Vụ nữ sinh lớp 9 bị đánh hội đồng: Trách nhiệm không chỉ ở nhà trường

Hà An, Theo Vietnam+ 17:49 01/04/2019

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em cho rằng, để xảy ra vụ việc này trách nhiệm trước tiên thuộc về gia đình, sau đó là nhà trường, xã hội.

Vụ việc nữ sinh lớp 9 tại Trường Trung học cơ sở Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên bị một nhóm 5 nữ sinh khác đánh hội đồng , lột quần áo ngay giữa lớp học đang khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, cho rằng, đây là vụ việc vô cùng tàn bạo và thiếu tình người.

- Thưa ông, vụ việc nữ sinh bị bạn đánh hội đồng ngay ở lớp học đang gây chấn động dư luận. Ông cảm thấy thế nào khi biết thông tin này?

Ông Nguyễn Trọng An: Tôi rất bức xúc. Tại sao đã có rất nhiều chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các ban ngành... mà vẫn xảy ra sự việc như vậy trong môi trường học đường, mà lại diễn ra một cách rất tàn bạo. Các bạn xung quanh cổ vũ, thể hiện sự vô giáo dục, vô cảm và không có tình người của các em bé. Không hiểu đây có phải là bạn bè, là con người với nhau nữa không?

Em học sinh bị đánh hiện đang nằm trong bệnh viện. Cơ thể em bị tổn thương nhưng nguy hiểm hơn là em sẽ bị sang chấn và tổn thương tâm lý một cách khủng khiếp và nặng nề. Liệu vết thương ấy có hồi phục được không là điều không thể biết trước được. Sau những sang chấn tâm lý lớn, đã từng có những em bé bị tâm thần, bị trầm cảm, thậm chí bỏ nhà ra đi hay tự tử. Những tổn thương đó các em sẽ mang theo suốt đời.

- Theo ông, để xảy ra vụ việc đau lòng như vậy, trách nhiệm thuộc về ai?

Ông Nguyễn Trọng An: Trách nhiệm trước hết là của các bậc cha mẹ, thiếu giáo dục con cái. Chúng ta nhìn rộng ra là chúng ta không quan tâm đến giáo dục gia đình nên bỏ mặc cho trường học.

Vụ nữ sinh lớp 9 bị đánh hội đồng: Trách nhiệm không chỉ ở nhà trường - Ảnh 1.

Người dân tại Ân Thi, Hưng Yên bức xúc vì hành vi hành hung cháu H.Y (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ hai là trường học. Trong khi giáo dục gia đình không được coi trọng thì giáo viên và nhà trường biết việc học sinh bị bạn bạo hành xảy ra không phải lần đầu thì trách nhiệm của nhà trường đến đâu? Hiệu trưởng của trường đó phải chịu trách nhiệm cao nhất. Cô chủ nhiệm cần bị xử lý kỷ luật, thậm chí đưa ra khỏi ngành. Nhà trường chỉ chăm chú kiến thức còn kỹ năng hay giáo dục tình thương yêu con người chưa được quan tâm đúng mức.

Thứ ba là trách nhiệm của xã hội. Tất cả các em bé sẽ nhìn theo gương người lớn, nhưng trong xã hội, người lớn dối trá, vượt đèn đỏ, bạo lực… là tấm gương xấu cho trẻ.

Vụ này không phải là đầu tiên mà nhiều năm nay bạo lực và xâm hại trẻ em càng ngày càng gia tăng. Chúng ta có Luật trẻ em, Chính phủ đã có hẳn một nghị định riêng về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có hàng loạt các văn bản… nhưng các vụ việc đau lòng vẫn xảy ra. Điều đó chứng tỏ sự thực thi pháp luật không nghiêm.

- Vậy theo ông, giải pháp nào mới có thể giải quyết được tình trạng này?

Ông Nguyễn Trọng An: Chúng ta phải tập trung trước hết vấn đề giáo dục gia đình. Cha mẹ phải có kiến thức để hỗ trợ và bảo vệ con cái. Khi con đến trường, phải dạy con nhưng kỹ năng để bảo vệ mình không bị các bạn bạo lực hay bạo lực các bạn, giáo dục con về tình thương yêu con người.

Muốn cha mẹ có kiến thức này thì phải thông qua hệ thống cán bộ công tác xã hội tuyên truyền đến phụ huynh. Các cán bộ này cũng là những người ở địa phương, sẽ nắm rõ các trường hợp trẻ có khả năng bị xâm hại, bạo lực, như trường hợp em ở Hưng Yên bị chậm về trí tuệ, để có tư vấn kỹ hơn.

Thứ hai là trong nhà trường cần giáo dục học sinh về kỹ năng sống, về đạo đức, tình yêu thương con người. Để dạy được học sinh thì bản thân giáo viên cũng phải được đào tạo về vấn đề này. Đây là vấn đề có tính hệ thống của ngành giáo dục.

Thứ ba là xã hội. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có sự giám sát chặt chẽ hơn để thực thi nghiêm các quy định của pháp luật, tạo tính răn đe, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển tinh thần, thể chất, đạo đức cho trẻ.

- Xin cảm ơn ông!