Câu chuyện về người đàn ông “điên” nhặt vợ từ bãi rác

Nhuggie; Ảnh: Dương Winamp, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 01/04/2013

Gần 7 năm bị gắn mác "người điên", anh Nguyễn Tuấn Nghĩa vẫn âm thầm đi giúp đỡ trẻ vị thành niên lang thang, cơ nhỡ - hành động mà không phải người "bình thường" nào cũng làm được.

7 năm nay, kể từ ngày anh Nguyễn Tuấn Nghĩa (Sinh năm 1974, ở khu chung cư Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) “nhặt vợ” là chị Lê Thị Mùi hơn mình 9 tuổi  (SN 1963, quê Ninh Giang, Hải Dương) ở bãi rác Sông Hồng về nuôi vào năm 2006 thì cũng là lúc anh được gắn với danh “Quái nhân”.

 Trước đây, cuộc sống một mình “khác người” của anh chưa được nhiều người chú ý tới, nhưng từ khi cưu mang chị Mùi cùng 2 người con của chị thì gia đình 4 người của anh trở thành gia đình lập dị, quái đản xôn xao khắp khu đô thị Văn Quán và khắp khu phố Hàng Trống nơi cha mẹ ruột anh ở. Gây xôn xao bởi gia đình của anh 4 người, từ chồng tới vợ đều cạo trọc, đến khi anh cùng chị Mùi có thêm một người con gái, anh cũng đã quyết để kiểu đầu này cho con gái của mình. 

Dần dần, gia đình anh đã bị gọi là “gia đình điên” lúc nào không hay. Tuy nhiên, mọi người dường như chỉ nhìn vào kiểu tóc để gọi anh là “điên” mà quên mất rằng anh đã cưu mang 3 con người xa lạ, đói khổ về nhà mình – một hành động mà không phải một người “bình thường” nào cũng có thể làm được. Và chị Mùi cùng 2 người con của chị không phải là những người duy nhất anh từng cưu mang hơn 10 năm qua.

Câu chuyện về người đàn ông  “điên” nhặt vợ từ bãi rác 1
Anh Nguyễn Tuấn Nghĩa cùng chị Lê Thị Mùi - người "vợ nhặt" hơn anh 9 tuổi. Cháu gái nhỏ là con gái của anh và chị Mùi, SN 2007, được anh đặt tên là Nguyễn Thị Đức Hạnh. Đứng ngoài cùng bên phải là em Đặng Thanh Tuấn (SN 1996) là con nuôi anh vừa nhận cách đây 5 ngày. 

Câu chuyện về người đàn ông  “điên” nhặt vợ từ bãi rác 2
Hình ảnh chị Lê Thị Mùi nhặt rác kiếm thức ăn cùng con trai Lê Văn Phả của mình từng được một Nhiếp ảnh gia người Mỹ chụp. Bức ảnh đoạt giải ảnh Báo chí thế giới lần thứ 51 ở hạng mục Daily Life của nhiếp ảnh Justin Maxon (Ảnh đã được chụp vào năm 2006). Khi cưu mang chị Mùi, anh không biết rằng vợ của mình đã từng xuất hiện trên báo chí Mỹ. 

Chúng tôi đến nhà anh trong một buổi chiều sớm vì được biết gia đình anh thường có thói quen đạp xe đi tập thể dục vào lúc chiều muộn. Mở cửa đón chúng tôi là cháu Đặng Thanh Tuấn (SN 1996, quê Gia Lai) không phải họ hàng thân thích của anh Nghĩa mà là trẻ vị thành nhiên lang thang, cơ nhỡ anh đưa về nuôi khi thấy Tuấn nằm co ro ở Công viên Thống Nhất.  Cháu trong nhà lúc này có Cháu Lê Văn Phả (SN 1999) con riêng của chị Mùi, cháu Phả và Tuấn lễ phép chào chúng tôi rồi đứng khép nép một góc gọi bố. Anh Tuấn Nghĩa lúc này đang ngồi nghe băng về Kinh Phật, nghe có khách đến, anh vặn nhỏ loa. 

Câu chuyện về người đàn ông  “điên” nhặt vợ từ bãi rác 3
Anh Nguyễn Tuấn Nghĩa

Lâu nay, đã quen nhìn ánh mắt dị nghị và lời đàm tiếu ra vào của mọi người xung quanh, nên anh im lặng nhìn và đợi chúng tôi bắt chuyện. Chúng tôi hỏi về cháu Đặng Thanh Tuấn, bởi khi bắt đầu tiếp chuyện với phóng viên, anh đã ra hiệu cho Tuấn lại ngồi kế bên. Được biết, anh muốn cho Tuấn ngồi nghe câu chuyện của mình với phóng viên để Tuấn “hiểu thêm về Phật lý, về sự đời”. Khi nhận Tuấn về nuôi được 5 ngày nay, Tuấn đã xin cạo trọc để theo anh học Kinh Phật, còn trước đó theo anh, Tuấn là một cậu bé “nói 100 câu thì 99 câu nói dối”, khi vừa mới gặp anh đã vờ lên cơn đau tim để xin tiền. 

Nhìn gương mặt hốc hác, vàng vọt của Tuấn, anh thương nên đã đưa về nhà cho ăn cơm. Chuyện trò với Tuấn thân tình, Tuấn mới cho anh biết bố mẹ của em đều nghiện, bỏ Tuấn khi em vừa 10 tuổi. Từ đó đến nay, Tuấn ra Bắc lang thang 1 mình và làm đủ nghề để kiếm sống, từng ăn cắp, Tuấn đã 2 lần bị đưa vào Trung Tâm giáo dục Lao động 1 (Xã Yên Bài, Ba Vì, Hà Tây). 

Câu chuyện về người đàn ông  “điên” nhặt vợ từ bãi rác 4
Em Đặng Thanh Tuấn

Khi đưa Tuấn về nhà ở trong đêm, thì ngay sáng hôm sau anh đã đưa Tuấn ra Phường để đăng kí tạm trú, cũng như nhiều ngày sau đó liên hệ tìm lại giấy tờ thân nhân của Tuấn ở tận Gia Lai để làm cho Tuấn Chứng minh thư nhân dân. Sau khi làm Chứng minh thư nhân dân, anh lên công an Phường đăng kí nhận Tuấn làm con nuôi. 

Được biết, ngoài Tuấn, có rất nhiều thanh niên lang thang, cơ nhỡ anh cưu mang trước đây đều lần lượt được anh tìm các địa điểm học nghề, thanh niên nào hư quá, anh dùng lời lẽ để thuyết phục chúng vào các trại giáo dục, trại cải tạo. Vì anh cưu mang, cho ăn cho uống chân thành, nên thanh niên nào, dù hư hỏng đến đâu cũng nghe theo lời anh vào trại rèn luyện. 

Trước đó, người con lớn của chị Mùi là Lê Văn Minh (1993) cũng được anh tìm cách về tận Ninh Giang, Hải Dương để làm cho bằng được giấy Chứng minh thư nhân dân. Anh nói: “Dù nghèo khổ, dù cùng cực không có trình độ học vấn thì phải có giấy tờ tùy thân, không thể sống vô danh vô thực được. Có giấy tờ tùy thân mới mong tìm được nơi học nghề đáng tin cậy”. Hiện nay, em Lê Văn Minh đã học xong nghề và đang hành nghề thợ mộc trong một xưởng mộc tại Hải Dương, chị Mùi rất biết ơn anh Nghĩa vì đã “tìm lại cuộc đời cho thằng Minh, con trai tôi”. Mỗi khi Minh lên Hà Nội thăm mẹ và anh Nghĩa - bố dượng của mình, anh Nghĩa đều dẫn Minh đi đăng kí tạm trú ở nhà mình, anh muốn làm gương cho con, để sau này, dù sống ở đâu cũng phải “sống tử tế, tuân thủ quy định cơ bản nhất của Nhà nước và Pháp luật”.

Khi anh nói đến việc tuân thủ quy định của Nhà nước và Pháp luật, chúng tôi hỏi anh về việc 2 người con riêng của chị Mùi đã đến tuổi đi học nhưng giờ này vẫn ở nhà trong khi đáng lẽ phải ở trường. Anh thở dài nói với chúng tôi về chuyện của cháu Lê Văn Phả và Lê Thị Thủy (SN 2002): “Năm đưa chị Mùi về nhà và lấy cô làm vợ, Phả đã 7 tuổi. Tôi dẫn Phả đến trường tiểu học gần nhà để đăng kí cho cháu vào học lớp 1, nhưng nhìn tôi, nhìn Phả, nhà trường tỏ ý không muốn nhận, mặc dù giấy tờ, lý lịch của cháu Phả đầy đủ. Tôi không muốn Phả học trong một môi trường mà rồi mọi người sẽ nhìn cháu với ánh mắt kì thị. Từ đó, tôi đưa Phả về, để sau này nếu cháu không theo Đạo Phật như tôi thì cũng có hướng học nghề. 

Câu chuyện về người đàn ông  “điên” nhặt vợ từ bãi rác 5
Em Lê Văn Phả

Câu chuyện về người đàn ông  “điên” nhặt vợ từ bãi rác 6
Theo quan sát của chúng tôi, Phả là cậu bé ngoan, mỗi khi anh Tuấn bảo làm việc gì, Phả đều nghe lời làm theo rất nhanh nhẹn và bài bản. Buổi chiều, vì đói, cậu bé muốn ăn cơm đã lễ phép xin anh Tuấn được ăn thêm cơm. Khi ăn xong, Phả rửa bát, cất nắp gọn gàng. 

Năm 2007, tôi đưa cháu Thủy đi học mẫu giáo. Lần này, tôi rút kinh nghiệm, ăn mặc chỉnh tề hơn, nhưng đến trường mầm non, không ai có ý muốn nhận Thủy. Tôi giải thích rằng không phải tôi và con gái tôi "có vấn đề" nhưng cô giáo từ chối. Từ đó, tôi quyết không cho con theo học nữa, kể cả con gái ruột của tôi, cháu Đức Hạnh sau này cũng thế". 

Kể đến chuyện đi học của cháu Thủy, chị Lê Thị Mùi từ trong phòng khác bước ra. Tiếp nối câu chuyện: "Làm bố mẹ, ai cũng muốn cho con cái mình đi học, nhưng xã hội không chấp nhận thì tôi cũng chấp nhận với anh Nghĩa cho các con học tại nhà. Ngày trước tôi cũng không phải là một người phụ nữ tốt, chồng cũ của tôi bị AIDS bỏ nhà ra đi, tôi cũng từng làm nhiều việc sai trái, sinh ra 3 đứa con nhưng không nuôi nấng được đến nơi đến chốn, đứa nào cũng dần dần sinh hư. Ngày được anh Nghĩa đưa về nhà nuôi, tuy anh nóng nảy, cục tính nhưng dạy cho tôi, dạy cho con nhiều thứ để ngộ ra. Bây giờ tôi không còn tính xấu, mỗi khi tính xấu vẫn còn là anh lại đuổi ra khỏi nhà." 

Câu chuyện về người đàn ông  “điên” nhặt vợ từ bãi rác 7
Chị Lê Thị Mùi cùng con gái Nguyễn Thị Đức Hạnh 

Và những nỗi băn khoăn...

Nơi vợ chồng anh đang sống là căn hộ chung cư rộng 60m2, nằm trong khu chung cư đẹp có tiếng của thủ đô. Tuy nhiên, khi chúng tôi bước vào, thì thực sự bị ngợp bởi đồ đạc ngổn ngang, chất đống trong nhà không khác gì một xưởng phế liệu thu nhỏ. Giấy báo có hình các nghệ sĩ, diễn viên hoặc ảnh đẹp anh thu lượm được bất cứ nơi đâu anh đều cắt dán chằng chịt lên tường. Anh cho rằng đó là cách "tận hưởng" cuộc sống riêng của mình một cách tiết kiệm. Nhưng đáng ra căn nhà rộng rãi, đủ để cho những đứa trẻ có không gian rộng rãi hơn sống và sinh hoạt đã phải nhường chỗ cho những vật dụng và đồ dùng không có giá trị. Chưa kể, nguy cơ hỏa hoạn cũng rình rập bất cứ lúc nào trong một căn nhà toàn giấy thế này...

Câu chuyện về người đàn ông  “điên” nhặt vợ từ bãi rác 8

Câu chuyện về người đàn ông  “điên” nhặt vợ từ bãi rác 9

Câu chuyện về người đàn ông  “điên” nhặt vợ từ bãi rác 10

Câu chuyện về người đàn ông  “điên” nhặt vợ từ bãi rác 11
Giấy báo anh cắt dán trên nhà, để vị trí gần bếp gas

Tiền chi tiêu trong gia đình hiện nay từ 2 nguồn thu chính. Một là từ vợ anh ăn xin mang về, hai là anh xin bố mẹ. Chúng tôi tỏ ý băn khoăn về việc một người đàn ông trụ cột phải xin tiền từ cha mẹ già, rồi từ người vợ đi xin ăn, anh chỉ giải thích rằng: "Vợ tôi ăn xin là để người đời tạo phúc đức cho người nghèo khổ. Còn tôi xin tiền bố mẹ để đi làm việc thiện cũng là tạo phúc đức cho gia đình, cho bố mẹ mình".  

Và dù dạy con cái mẫu mực trong nếp sống nhưng anh dường như đã vô tình "nhốt" những đứa trẻ đang trong tuổi lớn trong nhà, hạn chế sự giao tiếp của chúng với môi trường xã hội. Khi chúng tôi nói đến đó, anh ngắt lời và cho rằng: "Gia đình là xã hội thu nhỏ, ở trong nhà, bọn trẻ giao tiếp với tôi là đủ, tôi sẽ dạy cho chúng về xã hội". Nhưng rồi những đứa trẻ không biết đọc, biết viết do không được đi học, lại để kiểu đầu không tóc, thật khó tránh khỏi tụt hậu và những ánh mắt kì thị của xã hội khi lớn lên. 

Băn khoăn là thế, nhưng khi hỏi bé Lê Văn Phả về cuộc sống trong ngôi nhà của bố dượng Nguyễn Tuấn Nghĩa, em nói: "Con thích ở đây, ở đây có nước sạch, có cơm ăn đủ 3 bữa.", thì chúng tôi chợt hiểu rằng đối với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong cuộc sống bần túng, chúng chỉ cần một mái nhà, được có cơm ăn, có quần áo mặc là đủ. So với cuộc sống ở bãi rác sông Hồng thì cuộc sống trong căn nhà bừa bộn của anh Nghĩa cũng là "thiên đường". Những thứ chúng tôi đưa ra như sách vở, như internet, như ngoại ngữ... có lẽ xếp vào những hàng "xa xỉ" đối với những đứa trẻ được anh Nghĩa cưu mang. 

Tiễn chúng tôi ra về, anh Nghĩa trầm ngâm một chút, rồi anh nói như cố lý giải về cuộc sống mà anh chọn:"Mỗi người có một cách sống riêng, tuy cuộc sống của tôi không nhiều vật chất nhưng tâm trí tôi luôn thanh thản, thanh thản tuyệt đối. 10 năm trước, tôi vẫn là một con người "hoàn toàn bình thường" theo cách nghĩ chuẩn mực của mọi người, đầu tôi có tóc và tôi đi làm nghề điện dân dụng lương công đầy đủ như bao người. Nhưng cuộc sống thật bon chen và xô bồ, tôi không muốn sống một cuộc sống mà đầu óc lúc nào cũng phải căng lên và chịu đựng những bất-công-có-nguyên-tắc trong cuộc sống này. Tôi theo Đạo Phật và giác ngộ được nhiều điều, bây giờ tôi cảm thấy thanh thản. Có thời gian, có cái tâm tốt thực sự để đi giúp đỡ những người nghèo khổ. Tôi có thể sống thiếu thốn, nhưng tôi vẫn có thể đi giúp được những con người sống thiếu thốn hơn tôi mà không đắn đo thua thiệt. Điều đó có lẽ quan trọng hơn việc tôi phải sống như thế nào để mọi người đánh giá mình bị điên hay không"...
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày