Chuyện cảm động về ngôi nhà có cái tên đặc biệt: Tạm Lánh

Hải Âu, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 18/01/2015

Phụ nữ bị bạo hành, người đồng tính bị kỳ thị, trẻ em bị xâm hại… là những thành viên trong ngôi nhà đặc biệt này.

Ăn mì tôm, uống nước lã để dành tiền cho người nghèo

Người đặt nền móng đầu tiên cho ngôi nhà Tạm Lánh là bạn Phan Thanh Nhàn (SN 1987). Từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học cho đến lúc ra trường, Nhàn từng tham gia rất nhiều các công tác xã hội, hoạt động nhân đạo như dự án quốc gia phòng chống HIV/AIDS, mạng lưới Thanh Niên Tiên Phong làm về quyền tình dục…


Năm 2008, sau khi tốt nghiệp đại học, Nhàn cùng những người bạn của mình, sau bao lần trăn trở đã quyết định thành lập nhóm Open - một tổ chức phi lợi nhuận nhằm giúp đỡ những người bị bạo hành, kỳ thị, những người có hoàn cảnh khó khăn có nơi ăn chốn ở an toàn trong thời gian ngắn để ổn định tâm lý và giải quyết khó khăn mà mình gặp phải. Ngoài ra, nhóm Open còn vận động chính sách, hỗ trợ nhà Tạm Lánh cho người bị bào hành và tư vấn sức khỏe - giới tính – tình dục

Chuyện cảm động về ngôi nhà có cái tên đặc biệt: Tạm Lánh 1
Phan Thanh Nhàn (áo đen) - trưởng nhóm kiêm quản lý dự án nhà Tạm Lánh.

Nhàn chia sẻ: “Lúc còn đi học, trong một lần tham gia hội thảo ở trường về các vấn đề nhân đạo, mình luôn suy nghĩ và trăn trở làm thế nào để có thể giúp được những người có hoàn cảnh khó khăn, bị kỳ thị, bạo hành… có một môi trường sống an toàn, hạnh phúc. Câu hỏi đó luôn xoáy vào tâm trí mình. Từ đó, mình lân la tìm hiểu và tham gia vào các nhóm từ thiện. Được sự giúp đỡ của thầy cô cùng những người trong lĩnh vực nhân đạo, mình có cái nhìn sâu hơn về cuộc sống cũng như hoạt động phi lợi nhuận giúp đỡ mọi người. Cùng với những người bạn nhiệt huyết và chung  quan điểm, bọn mình bắt đầu tự thành lập nhóm riêng và thực hiện dự án nhà Tạm Lánh”.

Chuyện cảm động về ngôi nhà có cái tên đặc biệt: Tạm Lánh 2
Nhàn đã và đang thực hiện tốt công việc thiện nguyện của mình. Với anh, hoạt động nhân đạo chính là trách nhiệm với xã hội.

Nhàn cho biết, lúc bắt đầu thành lập, nhóm Open gồm có 7 thành viên, mỗi bạn phụ trách một công việc khác nhau, trong đó, có bạn còn đang đi học nên rất vất vả, đặc biệt là về mặt tài chính. Thậm chí, có nhiều ngày, cả nhóm phải ăn mì tôm, uống nước lã để lấy tiền giúp đỡ mọi người. Các bạn phải đi lân la hỏi thăm khắp nơi để kiếm nguồn tài trợ từ các tổ chức và mạnh thường quân.

Tuy vất vả, nhưng tất cả các thành viên trong nhóm đều cảm thấy hạnh phúc vì có thể giúp đỡ được nhiều người. Theo thời gian, nhóm Open dần phát triển với hơn 120 người tại TP.HCM và rất nhiều thành viên hoạt động độc lập khắp cả nước. Nhóm cũng đã được các nhà hảo tâm, các tổ chức nhân đạo biết đến và tin tưởng giao cho thực hiện nhiều dự án từ thiện, trong đó nổi bật nhất là xây nhà Tạm Lánh.

Chuyện cảm động về ngôi nhà có cái tên đặc biệt: Tạm Lánh 3
Các thành viên trong nhóm Open đang chung tay, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn

Mẹ bồng con chạy trốn người chồng bạo hành trong đêm mưa

Dự án nhà Tạm Lánh được nhóm Open thực hiện năm 2009. Chứng kiến nhiều người bị kỳ thị do nhiễm HIV, những bạn trẻ không tìm được giới tính bị kỳ thị, phụ nữ bị bạo hành… không nơi nương tựa, nhóm Open bỏ công sức tìm hiểu và liên hệ, đón họ về nhà Tạm Lánh giúp họ có nơi cư trú, ổn định tâm lý và tìm ra hướng giải quyết tốt nhất.

Tính từ năm 2009 đến nay, ngôi nhà đầy tình thương này đã giúp đỡ và giải quyết khó khăn cho hơn 80 trường hợp. Nhàn chia sẻ: “Lúc mới thành lập, nhiều người không hề biết nhà Tạm Lánh là gì. Các thành viên phải phân công nhau đi tuyên truyền, tìm kiếm từng trường hợp một. Có thể nói mọi ngóc ngách ở Sài Gòn này đều có dấu chân của các thành viên trong nhóm. Nhờ sự nỗ lực và cố gắng, đến nay nhiều người đã biết đến và tự tìm tới trú ngụ”.

Nhàn cho biết, trải qua hơn 6 năm thăng trầm hoạt động, chứng kiến nhiều trường hợp người đến rồi đi nhưng khiến cả nhóm phải rơi nước mắt chính là hoàn cảnh của chị Hương, quê ở Cao Bằng. Nhàn kể: “Lúc đó khoảng 11h đêm, trời đang mưa tầm tã, cả nhóm đang chuẩn bị cho công việc ngày mai thì nghe tiếng gõ cửa cùng tiếng khóc của trẻ nhỏ. Mình mở cửa thì thấy một người phụ nữ mang bầu dắt theo con nhỏ khoảng 3 tuổi đang co ro vì lạnh. Thấy mình, chị òa khóc nức nở và xin tạm trú 1 đêm vì không có tiền ở nhà trọ. 

Chị quê ở Cao Bằng, theo chồng lặn lội vào Nam lập nghiệp, nhưng vì ham mê cờ bạc, rượu chè nên người chồng thường xuyên đánh đập chị. Chịu không nổi cảnh sống như địa ngục, chị dắt đứa con nhỏ ra đi. Bụng mang dạ chửa, con thơ nhỏ dại, chị phải lê lết ăn xin sống qua ngày. Khi đến với nhà Tạm Lánh, chị hầu như tuyệt vọng, tâm lý vô cùng bất ổn và cứ đòi tự vẫn. Cả nhóm phải ân cần chăm sóc, khuyên nhủ và cố gắng chung tay tìm ra hướng giải quyết giúp chị. Nhờ sự chân thành và giúp đỡ từ các thành viên, cuối cùng, chị cũng đã vượt qua khó khăn để tiếp tục sống nuôi con”.

Chuyện cảm động về ngôi nhà có cái tên đặc biệt: Tạm Lánh 4
Chị Hương cùng con nhỏ trong những ngày sống tại ngôi nhà Tạm Lánh.

Nhàn chia sẻ: “Một bệnh nhân nhiễm HIV có thể sống được hơn 20 năm nữa, một bệnh nhân ung thư cũng có thể sống thêm gần 10 năm. Nhưng nếu một người bị bạo hành mà trong đầu có thêm những dòng suy nghĩ tiêu cực thì có thể họ sẽ tự kết liễu cuộc đời mình ngay lập tức...". 

Sau chặng đường 6 năm hoạt động, nhóm Open với những thành viên nhiệt huyết nói chung và ngôi nhà Tạm Lánh nói riêng đã và đang giúp đỡ rất nhiều trường hợp khó khăn. Mặc dù cuộc sống của mỗi thành viên trong Open còn nhiều lo toan, vất vả nhưng họ đều có chung quan niệm “Sống là cho đi”.