Bắn pháo hoa là xem thường người nghèo?

PL Tp.HCM, Theo 10:11 11/01/2015

Sau chương trình bắn pháo hoa mừng năm mới dương lịch, có rất nhiều ý kiến trái chiều rằng sao không để tiền đó giúp người nghèo. Phải chăng tư duy về hưởng thụ tinh thần của người dân có vấn đề?

Nhìn nhận cách thức người dân phản ứng trước việc chi dùng cho các hoạt động tinh thần như bắn pháo hoa mỗi dịp lễ, tết là lãng phí và “ngồi xổm” trên nỗi đau của người nghèo, PGS-TS Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học) bày tỏ: “Xét cho cùng, cái đó không xúc phạm gì người nghèo mà nó cũng thể hiện thái độ, tình cảm vì sự nghiệp chung”.

Mất niềm tin nên cái gì cũng phản đối

. Phóng viên: Thưa ông, tại sao những hoạt động hướng tới việc hưởng thụ về tinh thần cho số đông người dân lại vẫn thường bị chê trách là lãng phí, là không công bằng với người nghèo?

+ PGS-TS Trịnh Hòa Bình: Đúng là mỗi khi chúng ta có các hoạt động phục vụ đời sống tinh thần có tính chất hưởng thụ văn hóa cao cấp thì thường người ta đưa ra ý kiến trái chiều. Về các ý kiến phản đối, theo tôi điều này phản ánh tâm trạng của người dân. Họ vốn đã mất niềm tin và không hài lòng với chi tiêu từ khu vực công cho những dịch vụ kiểu đó do sự thất thoát. Bên cạnh đó là tâm lý có sự đối sánh giữa mức sống, giữa điều kiện hưởng thụ, giữa tình hình thu nhập của những nhóm yếu thế so với tầng lớp trên đang có vấn đề.

. Theo ông, vấn đề đó là tốt hay xấu?

+ Chúng ta có sự nhầm lẫn giữa hưởng thụ đời sống tinh thần với sự thỏa mãn ngày một toàn diện hơn, cao cấp hơn của quần chúng nhân dân, của toàn xã hội. Trong bối cảnh đó, người ta không sử dụng nguồn công ích mà là sử dụng các nguồn xã hội khác, như ủng hộ của nhà hảo tâm hoặc nhà kinh tế đứng danh nghĩa cá nhân… để làm vui lòng toàn thể xã hội.

Xét cho cùng, cái đó không xúc phạm gì người nghèo mà nó cũng thể hiện thái độ, tình cảm vì sự nghiệp chung. Có điều chúng ta cần phân biệt, ở đây có sự khu trú, khu biệt trên cơ thể phân tầng xã hội.

Bắn pháo hoa là xem thường người nghèo? 1
Người nghèo dẫu đang khó khăn vẫn có nhu cầu xem pháo hoa.  

Chống đói nghèo không phải một sớm một chiều

. Về quan điểm cá nhân, tại sao ông ủng hộ việc chi tiêu vào những hoạt động cung cấp nhu cầu hưởng thụ về tinh thần như thế?

+ Hệ thống nhu cầu xã hội có nhiều tầng bậc. Người ta hay chạnh lòng nghĩ việc đó chỉ dành cho những ai được ưu ái hưởng thụ cao cấp, người nghèo không được hưởng. Tuy nhiên, ý kiến này chỉ đúng khi người ta chết đói. Lúc đó người ta không có nhu cầu sử dụng những dịch vụ cao cấp. Còn khi dịch vụ được sử dụng để làm vui lòng tất cả tầng lớp một cách miễn phí thì không có cớ gì chúng ta lại phản đối hay ngăn cấm.

. Vậy cụ thể hơn, ông bình luận thế nào về ý kiến: “Nên để dành số tiền đó cho người nghèo”?

+ Chúng ta không thể dùng người nghèo để mà khu trú, tẩy trừ, tẩy chay nhu cầu của một bộ phận đã khá giả, tăng trưởng. Bao giờ nhóm nghèo khó cũng có hệ thống chính sách xã hội mang tính chất bảo trợ. Bên cạnh đó vẫn có những chương trình từ thiện giúp đỡ những cảnh khổ. Nhưng trong cuộc chơi không thể một sớm một chiều giải quyết ngay tắp lự từng hộ nghèo khó. Nếu giải quyết được thì việc gì chúng ta không tập trung mọi nguồn lực, mọi hướng để giải quyết một lần cho xong. Chẳng qua đấy là cuộc chiến lâu dài, người ta không thể chờ khi nào giải quyết xong được rồi thì cộng đồng xã hội mới được hưởng thụ. Không thể nào nói bắn pháo hoa là ngồi xổm trên nỗi đau của người nghèo được, nên nhớ người nghèo dẫu đang đói khổ người ta vẫn thích nhìn ngắm pháo hoa đấy chứ. Tuy nhiên, đối với họ, nếu phải lựa chọn một nguồn lực nào đó từ Nhà nước thì để tồn tại, họ vẫn ưu tiên hơn so với việc ngắm pháo hoa mà thôi.

Bày tỏ yêu người này cốt để ghét người kia

. Ông có nói đến một trong những lý do để người dân phản ứng đó là vì họ mất niềm tin vào những hoạt động tương tự của Nhà nước. Ông có thể giải thích thêm về điều này?

+ Đúng thế. Niềm tin xã hội chúng ta xuống cấp. Cách đây hơn một tháng rưỡi chúng tôi có thực hiện một hội thảo quốc tế cùng với các bạn đến từ Ba Lan. Hội thảo cũng đặt rất nặng vấn đề niềm tin xã hội. Theo đó, tôi cho rằng niềm tin xã hội phải được khởi phát từ những gì vững chắc và phải có sự thuyết phục. Sự gương mẫu của những người có vai trò lãnh đạo đóng vai trò rất lớn. Khi niềm tin của người dân đã bị thất thoát thì họ có tâm lý nghi vấn những hoạt động tử tế tương tự và quay ra tự chăm lo cho mình.

. Thực tế niềm tin xã hội vẫn đang hiện diện trong đời sống chúng ta đấy chứ, như niềm tin của người dân dành cho đội bóng U19 Việt Nam… chẳng hạn?

+ Bạn phải hiểu rằng khi người ta trình bày niềm tin, lòng yêu thích với một nhóm nào đó là họ cốt biểu đạt sự mất niềm tin, sự thất vọng với nhóm khác. Không phải họ đặt niềm tin vào U-19 vì U-19 quá tuyệt vời mà qua đó bày tỏ sự thất vọng với nền bóng đá Việt Nam. Thậm chí họ cố tình nhấn nhá tình yêu đó giống như sự phủ định với cái đã thuộc về tình yêu của họ. Người ta trình bày quan điểm yêu với người này cốt để nói ghét người kia. Xã hội phương Đông mình đặc biệt giáo dục mang tính nêu gương mà.

. Lại nói chuyện nêu gương, ông nghĩ gì khi mỗi kỳ hoa hậu Việt Nam đăng quang thì hoa hậu luôn bị đặt nặng vấn đề làm từ thiện? Phải chăng hoa hậu cũng cần phải noi gương về việc làm từ thiện?

+ Xét về bản chất vấn đề, không ai định nghĩa rằng hoa hậu phải làm từ thiện. Hoa hậu chỉ là hoa hậu mà thôi, có nghĩa là cô ấy tiêu biểu cho vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam. Vẻ đẹp ở đây có thể bao gồm vẻ đẹp tâm hồn, thể chất, hình thể… nhưng phải là đỉnh điểm của cái đẹp. Tuy nhiên, xã hội chúng ta mà kể cả xã hội khác, người ta vẫn hay nhấn mạnh người đẹp phải gắn với hoạt động hướng tới chân-thiện-mỹ. Cái đẹp, cái đúng, cái tốt phải trở thành một bộ với nhau… Vì thế ở ta hay “giao nhiệm vụ” cho họ một cách không chính thức là đã đẹp thì phải làm từ thiện và những ai không làm thì bị chê trách. Nhưng nên nhớ chuyện làm từ thiện chỉ là cái phái sinh, cái kéo theo.

PGS-TS NGUYỄN HỒI LOAN, khoa Xã hội học, ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội:

Quy ra vật chất, con người trở nên tầm thường

Tôi nghĩ tâm lý lên án bắn pháo hoa là lãng phí có xu hướng đánh đồng mọi nhu cầu của con người trong xã hội vào với nhau. Mỗi người có một nhu cầu, mà hiện nay đại bộ phận người dân đã qua thời kỳ có nhu cầu hưởng thụ đơn giản về ăn mặc ở… thì họ đương nhiên có nhu cầu tiến xa hơn về tinh thần. Doanh nghiệp họ làm những việc phục vụ công chúng như thế dĩ nhiên họ cũng có mục đích của họ. Đừng xét đoán quá nặng về tính mục đích mà nên nhìn nhận ở việc họ làm được cho người dân. Cái gì cũng đem quy ra vật chất, so sánh với vật chất thì con người trở nên tầm thường đi.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày