Vừa nhạt vừa phiền chuyện trùng tên nhân vật trong phim Việt

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 08:51 10/07/2017

Chúng ta hay nói về sự phát triển của điện ảnh nước nhà, số lượng, chất lượng, thể loại, thị trường mà bỏ quên một yếu tố cũng khá quan trọng: trùng tên trong phim Việt.

Cách đây không lâu, phim Lôi Báo của đạo diễn Victor Vũ tung ra những thông tin chính thức, đủ để khán giả mường tượng về bộ phim thay cho sự mù mờ lúc trước. Trong đó, tất nhiên là có tên các nhân vật. Và bản thân tôi có phần hơi khó chịu khi lướt qua tên của nhân vật nữ chính do Nhã Phương đóng - Linh. Mất khoảng vài phút, tôi hiểu được nguyên nhân của sự khó chịu bên trong mình. Là bởi vì năm 2014, cũng trong một phim của Victor Vũ (Quả tim máu), nhân vật nữ chính do Nhã Phương đóng cũng tên là Linh.

Vừa nhạt vừa phiền chuyện trùng tên nhân vật trong phim Việt - Ảnh 1.

Linh của Lôi Báo

Vừa nhạt vừa phiền chuyện trùng tên nhân vật trong phim Việt - Ảnh 2.

và Linh của Quả Tim Máu thậm chí cũng không khác nhiều về ngoại hình

Từ chuyện trùng tên này, tôi thoảng hoặc nhận ra phim Việt mình từ lâu đã thiếu thốn sự đa dạng về tên riêng của nhân vật khá trầm trọng . Chúng ta hay nói về sự phát triển của điện ảnh Việt, về số lượng phim tăng theo lũy tiến từng năm từng tháng, về chất lượng, về diễn viên, đạo diễn, về các yếu tố thị trường, rạp chiếu mà dường như chẳng mấy khi bàn đến chuyện trùng tên trong phim Việt hay tên riêng của nhân vật. Tại sao nhỉ?

Âu Mỹ có hằng hà những tên nhân vật đặc trưng

Ôm câu hỏi đó trong đầu, tôi lật lại mớ ký ức lộn xộn của mình về các bộ phim ngoại quốc. Họ luôn có những cái tên riêng và đặc thù, đủ để mỗi khi nhắc về nhân vật nào đó, người ta sẽ biết đến bộ phim sở hữu nó. 

Vừa nhạt vừa phiền chuyện trùng tên nhân vật trong phim Việt - Ảnh 3.

Juliet & Romeo

Tất nhiên nếu lấy Romeo & Juliet để làm ví dụ thì cũng hơi áp đặt, vì tên nhân vật được mang hẳn lên tiêu đề phim. Tuy nhiên, Romeo hay Juliet lại là những cái tên rất ít khi được sử dụng lại cho những nhân vật trong các bộ phim sau đó. Chẳng rõ lý do nhưng có lẽ các biên kịch cũng tránh đặt tên nhân vật của họ trùng với 2 nhân vật này, vì khi nhắc đến RomeoJuliet thì tự khắc người ta sẽ nhớ đến RomeoJuliet của Shakespeare thay vì một phim nào khác.

Lấy những ví dụ hiện đại hơn, ta vẫn có những thứ chỉ-là-duy-nhất. Nhắc đến Tony Stark, hầu như ta chỉ có thể tìm được thông tin về Iron Man - một siêu anh hùng nổi bật của Marvel. Và hầu như cũng không có một bộ phim nào khác có nhân vật tên là Tony Stark, hoặc có thì nó cũng quá mờ nhạt để người ta có thể nhớ đến một Tony Stark không phải do Robert Downy Jr. thủ diễn. Tương tự, nhắc Steve Rogers thì chỉ có thể là Captain America, Bruce Wayne thì chỉ có thể là Batman.

Vừa nhạt vừa phiền chuyện trùng tên nhân vật trong phim Việt - Ảnh 4.

Richard Parker và Pi

Có một trường hợp khá thú vị, đó là trong phim Life of Pi, con hổ của Pi có tên là Richard Parker. Chi tiết này ngay khi xuất hiện đã được mọi người bàn tán, suy đoán vì Richard Parker là tên của cha Peter Parker trong The Amazing Spider-man. Tất nhiên, Richard Parker còn là tên của thuỷ thủ người Anh nổi tiếng ngoài đời nhưng trong phim ảnh, nó chỉ có thể là con hổ của Pi hoặc cha của Spider-man, đây là một trường hợp trùng lặp hi hữu nhưng cũng rất thú vị. Thậm chí, hầu như cũng chỉ có 1 nhân vật duy nhất có tên của số Pi.

Châu Á cũng không thiếu những nhân vật duy nhất

Vừa nhạt vừa phiền chuyện trùng tên nhân vật trong phim Việt - Ảnh 5.

Không có một Trương Vô Kỵ, Triệu Mẫn và Chu Chỉ Nhược nào khác ngoài 3 nhân vật nguyên tác của Kim Dung

Không chỉ các phim phương Tây mà điện ảnh châu Á cũng không thiếu những cái tên đặc trưng. Xét các nhân vật trong phim chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung thôi đã có thể kể ra hằng hà những cái tên duy-nhất: Quách Tĩnh, Dương Quá, Trương Vô Kỵ, Chu Chỉ Nhược, Triệu Mẫn, v.v... 

Ngay cả trong những bộ phim hiện đại, các nhà biên kịch xứ bạn vẫn có những cái tên khiến nhân vật đó trở thành đại diện cho bộ phim, chẳng hạn như Kha Cảnh Đằng, Thẩm Giai Nghi (Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi) hay Trần Tầm, Phương Hồi (Năm Tháng Vội Vã)... Ở Hàn Quốc thì có Yoo Shi Jin (Hậu duệ Mặt trời), Han Ji Eun - Lee Yeong Jae (Full House)... Tất cả đều là những cái tên không ai dám thay thế.

Vừa nhạt vừa phiền chuyện trùng tên nhân vật trong phim Việt - Ảnh 6.

Phương Hồi và Trần Tầm - Năm tháng vội vã

Vừa nhạt vừa phiền chuyện trùng tên nhân vật trong phim Việt - Ảnh 7.

Kang Mo Yeon và Yoo Shi Jin - Hậu duệ Mặt trời

Quá khó để Việt Nam có những cái tên không lẫn vào nhau?

Quay lại hiện trạng ở Việt Nam, mà cụ thể là trường hợp của Lôi Báo với Quả Tim Máu. Nếu muốn phân biệt Linh của hai phim thì buộc phải gọi kèm tên phim: Linh của Quả Tim Máu hoặc Linh của Lôi Báo. Điều này khiến tôi có cảm giác như biên kịch vốn chẳng chú tâm xây dựng nhân vật này nên thảy đại cho nó một cái tên cho có cái để phân biệt với các nhân vật khác.

Hay như Thanh Hằng cũng từng hai lần đóng vai có tên Lam (Tuyết nhiệt đới và Những nụ hôn rực rỡ). Hay hai vai nữ chính của Nụ hôn thần chếtGiải cứu thần chết đều có tên là An (Thanh Hằng và Minh Hằng). Tôi cảm thấy hơi phiền khi mình muốn nhắc đến cô An của Giải cứu thần chết thì buộc phải kèm theo cụm "của Giải cứu thần chết".

Vừa nhạt vừa phiền chuyện trùng tên nhân vật trong phim Việt - Ảnh 8.

Lam cũng là một trường hợp trùng tên trong phim Việt khá nhiều

Nếu bảo rằng tên người của nước mình hơi nghèo nàn thì lại càng sai trầm trọng. Ngoài tiếng thuần Việt, chúng ta còn có cả một hệ thống Hán Việt vô cùng phong phú để có thể sắm cho nhân vật những cái tên vừa đáng nhớ vừa đặc thù. Không phải là chưa có tiền lệ. Nếu nhắc Ngô Đồng hay Quang Hy thì chắc chắn chỉ có cặp đôi do Tăng Thanh Hà và Lương Mạnh Hải thủ vai trong Đẹp từng cm. Hay gần đây có Linh Đan (Kaity Nguyễn) và Uông Việt Hoàng (Kiều Minh Tuấn) của Em chưa 18. Hoặc sắp tới sẽ có thêm Việt An (Miu Lê) trong Cô gái đến từ hôm qua.

Vừa nhạt vừa phiền chuyện trùng tên nhân vật trong phim Việt - Ảnh 9.

Ngô Đồng & Quang Hy

Vừa nhạt vừa phiền chuyện trùng tên nhân vật trong phim Việt - Ảnh 10.

Linh Đan & Uông Việt Hoàng

Thật ra không khó để tạo ra một cái tên để phân biệt nếu lỡ như trùng nhau: chữ lót. Chẳng hạn như cô chủ Lam trong Những nụ hôn rực rỡ sẽ khiến khán giả dễ nhớ hơn cô nhà thơ Lam trong Tuyết nhiệt đới bởi cô kia có tên Phạm Thanh Lam, còn cô Lam này thì chỉ đơn giản là Lam. Đó là chưa kể nhiều trường hợp biên kịch lười suy nghĩ đến nỗi quăng luôn tên của diễn viên cho nhân vật, một chữ duy nhất và phim chiếu xong chừng hai ba năm là quên mất.

Tên riêng trong tiếng Anh/Mỹ không có nhiều chữ mang ý nghĩa hay hàm nghĩa, nhưng người ta vẫn tạo ra được những cái tên rất riêng chỉ bởi công việc đơn giản là đặt kèm họ, rồi nhắc đến nó trong phim đủ để người ta nhớ. Trong khi tiếng Việt chúng ta rất phong phú, hầu như tên nào cũng mang nghĩa. Vậy tại sao không từ tính cách hay hoàn cảnh nhân vật để đặt một cái tên phù hợp, vừa hợp lý vừa có nét riêng!?

Vừa nhạt vừa phiền chuyện trùng tên nhân vật trong phim Việt - Ảnh 11.

Christian thì nhiều, Grey cũng nhiều nhưng Christian Grey thì chỉ có chàng này thôi!

Lại quay về trường hợp của Linh. Tôi nhớ không lầm thì đây là tên nhân vật nữ được sử dụng quá nhiều trong phim Việt, đến mức nó trở thành một cái tên đại chúng và làm cho bản thân nhân vật cũng nhạt đi. Hoặc cũng có khi người ta tự động gán cái tên này cho những nhân vật vốn bị nhạt?

Vừa nhạt vừa phiền chuyện trùng tên nhân vật trong phim Việt - Ảnh 12.

Từ trái qua: Linh, Linh, Ý Linh và Thùy Linh. Bạn nhớ được mấy Linh?

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng lý do mà người ta lười suy nghĩ ra nhiều tên riêng cho nhân vật là vì nhân vật được xây dựng qua loa. Điểm lại những cái tên tạo được đặc trưng thì do cá tính nhân vật đó rõ ràng, đủ mạnh để khiến người viết ra nó hào hứng suy nghĩ một cái tên không-quá-đại-chúng. 

Vừa nhạt vừa phiền chuyện trùng tên nhân vật trong phim Việt - Ảnh 13.

Bà Phương trong Sống chung với mẹ chồng đình đám là thế cũng phải kèm hậu tố là tên phim thì người ta mới biết là ai

Thành thử, để nhân vật trong phim Việt có nhiều hơn những tên riêng tạo thành đặc trưng cho bộ phim thì chỉ có thể mong các nhà biên kịch hãy dụng công cho nhân vật nhiều hơn. Bởi chỉ khi hào hứng với sáng tạo của mình thì người ta mới có thể thăng hoa. Còn những biên kịch lười hơn thì cũng xin hãy cố gắng nghĩ thêm cho nhân vật một chữ lót, một cái tên đầy đủ để khán giả còn dễ dàng phân biệt. Gọi tên nhân vật xong còn phải kèm thêm tên phim thì vừa mệt, vừa mất hứng mà vừa gây tổn thương cho chính nhân vật đó nữa.