Vụ giải cứu tại hang Nutty Putty: nhà thám hiểm chết sau 28 giờ bị mắc kẹt chổng ngược, hang động nổi tiếng bị đóng cửa ngay sau đó

Jin.Q, Theo Helino 12:47 22/09/2018

Hành trình giải cứu nhà thám hiểm John Edward Jones mắc kẹt trong hang động Nutty Putty năm 2009 đã trở thành một câu chuyện kinh hoàng nổi tiếng đến tận ngày hôm nay.

Cái chết của John Edward Jones, 26 tuổi, xảy ra vào cuối năm 2009 sau một sự cố đáng tiếc khi thám hiểm hang động Nutty Putty, bang Utah, Mỹ. John là một nghiên cứu sinh ngành y, đã có vợ và một đứa con kháu khỉnh chỉ mới 14 tháng. 

Vụ giải cứu tại hang Nutty Putty: nhà thám hiểm chết sau 28 giờ bị mắc kẹt chổng ngược, hang động nổi tiếng bị đóng cửa ngay sau đó - Ảnh 1.

Với máu ưa thích mạo hiểm, việc khám phá hang động đã trở thành một hoạt động truyền thống của cả gia đình John từ bao nhiêu năm nay. Đáng tiếc cũng chính vì đam mê này mà John đã trả giá bằng cả tính mạng và thi thể của anh mãi mãi nằm trong lòng đất cùng với hang Nutty Putty.

Khoảng 8 giờ tối ngày 24/11/2009, chỉ vài ngày trước lễ Tạ Ơn, John cùng với 9 người khác bao gồm anh chị em, bạn bè thân thiết, đã cùng nhau đến thám hiểm hang Nutty Putty. Đối với họ, đây là một trải nghiệm thú vị và đầy phấn khích, giúp kết nối mọi người lại gần nhau hơn.

Vụ giải cứu tại hang Nutty Putty: nhà thám hiểm chết sau 28 giờ bị mắc kẹt chổng ngược, hang động nổi tiếng bị đóng cửa ngay sau đó - Ảnh 2.

Khoảng một tiếng sau khi bắt đầu thám hiểm, John quyết định tìm đến một đoạn hang có tên là Birth Canal, đây được xem là đoạn thử thách với những tay ưa mạo hiểm bởi muốn đi qua nó, người ta phải nằm bẹp xuống đất và bò thật cẩn thận. Do một sự nhầm lẫn nào đó, John lại bò đến một khúc hang vô cùng hẹp với kích thước khoảng 45x18 cm, trong khi đó John lại là một người đàn ông cao lớn, lực lưỡng. Tuy vậy John vẫn cố để trườn qua mà không biết rằng mình đang rơi vào một cái bẫy chết người.

Vụ giải cứu tại hang Nutty Putty: nhà thám hiểm chết sau 28 giờ bị mắc kẹt chổng ngược, hang động nổi tiếng bị đóng cửa ngay sau đó - Ảnh 3.

Khu vực John mắc kẹt thậm chí còn chưa được xác định trên bảng đồ hang Nutty Putty.

Đến khi phát hiện bản thân bị mắc kẹt trong hang hẹp, John biết tính mạng mình chỉ còn treo sợi tóc. Anh không có cách nào để vòng lại, cũng không làm sao bò ngược trở ra. Thậm chí một cánh tay của John cũng bị kẹt bên dưới người. Lúc này đây, một vấn đề khác xuất hiện, phổi của John không thể lấy đủ không khí trong một không gian hẹp như vậy, anh bắt đầu vẫy vùng trong tuyệt vọng.

Em trai của John - Josh, là người đầu tiên phát hiện ra tình thế hiểm nghèo của anh. Josh cố gắng nắm vào chân để kéo John ra nhưng vị trí mắc kẹt của anh quá độc địa. Josh đành phải trèo ngược lên mặt đất, nhanh chóng gọi cho đội cứu hộ.

