Vụ hai tử tù trốn khỏi phòng biệt giam: Khu giam giữ được xây dựng, quản lý chặt chẽ như thế nào?

Định Nguyễn, Theo Thời Đại 15:48 14/09/2017

Trước thông tin 2 tử tù trốn khỏi phòng biệt giam tại Trại giam T16, Bộ Công an, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, đây là một sự cố hy hữu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và chưa từng xảy ra những năm gần đây.

Khu giam giữ tử tù được xây dựng, quản lý chặt chẽ như thế nào?

Liên quan đến vụ việc hai tử tù là Nguyễn Văn Tình (SN 1989, trú tại thôn Lập Thạch, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, Hà Nội) và Lê Văn Thọ (SN 1980, trú tại xóm 6 Thuỳ Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, Hải Dương) trốn khỏi phòng biệt giam Trại giam T16, Bộ Công an đêm 10/9, rạng sáng ngày 11/9, hiện cơ quan công an đã ra quyết định truy nã toàn quốc đối với hai đối tượng này.

Vụ hai tử tù trốn khỏi phòng biệt giam: Khu giam giữ được xây dựng, quản lý chặt chẽ như thế nào? - Ảnh 1.

Chân dung hai tử tù bỏ trốn. Ảnh: Công an Hà Nội

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VPLS Nguyễn Anh – Đoàn LSTP Hà Nội cho biết, trại giam nơi giam giữ người bị kết án tử hình phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về việc quản lý, giam giữ theo Luật thi hành án hình sự 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành. 

Cụ thể, theo hướng dẫn tại Thông tư 39/2012/TT-BCA quy định về quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình như sau: Trại tạm giam phải tổ chức khu vực riêng để giam người bị kết án tử hình và phải có biển ghi rõ là khu giam người bị kết án tử hình. Buồng giam người bị kết án tử hình phải được xây dựng kiên cố (theo mẫu thống nhất của Bộ Công an), bảo đảm đủ ánh sáng, có cùm chân và được trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để theo dõi, giám sát.

Vụ hai tử tù trốn khỏi phòng biệt giam: Khu giam giữ được xây dựng, quản lý chặt chẽ như thế nào? - Ảnh 2.

Trại giam T16 Bộ Công an

Sau khi Tòa án đã xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án tử hình thì Giám thị trại tạm giam phải làm thủ tục điều chuyển ngay người bị kết án tử hình vào buồng giam tại khu vực giam người bị kết án tử hình.

Khu vực, buồng giam người bị kết án tử hình phải bảo đảm yêu cầu quản lý, giam giữ nghiêm ngặt, chặt chẽ 24/24 giờ trong ngày (nếu người bị kết án tử hình là nữ thì phải bố trí cán bộ quản giáo nữ phụ trách). 

Trường hợp người bị kết án tử hình có biểu hiện tự sát, chống phá, trốn khỏi nơi giam hoặc có hành vi nguy hiểm khác thì có thể bị cùm một chân cả ngày, đêm (24/24 giờ); mỗi tuần được đổi chân cùm ít nhất một lần; mỗi ngày được mở cùm chân một lần, mỗi lần không quá mười lăm phút để người bị kết án tử hình làm vệ sinh cá nhân; trước khi mở cùm chân phải được sự đồng ý của Giám thị trại tạm giam; khi cán bộ quản giáo mở cùm chân phải có cán bộ hoặc chiến sĩ vũ trang bảo vệ giám sát chặt chẽ.

Giám thị trại tạm giam phải tổ chức tiếp nhận, kiểm tra chặt chẽ đồ tiếp tế, đồ vật, thư để phát hiện thu giữ, xử lý đồ vật cấm theo quy định. Nếu đồ tiếp tế, đồ vật, thư được phép nhận và gửi theo quy định thì phải giao lại đầy đủ cho người nhận và phải ghi vào sổ theo dõi có ký nhận cụ thể.

Trách nhiệm của Cán bộ trực tiếp quản lý phạm nhân bỏ trốn được quy định như thế nào?

Cũng theo luật sư Thơm thì đây là một sự cố hy hữu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và chưa từng xảy ra những năm gần đây.

"Đặc thù của những phạm nhân bị kết án tử bình hình thường có tâm lý tiêu cực và một số cố tìm mọi cách để giành lại sự sống. Đây là bản năng sinh tồn của con người. Một số tử tù có nhiều tiền án, tiền sự nên đã có nhiều kinh nghiệm để đối phó và dùng mọi thủ đoạn với các cơ quan pháp luật trong việc giam giữ. Mặc dù những năm gần đây, Nhà nước ta đã trang bị nhiều thiết bị công nghệ cao để quản lý việc giam giữ nhưng vẫn phải lấy con người là nhân tố chính. Một sơ xuất nhỏ do lơ là, chủ quan là dẫn tới hậu quả khôn lường bởi sự mánh khóe thủ đoạn của tội phạm", luật sư Thơm nói.

Vụ hai tử tù trốn khỏi phòng biệt giam: Khu giam giữ được xây dựng, quản lý chặt chẽ như thế nào? - Ảnh 3.

Luật sư Thơm cho rằng đây là sự cố hết sức hy hữu gây hậu quả nghiêm trọng.

Luật sư Thơm cho rằng, hành vi bỏ trốn khỏi nơi giam giữ của 2 đối tượng đã phạm tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử . Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 311 BLHS năm 1999.

"Đối với trách nhiệm của Cán bộ trực tiếp quản lý phạm nhân bỏ trốn thì cần căn cứ vào kết quả điều tra làm rõ nội dung sự việc và sai phạm của cán bộ trực tiếp quản lý. Nếu Cán bộ trực tiếp quản lý đã làm hết trách nhiệm mà người bị giam, giữ vẫn trốn được thì không phải là thiếu trách nhiệm và không phải là hành vi phạm tội .Tùy theo tính chất mức độ sai phạm có thể bị xử lý kỷ luật theo qui định của ngành hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 301 BLHS về Tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn.

Hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác trực tiếp quản lý là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã vi phạm các quy định về chế độ liên quan đến việc giam, giữ nên để cho người bị giam, giữ trốn. Ví dụ như: do lơ là, chủ quan không phân công trực 24/24, không kiểm tra các vật dụng để phạm nhân mang vào sinh hoạt dùng làm công cụ phá khóa,..", luật sư Thơm nêu rõ.

Luật sư Thơm cho biết, lỗi của cán bộ quản lý ở đây được xác định là lỗi vô ý, tức là thấy trước hành vi của mình có thể dẫn đến người bị giam, giữ trốn, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được (vô ý vì quá tự tin) hoặc người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể dẫn đến người bị giam, giữ trốn, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó (vô ý do cẩu thả).

"Nếu trường hợp có sự thông đồng từ các đối tượng đang bị giam giữ hoặc giữa các đối tượng thân quen bên ngoài với các cán bộ quản lý trại giam để cho phạm nhân bỏ trốn thì sẽ phải chịu trách nhiệm đồng phạm về Tội trốn khỏi nơi giam giữ theo Điều 311 BLHS.

Ngoài ra, nếu các đối tượng bên ngoài có sự thông đồng bằng lợi ích vật chất với các cán bộ quản lý giam giữ để cho các đối tượng bỏ trốn thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hối lộ theo Điều 289 BLHS và Tội nhận hối lộ theo Điều 279 BLHS", luật sư Thơm nói thêm.

Điều 301. Tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn

1. Người nào trực tiếp quản lý, canh gác, dẫn giải người bị giam, giữ mà thiếu trách nhiệm để người đó trốn gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội để người bị giam, giữ về một tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trốn hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 311. Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử

1. Người nào đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử mà bỏ trốn, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a ) Có tổ chức;

b ) Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người dẫn giải.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày