Chùm ảnh: Hành trình "trở về tuổi thơ" ở làng heo đất Tân Uyên

Kim Thanh - Ảnh: Hữu Dương, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 24/03/2015

Heo đất không đơn giản chỉ là một món đồ chơi bình thường của những đứa trẻ thời 8x, 9x như chúng tôi, mà nó còn là thứ giúp chúng tôi học được những bài học đầu tiên trong cuộc đời.

Nhớ cái thời còn bé, mẹ tôi hay dặn: muốn heo lớn, heo mập và đẹp thì con phải biết tiết kiệm tiền quà vặt để cho heo ăn. Heo chẳng cần ăn nhiều mà heo chỉ cần được con chăm sóc đều đặn mỗi ngày là đủ. Cộng thêm cái lời bài hát "Con heo đất" quen thuộc của bé Xuân Mai hồi đó cứ hay phát trên đài radio mà tôi cực kỳ thích:

"Mẹ mua cho em heo đất... í o í ò
Ngày hôm nay em vui lắm
Cầm heo trên tay em ngắm... í o í ò ...
Làm sao cho heo mau lớn
Heo không đòi ăn cơm
Heo không đòi ăn cám
Heo chỉ cần em bế trên tay ầu ơ
Em không thèm mua kem
Em không thèm mua bánh
Em để dành cho heo
Em lì xì heo đất hai trăm mỗi ngày
Này heo ơi ngoan nhé
Này heo con ơi mau lớn."

Thế là tin lời mẹ và tin cả lời bài hát nên suốt những năm học cấp 1, ngày nào tôi cũng dành ra 200 đồng để tối về "đút heo ăn". Cho đến một ngày, mẹ lôi con heo đất của tôi ra và bảo rằng: "Con cần phải thay một con heo khác lớn hơn thì mới có thể tiếp tục nuôi heo". Thế là chính tay tôi đã đập nát nó mà không hề biết rằng, chú heo ngày ngày tôi nâng niu, chăm sóc, trong phút chốc trở thành một đống đất vụn. Nhưng nhờ vậy mà từ đó tôi không chỉ học được tính cần kiệm trong việc "đút heo ăn" mỗi ngày, mà còn là sự trân trọng những thứ do chính tay mình chăm chút làm nên.


Đến khi vào cấp 2, cũng chính con heo đất đó lại giúp tôi nghiệm ra được nếu biết tích góp, thì những cái nhỏ nhặt rồi cũng có ngày trở thành to lớn. Và nếu ta có thể san sẻ với những người kém may mắn hơn mình, thì điều đó thật sự trở nên vô cùng ý nghĩa. Một bài học mà thầy cô và những người bạn cùng lớp, cùng trường đã giúp tôi hiểu được thông qua những đợt "nuôi heo vì tình bạn".

Đó là những kỷ niệm ngây ngô và những bài học đầu tiên mà đến khi trưởng thành tôi vẫn còn nhớ. Tất cả đều chỉ nhờ những con heo được nặn bằng đất tưởng chừng như vô tri, vô giác nhưng lại là thứ giúp ta cất giữ rất tốt ký ức của một thời tuổi thơ, mà khi trưởng thành, dù bạn có nhiều tiền cách mấy vẫn không thể mua lại được.

Nhưng cũng theo năm tháng, những chú heo thơm mùi đất nung của miền quê nhà ngày nào đã ngày càng ít đi. Bởi đám trẻ ngày nay không còn mấy ai hứng thú với những chú heo đất sờn tay, mang trên lưng những đường vẽ thủ công nữa. Thay vào đó chúng thích được sờ những chú heo nhựa láng mướt, bắt mắt với những đường sơn đều đặn, tỉ mẫn và công nghiệp hơn được nhập từ nước ngoài, dẫu giá thành có đắt hơn những chú heo thơm mùi đất nung ở quê ta rất nhiều. Đó cũng chính là lý do vì sao khiến những chú heo đất đang ngày càng ít đi và thậm chí là có thể chẳng bao lâu nữa, heo đất sẽ không còn xuất hiện như biết bao món đồ chơi tuổi thơ khác.

Tất cả những điều đó đã thôi thúc tôi muốn được quay về tìm lại ký ức một thời tuổi thơ, được nhìn ngắm, được tận tay sờ, nắn và tô vẽ những chú heo đất ngày xưa của mình ngay tại làng heo đất Tân Uyên, Bình Dương, nơi chỉ cách Sài Gòn khoảng gần 1 tiếng đi xe máy.

Trở về đây tôi mới biết những chú heo đất được bán với giá vài chục đồng rẻ bèo, nhưng người làm ra lại cực khổ và qua lắm giai đoạn, công phu. 

Từ việc đổ đất vào khuôn, phơi nắng, tháo khuôn, rồi nung heo trong lò suốt vài giờ liền, mới đến được công đoạn sơn phết, tô vẽ rồi đóng gói, vận chuyển đi khắp các tỉnh thành. Đặc biệt heo đất làm tại làng này đến nay tất cả đều vẫn hoàn toàn dùng sức người và bằng thủ công nên những chú heo sau khi thành phẩm, tuy không sắc sảo, láng mướt, nhưng lại cho ta một cảm giác rất có hồn và thân thuộc. Đáng quý vẫn là cái hương, hình dáng và cảm giác y như 15, 20 năm về trước vậy...

Những chú heo sau khi được đập khuôn ra sẽ được "tắm nắng" thế này trong suốt nhiều ngày, cho đến khi đất khô và chắc lại.

Tân Uyên từng được xem là ngôi làng làm heo đất nổi tiếng nhất ở miền Nam. Những chú heo đất làm tại làng này luôn đạt chất lượng rất tốt, bền, màu sắc tươi sáng và thủ công tỉ mỉ. 

Đây là sân trước của một hộ dân vẫn còn giữ nghề truyền thống làm heo đất này. 

Sau khi "tắm nắng", các chú heo sẵn sàng được xếp vào lò nung liên tục trong vòng từ 3 - 4 giờ.




Một lò từ 3.000 - 4.000 chú heo đủ mọi kích cỡ.

Bên ngoài một lò nung heo đất tại làng bằng củi khô.

Sau khi nung xong, các chú heo được chuyển đến tay những người thợ.

Đây sẽ là lúc các chú heo được tô vẽ thêm nhiều màu sắc để trở thành ký ức của những đứa trẻ.





Những chiếc lá quen thuộc nằm trên lưng của các chú heo vẫn được làm bằng tay hoàn toàn.

Chính vì vậy đã làm các chú heo đất trở nên có hồn hơn rất nhiều.


Những đôi tay lấm lem sơn màu này đã làm nên ký ức tuổi thơ của không biết bao nhiêu đứa trẻ.

Sau khi thành phẩm, các chú heo lên đường được chuyển đi khắp các tỉnh thành. Chính vì làm cực nhưng không bán được nhiều tiền, thị trường lại ngày càng ít nên hiện nghề làm heo đất chủ yếu là dành cho những người lớn tuổi, ở nhà thường xuyên để vui qua ngày, đỡ đần thêm ít tiền sinh hoạt cho con, cho cháu.

Thật sự chỉ có nuôi heo đất, bạn mới hiểu được cái cảm giác ngóng trông, chờ đợi từng ngày đến khi heo căng bụng. Rồi cái cảm giác phập phồng lo sợ mỗi khi lén lút gắp trộm từng tờ tiền trong bụng heo để mua quà vặt, hay bồi hồi nhớ về những chú heo sau khi chính tay ta phải đập vỡ nó. Và sự thật là heo đất mới chính là người bạn đầu tiên khiến ta biết lo lắng, học cách chăm sóc và yêu thương.

Tuổi thơ là vậy, dẫu xa xưa cách mấy đi chăng nữa thì những kỷ niệm đó vẫn giúp ta cảm nhận được một quá khứ êm đềm mãi đọng lại trong ký ức. Cám ơn những kỷ niệm mộc mạc, những ngày tháng hồn nhiên và trong sáng ấy.