Câu chuyện buồn phía sau những hoàn cảnh éo le ở các bệnh viện

V.T, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 05/04/2013

Câu chuyện về sự ra đi trong cảnh cô độc của <a href="http://kenh14.vn/xa-hoi/chau-be-da-boc-xuong-da-tu-vong-bi-bo-me-bo-lai-vien-20130404024058718.chn" target="_blank">em bé suy dinh dưỡng Hứa Văn Dũng</a> đã làm dư luận đau lòng. Càng thương em, thì càng không hiểu tại sao bố mẹ có thể bỏ em lại, dù đã được nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ...

Lý do không phải vì bệnh viện có nhiều người bệnh nghèo, trẻ em tử vong cao… – mà là, bệnh nhân “quá giàu”, bạn có tin không?

Người giàu nhịn ăn cho người nghèo xả láng

Mở đầu câu chuyện là về một trường hợp của một ca bệnh về ruột phải nằm viện lâu ngày đã từng được báo chí kêu gọi quyên góp. Những tưởng câu chuyện chỉ đơn giản là một bệnh nhân nghèo may mắn được xã hội quan tâm và tài trợ, nhưng không phải vậy. Thằng bé nằm viện liên tục trong suốt nhiều năm là do “mẹ nó thích vậy”. Nắm được “quy luật” ở bệnh viện có rất nhiều mạnh thường quân đến làm từ thiện, người phụ nữ này đã sử dụng những đứa bé vô tội, con ruột của chính mình để làm “mồi câu” tiền từ thiện. Bà cố tình cho đứa con có tiền sử bệnh viêm ruột của mình ăn bẩn và uống nước sống để mau chóng có cơ hội quay lại bệnh viện “hành nghề”. Nếu chẳng may con chưa bệnh kịp lúc, bà sẵn sàng đem đến một đứa khỏe mạnh rồi báo bệnh, đòi bác sỹ phải cho ở lại theo dõi vài ngày… Cứ thế, hết lần này đến lần khác, lần lượt 3 đứa trẻ phải thay phiên nhau nhập viện theo mong muốn của mẹ chúng, dưới sự bất lực của dàn y bác sỹ nơi đây.

Trong suốt những năm ra vô bệnh viện như đúng kế hoạch của mình, người đàn bà có dáng vóc ốm yếu, nghèo nàn này đã lừa được không ít người, kể cả bác sỹ (lúc đầu chưa biết), công nhân viên trong bệnh viện, rồi đến cả thân nhân người bệnh xung quanh, những nhà hảo tâm đến từ thiện… Cứ ai có lòng thương người và “vô tình” bị đưa vào tầm ngắm của bà là chắc chắn họ sẽ bị “móc túi” một cách ngoạn mục không hay biết, qua những câu chuyện khổ đời mình của người phụ nữ “cáo già” kia.

Câu chuyện buồn phía sau những hoàn cảnh éo le ở các bệnh viện 1
Một nghĩa cử đẹp mà các bệnh viện và nhà hảo tâm dành cho bệnh nhân nghèo (ảnh minh họa)

Nghe nói người đàn bà này đã lợi dụng được hàng chục triệu – cả tiền mặt lẫn quà cáp của các hội nhóm từ thiện. Tiền nhiều là thế nhưng khi được bệnh viện thông báo đi đóng tiền phí khám chữa bệnh cho con, bà ta vẫn nhất quyết chơi “chiêu”: “nghèo – khổ - đói” để khất nợ dù trong túi là những xấp tiền 200, 500 nghìn mới cóng vừa được cho.

Câu chuyện “kinh hoàng” này đã khiến các bác sỹ tại đây đau đầu giải quyết suốt một thời gian dài, khiến không ít các mạnh thường quân “nổ đom đóm mắt” khi phải vô tình chứng kiến việc vào thăm mà thằng bé viêm ruột đang nằm lăn lóc một mình bên hộp bột chiên lạnh ngắt, còn mẹ nó thì đang đi khám thai ở một bệnh viện khác. Một số khác thì được dịp ngẩn ngơ nhìn mẹ đứa bé khốn khổ tung tăng xách những túi quà mình vừa tặng đi rao bán lấy tiền mặt ngay khi vừa trao tay.

Câu chuyện buồn phía sau những hoàn cảnh éo le ở các bệnh viện 2
Từ thiện là một việc làm đẹp và ý nghĩa (ảnh minh họa)

Tại một bệnh viện khác, một bệnh nhân bị tai nạn thảm khốc đã không may mất cả gia đình, sau khi được bệnh viện và các báo đài kêu gọi đã quyên góp được một số tiền “khủng” để chữa trị và chăm lo tương lai sau này cho cháu. Theo lời một y bác sỹ tại nơi này: “Dòng người đến thăm và giúp đỡ đông như trẩy hội. Những người nhà còn lại trong dòng họ phải nghỉ làm vào bệnh viện thay nhau tiếp khách, đếm tiền. Người thì cho trực tiếp, người ở xa chuyển khoản, người đến thẳng phòng hỗ trợ của bệnh viện để đóng tiền viện phí cho bệnh nhân… “. Quá thương cảm cho người bệnh nhân này, một mạnh thường quân có tiếng trong những công tác từ thiện đã sẵn sàng đứng ra bảo trợ 100% chi phí điều trị - xem như một hành động chia sẻ cùng nỗi đau mà gia đình đang gánh chịu.

Tuy nhiên, đó sẽ là những nghĩa cử đẹp gửi đến một số phận không may mắn, nếu như không xảy ra một câu chuyện nhỏ bên lề. Chuyện một ngày nọ, trong khu bệnh tại đây có một bệnh nhân nghèo không may tử bệnh. Người bệnh nhân không may mắn này cũng chỉ trạc tuổi với nhân vật vừa được quyên góp trên kia. Vì quá nghèo khổ, lại ở quê xa, gia đình bệnh nhân tử bệnh dù đã vét hết tiền vẫn không đủ đóng viện phí đưa con về chôn cất. Được sự góp ý và động viên của những người trong khoa, cha mẹ của người tử bệnh đã qua gặp đại diện gia đình kia xin giúp đỡ vài triệu để nộp viện phí xin xác con về quê. Đổi lại sự khốn khổ của một gia đình cùng đường (như chính gia đình mình lúc trước), trước những giọt nước mắt ngắn dài của đôi cha mẹ bất hạnh vừa mất con là những cái lắc đầu lạnh lùng. Họ tiếc vài triệu trong số tiền quyên góp lớn mà mình nhận được, dù số tiền đó cũng là của xã hội yêu thương và đem đến cho họ với mục đích từ thiện, chia sẻ khó khăn với người nghèo.

Chứng kiến việc này, nhiều bệnh nhân tỏ ra ngao ngán: “Không biết cái số tiền từ thiện kia sau này có làm nên chuyện như đúng ý nghĩa thực tế của nó hay không. Chứ cái đà này tui thấy người khỏe càng khỏe, người đau càng đau…"

Đã từng xảy ra chuyện một đứa trẻ sơ sinh rất đáng thương có mẹ qua đời ngay sau khi sinh, người bố vì quá đau buồn và hoảng loạn trước sự ra đi bất ngờ của vợ cũng đã tự tử và mất ngay sau đó. Câu chuyện đau lòng được lan truyền qua một tờ báo mạng và đã có không ít người tốt tìm đến với đứa bé. Một người trong gia đình đã đứng ra nhận trách nhiệm nuôi dưỡng và chăm sóc cho em, nhưng sau đó đã mang toàn bộ số tiền từ thiện để về quê sửa nhà, mua đất làm của hồi môn cho con ruột mình. 

Hoặc như chuyện một bệnh nhân được hội chẩn mổ gan. Biết những ca mổ như thế này sẽ rất tốn tiền và với khả năng của những người nghèo sẽ rất khó đáp ứng được nên bệnh viện đã huy động kêu gọi tài trợ cho bệnh nhân này. Được cho một số tiền mặt rất lớn từ những mạnh thường quân sau đợt quyên góp, người nhà bệnh nhân đột ngột thay đổi ý định, không đồng ý mổ và đòi xuất viện về quê. Phải nhờ tới sự vận động và cả răn đe của bác sỹ, gia đình mới đồng ý tiếp tục đợt điều trị cho người nhà mình.

Rồi gần đây nhất là vụ cháu bé Hứa Văn Dũng (người dân tộc Tày ở Tuyên Quang) gần 3 tuổi nhưng chỉ nặng 6kg. Nhờ sự kêu gọi quyên góp từ các báo, gia đình Dũng đã nhận được hơn 80 triệu tiền từ thiện (đó mới chỉ là con số mà bệnh viện thống kê được để chữa bệnh cho bé. Còn số tiền người ta đến và trao tận tay cho bố mẹ em thì không thể kể hết. 

Nhưng không may mắn, cách đây ít ngày, cậu bé đã không qua khỏi. Mọi chuyện sẽ dừng ở đó, nếu đại diện của bệnh viện Nhi không lên tiếng xác nhận là sau khi con mất, bố mẹ em đã bỏ em lại bệnh viện, lặng lẽ thanh toán viện phí và về quê. Những người đã từng xót thương cho hoàn cảnh của em ngỡ ngàng. Những nhà hảo tâm đã mang quà, mang tiền đến giúp em, thì bàng hoàng, tức giận.

Khi được phóng viên các báo và đại diện bệnh viện năm lần bảy lượt gọi xuống để lo mai táng cho con, họ chỉ khất lần: "Vài hôm nữa mới lên được".

Làm từ thiện cũng phải biết cách

Cô Khúc Thị Kim Nguyệt - một chuyên gia bảo trợ cho bệnh nhân nghèo tại bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết:

“Để làm việc thiện chúng ta cần tấm lòng và cần học cả cách làm nữa. Vì xã hội bây giờ có quá nhiều việc không ai tưởng tượng được nên việc chúng ta dễ dàng trao lòng tin cho một ai đó cũng là một việc làm rất nguy hiểm. Những người nghèo, khi được cầm tiền mặt quá lớn trong tay, đa số họ không nghĩ xa hơn ngoài việc tiêu xài cho đã, bù đắp những ngày tháng cơ cực của mình. Rồi cứ thế, họ sống dựa vào tình thương của xã hội thành thói quen.

Tôi rất quý những tấm lòng luôn hướng về người nghèo – nhất là lúc họ gặp hoạn nạn, bệnh tật như thế này. Nhưng tôi khuyên các vị nếu có hảo tâm, xin hãy làm việc thiện một cách đúng đắn nhất. Các bệnh viện đa số đều có rất nhiều hoàn cảnh đáng thương nên ở đâu cũng có phòng hỗ trợ bệnh nhân nghèo – dành để đón tiếp và chia sẻ các hoàn cảnh khó khăn đến các mạnh thường quân. Các bạn có thể đến đây tham gia vào quỹ người nghèo của bệnh viện, số tiền sẽ được chia sẻ cho tất cả những hoàn cảnh đặc biệt cần giúp đỡ trong viện. Việc này sẽ giúp phân bố sự giúp đỡ, chia sẻ khó khăn đúng người đúng việc cho nhiều người. Tránh trường hợp bệnh nhân chỉ cần vài chục triệu nhưng quyên góp được tận vài trăm, có khi hơn cả tỷ. Trong khi có người cũng khó khăn nhưng không được giúp đồng nào.

Hoặc, rõ ràng hơn, người làm việc thiện chỉ cần đọc tên bệnh nhân mình muốn bảo trợ, số tiền các bạn đóng góp sẽ được quy ra thành phiếu tạm ứng dành riêng cho quá trình điều trị của bệnh nhân đó. Khi hoàn tất hồ sơ bệnh, bệnh viện sẽ trả lại số thừa cho bệnh nhân. Tránh được trường hợp bệnh nhân chưa khỏi mà người nhà đã lo ôm tiền đòi về chờ chết.”