Chuyện ít biết về gia cảnh khốn khó của Công Phượng

Nhất Trung, Theo Mask Online 00:02 15/09/2014

Ít ai biết được rằng, Phượng "bảy" cũng có một tuổi thơ nghiệt ngã và để đến được với học viện HA.GL – Arsenal JMG, em và gia đình đã phải trải qua muôn vàn thử thách.

Giải U.19 Đông Nam Á cúp NutiFood 2014 năm nay đã hâm nóng người hâm mộ bóng đá cả nước bằng lứa cầu thủ trẻ tài năng trên sân cỏ lẫn tư cách đạo đức trong cuộc sống đời thường. Cũng như bao giải đấu khác trước đó, năm nay Nguyễn Công Phượng chính là cái tên gây sự chú ý nhất của U.19 Việt Nam. 

Thực tế trong những trận đấu vừa qua đã cho thấy điều đó, nhưng ít ai biết được rằng,  Phượng "bảy" cũng có một tuổi thơ nghiệt ngã và để đến được với học viện HA.GL – Arsenal JMG, em và gia đình đã phải trải qua muôn vàn thử thách.


Rất hiếm khi bắt gặp Công Phượng nở nụ cười.

Xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương Nghệ An nổi tiếng với địa danh Truông Bồn, nơi hy sinh của 13 thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ. Con đường đất dẫn vào làng Vồng Vổng ngoằn nghèo nhưng đông đúc người qua lại. Chúng tôi dừng chân ở bất cứ đâu hỏi đường, người dân cũng cố níu lại, kể chuyện về Công Phượng. 

Họ bảo rằng, đây là lần đầu tiên, xóm làng có một người con ưu tú như vậy. Mấy ngày trước, khi Phượng tỏa sáng, khi có màn tả xung hữu đột vào hàng phòng ngự đội tuyển U19 Australia và cú đá phạt Penalty mang thương hiệu Paneka cả làng như có hội. Tối hôm trận chung kết để đòi lại món nợ với các cầu thủ U19 Nhật Bản, tất cả mọi người trong làng dừng lại hết dù làng quê đang bước vào vụ mùa. 

Những đứa trẻ ở làng Vồng Vổng quê Công Phượng khao khát mơ ước một ngày nào đó sẽ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.

Xã Mỹ Sơn còn nghèo, trẻ con lam lũ nên việc Phượng xuất sắc có mặt ở học viện HA.GL – Arsenal JMG và tỏa sáng cùng U.19 Việt Nam khiến nhiều người dân nơi đây nể phục. Cụ Nguyễn Văn Giáp, một cao niên trong làng cho biết, cụ sống gần 100 tuổi rồi nhưng đây là lần đầu tiên, cụ thấy một người con của làng Vồng Vổng nghèo khó tạo dấu ấn, để người dân cả nước dõi theo. Cũng theo cụ Giáp, từ khi chứng kiến Phượng thi đấu xuất thần trong màu áo U.19 VN, trẻ con làng này tập luyện bóng đá nhiều hơn. Ai cũng mơ ước sau này được như Công Phượng.

Trong ngôi nhà đang xây dang dở của vợ chồng ông Bảy, tài sản trong nhà không có gì đáng giá. Đứa em gái của Phượng đang học cấp 1 vẫn sáng đến lớp, chiều phụ mẹ hái rau chăm đàn lợn, gà. Cha mẹ của Phượng vẫn ngày ngày còng lưng kiếm sống. Ông Bảy làm đủ thứ nghề, từ phụ hồ đến việc vào rừng đốn củi. Vất vả nhưng giờ đây, chứng kiến Phượng xuất sắc trong màu áo U.19 VN, mọi lo toan của đôi vợ chồng này dường như tan biến.

Nhưng để có được thành công như ngày hôm nay, ít ai biết được rằng, người mẹ già đã phải chứng kiến những câu chuyện ứa nước mắt trong những năm tháng tuổi thơ của Phượng. Theo lời ông Bảy, ngày đó gia đình bà nghèo lắm, ba đứa đầu sinh ra như biết thân, biết phận lao vào làm việc, chung thay với bố mẹ giúp gia đình thoát nghèo. Nhưng không hiểu sao, Phượng và anh trai kế cận là Nguyễn Công Khoa lại đam mê bóng đá một cách kỳ lạ. Bất cứ thời gian rảnh nào, hai đứa cũng đá bóng với nhau.


Anh đang là cầu thủ thi đấu ấn tượng nhất của U19 Việt Nam.

Đống rơm trước nhà, cột điện hay thậm chí là quả mướp, quả bưởi cũng trở thành mục tiêu để Phượng và anh trai so tài. Nhưng đá bóng kết rơm cũng chán, Phượng và anh trai xin mẹ mua cho quả bóng nhựa. Chiều ý con, bà Hoa đạp xe ra tận thị trấn để chọn lựa rồi mua về cho hai quả. Nhưng bởi đá quá nhiều, chỉ hơn 1 tuần sau, cả hai quả bóng đều mòn, rách và bẹp lép. Cả hai anh em năn nỉ mẹ mua cho quả bóng da để được đá bóng như chúng bạn. Nhà nghèo nhưng thương hai đứa con, bà Hoa lại phải chắt chiu, vài hôm sau lên thị trần tìm mua quả rẻ nhất.

“Có bóng da, hai anh em sướng quá, ra sân đá cả trưa. Bởi thích thú, chúng đá liên tục và chỉ vài tiếng sau, quả bóng nổ tung. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh 2 đứa đứng như trời trồng khi thấy đá quả bóng nổ, chúng không dám nhìn mẹ nữa. Tôi an ủi, nhà mình không có điều kiện đá bóng da đâu con, hai đứa kết rơm mà đá tiếp đi…”, bà Hoa kể.

Biết con có đam mê, có năng khiếu bóng đá nhưng bà Hoa cũng chỉ đáp ứng được một phần bởi gia đình còn nhiều thứ khác phải lo hơn nữa. Đó cũng là trăn trở, đeo bám bà Hoa đến tận sau này.

Thầy Trương Quang Vinh, HLV Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện Đô Lương chia sẻ: Ngày trước khi lần đầu tham gia khóa đào tạo bóng đá nhi đồng của huyện, Công Phượng đã gây bất ngờ cho tất cả từ khả năng tâng bóng đến dứt điểm. Nhiều người hỏi em đã tập ở “lò” nào rồi em chỉ cười bảo, em tập ở nhà cùng với anh trai thôi. Càng ngày, được tập luyện thêm những kỹ năng khác, Phượng càng trưởng thành. Chính Phượng trong một thời gian dài là nòng cốt của các đội bóng trẻ của huyện đi thi đấu ở tỉnh".

Cô Nguyễn Thị Quý – Hiệu Trưởng trường Tiểu học xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) cho biết: "Tôi về đây công tác đã lâu, tôi rất hâm mộ và thích môn đá bóng. Được biết ngôi trường nơi tôi làm hiệu trưởng trước kia Công Phượng từng theo học. 

Hiện nay, em Công Phượng trở thành một tấm gương cho các em nhỏ nơi đây học tập. Tôi biết từ khi có Phượng các em nhỏ nơi đây đam mê với trái bóng nhiều hơn, tôi cũng đã tạo điều kiện hết sức cho các cháu. Nhìn các cháu chơi bóng với mong ước cháy bỏng sau này trở thành anh Công Phượng, trong lòng tôi rất vui".



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày