người hiến kế cho việc nên chăng có thêm những tuyến xe buýt phục vụ riêng cho người già, người tàn tật để tránh cảnh chen chúc, chật chội khiến những người được xếp vào diện ưu tiên này không còn chỗ để ngồi; có người nói lên vai trò của người phụ xe trên một chuyến xe khá quan trọng; có ý kiến cho rằng chuyện nhường ghế nên được lưu ý theo thực trạng sức khỏe rồi mới đến độ tuổi, để đảm bảo công bằng cho tất cả mọi người... Trong những câu chuyện ấy, có thể thấy, mỗi người đều có những mong muốn khác nhau, như đừng phán xét, chỉ trích vội vàng, đừng so đo tính toán thiệt hơn với những người khác trên một chuyến xe, đừng vô tâm vô cảm với những người cần được giúp đỡ. Hãy hành động để lương tâm không bị áy náy, thế là đủ.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày