Cám cảnh gia đình nghèo nuôi hai con bại não ở Hà Nội

Nhất Nam, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 23/06/2014

Dù đã hơn 50 tuổi nhưng vợ chồng chị Trần Thị Xuân (sinh năm 1961, trú tại xóm Đạc 9, Cụm 5, Thọ Xuân, Đan Phượng, Hà Nội) vẫn phải tần tảo sớm hôm làm thuê nuôi 2 con gái mắc bệnh bại não.<br/>

Bi thương và cùng cực

Trong căn nhà cấp 4 xiêu vẹo với thứ tài sản đáng giá duy nhất là chiếc giường gỗ, nơi gắn bó từ khi sinh ra của 2 người con gái tật nguyền. Trò chuyện với chúng tôi, người mẹ nghèo khổ như chai sạn với nước mắt, lặng lẽ cho biết, vợ chồng chị Xuân sinh được 3 người con, 1 trai, 2 gái. 2 đứa con gái của anh chị là Trần Thị Son (1990) và Trần Thị Thành (1993) đều bị bại não từ nhỏ chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều cần người giúp đỡ. 

Video hoàn cảnh đáng thương của gia đình nghèo có 2 con bại não.

Chị Xuân kể: “Lúc mới sinh ra, Son và Thành đều khỏe mạnh bình thường. Son nặng 3kg còn Thành nặng 2,8kg nhưng càng lớn thân hình chúng càng teo đi, còi cọc không biết lê, không biết ngồi... Với Son, vợ chồng tôi nghĩ rằng đó là sự chẳng may, nhưng đến khi Thành cũng bị như người chị hơn 3 tuổi của mình thì chúng tôi đã sợ và không còn nghĩ đến chuyện con cái nữa”.


Bà nội 90 tuổi trông nom 2 đứa cháu bại não những lúc bố mẹ đi làm vắng nhà.

Càng đau khổ hơn khi người con trai đầu là Trần Đình Hưng (1985), tuy khỏe mạnh phát triển bình thường nhưng do suy nghĩ nhiều về hoàn cảnh gia đình nên mắc chứng trầm cảm và thường xuyên bỏ nhà đi.

Cũng từ đó, vợ chồng chị luôn mang trong mình ý nghĩ: “Mình có tội khi đẻ con ra không lành lặn để chúng phải khổ”. Để rồi từ bao giờ trong suy nghĩ của người cha, người mẹ này là “sẽ hy sinh cả đời mình cho con cái, mong bù đắp được phần nào số phận không may mắn của các con”.

Tương lai mờ mịt

Thường ngày, vợ chồng chị Xuân phải hoán đổi nhau ở nhà trông con. Một người đi làm nuôi ba miệng ăn không đủ, vợ chồng chị phải tranh thủ làm thuê ban đêm, có khi còn đi bốc vác tại một lò gạch gần nhà. 

Hơn một năm trở lại đây, vì Son và Thành thường xuyên phải nhập viện điều trị dẫn tới kinh tế gia đình quá khó khăn, có bữa vợ chồng chị Xuân phải nhịn đói đi làm. Thương con, thương cháu nên bà Lê Thị Ty (mẹ chồng chị Xuân) dù đã 90 tuổi vẫn sang nhà trông nom 2 đứa cháu để vợ chồng chị yên tâm đi làm. Tuy nhiên, thêm một mẹ già, gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai của vợ chồng chị lại thêm phần khắc nghiệt.


Vợ chồng chị Xuân đã hơn 50 tuổi nhưng vẫn phải tần tảo nuôi 2 con bại não cùng mẹ già 90 tuổi.

Những khi Son và Thành đau ốm phải nhập viện vợ chồng chị Xuân lại đành gửi gắm hai đứa con tật nguyền cho mẹ già 90 tuổi chăm sóc để đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền trang trải thuốc men, viện phí.

Nói về kinh tế gia đình, chị Xuân cho biết: “Nhà chỉ có một sào ruộng, hơn nữa ở đây hệ thống mương máng kém nên nước không đủ phục vụ cấy trồng, lúa hầu như năm nào cũng đều mất trắng. Dù đã phải đi rất xa để thuê ruộng làm nhưng cũng chỉ đủ trả chủ ruộng và hầu như phải đi làm thuê đong ăn từng bữa”.

Có 2 đứa con tật nguyền nên anh chị thường thay phiên nhau ở nhà chăm sóc chúng. Khi người này yếu thì ở nhà trông con người kia đi kiếm tiền. Ở đâu có người thuê, vợ chồng anh chị cũng làm, không từ bất cứ việc gì, từ cày cuốc đến bốc gạch… cứ thế cuộc sống tủi hờn khó khăn này trôi qua được hơn 20 năm. Nhiều khi anh chị muốn buông xuôi nhưng vì thương con, thương khúc ruột mình đẻ ra, nên trong lòng lại nhắc nhở phải phấn đấu. Có hôm đang đêm nằm ngủ có người gọi đi bốc gạch thuê, anh chị cũng bỏ giấc mà đi.


Kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào một sào ruộng cấy lúa.

Chồng chị Xuân là anh Trần Văn Đông (55 tuổi), vì muốn kiếm tiền nuôi con mà đã không ít lần bị tai nạn lao động phải vào viện cấp cứu. 

Nói về tương lai, chị Xuân ngậm ngùi chia sẻ: “Chúng tôi chẳng dám nghĩ tới chuyện xa xôi, chỉ biết sống được ngày nào thì phải lo lắng cho con ngày đó. Số phận đã vậy biết phải làm sao. Chỉ mong khi chúng tôi không còn trên đời, sẽ có người thay chúng tôi chăm sóc chúng”.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Thoa – Trưởng thôn Đạc 9 (Thọ Xuân) cho biết, gia đình chị Trần Thị Xuân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, là hộ nghèo nhất của vùng. Trong những năm qua, thôn xóm vẫn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và giúp đỡ gia đình, chia sẻ để gia đình bớt khổ.

Niềm tin vẫn sáng

Mặc dù sinh ra không được may mắn nhưng Son và Thành vẫn có thể nói chuyện được bình thường. Trò chuyện cùng các em, chúng tôi nhận thấy một niềm yêu đời đáng nể. Hai em hồn nhiên nói về những ước mơ của mình khiến người nghe không khỏi xót xa.

Thành và Son chia sẻ: “Ngày nhỏ, chúng em mong có được đôi chân lành lặn để đi học. Lớn lên, em ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang. Lớn lên chút nữa, em mong có bạn bè để trò chuyện và đến bây giờ khi những ước mơ kia đã quá xa xôi thì chúng em ước mơ duy nhất một điều là có tiền mở một cửa hàng bán sim thẻ điện thoại để phụ giúp cha mẹ kiếm tiền trang trải cuộc sống, để chúng em được sống thêm một ngày là lại được nhìn thấy cha mẹ thêm một ngày".


Son và Thành vẫn ngày ngày chống lại bệnh tật để mong được nhìn thấy cha mẹ.

Chia tay hai em, chúng tôi chỉ biết động viên gia đình cùng các em mạnh khỏe, mong sao ước mơ nhỏ nhoi của hai em sẽ được các nhà hảo tâm thắp sáng, giúp các em san sẻ những thiệt thòi của cuộc đời.

Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm xin gửi về:
Chị Trần Thị Xuân 
Địa chỉ: xóm Đạc 9, Cụm 5, Thọ Xuân, Đan Phượng, Hà Nội
Số điện thoại: 0989070435.