Chuyện chưa kể về "Hành trình sự sống và cái chết" cùng người tị nạn ở Châu Âu của ekip VTV

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 10/02/2016

Để có thể ghi lại cuộc hành trình tìm về miền đất hứa của người dân Syria, ekip của VTV24 đã trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức và cả những cảm xúc dâng cao đến nỗi khi kể lại, nhiều người không thể tin đó là sự thật.

Nửa cuối năm 2015, câu chuyện về cái chết của hàng nghìn người di cư trong cuộc hành trình tìm về miền đất hứa liên tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng lớn toàn cầu.

Nhưng, nếu ai đã từng xem chương trình VTV đặc biệt với loạt phóng sự kéo dài hơn 40 phút, ghi lại trọn vẹn hành trình di cư của người dân Syria, từ điểm khởi đầu là Li-Băng, kéo dài qua các nước Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức... hẳn sẽ phải vô cùng cảm động.

Clip chương trình VTV đặc biệt với chủ đề "Hành trình của sự sống và cái chết".

Đó là những thước phim chân thật về cuộc sống của người di cư. Ngay từ khi rời bỏ Syria, họ đã chấp nhận chơi một ván bài đánh cược bằng cả tính mạng. Rất nhiều người đã chết, vì đuối nước trên biển, đói, rét, ô nhiễm nguồn nước hoặc bị bạo hành ở những nơi mà họ vốn tưởng là "thiên đường" của sự sống.

Tuy nhiên, điều ít người biết nhất có lẽ là để thực hiện thành công phóng sự đặc biệt ấy, ekip của VTV24 đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức. Chuyến tác nghiệp kéo dài 12 ngày của họ có đủ mọi vui buồn, khổ sở và cả những giọt nước mắt đắng cay với xúc cảm y hệt như đoàn người trở về sau hành trình giữa sự sống và cái chết.

Những ngày "vật vã" ở Li-Băng

Ekip tham gia cuộc hành trình "sự sống và cái chết" gồm có 4 người là nhà báo Lê Bình, quay phim, đạo diễn hình ảnh Vũ Hữu Quảng cùng BTV Quỳnh Anh, Vân Anh, của Trung tâm tin tức VTV24.

Nhớ lại chuyến đi của mình, anh Hữu Quảng chia sẻ, khi ekip đến Li-băng thì cũng là lúc nơi đây vừa trải qua trận đánh bom kép khiến nhiều người thương vong. Vì thế, việc tác nghiệp trở nên vô cùng khó khăn.

Chuyện chưa kể về Hành trình sự sống và cái chết cùng người tị nạn ở Châu Âu của ekip VTV - Ảnh 1.

Hình ảnh hậu trường của ekip quay phim tại Li-Băng.

"Chúng tôi đi đến đâu cũng phải gửi giấy xin phép. Phải nộp rõ bản kế hoạch ghi từng địa điểm muốn quay, nội dung ghi hình và ở bất cứ đâu, họ cũng cử người giám sát bên cạnh, mỗi nơi chỉ được quay đúng 30 phút theo lịch trình đã thống nhất từ trước", anh Quảng nói.

Đó là một thách thức rất lớn vì đôi lúc ekip phát hiện ra những chi tiết, địa điểm cần khai thác sâu thêm. Tuy nhiên, để thực hiện được ý tưởng mới, họ lại phải bắt đầu quy trình xin phép chính quyền lại từ đầu.

"Chúng tôi gần như phải dành hẳn một người để chuyên gọi điện thoại xin sự trợ giúp. Hơn nữa việc ghi hình, dẫn dắt phải chuẩn tới từng phút vì chúng tôi không có nhiều thời gian, chưa kể còn bất đồng ngôn ngữ nữa...".

Chuyện chưa kể về Hành trình sự sống và cái chết cùng người tị nạn ở Châu Âu của ekip VTV - Ảnh 2.

Ekip gặp gỡ và phỏng vấn người tị nạn ở Bekaa (Li-Băng).

"Tôi vẫn biết đến Li-Băng thì tình hình sẽ rất bất ổn nhưng thực sự là khi đến đó, mọi thứ khó khăn hơn rất nhiều so với những gì tôi đã hình dung", BTV Vân Anh nói. Cô kể, ở Li-Băng có một khu tị nạn Shatila mà ở đó, nạn khủng bố, bắt cóc tống tiền, giết chóc có thể xảy ra giữa ban ngày.

"Trước khi chúng tôi đến, có một đoàn quay phim đã bị đánh và đập nát máy ảnh. Điều ấy làm chúng tôi rất lo lắng vì biết đâu đấy, chúng tôi cũng sẽ bị đánh hoặc thậm chí trở thành nạn nhân của bọn bắt cóc tống tiền..." - BTV Vân Anh chia sẻ thêm.

Anh Quảng nói, để đảm bảo an toàn, hầu hết các cảnh quay ở Shatila đều phải quay lén. "Có những cảnh quay tôi phải dùng máy quay cầm tay, không được nhìn vào khuôn hình và việc tác nghiệp, gần như dựa vào linh cảm, kinh nghiệm cá nhân".

Theo lời anh Quảng, tại Shatila, nhà báo Lê Bình muốn ghi lại lời dẫn ngay tại bối cảnh loạn lạc ở đây. "Cứ mỗi lần chị Bình đang nói và tôi cầm máy quay trên tay là lại nhìn thấy một nhóm người dáng vẻ bặm trợn đi qua và cảnh quay phải lùi lại. Cứ như thế, chúng tôi phải đi tới mấy vòng mới quay được hai câu lời dẫn của chị Bình".

Chuyện chưa kể về Hành trình sự sống và cái chết cùng người tị nạn ở Châu Âu của ekip VTV - Ảnh 3.

Ê-kíp đến thăm gia đình Adel Termos, người hùng đã liều mình ôm lấy kẻ đánh bom tự sát ở Beirut (Li-Băng).

Ban ngày đi ghi hình, đêm về, cả ekip lại miệt mài xem lại các thước phim. "Chúng tôi đã làm việc với một áp lực khủng khiếp. Mỗi ngày chỉ ăn có 2 bữa là sáng và đêm", BTV Vân Anh chia sẻ. Tuy nhiên, điều khiến tất cả ekip phải trăn trở nhiều nhất chính là cuộc sống cơ cực của những người dân di cư.

"Ở các trại tị nạn Bekaa hay Shatila (Li-Băng), cuộc sống của người di cư đều rất khổ. Nhưng tôi nhớ nhất là Shatila với hình ảnh nguồn nước ô nhiễm nặng nề. Chúng bốc mùi và mặn đắng, chua, chát hơn nhiều lần so với nước biển. Lúc chị Bình nói đã nếm thử, tôi thậm chí đã không thể tin là chị ấy đã nếm qua thứ nước kinh khủng ấy", quay phim, đạo diễn Quảng nói thêm.

Những cảm xúc không thể nào quên

Sau 4 ngày làm việc cật lực tại Li-băng, ekip của VTV24 lại tiếp tục cuộc hành trình đến Hy-Lạp.

"Chúng tôi đã rất xúc động khi tiếp xúc với người dân trên đảo Lesbos (Hy Lạp). Biết chúng tôi đến đây đưa tin vì người di cư, một bác tài xế còn tình nguyện chở chúng tôi đi khắp nơi và làm phiên dịch viên giúp", BTV Vân Anh chia sẻ.

Chuyện chưa kể về Hành trình sự sống và cái chết cùng người tị nạn ở Châu Âu của ekip VTV - Ảnh 4.

Nhà báo Lê Bình ghi hình tại bãi áo phao chất thành núi ở đảo Lesbos (Hy Lạp).

"Kỉ niệm tôi nhớ nhất khi ở Hy Lạp là lúc dòng người xếp hàng chờ phát đồ ăn, tôi thấy có một nam thanh niên vui mừng khôn xiết khi nhận được chiếc bánh mì nhỏ. Giây phút anh ta vui sướng, tôi chợt bấm máy quay như một phản xạ tự nhiên rồi lại nghĩ, chắc phải có ẩn tình gì bên trong.

Tôi đi theo và vô cùng xúc động khi thấy anh ta chia cái bánh mì cho 3 người đàn ông to cao khác. Họ chỉ có một chiếc bánh mì để sống qua đêm đông giá rét. Tôi thực sự không biết mình nên vui hay buồn khi chớp được cảnh quay ấy", anh Quảng nói.

Điểm đến tiếp theo của ekip là Macedonia. Nếu như người Hy Lạp đón tiếp người di cư bằng thái độ niềm nở thì ở biên giới Macedonia, chính quyền đã lập ra hàng rào dây thép gai, kiểm soát chặt chẽ người di cư.

Chuyện chưa kể về Hành trình sự sống và cái chết cùng người tị nạn ở Châu Âu của ekip VTV - Ảnh 5.

Ê-kíp làm phim có mặt tại Macedonia ngày đầu tiên nơi đây dựng lên hàng rào dây thép gai.

"Chúng tôi đến đó cũng là ngày đầu tiên, hàng rào giây thép gai được căng lên. Mọi thứ đã thật hỗn loạn. Giữa bên trong và bên ngoài hàng rào, những cuộc xung đột của quân đội, cảnh sát và người di cư liên tục nổ ra. Tình hình bất ổn khiến việc ghi hình ở đây cũng khá khó khăn và phải xin phép rất kì công", BTV Vân Anh chia sẻ.

Trở về nước sau một hành trình dài, cả ekip lại hối hả với công tác hậu kỳ. "Chúng tôi có 4 đêm không ngủ và một tuần làm việc cật lực để cho ra một sản phẩm hoàn thiện, chỉn chu từ những chi tiết nhỏ nhất".

Ngày 19/12/2015, chương trình VTV đặc biệt với chủ đề "Hành trình của sự sống và cái chết" được phát sóng. Xuyên suốt thời gian thực hiện tác phẩm này, cả ekip đều có chung nỗi ám ảnh về cái chết và sự sống trong khổ cực của những người di cư.

"Khi chương trình lên sóng, chúng tôi vẫn còn y nguyên niềm xúc động, cảm giác rõ ràng mình đã cùng những người di cư trải qua cuộc hành trình đi tìm sự sống giống hệt với họ", anh Quảng nói.