“Wonder Woman” gây dậy sóng ở Nhật với giọng lồng tiếng "Sailor Moon"

Chi Lanh, Theo Trí Thức Trẻ 07:46 05/08/2017

Khi công chiếu tại Nhật, đoạn trailer của “Wonder Woman” đem lại cảm giác hoàn toàn khác so với bản gốc và làm dấy lên tranh cãi về định kiến đối với nữ siêu anh hùng tại đây.

Ở Nhật có một thuật ngữ điện ảnh gây tranh cãi không ít với tên gọi "kawaii treatment", để chỉ hiện tượng những nhân vật nữ anh hùng quá phá cách và gai góc sẽ khó có thể ra mắt đúng với ý tưởng ban đầu.

Hai ví dụ tiêu biểu nổi tiếng nhất về hiện tượng này là nhân vật nữ đầu tiên được làm thủ lĩnh trong một bộ manga shounen (truyện tranh dành cho nam thanh thiếu niên) Cutie Honey và bóng hồng duy nhất trong băng siêu trộm Lupin III Fujiko Mine. Cả hai nhân vật này khi ra mắt trong nguyên tác đều gây ấn tượng mạnh vì cá tính mạnh và sự nhạy bén của mình. Tuy nhiên, khi người ta quyết định chuyển thể thành phim, kỳ lạ thay các cô gái này đều được "gắn thêm" yếu tố đáng yêu, dễ thương về tính cách hoặc ngoại hình, trở thành các biểu tượng sexy một-cách-chính-chuyên-và-kín-kẽ trên màn ảnh rộng.

Cutie Honey và Fujiko Mine trong phiên bản live-action

Chuyện gì đã xảy ra? Câu trả lời chính là nằm trong chiến lược marketing, hoặc là do nhà làm phim đã nhượng bộ đối với thị hiếu chung của công chúng khi người dân xứ hoa anh đào không muốn xem một nhân vật nữ quá quyết đoán. Khi Wonder Woman đến Nhật, có phải chăng người phụ nữ từng vực dậy DC Universe cũng chấp nhận hòa tan vì bài toán lợi nhuận?

Gần đây trong một cuộc tranh luận về khác biệt văn hóa, các amekomi (fan truyện tranh Mỹ tại Nhật Bản) đã thể hiện sự bất bình của mình trong đoạn trailer Wonder Woman ở thị trường xứ Phù Tang. Phần dẫn truyện dưới giọng đọc của Kotono Mitsuishi, diễn viên từng lồng tiếng cho tượng đài nữ anh hùng của người Nhật Sailor Moon, khiến fan của Wonder Woman không hài lòng vì ba điểm sau:

1. Wonder Woman (Gal Gadot đóng) lớn lên ở một hòn đảo biệt lập chỉ có nữ giới và chưa từng giao tiếp với đàn ông.

2. Cô ấy chưa từng biết yêu.

3. Wonder Woman ngây ngô, dễ mến ở thế giới con người.

Trailer gây tranh cãi của Wonder Woman tại Nhật Bản với bản có "giọng Sailormoon"

Khán giả Nhật đã gọi đoạn trailer này là một "điều tồi tệ nhất" (saitei) để nhấn mạnh sự khác biệt hiển nhiên giữa một hình tượng Wonder Woman là cảm hứng cho nữ quyền trên thị trường quốc tế và việc cô ấy bị biên tập để trở thành một hình tượng nữ giới ngây thơ, lý tưởng trong trí tưởng tượng của giới đàn ông khi xuất hiện ở phòng vé Nhật.

Trailer "Wonder Woman" được lồng giọng nam tại thị trường Nhật Bản sau khi trailer "giọng Sailor Moon" bị chê tơi tả

Hãng phát hành Warner Bros Nhật Bản đã có động thái phản hồi. Đoạn trailer chính thực hiện tại đã điều chỉnh lại những chi tiết bị cho là ngớ ngẩn hóa tính cách của Wonder Woman và đoạn dẫn chuyện đã được thay bằng... giọng nam. Thế nhưng, các chi tiết thể hiện sự đáng yêu vẫn còn đó. Có lẽ, đã đến lúc các nữ siêu anh hùng phim hành động ở Nhật được "giải phóng" khỏi những khuôn mẫu đã lạc hậu và có cơ hội được bộc lộ chính mình, như cái cách mà Wonder Woman đã quyến rũ cả thế giới.

Wonder Woman chính thức ra mắt tại Nhật từ ngày 25 tháng 8

Nếu bạn bỏ qua đoạn trailer gây tranh cãi, đây vẫn là một phim điện ảnh đáng xem. Một số khán giả tuyên bố sẽ tẩy chay phim, tuy nhiên đó chỉ là giải pháp mua dây buộc mình. Làm sao bạn có thể bỏ lỡ một bom tấn dưới sự dẫn dắt tài tình của Patty Jenkins và một hình tượng nữ siêu anh hùng đặc sắc được tạo ra dưới ngòi bút tinh tế của bốn người đàn ông viết nên kịch bản?

Theo Kaori Shoji, Japantimes