Vụ giải cứu tại hang Nutty Putty: nhà thám hiểm chết sau 28 giờ bị mắc kẹt chổng ngược, hang động nổi tiếng bị đóng cửa ngay sau đó - Ảnh 4.

Hơn 100 nhân viên cứu hộ đã làm việc liên tục 27 giờ trong nỗ lực cứu John thoát khỏi hang động.

John mắc kẹt ở độ sâu khoảng 30 mét so với mặt đất và khoảng 120 mét bên trong hang Nutty Putty, chính vì thế đã gây ra nhiều khó khăn, phải mất đến hàng giờ đội cứu hộ mới đến được vị trí của John.

Sau nhiều giờ lắp đặt hệ thống dây kéo ròng rọc cùng với sự tham gia của hơn 100 nhân viên cứu hộ, đã có lúc họ kéo John ra được vài mét, đủ để cung cấp thức ăn và nước uống cho anh cầm cự. 

Vụ giải cứu tại hang Nutty Putty: nhà thám hiểm chết sau 28 giờ bị mắc kẹt chổng ngược, hang động nổi tiếng bị đóng cửa ngay sau đó - Ảnh 5.

Hình ảnh dựng lại tư thế mắc kẹt của John.

Chỉ được một thời gian ngắn, hệ thống dây kéo do cắm vào vùng hang có cấu tạo bằng đất sét không chắc chắn đã bị nới lỏng ra khiến cho John lại tuột sâu vào bên trong. Lần này còn tệ hơn, anh bị treo dốc đầu xuống ở góc khoảng 70 độ. Cơ thể to lớn của John đã chiếm trọn khoang trống trong hang, chỉ còn lòi một chút xíu bàn chân ra bên ngoài. Đó cũng là lý do mà đội cứu hộ dùng hết cách cũng không tài nào đưa John ra ngoài được.

Cuộc giải cứu chạy đua với thời gian đã rơi vào tuyệt vọng. Trong khi đó tư thế dốc ngược đã làm cơ thể John kiệt quệ do anh không thể thở nổi dưới áp lực máu bị dồn thẳng về não trong thời gian dài. Khoảng nửa đêm ngày 25/9, sau 27 giờ liên tục đội cứu hộ nỗ lực tìm cách giải cứu John, anh đã không thể chống cự nổi và tử vong.

Vụ giải cứu tại hang Nutty Putty: nhà thám hiểm chết sau 28 giờ bị mắc kẹt chổng ngược, hang động nổi tiếng bị đóng cửa ngay sau đó - Ảnh 6.

Nutty Putty là một hệ thống hang động nổi tiếng và là địa điểm khám phá được rất nhiều người ưa chuộng. Hang được phát hiện lần đầu tiên được vào năm 1960, và cái tên Nutty Putty được đặt là do hang được cấu tạo bởi thành phần chính là đất sét. Vào thời kỳ hoàng kim, hang Nutty Putty mỗi năm đón đến 5.000 lượt người đến khám phá mặc cho hệ thống hang khá phức tạp và nguy hiểm.

Vụ giải cứu tại hang Nutty Putty: nhà thám hiểm chết sau 28 giờ bị mắc kẹt chổng ngược, hang động nổi tiếng bị đóng cửa ngay sau đó - Ảnh 7.

Sau cái chết ám ảnh của John và cuộc giải cứu đi vào lịch sử, chính quyền Utah cho rằng Nutty Putty quá nguy hiểm và không muốn có thêm bất kỳ nạn nhân nào phải bỏ mạng ở đây nữa nên đã quyết định đóng cửa hang động. Thi thể của John mãi mãi nằm trong lòng đất cho đến ngày hôm nay.

Năm 2016, nhà làm phim Isaac Halasima đã cho ra mắt bộ phim The Last Descent, miêu tả lại toàn bộ quá trình nghẹt thở và áp lực trong cuộc giải cứu John cũng như sự tuyệt vọng và nỗi sợ hãi mà nạn nhân đã phải trải qua.

(Nguồn: CNN, heraldextra)