Vụ bé trai 6 tuổi bị sát hại ở Sài Gòn: Quy trình tuyển bảo vệ dân phố được thực hiện như thế nào?

Tứ Quý, Theo Thời Đại 15:27 28/11/2017

Sau vụ án bé 6 tuổi bị bảo vệ dân phố có tiền sử bị bệnh tâm thần sát hại, không ít ý kiến thắc mắc tại sao lại tuyển bảo vệ dân phố có tiền sử bị tâm thần? Công an cho biết, việc tuyển bảo vệ dân phố được thực hiện theo nghị định 38/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Trước đó, khoảng 13h trưa 26/11, bé N.H.V.K. (6 tuổi, sinh sống với mẹ ruột tại đường Trịnh Đình Trọng, phường Phú Trung, quận Tân Phú) từ trong nhà mở cửa đi bộ qua tiệm tạp hóa gần nhà để mua bánh.

Lúc này, Hoàng Nhất Giang (34 tuổi, bảo vệ dân phố) đang ở trong chốt bảo vệ trên đường Trịnh Đình Trọng, nhìn thấy bé K. đi qua, Giang đã bất ngờ cầm một con dao nhỏ (loại dao giống dao cạo râu trong tiệm cắt tóc) khống chế và dùng dao sát hại bé K.. Bị tấn công, bé K. rướn người chạy được mấy bước chân thì nằm gục và chết bên đường. Còn Giang bị công an bắt giữ ngay sau đó. 

Qua quá trình điều tra, đại diện công an Q.Tân Phú cho biết Hoàng Nhất Giang có tiền sử bị bệnh tâm thần phân liệt từ năm 2005, được điều trị tại BV Tâm Thần TP.HCM. Sau thời gian điều trị, Giang được cho về nhà tiếp tục điều trị vì tình hình bệnh dần ổn định. 

Vụ bé trai 6 tuổi bị sát hại ở Sài Gòn: Quy trình tuyển bảo vệ dân phố được thực hiện như thế nào? - Ảnh 1.

Đội bảo vệ dân phố làm nhiệm vụ ở khu vực đám tang cháu K.

Thông qua sự việc trên, nhiều ý kiến thắc mắc vì sao cơ quan chức năng lại tuyển chọn người có tiền sử bị tâm thần vào làm chức vụ bảo vệ dân phố trên địa bàn phường. Bên cạnh đó, việc tuyển chọn lực lượng bảo vệ dân phố tại các phường thuộc quận trên địa bàn TP. HCM sẽ được thực hiện như thế nào để có đủ năng lực giữ gìn an ninh trật tự tại khu phố.

Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đại diện công an các quận huyện trên địa bàn TP. HCM. 

Trung tá Trần Công Vinh - Trưởng công an xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) cho hay, bảo vệ dân phố hiện chỉ có trong các phường trực thuộc quận trên địa bàn TP. Còn công an xã hiện nay không có lực lượng bảo vệ dân phố. 

Theo trung tá Vinh, trên địa bàn huyện Hóc Môn, cụ thể là Công an xã Bà Điểm hiện có lực lượng Dân phòng tự nguyện. Đây là lực lượng người dân tự nguyện tham gia để giữ gìn trật tự trên địa bàn xã, có nhiệm vụ điều tiết giao thông, không có lương. 

"Một số người nhân thân tốt, đủ sức khoẻ sẽ làm đơn xin vào, nhưng phải được UBND xã Bà Điểm và công an xã xét duyệt. Nếu phù hợp, sẽ được vào lực lượng dân phòng. Phụ cấp mỗi người là hơn 300.000 đồng/tháng", Trung tá Vinh thông tin thêm.

Vụ bé trai 6 tuổi bị sát hại ở Sài Gòn: Quy trình tuyển bảo vệ dân phố được thực hiện như thế nào? - Ảnh 2.

Bảo vệ dân phố hiện chỉ có trong các phường trực thuộc quận trên địa bàn TP.HCM.

Trong khi đó, theo Đại tá Trà Văn Lào - Trưởng công an Q.Gò Vấp, việc bổ nhiệm bảo vệ dân phố thường giao cho các Trưởng công an phường rà soát trên địa bàn những người đủ sức khỏe, nhân thân tốt và có tâm huyết về giữ gìn an ninh trật tự theo nghị định 38/2006/NĐ-CP của Chính phủ. 

"Mỗi cụm dân cư được thành lập một tổ bảo vệ dân phố. Tuỳ số lượng dân cư trên địa bàn, mỗi tổ bảo vệ dân phố có từ 3 - 7 tổ viên. Ban bảo vệ dân phố có nhiệm kỳ hoạt động là 5 năm. Nghị định cũng cho phép bảo vệ dân phố được trang bị và sử dụng vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng danh nghĩa của bảo vệ dân phố để thực hiện hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân", đại tá Trà Văn Lào cho hay. 

Đại tá Lào thông tin thêm, bảo vệ dân phố là lực lượng quần chúng tự nguyện thành lập ở các phường, chịu sự lãnh đạo của Đảng uỷ phường, quản lý điều hành của UBND phường và hướng dẫn trực tiếp của Công an phường.

Về việc tuyển chọn thì bảo vệ dân phố phải là công dân 18 tuổi trở lên, cư trú ổn định tại địa bàn; lý lịch rõ ràng, bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật. Có sức khỏe, điều kiện, nhiệt tình và tự nguyện tham gia các hoạt động xã hội và được bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo vệ an ninh, trật tự và được quần chúng tín nhiệm và được nhân dân trong cụm dân cư giới thiệu, bầu ra.

Sau khi ra đời, lực lượng này có nhiệm vụ nắm tình hình an ninh, trật tự và phản ánh cho cơ quan Công an và UBND phường có biện pháp phòng ngừa xử lý; tuyên truyền nâng cao cảnh giác, ý thức phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội.

Vụ bé trai 6 tuổi bị sát hại ở Sài Gòn: Quy trình tuyển bảo vệ dân phố được thực hiện như thế nào? - Ảnh 3.

Đội bảo vệ dân phố làm nhiệm vụ điều tiết giao thông, giữ gìn trật tự khu vực khu phố gia đình cháu K.

Trung tá Trần Văn Cảnh, Phó trưởng Công an P.Tân Thới Nhất (Q.12) cũng cho biết bảo vệ dân phố được tuyển dụng theo Nghị định 38 của Chính phủ. 

"Hiện tại phường Tân Thới Nhất hiện có 38 bảo vệ dân phố giữ an ninh trật tự trên 8 khu phố. Hầu hết bảo vệ dân phố đều được tuyển chọn từ địa phương, đảm bảo mọi quy định theo Nghị định 38 của Chính phủ", Trung tá Cảnh nói. 

Theo Trung tá Trần Văn Cảnh, mức lương của bảo vệ dân phố hiện 1,5 triệu đồng/tháng. Với mức lương so với công việc giữ gìn trật tự cả ngày lẫn đêm như vậy hiện quá thấp nên phường đã kiến nghị lên quận xem xét hỗ trợ.

Để hiểu rõ về công việc bảo vệ dân phố, trao đổi với chúng tôi anh Trần Chí Trung (25 tuổi, bảo vệ dân phố tại phường Phú Trung, quận Tân Phú) cho biết, công việc thường ngày của anh em là trực ca ở phường 4 ngày/ tuần với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Ban ngày, lực lượng bảo vệ dân phố phường phụ một số công việc lặt vặt, còn đêm chia ca đi tuần tra.

Theo anh Trung, việc xin vào bảo vệ dân phố cũng không hề đơn giản, phải qua nhiều khâu xét duyệt mới được tham gia lực lượng bảo vệ dân phố.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày