4 ngôi chợ nổi tiếng có tên bắt đầu bằng chữ "Bà" ở Sài Gòn

Tứ Quý, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 05/10/2015

Học giả Trương Vĩnh Ký cho rằng, Bà Chiểu, Bà Hom, Bà Điểm và Bà Quẹo đều là vợ của vị tướng Lãnh Binh Thăng và 4 ngôi chợ có tên trên được đặt theo tên các bà vợ.

Những địa danh như chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Bà Hom (quận Bình Tân), Bà Điểm (huyện Hóc Môn) và Bà Quẹo (quận Tân Bình) dường như đã quá quen thuộc với người dân Sài Gòn từ xưa đến nay. Mặc dù có một số địa danh không còn giữ cái tên này nữa nhưng vì lịch sử gắn liền với hàng trăm năm nên người dân vẫn quen gọi theo tên cũ. 

Theo học giả Trương Vĩnh Ký - một trong số các học giả nổi tiếng ở thế kỉ 19, bà Chiểu, bà Hạt, bà Hom, bà Điểm, bà Quẹo đều là vợ của một vị tướng có tên Lãnh Binh Thăng. Vị tướng này có tên thật là Nguyễn Ngọc Thăng (1798-1866), là một võ tướng của nhà Nguyễn thời vua Tự Đức. Ông được phong lãnh binh trong quá trình tham gia chống thực dân Pháp ở lục tỉnh Nam Kì. Tương truyền những vị quan thời xưa thường có đa thê, vì thế vị tướng lĩnh này cũng không phải ngoại lệ với 5 người vợ. 

Để tránh các bà vợ không đụng nhau thường xuyên, dễ bất hòa nên ông Lãnh Binh Thăng áp dụng phương pháp kinh tế tự túc từ thế hệ trước đó để xây cho mỗi bà một cái chợ để tự cai quản. Theo đó, vị lãnh binh đã lập 5 ngôi chợ nằm ở cách xa nhau và đặt tên theo tên các bà vợ. 

Trong khi học giả Trương Vĩnh Ký cho rằng 5 ngôi chợ có tên được đặt theo những bà vợ của vị tướng Lãnh Binh Thăng, còn theo một số học giả khác cũng như một số tài liệu ghi chép lại cho biết chỉ là tên của một vùng đất do những người phụ nữ khai hoang mở cõi. 

1. Chợ Bà Chiểu

Nói về lịch sử có tên chợ Bà Chiểu (thuộc khu vực trung tâm quận Bình Thạnh, TP. HCM) theo nhà văn Sơn Nam (nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng ở Việt Nam) thì Bà Chiểu là tên vùng đất, chỉ mới xuất hiện thời vua Tự Đức. Từ "Chiểu" ở đây có nghĩa là ao nước thiên nhiên, còn Bà Chiểu là một nữ thần được thờ bên ao thiên nhiên.

cho ba chieu-248ea
Chợ Bà Chiểu ngày xưa... - Ảnh tư liệu

1-248ea
Và ngày nay vẫn luôn nhộn nhịp suốt cả ngày.

Chợ Bà Chiểu được xây dựng từ năm 1942 với tổng diện tích 8.465 m2, nhưng đến năm 1987 thì được nâng cấp sửa chữa. Chợ Bà Chiểu được chia làm 8 khu chính, bố trí cho gần 800 hộ kinh doanh 40 ngành hàng.

2. Chợ Bà Hom

Ngôi chợ đã được xây mới sau năm 2012, tọa lạc tại phường Tân Tạo (quận Bình Tân, TP. HCM). Trước khi được xây mới, chợ Bà Hom là chợ tự phát Hồ Văn Long, chủ yếu phục vụ cho công nhân của các khu công nghiệp ở đây. 

cho ba hom chup 2012-248ea
Chợ Bà Hom cũ trong khung cảnh tấp nập - Ảnh tư liệu chụp trước năm 2012.

4-248ea
Chợ Bà Hom hiện tại được xây dựng khang trang.

Cũng như các chợ khác mang tên "Bà" nhưng Bà Hom không được cho là vợ của tướng Lãnh Binh Thăng như học giả Trương Vĩnh Ký mà theo sách cũ ghi chép về Sài Gòn, Bà Hom có lẽ do Bàu Hom (bàu ngâm hom tre) nói chệch, vì Bàu Bèo, Bàu Hói, Bàu Môn cũng nói chệch thành Bà Bèo, Bà Hói, Bà Môn. Năm 1986 còn có một cái bèo nơi đây nhưng sau đó đã được lấp.

Sau này có chợ tự phát ở khu vực này cũng như một ngôi chợ mới được xây lên cũng đặt tên Bà Hom theo vùng này.

3. Chợ Bà Điểm

Chợ Bà Điểm thuộc xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn, TP. HCM), theo tài liệu thì vùng này xưa kia nhiều rừng hoang sơ, cọp dữ. Canh ba, canh tư, dân gánh nông sản về Bến Nghé bán phải đi thành đoàn, đốt đuốc chống cọp. Bên cạnh đó, bên đây cũng là vùng trồng nhiều trầu cau với tất cả 18 thôn đều trồng loại cây này.

cho ba diem-248ea
Chợ Bà Điểm ở thời điểm hơn 1 thế kỷ trước - Ảnh tư liệu.

3-248ea
Chợ Bà Điểm hiện tại, đặc sản bán tại đây là trầu cau.

Bà Điểm là chợ đầu mối về trầu, cau cho Lục tỉnh từ thế kỷ 19 cho đến cuối thập niên 1980. Giữa thập niên 1990 vẫn còn bến xe ngựa. TS. Lê Trung Hoa - Nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, cho rằng bà Điểm là chủ quán bán nước chè đầu tiên ở vùng này nên từ đó về sau này được gọi là vùng Bà Điểm. Về sau khi thành lập xã cũng đặt tên Bà Điểm và ngôi chợ lớn nhất nằm trong xã cũng đặt tên này.

4. Chợ Bà Quẹo

Chợ hiện nay được đổi tên thành chợ Võ Thành Trang, nằm trên đường Trường Chinh (đường Lê Văn Duyệt nối dài cũ, sau ngày 30/4 đổi là Cách Mạng Tháng Tám, sau lại đổi là Trường Chinh) thuộc 14, quận Tân Bình, TP. HCM.

Chợ Bà Quẹo thành lập từ năm 1967, với diện tích hơn 2.000 m2 theo kiểu nhà lồng, nằm lọt sâu giữa hai lối nhà cửa là những quán tiệm sạp hàng. Mặc dù sau năm 1975, chợ Bà Quẹo đã đổi tên thành Võ Thanh Trang nhưng hiện tại cái tên Bà Quẹo vẫn được người dân nhắc đến nhiều. 

cho ba queo-248ea
Chợ Bà Quẹo năm xưa - Ảnh tư liệu.

2-248ea
Sau năm 1975, chợ Bà Quẹo đổi thành chợ Võ Thành Trang.

Lý giải về tên Bà Quẹo theo học giả Vương Hồng Sển viết trong sách Sài Gòn xưa, tên này là do bị đọc chệch từ chữ Bờ Quẹo hoặc Bàu Quẹo. Trong sách, học giả này lý giải vì đường Thiên Lý cũ ngày xưa (khu Bà Quẹo) có một khúc quẹo rất rõ ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh có Cống Quẹo, ở xã Cần Thạnh, huyện cần Giờ, TP. HCM.

Ngoài 4 khu chợ này, còn có 1 khu chợ nữa cũng bắt đầu bằng chữ bà - chợ Bà Hạt (ở quận 10). Bà Hạt cũng là vợ của Lĩnh Binh Thăng và là người có công phát triển nghề bán bạc hà ở quận 10. Tuy nhiên, khu chợ này hiện không còn hoạt động.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày