Vụ bác sĩ gốc Việt bị kéo khỏi máy bay: Khi lỗi lầm vẫn thuộc về nạn nhân

Skye, Theo Thời Đại 20:11 12/04/2017

Những chiếc váy ngắn không là căn nguyên cho việc người phụ nữ bị hiếp dâm, cũng như quá khứ từ cách đây 14 năm chẳng can hệ gì tới việc người đàn ông 69 tuổi bị đối xử đầy thô bạo khi đang sử dụng một trong những dịch vụ văn minh nhất: Hàng không.

Mấy hôm trước tôi phải tất bật đi đón em sau khi cô giáo mầm non gọi điện phản ánh rằng nó và cậu bạn cùng lớp đánh nhau trong giờ nghỉ trưa. 

Hai đứa trẻ đứng trước mặt tôi. Em tôi chỉ thẳng đứa bạn, mách rằng cậu bé kia xô nó ngã chẳng vì lý do gì. Không còn gì để chối cãi, cậu bé cùng lớp gân cổ lên cãi:

"Nhưng mà hồi trước bạn ấy lấy giấy của bạn C thì sao!" - Một lý lẽ rất đơn thuần của bọn trẻ để bào chữa cho bản thân.

Con người là thế, dù trẻ hay già, một khi đuối lý, không còn lý lẽ nào để vin vào, sẽ bắt đầu đào bới mọi dấu vết, hay sai lầm của đối phương trong quá khứ để lấy làm luận điểm với mục đích hạ bệ đối phương. Hoặc đơn giản, để mình trở nên bớt bị chỉ trích hơn bằng cách đánh lạc hướng câu chuyện sang một đối tượng khác.

Và câu chuyện đang ồn ào mấy ngày hôm nay cũng thế.

Chỉ cần Google cụm từ "United Airlines", bạn sẽ thấy câu chuyện về bác sĩ người Mỹ gốc Việt bị nhân viên hãng hàng không United Airlines trục xuất khỏi máy bay một cách thô bạo xuất hiện với hàng nghìn kết quả. Trên Facebook, Twitter và nhiều trang mạng xã hội khác, làn sóng tẩy chay đang diễn ra hết sức mạnh mẽ.

Xen giữa hàng triệu bình luận thể hiện sự cảm thông với ông David Dao, người ta lại thấy một bộ phận cư dân mạng "xấu xí" - những người lôi quá khứ của ông David Dao để bao biện cho lỗi của hãng hàng không United Airlines. Ai cũng từng lầm lỡ trong quá khứ và điều đó không có nghĩa rằng họ phải dành cả đời để sửa chữa sai lầm.

Vụ bác sĩ gốc Việt bị đánh trên máy bay - Ảnh 1.

Từ một nạn nhân, ông Dao lại phải hứng chịu búa rìu dư luận, dù quá khứ tội lỗi của người đàn ông tội nghiệp này đã xảy ra cách đây hơn chục năm.

Khi mới đọc câu chuyện của ông David Dao, tôi thấy nơi đâu cũng sục sôi sự căm phẫn, chỉ trích hãng hàng không United Airlines vì thái độ với hành khách. Tuy nhiên, lúc danh tính của vị bác sĩ người Mỹ gốc Á kia được tiết lộ, đi kèm với một câu chuyện về tiền án của ông trong quá khứ, người ta bắt đầu hoài nghi, thêu dệt lên những thứ không tưởng.

Thay vì nhớ đến vị bác sĩ David Dao là "một hành khách trả tiền đầy đủ cho United Airlines và bị đuổi xuống máy bay", người ta chỉ chăm chăm vào hình ảnh một "người đàn ông với tiền sử quan hệ đồng tính và chơi bài bạc". Rõ ràng, quá khứ của ông David Dao không có can hệ gì tới việc nhân viên của hãng hàng không United Airlines kéo người đàn ông 69 tuổi, không có khả năng chống cự một cách thô bạo như vậy ra ngoài máy bay. 

Người ta thấy nực cười cho luận điệu của đám đông xấu xí: một người từng làm việc xấu có nghĩa là cả đời họ sẽ là những kẻ đáng trách. Nếu chưa rõ câu chuyện, để tôi nhắc lại cho mọi người nhớ rằng ông Dao bị đuổi xuống máy bay vì hãng hàng không muốn nhường chỗ cho các nhân viên khác, chứ đâu có phải là vì ông vi phạm pháp luật từ cách đây hơn thập kỷ?

Đừng bao giờ đánh giá ai bởi quá khứ của họ, đây là câu chuyện của thì hiện tại, không phải của 14 năm về trước.

Vụ bác sĩ gốc Việt bị đánh trên máy bay- Ảnh 2.

Từ một nạn nhân của vụ xô xát bị tổn hại cả về thể chất và tinh thần, ông David Dao bỗng trở thành một kẻ có tội. Trong lời xin lỗi thứ hai của hãng United Airlines, ông Munoz lại lên tiếng bênh vực nhân viên của mình, đồng thời nhận xét vị bác sĩ gốc Việt là một kẻ "phiền phức và hiếu chiến".

"Phiền phức và hiếu chiến", có lẽ đến tận phút cuối cùng, CEO của hãng hàng không này vẫn cho rằng, lỗi lầm thuộc về hành khách chứ không phải những nhân viên đã thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Dường như ông Munoz đang lặp lại hành vi đổ lỗi của bọn trẻ ngày xưa, tìm một lý do khác trong quá khứ để đổi mũi dùi dư luận sang vị Bác sỹ, khiến người ta tập trung vào quá khứ sai lầm cách đây 14 năm của ông hòng cứu vớt chút hình tượng cuối cùng của một hãng hàng không tai tiếng.

Trên mạng xã hội, những người từng đứng về phía ông cũng bắt đầu hoài nghi. Từ một vài bài báo được chia sẻ, hàng loạt bình luận đã xuất hiện: "Nhưng mà ông ý cũng có hiền lành đâu", "nhỡ đâu ông ý đã làm gì trước đấy" hay "có thể ông ý đã có động thái đó không bình thường". Đau lòng hơn, có những người còn nói rằng ông bị "áp giải" xuống máy bay vì có vấn đề thần kinh!

Vụ bác sĩ gốc Việt bị đánh trên máy bay - Ảnh 3.

Nếu một người có vấn đề thần kinh, liệu họ có bị đuổi xuống sân bay một cách vô lý như vậy không khi đã yên vị trên máy bay? Theo quy định của các hãng hàng không, trong trường hợp cần người tình nguyện xuống máy bay vì tình trạng quá chỗ, những người tàn tật, nhóm thiểu số sẽ được ưu tiên nên chắc chắn họ sẽ không bao giờ lựa chọn cả. Hơn nữa, liệu hãng hàng không có dám dại dột đuổi một người mắc bệnh thần kinh xuống máy bay? Nếu trong một phút kích động và có chuyện gì xảy ra với họ, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Những tưởng đã qua rồi cái thời "vừa bị hiếp dâm vừa bị đổ lỗi", khi mà chiến dịch #Ngưngngượcđãi xuất hiện rầm rộ trên Facebook nhưng có lẽ không phải, nó vẫn còn âm ỉ, vẫn còn ở đâu đó trong mỗi cá nhân ích kỷ, nhỏ nhen, đi theo đám đông. Ông David Dao bị đổ lỗi vì có tiền án phạm tội trong quá khứ, bị quy chụp vì nghi ngờ có dấu hiệu thần kinh.

Rõ ràng, một chiếc váy ngắn chẳng can hệ gì tới việc một người phụ nữ có bị hiếp dâm hay không, và quá khứ tội lỗi cũng không là căn nguyên để người đàn ông bị đối xử bạo ngược cả về thể xác và tinh thần như vậy. 

Và vô thức, người ta đã gián tiếp bao biện cách hành xử không chấp nhận được của hãng hàng không United AirlinesTrên chuyến bay ngày hôm đó, ông David Dao là một hành khách đã trả tiền vé đầy đủ chứ không phải một kẻ tội đồ.