Bà cụ 80 tuổi suốt 15 năm dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo

, Theo Trí Thức Trẻ 06:01 11/06/2014

Ở cái tuổi đáng ra phải được dưỡng già nhưng bà vẫn ngày ngày cặm cụi lên lớp “dòm ngó” lũ trẻ và chăm bẵm cho chúng từng chút một - những thứ mà bà luôn cho rằng tất cả trẻ con đều đáng được hưởng.

Đó là câu chuyện cổ tích về cụ bà Lữ Thị Lệ Nương (tên thường gọi là bà Mười) – nay năm đã ngoài 80 tuổi. Bà Mười hiện đang phải nằm viện ở Bệnh viện Quân y 7A (phường 8, quận 5, TP.HCM) vì chứng thoái hóa khớp, gai cột sống.


Bà Mười là người "cứu" tương lai cho rất nhiều trẻ em nghèo ở khu quận 7 - (Ảnh: Internet).

Chị Phượng (người quản lý lớp học tạm thời trong lúc bà Mười nằm viện) cho biết: “Trong một lần đạp xe từ nhà ra lớp học, bà bị mấy thanh niên phóng nhanh vượt ẩu đụng phải khiến bà ngã xe. Cứ ngỡ không sao, bà cố gắng ở nhà để sắp xếp mọi việc cho bọn nhỏ, đến lúc thấy sức khỏe tệ quá mới chịu bỏ việc ở lớp học để đi bệnh viện. Không ngờ bà bệnh nặng phải ở lại chữa trị mấy tháng chưa về. Ở đây ai cũng thương và lo cho bà...”.


Bảng nội quy của lớp học do bà Mười lập ra.



Một cô bé ở lớp học của bà Mười may mắn hơn các bạn khác khi có được bộ đồng phục học sinh này.


Các em học sinh vào lớp dưới sự hướng dẫn của cô giáo tình nguyện viên.

Được biết, ý tưởng xây dựng lớp học tình thương cho trẻ em nghèo, lang thang, cơ nhỡ của bà xuất phát từ một ngày của năm 1988, khi bà đang trên đường đi chợ về và vô tình gặp một nhóm trẻ đang ngồi tập đánh vần, viết chữ dưới sự hướng dẫn của các thanh niên tình nguyện mùa hè xanh. 

Xúc động trước hình ảnh những đứa trẻ lang thang nhem nhuốc ngồi chăm chú trước những con chữ, bà quyết định tham gia vào công việc mới với vai trò đi quyên góp tập vở, bút viết cho lũ trẻ. Rồi từ đó, với mong muốn “đứa trẻ nào cũng được đến trường” - lớp học tình thương của bà Mười được thành lập, một lớp học đặc biệt chuyên dành cho những đứa trẻ lang thang bụi đời, những đứa trẻ trên ghe của dân vạn chài bên bến sông quận 7.

Trả bài đầu giờ cho cô giáo

Các bé đang học lớp 3 chăm chú nghe giảng bài.


Chăm chú với từng con chữ
.


Giờ ra chơi, các em học sinh mua bánh từ bên ngoài...



... hoặc đạp xe vòng quanh sân biểu diễn
.


Có những tốp chuyện trò về việc hôm qua buôn bán thế nào, có mắc mưa không, có hết vé số không...


Trải qua nhiều khó khăn, thay đổi, hiện nay lớp học đã được chính quyền cấp cho một vị trí ở số KE 45 Huỳnh Tấn Phát, quận 7 (gần chợ Tân Thuận) và trở thành cái tên Trung tâm học tập cộng đồng phường Tân Thuận Tây khá “oách”. 

Nhận “đất”, bà Mười một mình gói ghém vận động các mạnh thường quân và kêu gọi tình nguyện viên cùng nhau xây dựng cơ sở vật chất cho lớp học. Người góp bàn, người góp ghế, người đóng tủ sách, người tặng quạt máy... Tất cả những cố gắng to lớn của bà và sự giúp đỡ nhiệt tình của mọi người đã được đền đáp bằng thành quả là hai lớp học khang trang ra đời với đầy đủ trang thiết bị phục vụ lũ trẻ.






Đa số lũ trẻ ở đây đều phải đi lao động kiếm sống giúp đỡ gia đình sau giờ học
.

Các bạn tình nguyện viên ở đây đa số là các sinh viên của các trường đại học trong thành phố. Toàn bộ đều làm không công dù đường đến trường học khá xa và để dạy dỗ được lũ trẻ tinh nghịch này không phải là một chuyện dễ làm. Một số thầy cô có tuổi và có kinh nghiệm giảng dạy cũng được bà Mười mời về dạy học cho các em lớp lớn và chuẩn bị thi lên lớp. Với số tiền hổ trợ ít ỏi vài trăm ngàn đồng/tháng nhưng các thầy các cô vẫn nhiệt tình và đam mê với công việc giảng dạy thiện nguyện của mình suốt nhiều năm nay.

Trung bình mỗi lớp học sẽ có khoảng 10 - 15 em học sinh nhưng mức độ đến lớp của các em rất bấp bênh, tùy theo công việc và sự cố gắng của mỗi em. Trường của bà Mười có riêng từng lớp cho trẻ từ lớp 1 đến lớp 5, phụ thuộc vào trình độ của từng em và nếu siêng năng - học tốt, học sinh ở đây vẫn có bằng cấp của chính quyền cấp như các học sinh ở trường khác. 

Tính đến nay, lớp học đã dạy được rất nhiều trẻ cơ nhỡ, giúp chúng biết đến con chữ và tránh được nhiều tệ nạn xã hội bên ngoài khi không được dạy dỗ tận tình. Một số em siêng năng, đến lớp thường xuyên còn được bà lo cho thi lên lớp và có bằng cấp hẳn hoi. 

Ngoài ra, để vận động những đứa trẻ ngỗ nghịch ham chơi lêu lỏng đến lớp, bà phải vất vả đạp xe đến từng ngõ ngách vận động cha mẹ chúng, lên từng chiếc ghe, con thuyền để phân tích thiệt hơn cho tương lai lũ trẻ. Bà một mình đến các cấp chính quyền trình bày và xin làm giấy khai sinh, thẻ học sinh, thẻ xe buýt cho từng đứa trong lớp học để chúng có đầy đủ giấy tờ và hưởng các chế độ đãi ngộ của nhà nước. Tất cả đều là tự nguyện và bà Mười đã trở thành một người hùng như thế.


Đồ dùng học tập được các bé giữ gìn cẩn thận.


Nắn nót từng con chữ cho các bé.


Lớp 4 hôm nay đi học chỉ có 2 bạn nhưng thấy giáo tình nguyện viên vẫn dạy rất chu đáo
.


Tủ sách truyện dành riêng cho các em

Nói về mong ước của mình, bà Mười bùi ngùi chia sẻ: “Tôi chẳng mong gì hơn là các em các cháu đến lớp đông và đầy đủ để học con chữ, cái nghĩa mà ra đời. Có kiến thức, bọn nhỏ mới mong thoát nghèo và cư xử với nhau cũng văn hóa hơn. Tôi già yếu rồi, nằm viện nhiều tháng chưa thấy bác sĩ cho về nên cũng rất lo tương lai mình không gánh nổi cho lớp. Mong rằng có ai đó thay thế tôi làm tiếp việc này để lũ trẻ còn có nơi mà nương vào khi chúng còn muốn đến lớp...”

Ảnh: Taro