Vượt trầm cảm, cô gái Việt từng sống sót hy hữu qua bão tuyết Nepal nhận HB toàn phần tại Mỹ

Duy Won - Design: Linh Phương, Theo Trí Thức Trẻ 17:06 01/02/2018

Võ Thị Mỹ Linh - cô gái với câu chuyện vượt qua cơn bão tuyết Nepal thần kỳ vừa được trường đại học hàng đầu tại Mỹ cấp học bổng du học bậc thạc sĩ toàn phần.

Võ Thị Mỹ Linh không phải là cái tên xa lạ với cộng đồng mạng Việt Nam. Cô gái sinh năm 1989 này từng được rất nhiều người biết đến khi đã sống sót kỳ diệu qua bão tuyết ở Nepal. Mỹ Linh tốt nghiệp ĐHKHXH&NV TP. HCM. Năm 2014, Linh trở thành một tình nguyện viên dạy học tại Ấn Độ và Nepal sau khi từ bỏ công việc hiện tại.

Mới đây, Mỹ Linh đã khiến nhiều người chú ý khi đạt học bổng du học toàn phần của ĐH Duke (Mỹ). Đây là ĐH đứng top 17 thế giới năm 2018. 

Mỹ Linh đã trải qua 2 kỳ thi (IELTS và GRE), viết tổng cộng 7 bài luận (4 bài luận cho hội đồng Rotary International và 3 bài luận cho Duke) và trải qua 2 vòng phỏng vấn để thuyết phục hội đồng Rotary International (một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các hoạt động giáo dục và xã hội) hỗ trợ tài chính để ĐH Duke chấp nhận cô vào học.

ĐH Duke hỗ trợ học phí toàn phần 53.744 USD/năm (khoảng hơn 1,2 tỉ) và 1.700 USD/tháng (khoảng 38 triệu) cho chi phí ăn ở. Linh may mắn trở thành một trong 10 thí sinh được chọn sau khi may mắn vượt qua các ứng viên đến từ các quốc gia phát triển như Úc, Thụy Điển, Đức... Cô sẽ theo học chuyên ngành International Development Policy (Chính sách phát triển quốc tế). Học bổng này còn tạo cơ hội cho cô được thực tập ở cơ quan Liên Hiệp Quốc hoặc Ngân hàng thế giới.

Vượt trầm cảm, cô gái Việt từng sống sót hy hữu qua bão tuyết Nepal nhận HB toàn phần tại Mỹ - Ảnh 1.

Chân dung Võ Thị Mỹ Linh.

Linh là cô gái sống sót thần kỳ sau trận bão tuyết Nepal khiến ít nhất 40 người thiệt mạng và nhiều người đến nay vẫn mất tích ở dãy núi Annapurna (Nepal) vào ngày 14/10/2014. Tháng 12/2014, Mỹ Linh lại gây sốt với bức thư gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, chỉ ra những thiếu sót trong chương trình giảng dạy tiếng Anh cho học sinh Việt Nam.

Từ năm 2015, Mỹ Linh sáng lập và điều hành tổ chức phi lợi nhuận Volunteer House Vietnam (VHV) cung cấp lớp học tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo. Dự án đã xây dựng được 3 trường học khang trang cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Điện Biên với tổng trị giá trên 45,000 USD, tổ chức nhiều chương trình gây quỹ cho người nghèo cũng như hợp tác với các tổ chức quốc tế đưa tình nguyện viên nước ngoài về Việt Nam giảng dạy.

Vượt trầm cảm, cô gái Việt từng sống sót hy hữu qua bão tuyết Nepal nhận HB toàn phần tại Mỹ - Ảnh 2.

Linh trong thời gian làm tình nguyện viên dạy học tại Nepal

Du học do bị trầm cảm

Động lực nào khiến Linh quyết định làm hồ sơ đi du học Mỹ?

Năm 2016, sau một khoảng thời gian điều hành tổ chức phi lợi nhuận do chính mình sáng lập rồi làm CEO cho một dự án du lịch, tôi rơi vào trầm cảm do bị áp lực từ nhiều phía. Tôi quyết định gác lại tất cả, đi du lịch với mục đích học hỏi từ bạn bè khắp nơi trên thế giới như cách mà tôi đã học trong chuyến đi đầu đời ở Ấn Độ. Nhưng gần cả năm rong ruổi ở Mỹ và Mexico, tôi không có nổi một người bạn.

Tối đến, tôi ngồi xuống cùng những bạn trẻ du lịch bụi như tôi, đến từ các đất nước khác nhau. Họ tự an ủi nhau hãy sống điên rồ vì tuổi trẻ có nhiêu đâu mà ngần ngại. Nhưng khi tôi hỏi họ về những dự định cho tương lai, tất cả họ đều không biết muốn trở thành gì. Tôi thấy mình ngồi sai chỗ, nói chuyện với sai người.

Tôi muốn tiếp cận, gặp gỡ những người tài giỏi, có khát khao và có mục đích sống giống tôi. Tôi nhận ra trường học là nơi có thể giúp tôi hoàn thành nguyện vọng đó. Đó chính là lý do tôi nộp đơn xin học bổng.

Vượt trầm cảm, cô gái Việt từng sống sót hy hữu qua bão tuyết Nepal nhận HB toàn phần tại Mỹ - Ảnh 3.

Quá trình chuẩn bị, hoàn thành hồ sơ cho đến khi được chấp nhận của bạn diễn ra như thế nào?

Năm 2016, trong một lần ngồi tìm thông tin từ internet, tôi thấy học bổng này thú vị lại khá phù hợp với mình nên quyết định nộp hồ sơ. Quá trình nộp hồ sơ diễn ra online và đòi hỏi tôi phải có chứng chỉ thi IELTS/ TOEFL và GRE thì tôi mới có thể hoàn tất hồ sơ. Lúc đó tôi không có chứng chỉ nào hết.

Tôi gửi email cho người phụ trách học bổng và bảo với cô ấy rằng tôi đã hoàn thành bài luận nhưng chưa có chứng chỉ nên không hoàn tất quá trình nộp đơn được. Cô điều phối viên liền kết nối tôi với bà Lyn Kenny, một trong những thành viên nằm trong hội đồng giám khảo. Sau khi đọc xong bài luận của tôi, bà Lyn Kenny liền gọi điện cho tôi và bảo bà ấy rất ấn tượng với bài luận của tôi. Bà và hội đồng quyết định sẽ tài trợ kinh phí cho tôi đi thi hai chứng chỉ trên.

Kèm theo đó, họ mời tôi qua Madison để thuyết trình trong buổi họp mặt của họ. Tôi nhớ sau buổi thuyết trình hôm đó, mọi người sau khi nghe câu chuyện tôi muốn đi du lịch để học hỏi, họ quyên góp tiền cho tôi đi tiếp và bảo nếu có khó khăn gì thì họ sẽ trợ giúp.

Lúc đó tôi chủ quan, nghĩ nếu mà hội đồng trả tiền thi cho tôi, lại còn mời tôi làm diễn giả nữa thì nghĩa là họ đã chọn tôi rồi. Nên tôi chẳng ôn thi gì cả, vả lại muốn ôn thi cũng không được do lúc đó tôi đang trên đường đi du lịch, không có sách vở gì hết.

Kết quả là điểm thi của tôi rất thấp. Tôi bị đánh rớt, và tôi đã đi lang thang trên đường khóc cả ngày hôm ấy. Tôi đọc bảng tóm tắt trình độ của các thí sinh trúng tuyển và nhận ra là mình không giỏi như mình nghĩ. Bà Lyn Kenny gọi điện động viên tôi, bảo nếu tôi muốn sang Anh học thì hội đồng vẫn hỗ trợ vì trường ở Anh không có yêu cầu gắt gao như Duke. Tôi quyết định thi lại vì tôi muốn chứng minh là tôi có thể làm được.

Vượt trầm cảm, cô gái Việt từng sống sót hy hữu qua bão tuyết Nepal nhận HB toàn phần tại Mỹ - Ảnh 4.

Chuyến đi tại Mỹ

Từ sau đó, tôi gác lại việc đi du lịch, xin đi làm tình nguyện viên cho các khách sạn ở Mỹ và Mexico để đổi lại ăn ở miễn phí. Mỗi ngày tôi làm trung bình 5 tiếng cho họ, chủ yếu là nấu ăn hoặc phụ trách làm thủ tục check-in cho khách. Thời gian còn lại tôi tập trung cho việc học. Sau 6 tháng tôi thi lại và đạt yêu cầu.

Lúc nhận được tin đậu học bổng tôi đã khóc. Không phải vì tôi được vào học trường top nọ kia, mà vì tôi nhìn lại hành trình gian khó của mình. Ai đó nói hạnh phúc là hành trình chúng ta đi qua, không phải là đích đến. Tôi thấy câu nói này đúng với bản thân tôi.

Bài luận gây ân tượng sâu sắc về bình đẳng giới và người cha làm nghề cưa bom

Được biết bài luận để apply học bổng bạn viết về chủ đề bình đẳng giới, tại sao Linh chọn chủ đề này?

Vì tôi thấy vai trò của phụ nữ chưa được đánh giá cao ở Việt Nam và đa phần mọi người đều nghĩ là phụ nữ thì nên an phận, lấy chồng và sinh con là được rồi, những thứ khác để chồng lo. Nhưng cũng chính vì như thế nên khi xảy ra chuyện gì, người phụ nữ luôn chịu thiệt thòi do họ bị phụ thuộc vào chồng và không tự lập được.

Hôm trước đi xe ôm, bác xe ôm nghe tôi bảo đi học thạc sĩ thì bảo, học cao thế sau này khó lấy chồng lắm. Dĩ nhiên là bác ấy nói đúng chứ không sai, nhưng giữa hai việc lấy chồng và theo đuổi ước mơ, tôi chọn theo đuổi ước mơ. Vì tôi biết tôi chỉ hạnh phúc nếu chinh phục được giấc mơ của chính mình.

Vượt trầm cảm, cô gái Việt từng sống sót hy hữu qua bão tuyết Nepal nhận HB toàn phần tại Mỹ - Ảnh 5.

Linh tại Mexico

Trong bài luận Linh có nhắc về người bố làm nghề cưa bom, bạn có chia sẻ gì thêm về điều này, về người bố của mình, về tuổi thơ?

Tôi không muốn nhắc nhiều về gia đình vì không muốn lấy nó ra để than nghèo kể khổ như một cách để chứng tỏ mình phi thường. Nhưng nếu ai đó cần động lực hoặc đang đổ lỗi tại hoàn cảnh, tôi muốn nói rằng tôi cũng là người đã từng trải qua những thiệt thòi như các bạn.

Năm 7 tuổi bố tôi bị tai nạn bom, năm 8 tuổi bố mẹ tôi di cư vào Nam lập nghiệp, để lại tôi và anh trai tôi sống trong căn nhà cũ ở Huế và chúng tôi phải học cách sống tự lập. Năm 14 tuổi, tôi chuyển vào Bình Phước học và sống một mình do chỗ bố mẹ tôi ở không có trường học. Tôi bị chứng bệnh tự kỷ từ đó, phần vì hoàn cảnh gia đình, phần vì áp lực học tập. Tôi chỉ thực sự lấy lại tự tin khi tôi học đại học.

Suốt cuộc đời tôi hầu như không có bố mẹ bên cạnh để dìu dắt hoặc dạy dỗ tôi phải sống thế nào. Nhưng tôi luôn nhớ câu nói của bố "Cuộc đời là của con, không phải của ai cả". Nên muốn trở thành gì hoặc muốn sống thế nào đều là do chúng ta tự quyết định.

Vượt trầm cảm, cô gái Việt từng sống sót hy hữu qua bão tuyết Nepal nhận HB toàn phần tại Mỹ - Ảnh 6.

Hành trình sống sót sau trận bão tuyết lịch sử ở Nepal (2014) có tiếp thêm cho bạn động lực nào để quyết tâm đi du học và giành lấy suất học bổng danh giá?

Sau hành trình đó tôi thấy nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ tôi vì họ nghĩ tôi là tuýp người sống điên rồ và thích đi du lịch. Tôi thích đi du lịch là đúng. Nhưng mục tiêu đi du lịch của tôi không phải để hưởng thụ cũng không phải để đánh dấu đã đi qua bao nhiêu nước, chinh phục bao nhiêu ngọn núi mà là để học hỏi và thu thập kinh nghiệm (tôi đi leo núi Nepal năm đó là để tìm hiểu kinh nghiệm mở công ty du lịch).

Tôi cũng không muốn sống điên rồ. Vì tuổi trẻ ngắn quá, nếu không dùng thời gian quý giá đó để trải nghiệm và học hỏi thì sau này mình không có kinh nghiệm để làm những thứ lớn lao hơn. Tôi muốn giải thích nhiều hơn để các bạn trẻ hiểu nhưng chưa có cơ hội. Học bổng này như một câu trả lời rõ nhất về quan điểm sống của tôi.

Vượt trầm cảm, cô gái Việt từng sống sót hy hữu qua bão tuyết Nepal nhận HB toàn phần tại Mỹ - Ảnh 7.

Linh lo sợ điều gì nhất khi lên đường đi du học, bắt đầu một cuộc sống mới?

Vì tôi đã trải nghiệm 1 năm ở Mỹ rồi nên không lo lắng gì nhiều. Có chăng là tôi thấy bản thân mình vẫn còn rất kém cỏi so với các bạn được nhận học bổng và cùng học chung với tôi. Nhưng như thế cũng hay, tôi lại càng có động lực để phấn đấu nhiều hơn.

Cảm ơn Linh đã chia sẻ.